Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

CON GẦM GHÌ NÂU

Chim gầm gì nâu





           
                                                                                                Truyeän ngaén của HỒNG CHIẾN




Ô
ng mặt trời như chiếc chảo lửa treo chính giữa đỉnh đầu đổ cái nóng bức, ngột ngạt xuống khắp mọi nơi! Rừng cây thiu thiu ngủ, quên cả  cựa mình làm bầy chim Chơ Rao đứng trên cành há miệng thở hổn hển. Mặt Y Khuôn mồ hôi chảy thành dòng, rơi thành hạt một xuống mặt đất. Chiếc gùi sau lưng có một trái bầu khô đựng nước cũng làm tăng thêm sự nóng bức. Hết buổi sáng chủ nhật, lội khắp các cánh rừng, mỏi nhừ cả hai chân vẫn không tìm thấy bóng dáng một con  gầm ghì nào cả. Mọi năm cứ đến mùa quả cọ già, chim gầm gì kéo nhau về ăn bay kín cả mặt trời, loài chim này có hình dáng giống y bồ câu nhà, sống tít tắp trong rừng sâu chỉ đến mùa cọ có quả gần chín mới tìm về. Mỗi bầy thường phải hàng ngàn con, con nào con ấy to như con gà mái mẹ; khoác bộ lông màu nâu sẫm giống màu lông chim ngói. Chúng ăn theo bầy, vừa ăn vừa tíu tít trò chuyện như người Kinh họp chợ buổi sáng. Mùa chim tìm về ăn quả cũng là mùa săn của các chàng trai choai choai rỗi việc, nghịch ngợm. Cọ thường mọc thành rừng ở các vùng đầm lầy có nhiều lau, lách che kín gốc. Không biết chúng có từ bao giờ nhưng cao lắm, bọn trẻ không bao giờ dám trèo lên cho dù có bắn được chim mắc trên cành.
          Mùa săn – khi trời tờ mờ sáng đám con trai rủ nhau núp quanh gốc cây chờ chim về. Vì cây cọ quá cao sức bay của mũi tên lên đến mục tiêu thường sai lệch, có trúng chim cũng bay một đoạn xa mới rơi. Cứ mỗi lần có đứa nào bắn trúng, cả bọn hò hét ầm ĩ  đuổi theo tìm nhặt. Bầy chim tham ăn giật mình bay lên liệng vài vòng lại đáp xuống; nhiều con đứng im nhìn, một chốc lại tíu tít trò chuyện như không có việc gì xảy ra.
          Mọi năm là vậy, còn bây giờ người dân di cư  tự do  vào nhiều quá, chặt phá hết để làm ruộng gieo trồng nên chim không về nữa. Bực thật!
          Lâu lắm rồi bọn con trai cùng lứa với Y Khuôn, đứa nào cũng phải ghen tị tài bắn của nó. Nó đã xách nỏ vào rừng là y như hôm đó phải có thịt trong gùi vậy mà hôm nay có lẽ phải về không .
-         Gù – gì ! Gù- gì !
Thoảng như có tiếng chim gù gì đâu đó xa xa vọng lại, mắt Y Khuôn sáng lên khi phát hiện một cây cọ còn sót lại đứng bên bờ suối. Chắc ở đó rồi, mừng quá, xốc vội gùi, xăm xăm vượt qua đám ruộng nước cuốc nham nhở còn dày đặc gốc cọ bị đốt cháy đen thui. Tiếng chim kêu như  có lực hút mãnh liệt làm Y Khuôn quên cả mặt nước đầy phèn đặc quánh, nóng bỏng. Quên luôn cả ông mặt trời hừng hực lửa dội xuống đầu. Hai mắt dán chặt vào ngọn cây cọ nơi phát ra tiếng chim.
Cây cọ cao tít tắp, nhì tàu lá chỉ to như chiếc nón, chen tàu lá, từng buồng trải vươn dài rũ xuống đen đen, nhìn không rõ quả. Đậu ngay trên chùm quả, con gầm ghì đang gật gù ném vào không gian những tiếng kêu buồn buồn : gù ghì ! gù ghì !
Không biết vì sao nó lại đi chỉ có một mình nhỉ? Chẳng lẽ rừng bị phá hết nên chúng đi vào rừng xa sinh sống? Hay chúng chết hết rồi vì không còn rừng kiếm sống? Hay đây là con chim đi trinh sát trước khi gọi bầy về ăn? Mặc kệ, phải bắn nó thôi. Chiều nay về buôn thấy mình xách con gầm gì chắc bọn họ sẽ lác mắt; phải thôi, vua rừng mà!
Y Khuôn nép sát vào thân cây sung chỉ cách gốc cọ vài bước, cẩn thận ngắm vào ức. Đây là chỗ hiểm nhất của con chim, da mỏng sát ngay với diều, mũi tên chạm nhẹ cũng dính vào diều, chim đau không bay được; còn mạnh một chút chạm vào các đốt xương cổ chim sẽ rơi ngay, không bay được. Với đà bay của mũi tên, chắc chắn con gầm gì sẽ gãy cổ, rơi ngay tại gốc.
- Phựt!
Tiếng lẫy nỏ vang lên, mũi tên xé gió xuyên đúng mục tiêu. Con gầm gì cuống quýt xòe cánh cố gắng lấy thăng bằng, nhưng nó vẫn từ từ rơi xuống như một chiếc lá lìa cành. Hối hả buơn qua góc sình còn đám lau, lách chưa phát, lội qua suối, leo được lên bờ phía bên kia.Y Khuôn chợt sửng lại khi nhận ra một mái nhà tranh hai gian trát đất khá xinh xắn mới dựng. Trước nhà hai đứa bé, một trai, một gái ngồi chơi. Quay nhìn ngọn cây cọ, ước tính điểm rơi, Y Khuôn biết con chim chỉ rơi cạnh ngôi nhà này thôi; chắc bọn trẻ nhặt mất rồi. Thằng con trai chỉ bằng tuổi mình, em nó nhỏ hơn sẽ không dám gây sự đâu. Tính trước như  vậy, biết phần thắng về mình, Y Khuôn đi thẳng vào sân hỏi:
-         Hai đứa vừa nhặt con chim của mình bắn rơi phải không?
-         Không!
Thằng anh đứng dậy trả lời, còn con em dấu tay ra sau lưng, mắt nhìn như tìm vật gì rơi xuống đất. Cả hai anh em đều mặc áo chàm không có khuy nhựa, chắc là người Tày rồi .
-         Tao vừa bắn nó trên cây cọ kia, chắc chắn phải rơi ở đây.
-         Từ gốc cọ tới đây xa cả trăm mét, làm sao mày biết nó rơi xuống chỗ này ?
Bọn này thấy con chim to, ngon quá nổi máu tham ăn cướp của mình đây; phải dạy cho nó bài học mới được. Nhưng nó nói cũng có lý, làm sao có chứng cớ buộc nó phải nhận. Con chim lớn vậy, rơi xuống chắc phải có dấu để lại trên mặt đất. Tìm được dấu bọn chúng hết đường chối cãi. Nghĩ vậy Y Khuôn đưa mắt nhìn quanh sân, đám vườn được cuốc đất, làm cỏ sạch sẽ, chuẩn bị trồng.
-         A! Đây rồi.
Y Khuôn reo lên chạy lại đám đất gần giếng còn in rõ vết máu thấm vào đất và một ít lông vương vãi.
-      Chúng mày nhặt chim của tao rồi. Đưa trả đây. Ăn cướp của người khác như vậy là không tốt đâu .
-      Tại sao mày cứ bảo tao nhặt chim của mày? Chúng tao có chết đói cũng không ăn trộm của người khác, chứ thèm gì con chim.
-      Nó rơi ở đây không mày thì đứa nào vào đây nhặt? Hay con bé này nhặt? Đưa không?
       Y Khuôn sấn lại chỗ con bé đứng, nó sợ quá chạy lại níu áo anh, giọng mếu máo:
-      Anh!
-      Con kia mày đưa tay tao xem, tay phải còn dấu máu đây; chối cãi nữa không? Trả mũi tên cho tao.
       Thằng anh đứng như khúc gỗ, mặt đỏ nhừ, con em buông áo anh chạy lại nhấc chiếc chổi lấy mũi tên lên :
-   Sao anh ác thế!Con chim đẹp như vậy anh nỡ bắn nó. Anh không đi học phải không?
- Con này láo, mày dám bảo tao ngu à?
- Không phải em bảo anh vậy đâu; em nghĩ nếu anh đi học các thầy cô sẽ dạy cách bảo vệ thú rừng  thì anh không đi bắn chúng.
            Con bé ghê thật, nó nhỏ tí mà dám bắt bẻ cả mình, nhìn tướng bé tẹo thế này cùng lắm học lớp năm là cùng, phải kém mình tới ba lớp chớ không ít. Nó nói cũng có lý đấy; song muốn ăn cướp của mình nên già miệng đây. Giờ có đủ tang chứng rõ ràng, chắc chắn chúng phải trả cho mình rồi.
-   Không nói lôi thôi nữa, trả chim cho tao mau !
-   Em không lấy thật mà !
-   Láo ! Không lấy sao có mũi tên dấu ở đây? Chúng mày có đưa không thì bảo.
-   Em thả cho nó đi rồi .
-   Trúng tên của tao chỉ có chết chứ làm sao còn bay được. Hay bay vào bếp nhà mày rồi ?
-   Sao mày coi thường anh em tao thế ? Mũi tên chỉ chạm vào cánh xuyên qua phần da, con chim không vỗ cánh được nên mới rơi xa gốc cây như vậy.
-   Dấu đầu thò đuôi nhé. Anh em nhà mày có nhặt được nó mới biết nó bị thương thế nào chứ. Trả cho tao nhanh lên.
             Y Khuôn túm cổ áo thằng anh vung tay đấm một cú thật mạnh.
-   Đừng đánh nữa, nó ở đây này!
Con bé nói như khóc, giơ tay chỉ lên ngọn cây đa sau nhà, con gầm ghì đang đậu trên cành, cánh bên trái còn vết máu tím sẫm.
Em xin anh đừng bắn nó, để nó về rừng đi. Ai cũng như anh cả còn đâu thú rừng nữa.
Nhìn con bé đang cầu xin, nhìn thằng anh có vẻ cam chịu, đôi mắt buồn vời vợi,bất giác Y Khuôn thở dài hạ nỏ xuống.
-   Anh tha cho nó rồi phải không?
Con bé reo lên, chạy lại cầm lấy tay Y Khuôn giật giật.
-Ừ! Mình xin lỗi hai anh em nhé.
-   Xuỳ, xuỳ, bay đi, bay đi nào.
Con bé mừng rỡ buông tay Y Khuôn chạy lại bên gốc cây kêu ầm lên, hai tay khua loạn xạ. Có lẽ con gầm ghì cũng hiểu được tiếng người, nó vỗ cánh lao vút lên trời xanh, nhằm ngọn núi cao bay tới. Ba đứa đứng nhìn nó bay, bay mãi cho đến khi nhỏ dần, nhỏ dần và lẫn vào bóng núi.
                                                                             06 /07/2004

                                                                            

5 nhận xét:

  1. Những câu chuyện đầy tình người và có tính giáo duc, mảng đề tài về núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ có muôn hoa, muôn thú..., với những cái tên đông bào H, Y... thật dể thương... Hay lắm người viết truyện...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn cô giáo đã ghé thăm và động viên chủ nhà.
      Chúc ngày mới vui vẻ nhé!

      Xóa
  2. 1-"HOÀNG CHIEÁN"?
    2- "Con gầm gì", có lẽ GẦM GHÌ thì mới đọc ra GHÌ, chứ ghi vậy, đọc thành GÌ (dì) mất. Có phải ko nhỉ? Nl lại le te "vải thưa che mắt thánh" rồi.hihi

    Trả lờiXóa
  3. Ô, bây giờ Sóc nâu mới biết là có con chim tên là Gầm Ghì đấy ! ngộ nhỉ ! dạo này bài của HC có hình ảnh minh họa sinh động quá, thế mới biết con Gầm ghì trông như thế nào ! hi hi :)

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI