Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

VÀI NÉT VỀ VĂN HOÁ DÂN GIAN CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN KRÔNG NĂNG tác giả NGỌC MUỘN - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 302 - THÁNG 10 NĂM 2017

TRANG CHUYÊN ĐỀ NHÂN KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP
HUYỆN KRÔNG NĂNG (1987 – 2017)




Huyện Krông Năng là một địa bàn chiến lược quan trọng của tỉnh Đắk Lắk, có nhiều tiềm năng để phát triển về kinh tế, văn hóa, du lịch... Trong thời điểm hiện nay, việc giải quyết các vấn đề cơ bản về kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm thì việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá của cộng đồng các dân tộc trong huyện được xem là một nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng vùng văn hóa Krông Năng - Đắk Lắk - Tây nguyên trong nền văn hoá Việt Nam đa dạng, đậm bản sắc dân tộc.
Với 24 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn 12 xã, thị trấn, đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu, chứa đựng nhiều giá trị riêng về văn hóa của từng dân tộc trong cả cộng đồng dân cư. Chính điều này tạo cho Krông Năng có một hệ giá trị tinh thần phong phú, đa dạng có thể thúc đẩy phát triển văn hóa du lịch, góp phần ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Để có cái nhìn tổng quát về hoạt động văn hoá của các dân tộc thiểu số ở Krông Năng, có thể chia ra thành hai nhóm: Nhóm bản địa (còn gọi là dân tộc tại chỗ) và nhóm chuyển cư từ các vùng miền trên cả nước.
Đồng bào tại chỗ trên địa bàn huyện Krông Năng đại đa số là người Êđê thuộc nhánh Êđê Adham, cũng một số ít tự nhận mình là Êđê Bih. Họ có phong tục tập quán và hệ thống lễ hội dân gian truyền thống cơ bản như cộng đồng Êđê. Các lễ hội theo lễ nghi nông nghiệp và vòng đời người được duy trì thường xuyên. Hàng năm, lễ cúng bến nước, lễ cúng được mùa, cúng về nhà mới… tuy có thưa dần nhưng vẫn còn tổ chức tại các buôn. Nhiều điệu múa dân gian được phục dựng để phục vụ các lễ hội và biểu diễn trong các dịp sinh hoạt cộng đồng. Đội nghệ nhân buôn Wiâo đã từng đạt nhiều huy chương vàng liên tục trong các năm gần đây ở cấp tỉnh và khu vực, được vinh dự mời đi tham gia giao lưu ở Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô - Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hành trình di sản văn hóa tại Quảng Nam và tham gia giao lưu văn hoá Việt Nam - Thụy Điển tại thủ đô Hà Nội ...
Theo số liệu điều tra mới đây thì tại huyện Krông Năng có hơn 72 bộ chiêng quý với tuổi thọ trên 100 năm và hàng trăm bộ chiêng khác; đây là một kho tài sản vô cùng quý giá đang nằm trong các gia đình mẫu hệ Êđê; nhiều nghệ nhân tự chế tác ra các loại nhạc cụ như đàn Goong, Đing Tut, Ching Kram… các làn điệu dân ca như Eiray, hát K’ưt, các bài cúng, bài chiêng và các điệu múa; đặc biệt điệu múa: Mkăm Prôk là một giá trị nghệ thuật độc đáo riêng có của buôn Wiâo – Krông Năng mà không nơi nào trên địa bàn Đắk Lắk có được (Mkăm có nghĩa là: Tụ tập, đông người. Prôk có nghĩa: con sóc). Tên gọi của điệu múa một phần đã giải thích: Đây là một vũ điệu đông người, còn động tác của các thiếu nữ tham gia thì thoăn thoắt như con sóc rừng. Hình ảnh chàng Đăm San đại diện cho khát vọng sức mạnh, tay cầm khiên, tay cầm đao, giương oai, biểu diễn võ thuật đã được thể hiện rõ trong điệu múa của Lễ bỏ mả... Đây là một giá trị nghệ thuật đã được gìn giữ và bảo tồn vì hiện nay lễ hội bỏ mả đã thưa dần và có nguy cơ mất đi…
Ngoài dân tộc bản địa Êđê, huyện Krông Năng cũng có nhiều dân tộc khác chuyển cư từ các tỉnh thành trong cả nước đến đây làm ăn sinh sống.
Nhóm văn hóa Tày – Nùng (tập trung chủ yếu tại xã Ea Tam và các vùng lân cận) , nhóm văn hoá Thái - Mường tại xã ĐliêYa và rải rác khắp nơi trong huyện.
Tại xã Ea Tam, vào dịp rằm tháng giêng hàng năm đều tổ chức lễ hội văn hoá dân gian Việt Bắc. Đây là một lễ hội lớn thu hút ước tính hơn 10.000 lượt khách tham gia, tạo nên một nét văn hoá riêng mang đậm bản sắc của các dân tộc phía bắc chuyển cư vào Krông Năng làm ăn, sinh sống; các trò chơi dân gian như tung còn, đi cà kheo… xen lẫn với các trò chơi hiện đại tạo ra sân chơi bổ ích cho người tham gia lễ hội .
Đồng bào dân tộc Thái chuyển cư, đến sinh sống tại các xã ĐliêYa, Phú Xuân, Phú Lộc, Ea Tân, Tam Giang, Ea Dăh. Họ đã mang theo phong tục tập quán và những nét văn hoá riêng của họ, các nghi thức, lễ thức chính vẫn được duy trì. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống vẫn còn lưu giữ với những hoa văn, họa tiết mang sắc thái riêng, đặc biệt có những nghệ nhân đã đạt giải cao trong hội thi; Đội nghệ nhân khua Loóng của thôn Ea Krái xã ĐliêYa đã được biết đến nhờ có các tiết mục biểu diễn xuất sắc trong các hội thi gần đây.
Tuy nhiên, cũng giống như các địa phương khác trong tỉnh, giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Krông Năng cũng đang có nguy cơ bị mai một dần, một số ít giá trị còn có nguy cơ mất hẳn hoặc thất truyền; số lượng cồng chiêng ngày càng ít, lực lượng nghệ nhân có kinh nghiệm truyền dạy những bài chiêng cổ hầu hết đã lớn tuổi và mất dần theo năm tháng, nguy cơ thất truyền là không thể tránh khỏi; một số đông đồng bào theo đạo không còn sử dụng cồng chiêng và đã bán với giá rẻ, việc truyền lại cho lớp trẻ còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Các lễ hội truyền thống được tổ chức nhưng đã có sự tham gia của các phương tiện hiện đại vào lễ hội dân gian. Một số nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc tại các buôn Êđê quanh địa bàn thị trấn Krông Năng, xã Ea Hồ… đã quá lớn tuổi trong khi lực lượng trẻ đa số không mấy mặn mà với các nhạc cụ cha ông để lại mà tìm đến với nhiều phong cách của nền âm nhạc hiện đại, các hội thi, hội diễn, liên hoan vẫn chưa tìm ra được nhân tố trẻ mới …
Việc đầu tư kinh phí từ các đề án để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cho đồng bào các dân tộc khác trên địa huyện tuy có sự quan tâm nhưng vẫn chưa đủ mạnh; các hội diễn, hội thi, liên hoan chủ yếu là sự tham gia tự nguyện của quần chúng nhân dân, vì vậy, việc khai thác, bảo tồn phát huy vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Mới đây, Nghị quyết về phát triển du lịch huyện Krông Năng giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành đã mở ra một thời kỳ mới cho việc bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc gắn với việc phát triển du lịch trên địa bàn. Danh thắng quốc gia Thác Thuỷ Tiên và một vài cảnh quan thiên nhiên được quan tâm, chú trọng đưa vào các tour du lịch. Bên cạnh đó, hình thức du lịch homestay (du lịch xanh) lưu trú tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc, khám phá những giá trị văn hoá tinh thần sẽ là cầu nối cho việc phát huy giá trị văn hoá. Những bài chiêng được biểu diễn trong nhà dài cạnh những ché rượu cần ngây ngất men say; các món ẩm thực dân gian truyền thống, những điệu múa, lời ca, tiếng nhạc là điểm nhấn không thể thiếu cho du khách, bên cạnh đó, các nghệ nhân có một phần kinh phí để duy trì và phát triển một cách thường xuyên.
Xây dựng, tổ chức hoạt động mô hình thôn, buôn kiểu mẫu gắn với du lịch cộng đồng; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa cồng chiêng trong sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, trong các hoạt động văn hóa du lịch cũng là một trong những nội dung chính mà huyện Krông Năng đang triển khai thực hiện để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân gian truyền thống trên địa bàn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI