Bút ký
Nằm sát nách thành phố Buôn Ma
Thuột, tỉnh lỵ của Đắk Lắk chừng 20km, nhưng buôn Nui bây giờ lại thuộc về huyện
Cư Jut của tỉnh Đắk Nông. Đây là buôn làng Ê Đê mà tôi gắn bó từ những ngày mới
đặt chân đến Tây nguyên. Thi thoảng, nhớ một đêm rượu cần hay thèm nghe một giọng
chiêng trầm hùng hoặc đơn giản là muốn nằm nghe tiếng mưa đêm rơi trên những mái
nhà cũ kỹ, tôi lại về buôn Nui.
Lần này, tôi
ghé về thăm để ngồi dưới tán cây cổ thụ mát rượi trong buôn, nghe già làng Ma
Sim khái quát lại tình hình: Buôn Nui hôm nay có 252 hộ, với gần 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Ê
Đê. Buôn Nui là buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đầu tiên của huyện Cư Jút
đạt danh hiệu Buôn văn hóa, khoảng 60% số hộ có điều kiện kinh tế khá và giàu,
40% số hộ đã mua sắm được phương tiện nghe nhìn, nhiều hộ có xe gắn máy, xe cày
càng và máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; 80% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn
gia đình văn hóa. Buôn Nui cũng là một trong những buôn làng bảo tồn và duy trì
các lễ hội, các ngành nghề truyền thống của cha ông như: lễ cúng lúa mới, cúng
bến nước, rước K’pan và duy trì, truyền dạy cho con cháu nghề dệt thổ cẩm, cách
đánh chiêng, cách chế tác và sử dụng nhạc cụ Đàn Brố, Ching Kram và Đàn Goong để
bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của người dân tộc Ê Đê…
Tôi gặp buôn Nui, lần đầu tiên, cách
đây đã hơn 20 năm.
Đó là vào mùa hè năm 1995. Thi
xong môn cuối cùng của năm học thứ nhất, tôi và anh bạn cùng lớp nhà ở tận Buôn
Hồ ra vẫy xe đi luôn vào Tây nguyên.
Bao nhiêu lạ
lẫm diễu qua ngoài cửa kính, hết đèo cao vực sâu lại đến ruộng đồng. Tôi chập
chờn mơ mộng theo những đường cua, theo những đám mây ủ trắng đầu đèo núi Mang
Yang, An Khê của Gia Lai. Đến Tây nguyên rồi! – anh bạn reo như trẻ nhỏ. Bên
ngoài cửa xe là Tây nguyên điệp trùng rừng núi giữa mùa mưa tháng sáu. Khó mà tả
lại cái cảm giác của một người đang sống giữa chảo lửa gió Lào xứ Nghệ lại bất
ngờ được đi giữa một quãng đường đầy sương trắng xuyên qua giữa đại ngàn! Quốc
lộ 14 ngày đó còn ít xe qua lại nên vắng và đẹp. Những trảng rừng thông trầm mặc
đứng lặng lẽ trong mưa.
Qua cầu 14, tôi xuống buôn Nui, đã
dặn đi dặn lại bác tài xế giọng miền Nam vui tính thế rồi mà xe vẫn quá đi hơn
cây số, là thị trấn Ea T’Linh của huyện Cư Jút bây giờ. Tôi một mình đánh bộ vào
buôn Nui, nơi mà tôi chưa bao giờ đặt chân đến, nơi đó, vợ chồng chị gái tôi đang
sống. Lần đầu tiên đặt chân đến một buôn làng người đồng bào Tây Nguyên bản địa,
cứ thấy lạ và sợ! Nhà chị gái nằm ngay góc ngã tư chính giữa buôn Nui với một
quán hàng tạp hóa nhỏ xíu nhưng đủ các loại hàng hóa từ thức ăn đến bánh kẹo và
thuốc tây! Ba đứa cháu nhỏ đang học tiểu học hoặc mầm non đều nói tiếng Ê Đê như…
gió! Ngày đó chưa tách tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông như bây giờ, Cư Jút là một huyện
gần trung tâm, nằm sát nách thành phố Buôn Ma Thuột, buôn Nui nằm lặng lẽ bên dòng
Sêrêpốk hoang dã chảy ngược đại ngàn.
Những đêm mùa hè, trẻ con không
phải học bài, thanh niên người lớn sau một ngày làm việc mệt nhọc tập trung đến
đông chật nhà chị gái tôi chơi. Anh rể vốn ham khách khứa, đặt một cái bàn bằng
gốc cây ngoài sân cho người già ngồi uống nước. Trước thềm đặt một chiếc tivi gắn
đầu chiếu phim. Ai uống nước nói chuyện cứ nói, ai xem phim cứ xem. Tôi được
may mắn hòa mình vào những câu chuyện bất tận của các già làng buôn Nui từ những
ngày tháng đó. Già ama Mên nói về những vạt rẫy cạnh sông Sêrêpốk dù đất tốt nhưng
còn phải đợi lâu lâu nữa mới đủ nước để gieo, già ama Rănh thì kể về những ngày
tháng oanh liệt khi còn đi làm du kích, một mình vác nguyên con heo rừng về cho
bộ đội cải thiện trước trận đánh… “Ờ, cũng khoảng đầu mùa mưa như bữa nay đây,
chúng tao gùi gạo qua sông vào Buôn Ma Thuột cho bộ đội… Ờ, cũng chừng như bây
giờ, mà không, muộn hơn chút nữa, đội du kích chúng tao vào Buôn Đôn…” Bao nhiêu
là chuyện, những câu chuyện ấy đã mê hoặc tôi, vẽ ra trong trí tưởng tượng còn
tươi mới của anh sinh viên năm thứ nhất những hình ảnh hùng vĩ của núi rừng. Tôi
ngồi nghe, cứ tưởng những ama Mên, ama Rănh chính là Đam San, Xinh Nhã từ trong
trang sách bước ra, vui tính và oai hùng. Ngay từ ngày đó, tôi đã biết rằng, rồi
đây, mình còn phải trở lại buôn Nui nhiều lần nữa, không chỉ vì ở đó có người
thân mà vì câu chuyện của rừng đã ám ảnh tôi.
Ama Mên nói:
- Thằng sinh viên miền Bắc, mày có
ưng uống rượu cần không?
Trời ơi, rượu cần thì tôi nghe nói
đến rồi, nhưng uống thì chưa lần nào. Già nói: Tối mai đến nhà mình uống rượu!
Ché rượu được buộc ngay cạnh bếp. Tôi bước vào thì đã có mấy người khách nữa, cũng
là người trong buôn cả. Lần đầu tiên uống rượu, lại là rượu cần, tôi rón rén quỳ
bên ché. Chủ nhà động viên vui vẻ: Ồ, cái thằng này, nó chưa biết uống rượu! Cũng
do “chưa biết uống rượu” nên tôi chỉ phải uống hai sừng. Vị đậm, ngọt, nuốt vào
rồi cứ vương vấn nơi cổ họng. Làm xong một hơi, mắt tôi hoa lên. Lửa trong bếp
nhảy múa, những người ngồi quanh ché rượu cũng đang rập rờn nhảy múa. Tôi dựa lưng
vào cột, nghe hơi rượu chạy khắp người, rồi ngủ lúc nào không biết.
Khi tôi tỉnh dậy thì cuộc rượu đã
tàn, một vài người đã về, còn lại chủ nhà và một ông khách vẫn đang rì rầm nói
chuyện với nhau. Họ nói với nhau những gì, tôi không hiểu. Thấy tôi mở mắt, ama
Mên nói: “Ô cái thằng này, say nhiều quá đấy!”. Rồi lại tiếp tục câu chuyện đang
dang dở. Ngoài vách nhà sàn, trời đêm đang lác đác mưa… Trên chái, một chú tắc
kè hoa nào đó thỉnh thoảng lại kêu lên những tiếng rời rạc trong đêm vắng. Đâu đó
từ ngoài bến nước bờ sông Sêrêpốk vọng về tiếng con chim rừng kêu tha thiết. Những
chiếc gùi, quả bí khô lủng lẳng bên cạnh, lủng lẳng trên giàn bếp hình như cũng
đang thầm thì những câu chuyện riêng mà chỉ có chúng biết với nhau. Cho đến mãi
về sau, khi đã nếm nhiều thứ rượu khác nhau trên đời, tôi vẫn không thể nào quên
đêm rượu cần đầu tiên ở buôn Nui. Ama Mên nói đùa: “Mày biết say rượu cần rồi mới
biết say con gái ÊĐê được!”
Như bao nhiêu
buôn làng khác những năm đầu thời kỳ đổi mới, buôn Nui trong tôi là những căn
nhà sàn bằng gỗ bạc màu mưa nắng, là những gương mặt hồn hậu thân tình và rất đỗi
gần gũi. Thu nhập chủ yếu từ việc trồng cây cà phê và các loại cây ngắn ngày như
bắp, đậu và cả lúa nước. Người Ê Đê ở buôn Nui ít nói nhưng dễ gần và rất tình
cảm. Những ngày hè, tôi và những đứa bạn mới quen lang thang ra chơi ngoài những
chân ruộng vừa mới gặt, rồi quay về bến nước bên bờ sông Sêrêpốk tắm. Vào bên
trong là buôn Buôr, một buôn làng còn nhiều nét cổ xưa so với buôn Nui. Đứng trên
dốc cạnh con đường, nhìn thấy những mái nhà gỗ nằm chênh vênh bên dốc, nhưng tôi
không dám vào. Khi cảm giác lạ lẫm không còn nữa, ban đêm, đám bạn chúng tôi rủ
nhau đi bộ ra cầu 14 chơi. Tôi kể cho H’Nhung, H’Miên nghe về miền Trung xa xôi
bỏng rát gió Lào quê tôi, về những ngọn núi đá vôi sừng sững, về những bãi biển
ngày hè đông nghịt người, về những buổi học mụ mị hết cả đầu trên giảng đường đại
học. Những người bạn mới quen, hầu hết chỉ học hết cấp hai là nghỉ về làm rẫy,
không thể hình dung được là tại sao lại phải học nhiều và khó đến thế! Tuổi thơ
của H’Nhung là theo amí vào rừng rồi lên rẫy, còn nhỏ thì hái hoa bắt bướm, lớn
hơn một chút thì nhổ cỏ, tỉa lúa, dệt vải. H’Miên thì mơ mộng: “Có khi nào chúng
mình được đi ra miền Bắc, được xuống biển chơi nhỉ!”
Những ngày hè trôi qua thật
nhanh, tôi quay về trường, nơi đó, những môn học đại cương rắc rối đang đợi tôi.
Trong túi xách của tôi có một bông hoa rừng màu đỏ mà tôi chưa từng biết tên của
H’Nhung gửi tặng. H’Nhung nói: “Tặng anh mang về Bắc để mà biết nhớ buôn Nui…”.
***
Hơn hai mươi năm rồi, lưu lạc nhiều
nơi, bước chân đã kịp in dấu hầu khắp trên các buôn làng Tây nguyên rộng lớn, từ
Gia Lai, Kon Tum đến Đắk Lắk, Lâm Đồng, tôi vẫn chưa khi nào hết thương nhớ buôn
Nui. Hôm nay trở lại buôn Nui, tôi lại được sống lại với những kỷ niệm còn tươi
mới của mùa hè đầu tiên ấy. Đường vào buôn bây giờ đã láng nhựa thênh thang. Những
căn nhà quen thuộc hai bên đường đã khoác thêm một sự đổi thay. Nhà Ma Nhúi, nhà
Ma Rum đã cất thêm những căn nhà xây kiên cố bên cạnh nhà sàn cũ. Hầu như nhà nào
cũng có thêm nhà xây. Tôi dạo bộ giữa buôn Nui như một người lâu ngày về lại chính
quê mình để nhìn, để nghe những sự đổi thay của buôn làng trong hơn hai chục năm
qua.
Giọng già làng Ma Sim vẫn sang sảng,
kéo tôi quay về thực tại:
- Mình được huyện gọi là nghệ nhân
tiêu biểu của người Ê Đê đấy nhá!
Hỏi thêm thì mới hay: Lâu nay, già
Ma Sim vẫn thường xuyên tham gia lớp truyền dạy đánh chiêng do huyện tổ chức. Đây
là một trong những hoạt động thường xuyên mà Phòng Văn hóa thông tin huyện tổ
chức nhằm mục đích bảo tồn và phát huy bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số
trong toàn huyện. Nhà của già Ma Sim cũng đồng thời là nơi mà các thành viên
trong đội chiêng trẻ thường xuyên đến học cách đánh chiêng. Thấy khách lạ, những
“nghệ nhân trẻ” ngượng ngịu cười chào khách rồi lại miệt mài tiếp tục công việc
của mình.
Mừng cho già
Ma Sim, mừng cho buôn Nui của tôi, sau mấy chục năm vẫn tha thiết tìm về cội
nguồn văn hóa của dân tộc mình. Tôi đã đi nhiều nơi trên mảnh đất Tây nguyên này,
không phải buôn làng nào cũng đủ “sức đề kháng” để đứng vững trước thứ văn hóa
ngoại lai đang ào ạt đổ vào. Nhiều buôn làng ở Buôn Ma Thuột đã tan biến vào
trong đô thị cao tầng vôi vữa. Buôn Nui, như một chàng dũng sĩ bước ra từ trong
sử thi, điềm đạm, tự tin và đầy kiêu hãnh đứng vững chãi bên bờ sông Sêrêpốk ngày
đêm ào ạt.
Tôi một mình
đi ra bến nước. Như bao nhiêu buôn làng ÊĐê khác, bến nước là vật thể văn hóa hữu
hình không thể thiếu vắng của buôn Nui. Đường xuống bến nước ven sông rợp bóng
cây. Mùa này, nước sông chưa dâng cao, lũ trẻ đang tắm, những amí giặt đồ ven bờ.
Tiếng nước tràn qua ghềnh đá xen lẫn tiếng nói cười vui vẻ, dưới sông, vài chiếc
thuyền độc mộc lặng lẽ nép vào bờ nhìn nước sông băng băng đi ngược đại ngàn…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI