Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

BIẾN MẤT - tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO - CHƯ YANG SIN SỐ: 303 - THÁNG 11 NĂM 2017







Truyện ngắn



Thầy mất.
Tôi ngồi bên Hạ suốt ba ngày ba đêm liền, dù Hạ không rời khỏi chỗ ngồi của mình ở góc phòng, nhưng tôi cứ sợ chỉ cần tôi rời mắt khỏi Hạ, thì nó sẽ biến mất như nó vẫn luôn nói trước đó. Thỉnh thoảng tôi ôm lấy nó, an ủi:
- Thầy đi rồi! Thầy rời thế giới khổ đau này rồi, mừng cho thầy, Hạ à!
Nó chẳng trả lời tôi, nhưng sau những câu an ủi đó, tôi thấy nước mắt nó rơi xuống, rồi một lát sau lại ráo hoảnh. Dường như Hạ không còn khóc được nữa, nó cũng không đủ sức đứng lên để ra khỏi góc phòng. Hạ sợ mình ngã, vì không tìm thấy điểm tựa. Đôi khi, một góc tối lại trở nên vô cùng quan trọng.
Trong vòng một tháng trước, Hạ thỉnh thoảng gọi tôi, nói những câu không đầu không cuối, như có gì đó chán chường, như buông bỏ. Rồi Hạ lặp đi lặp lại câu hỏi, “liệu, tao biến mất khỏi thế giới này, được không?”. Cứ sau mỗi lần nó hỏi câu đó, tôi hét lên, “con điên!!!” trong điện thoại, vội vàng dập máy rồi lao đến ngồi bên nó, có lúc nó khóc, nhưng cũng có lúc nó bỗng cười như phát dại, “mày sợ tao chết đến vậy à?”. Tôi tức giận nhìn nó, nó chặc lưỡi, “ba tao chưa chết, tao chết sao được!”.
Thầy đông con, Hạ là con gái út của thầy, tôi chơi thân với Hạ từ khi nào không nhớ, những nét chữ đầu tiên của tôi cũng nhờ thầy dạy cho, nên tôi coi thầy cũng như ba mình. Với Hạ thì hơn vậy, thầy là tượng đài không thể nào sụp đổ và mất đi, bởi năm người anh trai của Hạ, lần lượt bòn rút tới tận cùng niềm tin và nỗi đau của những người còn lại trong gia đình. Hạ từng nghĩ rằng, nếu cha mất, ngôi nhà của Hạ sẽ biến mất, thậm chí cả Hạ, cũng biến mất như chưa hề tồn tại.
Trước năm 1975, thầy là người học cao nhất ở vùng đất này. Sau biến cố đó của đất nước, thầy được làm một ông giáo làng với đồng lương không đủ nuôi năm sáu miệng ăn. Khi Hạ ra đời, thầy quyết định nghỉ việc ở nhà nuôi heo và nấu rượu. Thời đó nấu rượu bị cấm, thầy phải đào hầm để giấu những thạp cơm ủ đang lên men. Đàn heo lớn nhanh như thổi nhờ hèm (thứ cơm rượu còn lại sau khi đã được chưng cất), nhờ đó mà thầy vực được kinh tế của gia đình, sáu anh em của Hạ đều được đến trường. Hạ là con gái duy nhất, lại con út, được thầy thương nhiều nhất, vì vậy, khi chơi thân với Hạ, thầy thương luôn cả tôi.
Người ta nói thầy không có phước hưởng, con đông, lại là con trai, nhưng lại sống càng về cuối đời càng cơ cực. Năm người anh trai của Hạ dù được đi học nhưng không lo học mà chỉ chơi bời lêu lổng theo đám bạn bụi đời không có tiền đi học. Thầy bất lực dùng đủ mọi cách răn đe mà không được, người ta chê ông giáo làng không dạy nổi con mình thì còn dạy ai.
Rồi sét đánh trong một chiều muộn, người ta nói người con trai lớn bị công an bắt vì tội giết người, thầy gắng gượng đứng dậy, xua tay “nó bị oan thôi, chắc chắn nó bị oan”. Năm lần bảy lượt thầy xin để được vô trại tạm giam gặp con nhưng đều bị từ chối.
Ngày ra tòa, thầy nhào tới cái vành móng ngựa, nói như van lơn, “nếu oan, con hãy nói là oan, nói sự thật, nghe con!”. Nhưng thầy đổ sụp dưới hàng ghế trong phiên tòa đó, mắt trợn trắng, chỉ ú ớ mà không thể nói được. Dù các bác sĩ đã đưa thầy về từ cõi chết, thì thầy cũng chỉ được sống với đôi tay và cái đầu lúc nhớ lúc quên, phần còn lại hoàn toàn bất động. Tai thầy vẫn còn văng vẳng lời khai của con mình, rằng nó giết người, giết một cách rất dã man, tai thầy vẫn còn nghe câu tòa tuyên án, “tử hình”. Từ đó, bốn đứa con trai còn lại cũng biến mất khỏi thầy, khỏi địa phương như chúng chưa từng tồn tại. Nhà chỉ còn thầy và Hạ. Thỉnh thoảng, tôi sang chơi nữa, thì nhà cũng chỉ có ba người. Lặng ngắt.
Suốt hơn mười năm thầy nằm một chỗ, Hạ đưa giường của thầy ra gần cửa sổ, buổi sáng, Hạ kéo rèm lên để thầy có chút nắng, trưa chiều thầy cũng có thể nhìn ra bên ngoài, nơi có những con chim bay qua, nơi có những áng mây lững lờ trôi. Hạ đem về cho thầy rất nhiều sách để thầy đọc, nhưng càng về những ngày cuối, thầy không đọc nữa, thầy hay nhìn ra bên ngoài, chỉ là nhìn một cách mơ hồ. Còn trong lòng Hạ thì cứ sục sôi với ý nghĩ thầy mà chết, Hạ cũng sẽ biến mất. Hạ không rõ lắm mình sẽ biến mất bằng cách nào, nhưng trong đầu Hạ hai chữ đó xuất hiện rất thường xuyên, giống như có một giọng nói nào đó nói vào tai Hạ. Tôi rùng mình nhìn thầy và Hạ, lòng chỉ thầm ước, “nếu thầy có đi, xin thầy, hãy bảo vệ Hạ!”.
Đưa thầy đi rồi, ngày thứ ba, tôi phải chạy đôn chạy đáo chợ búa làm cơm để cúng và mời bà con chòm xóm trong ngày “mở cửa mả”. Hạ vẫn ngồi trong bóng tối. Tôi cảm thấy mình quá sức khi cứ vừa lay hoay trong bếp vừa phải trông chừng Hạ. Nhưng bây giờ trong đầu tôi, hai từ “biến mất” nó còn vang lên lớn hơn cả những gì mà Hạ hay nói với tôi trước đó. Khi người thầu làm mộ của thầy vào nhà bảo là mộ đã hoàn thành, họ cần lấy tiền, thì Hạ đứng bật dậy từ trong góc tối mà Hạ đã ngồi suốt mấy ngày qua, tôi giật mình, trấn an nó, “tao biết tiền để đâu mà, để tao trả cho!”. Hạ chẳng nói gì đến tiền, Hạ đứng thẳng, nhìn thẳng vào mắt tôi, tôi nghe da gà chạy dọc sống lưng, trong mắt nó, hình như có một hình ảnh của ai khác, “mày ở lại, nghen!”. Rồi chẳng đợi tôi kịp trả lời, nó đi vụt qua tôi, đi thẳng ra cửa. Tôi hoảng hốt níu tay nó lại, “Hạ, Hạ, không được, mày đợi đã!”... Nó dợm chân đứng lại. Tôi lắp bắp, “mày đứng đó, đợi, đợi tao, không được đi đâu, nghen!”.
Tôi đếm tiền trả cho thợ xây, rồi lay hoay trả lời người này người kia mắm muối bột ngọt để đâu, hay món nào dọn lên bàn nào, món nào dọn lên bàn thờ? Tôi nghe đầu mình ong lên, hoa hết cả mắt. Khách khứa đã đến khá đông đủ, tôi bỗng giật mình, Hạ, Hạ đâu?
Tôi hét thất thanh chạy nhanh ra cổng, ngó quanh, lớn tiếng gọi, “Hạ, Hạ!”. Tôi vừa gào vừa khóc, kêu mọi người đi tìm Hạ, cả nhà và khách mời bỗng nháo nhào lên, đổ ra khắp nơi tìm, dù có vài người hoài nghi và an ủi tôi “nó đi đâu đó thôi, nó lớn rồi, con lo làm gì?”. Chỉ có cổ họng tôi nghẹn đắng, Hạ biến mất thật rồi!
Bữa cơm trưa dọn lên chưa ai kịp ăn, chủ nhà biến mất đột ngột và khách thì chia nhau đi tìm. Tôi gần như hoảng loạn, tôi không biết mình nên tìm Hạ ở hướng nào. Đến khi tôi gần như tách hẳn khỏi đám đông ồn ào, tôi mới sực nhớ được một nơi Hạ có thể đến đó.
Hạ ngồi trước mộ thầy, hét lên rất to, “Ba à, nếu con không hét lên thì con chết mất, nếu con không biến mất khỏi trái đất này thì làm sao con giữ nổi cái bí mật khủng khiếp này cho hết cuộc đời, hả ba?”. Tôi lùi lại phía sau, ôm ngực ngồi xuống, chỉ sợ mình xuất hiện, Hạ sẽ lại nín lặng và trốn khỏi tôi. Hạ nằm dài, ôm ngôi mộ vừa xây của thầy, sơn và xi măng chưa kịp khô, dính đầy lên tóc, lên người Hạ. Nó khóc nấc: “Ba ơi, tha thứ cho anh hai! Anh hai không có lỗi, vì cứu ba mà anh hai mới làm vậy, ba ơi!”.
Tôi nghe như có một cú đập nào đó nện thẳng vào ngực mình, tại sao như vậy, anh ấy đã chết trên pháp trường một cách oan uổng hay sao? Tôi không chịu nổi nữa, vùng đừng dậy, chạy lại nắm hai vai của Hạ.
- Mày nói gì, nói gì hả Hạ? Tại sao?
Hạ thảng thốt nhìn tôi, nó hất tay tôi ra, vùng chạy. Nhưng đằng sau nó, bốn người anh trai còn lại của Hạ đang đứng thành một hàng ngang, đầu chít khăn tang.
- Em cứ nói đi, út à, nếu đó là điều em muốn nói! Ba cũng cần biết sự thật mà!
Năm anh em đốt nắm nhang, quỳ lạy trước mộ thầy. Từng lời kể như những nhát dao đâm thẳng vào ngực tôi. Cảm thấy rằng sức lực mình có giới hạn, không thể nào chịu đựng được nỗi đau đang phơi bày trước mắt.
Ba có biết, sao cái ngày anh hai bị bắt, má cũng đi luôn không? Cái người anh hai giết, thiệt ra là cả năm anh em cùng đánh chết ổng, chính là nhân tình của má. Nhưng ổng chỉ lợi dụng má để rình mò bắt quả tang ba nấu rượu, để lập công và để hại gia đình mình.
Nửa đêm ba soi đèn để đi kiểm tra từng thạp cơm rượu đang ủ, thì ổng trèo lên mái nhà, vạch mái tranh để rình. Anh hai đi chơi về bắt được, đã cùng mấy anh em còn lại lôi ra ngoài đồng vắng rồi đánh ổng. Nhưng anh hai lỡ tay, ảnh lỡ tay, ba ơi, ảnh không có cố ý giết người, nhưng mà nếu khai ở tòa lỡ tay, thì tòa sẽ hỏi còn ai tham gia nữa không, nên ảnh phải khai là ảnh cố ý. Ảnh đứng ra chịu tội một mình. Anh hai nói thà ảnh hi sinh làm một đứa con hư, vì dù sao ảnh cũng là con hư rồi, chớ để ba biết sự thật về má, về những gì ảnh đã làm vì ba, thì chắc ba không thể nào chịu đựng nổi.
Nhưng mà, tụi con sai, tụi con sai rồi, ba ơi!
Năm mái đầu trắng khăn tang ngồi trước mộ thầy suốt buổi chiều cho tới khi mặt trời tắt hẳn. Những nén nhang liên tục được thắp lên nhưng hình như không ai có ý định trở về nhà. Nhưng trong mắt Hạ, không còn hình ảnh u uất suốt những năm tháng qua nữa, tôi tin nó không muốn biến mất như nó đã từng.
Một cơn gió thổi qua, nắm nhang chụm lại cháy bùng thành ngọn lửa. Tôi ngồi ôm ngực mình, hỏi, “Thầy ơi, liệu thầy có tha thứ được sự nhẫn tâm của cuộc đời đổ lên thầy hay không? Cuối cùng thì, ai chịu trách nhiệm cho những đau thương này, hở thầy?”.


Buôn Hồ 10.2017 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI