Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

QUAN NIỆM MỚI MẺ VÀ HIỆN ĐẠI VỀ TÌNH YÊU QUA BÀI THƠ SÓNG CỦA XUÂN QUỲNH tác giả VĂN THÀNH - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 302 - THÁNG 10 NĂM 2017





(Đọc Sóng của Xuân Quỳnh, SGK Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)



Xuân Quỳnh là nhà thơ của những khát khao cháy bỏng trong tình yêu và hạnh phúc bình dị đời thường. Với một tâm hồn nhân hậu, nồng nàn và tha thiết, Xuân Quỳnh đã để lại một sự nghiệp thi ca khá bề thế trong nền văn học dân tộc. Tác giả là một trong số ít các nhà thơ nữ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ có một phong cách nghệ thuật độc đáo, xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật mà Nhà nước ta vừa trao tặng năm 2017. Bài thơ Sóng là thi phẩm nổi tiếng của Xuân Quỳnh được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông. Với tác phẩm này, nhà thơ đã cất lên một tiếng nói rất mới mẻ và hiện đại về tình yêu qua cái tôi trữ tình tác giả, đó cũng chính là tâm hồn của người phụ nữ trong thời đại mới.
Tình yêu là đề tài muôn thuở của văn chương kim cổ. Với thơ ca, sứ mệnh mang vác cây thập giá tình yêu lại càng trĩu nặng hơn bao giờ hết. Có lẽ từ khi có con người xuất hiện với những rung động thiết tha, mãnh liệt về tình yêu đôi lứa, thơ ca đã bay về trú ngụ giữa hồn người, để rồi ca hát đắm say hay khóc cười nổi trôi cùng duyên phận. Nữ sĩ Xuân Quỳnh sinh ra dường như là để yêu thương bằng một trái tim bỏng cháy, rất đỗi chân thành và mãnh liệt trong tình yêu. Nhiều thi phẩm viết về đề tài tình yêu của chị đã đằm sâu trong lòng bạn đọc suốt nửa thế kỷ qua như Thuyền và biển, Thư tình cuối mùa thu, Tự hát... Và nữa,  Sóng cũng nằm trong dòng thủy lưu ấy, cuộn trào một âm bản tình yêu.
Tuy nhiên, mỗi thời đại, mỗi cá tính tác giả, tình yêu lại mang một màu sắc và quan niệm riêng. Nhà thơ Xuân Quỳnh, thông qua hình tượng ẩn dụ sóng, đã phát đi một thông điệp rất mới mẻ và hiện đại về tình yêu với nhiều cung bậc khác nhau. Bằng những rung động hồn nhiên, chân thành và tha thiết, tác giả đã bộc lộ một cái tôi tràn đầy khát vọng đắm say, một cái tôi luôn chủ động kiếm tìm trong tình yêu để vươn đến cái bao la của sự tự do bằng sức mạnh của niềm tin trong sáng. Quan niệm mới mẻ và hiện đại về tình yêu của Xuân Quỳnh là dấu hiệu của sự vượt thoát khỏi những ràng buộc khắc nghiệt mà lễ giáo phong kiến lâu nay đã kìm hãm tình yêu tự do trong sáng của con người.
Đọc bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, điều làm cho người đọc thú vị chính là nghệ thuật sử dụng hai hình tượng song hành, sóng đôi xuyên suốt bài thơ của tác giả: Sóng và em. Hai hình tượng ấy có khi tách rời nhau, có lúc lại bổ sung cho nhau, nhưng tất cả đều thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu, nhất là nhà thơ muốn biểu đạt một quan niệm mới mẻ và hiện đại của mình về tình yêu đôi lứa. Bằng phương thức ẩn dụ qua hình tượng sóng, những chuyển động tâm hồn, những khao khát tình yêu nồng nàn, tha thiết của cái tôi trữ tình tác giả trở nên cụ thể và sống động hơn. Nhưng dường như chưa thỏa, đặc biệt là khi mạch cảm xúc trào dâng mãnh liệt, Xuân Quỳnh đã sử dụng trực tiếp hình tượng "em" để giãi bày, tâm sự. Như vậy, hai hình tượng "sóng" và "em" đã đi suốt bài thơ như một sự hóa thân, nhập vai của cái tôi trữ tình tác giả, nhờ đó làm cho bài thơ lung linh và sống động hơn nhiều.
Trong hai khổ thơ đầu, tác giả đã phát hiện các trạng thái đối lập của con sóng biển, đó cũng chính là những cung bậc cảm xúc khác nhau của người phụ nữ khi yêu, từ đó bộc lộ niềm khao khát khám phá, tự nhận thức chính mình để vươn đến những chân trời bao la phía trước:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Quan niệm mới mẻ và hiện đại của Xuân Quỳnh trong khổ thơ trên nằm ở sự tự nhận thức và phát hiện. Có thể người phụ nữ truyền thống vẫn có khả năng nhận diện sự khác thường trong tâm hồn mình khi yêu như một lẽ tự nhiên về mặt cảm xúc, nhưng dám vượt qua sự hữu hạn của không gian sinh tồn, vươn mình ra bể khơi để khám phá chính mình của con sóng kia chỉ có thể là cảm thức của một tâm hồn phụ nữ hiện đại. Chính cái tôi tràn đầy khát vọng, mạnh mẽ và tha thiết ấy đã giúp cho Xuân Quỳnh có cái nhìn thấu suốt, lắng sâu hơn về tình yêu qua thời gian vô tận của ngàn xưa và cả ngàn sau:
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Đến đây, nhà thơ đã không che giấu niềm khát vọng thường trực trong trái tim tuổi trẻ về tình yêu khi nhận thức được con sóng biển kia cũng muôn đời dào dạt, lúc "dữ dội", khi "dịu êm" ngàn năm rồi vẫn không thay đổi. Con sóng biển tự nhiên qua khổ thơ này đã được nhân cách hóa và trở nên vô cùng sống động. Phải nói rằng, chính nhà thơ đã đặt trái tim tình yêu vào lòng sóng biển khơi xa, soi ngắm nó từ ngàn năm trước rồi đến ngàn năm sau bằng một nỗi niềm yêu đương rạo rực. Con sóng biển dạt dào ngoài đại dương bao la đã hóa thân vào lồng ngực trẻ để đập mãi cái nhịp bồi hồi thương nhớ xuyến xao.
Như vậy, trong hai khổ thơ đầu, quan niệm mới mẻ và hiện đại của Xuân Quỳnh nằm ở khả năng phát hiện và nhận thức, dám vượt thoát để khám phá chính mình mà vươn đến một tình yêu cao rộng. Đến khổ thơ 3 và 4, quan niệm ấy là nỗi bâng khuâng đi tìm cội nguồn của con sóng tình yêu. Bằng các câu hỏi tu từ đặc sắc, nhà thơ đi truy tìm nguồn gốc của con sóng ngoài đại dương kia do đâu mà có. Chân thành và ngây thơ, tác giả tự hỏi rồi đành bất lực khi nhận ra sự vô cùng vô tận của thiên nhiên và tình yêu muôn thuở của con người. Cái tôi trữ tình lãng mạn Xuân Quỳnh càng khao khát khám phá bao nhiêu lại quay trở về thú nhận sự bất lực của mình bấy nhiêu:
Trước muôn trùng sóng biển
Em nghĩ về em, anh
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau.
Đây là hai khổ thơ có thể xem là hay nhất của bài thơ, kết tinh vẻ đẹp nghệ thuật đặc sắc, phản ánh sự hồn nhiên và trong sáng của tâm hồn người phụ nữ qua cái tôi trữ tình tác giả. Sự bế tắc của Xuân Quỳnh trước những câu hỏi ngàn đời về tình yêu làm ta liên tưởng đến nỗi niềm của nhà thơ Xuân Diệu khi cố công đi cắt nghĩa ái tình: "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu/ Có nghĩa gì đâu một buổi chiều/ Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu" (Vì sao). Quan niệm khám phá tận cùng, khao khát tìm hiểu đến bến bờ vô tận của tình yêu chính là nét mới mẻ, độc đáo của nữ sĩ Xuân Quỳnh trong hai khổ thơ trên. Đó chính là cá tính mãnh mẽ, một cái tôi giàu khao khát, đắm say trong hạnh phúc và tình yêu.
Từ khát vọng khám phá cội nguồn của con sóng tình yêu, nhà thơ tiếp tục thể hiện cảm xúc và những quan niệm mới mẻ, hiện đại về tình yêu từ nỗi nhớ thương và tấm lòng chung thủy. Khi yêu nhau, có lẽ điều ta dễ nhận ra sớm nhất là tình cảm nhớ nhung tha thiết với người mình yêu. Nó bổi hổi bồi hồi, nó da diết cháy bỏng, nó nồng nàn hơn cả mọi nồng nàn. Chẳng thế mà từ trong ca dao, ông cha ta đã có những câu thơ tràn đầy nỗi nhớ, thiết tha và mãnh liệt: "Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa như ngồi đống than", "Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn dưới đất lại đào lộn lên", "Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ/ Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai". Dường như có bao nhiêu đôi lứa yêu nhau trên cõi đời này là có bấy nhiêu nỗi niềm và sắc thái nhớ thương, thương nhớ. Đến Xuân Quỳnh, mượn hình tượng con sóng ngoài đại dương, bằng một cảm xúc chân thành, hồn nhiên, tác giả đã bộc lộ một nỗi nhớ thương dạt dào, sôi nổi và cũng sâu lắng đến vô cùng. Con sóng nổi trên bờ, con sóng ngầm dưới nước, khi cuồn cuộn tràn trề, lúc âm thầm lặng lẽ, vượt qua không gian xa cách, xáo trộn cả thời gian thức ngủ thông thường để tìm đến bến bờ hẹn ước:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được.
Nghệ thuật so sánh ở đoạn thơ trên thật tự nhiên nhưng đã phát huy hiệu quả nghệ thuật rất đặc biệt. Con sóng nhớ bờ, thao thức không ngủ được khiến cho nỗi nhớ trong tình yêu càng thêm sinh động và cụ thể. Nhưng dường như vẫn chưa đủ, chưa thỏa, chưa diễn tả hết nỗi niềm của chủ thể trữ tình tác giả, Xuân Quỳnh đã đẩy nỗi nhớ thương lên đến cao trào mãnh liệt chưa từng có khi đưa hình tượng "em" xen vào. Nhờ đó, khổ thơ đã phá vỡ cấu trúc quen thuộc, kéo dài thêm hai câu nữa để diễn tả nỗi nhớ da diết, cuộn trào của con sóng tình yêu. Qua đó, tác giả cũng bộc lộ một cảm thức rất mới mẻ và hiện đại trong tình yêu. Nỗi nhớ ở đây bất tận qua không gian, thời gian; xuyên thấm từ hiện thực cho đến giấc mơ, có lẽ nỗi nhớ trong tình yêu chưa bao giờ tràn trề và đắm say đến thế:
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
"Cả trong mơ còn thức" là một cách diễn đạt rất mới lạ. Nỗi nhớ ấy gắn liền với quan niệm về lòng thủy chung trong sáng vô cùng. Chính tư tưởng đó đã mang lại sắc thái biểu cảm rất mới mẻ và hiện đại. Sự thủy chung trong tình yêu là có thể sống chết vì người yêu, vượt qua tất cả những cách trở không gian và thời gian. Tình yêu thủy chung phải được biểu hiện qua thách thức, là một cuộc kiếm tìm vô tận, giữa muôn ngàn hướng trong cõi đời rộng lớn, khi yêu người phụ nữ chỉ có duy nhất một phương để tìm về, đó là phương anh - một phương duy nhất của đời em:
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi bào em cũng chỉ
Hướng về anh - một phương
Thể hiện lòng thủy chung trong tình yêu, Xuân Quỳnh đã đưa hình tượng "em" lên trước hình tượng sóng. Khổ 6 nói em hướng về anh, khổ 7 mới nói sóng hướng về bờ "dù muôn vời cách trở". Hình như lúc cảm xúc đang quá trào dâng mãnh liệt, nhà thơ đã viết trong vô thức nỗi lòng của mình nên câu chữ cứ thế đan tràn trên mặt giấy. Em và sóng, sóng và em đã nhập thân, biến hóa một cách tự nhiên để tác giả giãi bày tình cảm mình nồng nàn, tha thiết. Mạnh bạo và quyết liệt trong quan niệm về tình yêu và hạnh phúc, nhà thơ cũng để cho lòng thủy chung vượt qua những lề thói thông thường, giống như tất cả con sóng ngoài đại dương kia cứ phải đến được bãi bờ, vỡ tung mình ra mới thỏa lòng khao khát:
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn với cách trở
Sự chung thủy đã hóa thành niềm tin và khát vọng tuyệt đối không rào cản nào có thể cách ngăn, không có không gian dài rộng nào là không thể vượt qua. Phải đặt bài thơ Sóng vào những năm cả nước đánh Mĩ, biết bao chàng trai ngoài Bắc vào Nam kháng chiến, chúng ta mới nhận ra sức sống tâm hồn, vẻ đẹp thuỷ chung của một dân tộc thể hiện qua tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu mà tác giả Xuân Quỳnh đã sẻ chia, gởi gắm.
Về mặt nghệ thuật, biện pháp đối lập, phép lặp cú pháp: "Con sóng dưới lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước", "Dẫu xuôi về phương Bắc/ Dẫu ngược về phương Nam"; sự phá vỡ cấu trúc số câu trong khổ thơ thứ 5 (6 câu so với 4 câu ở các khổ thơ khác) cùng với cách diễn đạt giàu sắc thái cá nhân: "Cả trong mơ còn thức"... cũng góp phần thể hiện sự mới mẻ và hiện đại trong quan niệm tình yêu của tác giả. Đó là một tâm hồn cuồng nhiệt, sôi nổi; một trái tim say đắm, nồng nàn là nét cá tính rất riêng của nhà thơ Xuân Quỳnh không trộn lẫn, nhờ đó mà quan niệm về tình yêu cũng sâu sắc và độc đáo hơn.
Không những sôi nổi và mãnh liệt trong tình yêu, Xuân Quỳnh là thi sĩ của nhiều nỗi niềm trăn trở và suy tư sâu sắc. Bài thơ Sóng được viết lúc nhà thơ mới bước qua tuổi hai mươi lăm (1967), song người đọc đã bắt gặp một tâm hồn giàu suy tưởng và triết lí về tình yêu, về cuộc đời rất mới mẻ và hiện đại. Nhận thức được sự hữu hạn, bé nhỏ của kiếp người và sự mong manh của tình yêu đôi lứa, Xuân Quỳnh đã đưa tư tưởng của bài thơ lên một chiều kích mới qua một cảm thức thời gian nhiều trăn trở:
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.
Chính nhận thức được sự vô cùng vô tận của thời gian và sự ngắn ngủi của đời người, Xuân Quỳnh đã ký thác vào đó một khát vọng sống vô cùng mãnh liệt và cao đẹp. Vì vậy, khát vọng dâng hiến và hòa nhập trong tình yêu là một cảm thức rất mới mẻ và hiện đại của Xuân Quỳnh. Tình yêu không vị kỷ mà phải mở rộng về phía vô biên. Tình yêu lứa đôi cũng phải gắn với tình yêu cuộc đời mênh mông rộng lớn:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ...
Bài thơ khép lại nhưng cảm xúc và quan niệm về tình yêu của nhà thơ vẫn như những con sóng triền miên vỗ hoài không dứt. Đó là khát vọng sống, khát vọng hiến dâng hết mình trong tình yêu thông qua một cảm quan hiện đại mà Xuân Quỳnh là nhà thơ đại diện cho phái nữ đã cất lên tiếng lòng rất mực nồng nàn và cháy bỏng. Quả vậy, quan niệm mới mẻ và hiện đại về tình yêu của Xuân Quỳnh bên cạnh bài thơ Sóng còn thể hiện qua nhiều thi phẩm khác nữa mà bốn câu thơ sau trong bài Tự hát là sự gói gút nhiều nhất hồn thơ đắm đuối của thi nhân:
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.
Có lẽ ngôi sao chiếu mệnh cuộc đời Xuân Quỳnh là ngôi sao có thiên hướng ban phát ánh sáng bằng thơ, bằng nhạc giữa cõi mê li nồng thắm ái tình. Xuân Quỳnh sinh ra đã yêu một cách chân thành, hồn nhiên và mãnh liệt; chết đi rồi vẫn dành trọn trái tim mình để đắm đuối yêu thương. Sóng - một thi phẩm ra đời giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt, song đã thể hiện một quan niệm mới mẻ và hiện đại của tác giả về tình yêu. Xét trên bình diện tư tưởng, đó là một đóng góp mang hơi thở rất riêng của nhà thơ nữ tài hoa và độc đáo này. Qua đó, người đọc nhận ra vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ khi dám vượt qua những buộc ràng thế sự, những lễ giáo ngưng đọng hàng ngàn năm để cất lên tiếng nói nhân văn, nồng nàn và say đắm trong tình yêu. Cảm thức hiện đại và tiến bộ ấy của Xuân Quỳnh qua bài thơ Sóng như đóa hoa lạ và thấm đẫm sắc hương mà ai đã một lần chiêm cảm dễ gì quên được.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI