Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

KHÚC KHẢI HOÀN CA NIỀM VUI CHIẾN THẮNG tác giả LÊ THÀNH VĂN - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 302 - THÁNG 10 NĂM 2017

KỶ NIỆM 63 NĂM GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 - 10/10/2017)

Sổ tay thơ:


CẢM XÚC THÁNG MƯỜI


Không thể nói trời không trong hơn
Và mắt em xanh khác ngày thường
Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy
Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường
Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt
Xốn xang mẹ thường gọi các con
Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ
Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn
Đêm, cái đêm rút quân qua gầm cầu
Anh, anh đã hẹn ngày mai trở lại
Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi
Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca
Một sớm thu trong đất thắm sao vàng
Năm cửa ô xòe năm cánh rộng
Đoàn quân về nhấp nhô như sóng
Những ngôi nhà dường muốn cao thêm
Tháng Mười ấy là khúc ca say
Khúc ca mở những chiến công đầy
Ôi Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội
Nghìn năm vẫn một trái tim này.    
                                                                        TẠ HỮU YÊN



LỜI BÌNH:



Nhà thơ Tạ Hữu Yên đã có rất nhiều bài thơ hay viết về những sự kiện lớn của đất nước, nhưng với tôi Cảm xúc tháng mười vẫn là bài thơ mang nhiều rung động chân thành nhất xuất phát từ sự kiện bộ đội ta tiến về giải phóng Thủ đô vào tháng 10 năm 1954. Nhịp điệu thơ không quá dồn gấp, hình ảnh thơ không quá bộn bề, song người đọc vẫn bắt gặp nơi đây "một trái tim hồng" Hà Nội đang ngân hoan ca trong ngày khải hoàn chiến thắng.
Mở đầu bài thơ là một cảm nhận, một cảm nhận rất đỗi cá nhân của chính tác giả: "Không thể nói trời không trong hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường". Hai câu thơ bảy chữ, phảng phất hơi hướng thơ thất ngôn cổ điển, nhưng lòng ta lại nghe tràn trề ý nhạc, một nét nhạc rất lạ, rất mới. Quả là thơ Tạ Hữu Yên thấm đẫm tính nhạc từ mỗi ngôn từ. Nhưng bầu trời "trong hơn" ấy, "mắt em xanh khác ngày thường" ấy bắt nguồn từ nguyên nhân nào vậy?  Như để giãi bày niềm cảm xúc cháy bỏng đó, nhà thơ đã phác họa qua cái không khí rộng ràng của hình ảnh "Trùng trùng quân đi như sóng/ lớp lớp đàn quân tiến về" (Văn Cao) trên những nẻo đường Thủ đô giữa một mùa thu lộng gió:
Khi đoàn quân tiến về mùa thu ấy
Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường
Hóa ra ngoại cảnh và lòng người đã hòa làm một. Giây phút sung sướng tột cùng của nhân dân Thủ đô cũng như của cả dân tộc đã thấu tận trời xanh sau chín năm trường kháng chiến gian khổ. Khổ thơ đầu vừa nói cái không khí chung, vừa bắt đầu đi vào tâm cảm của lòng người đang mở hội. Đến khổ thơ thứ hai, hình ảnh người mẹ "rưng rưng nước mắt" và người lính "nghe niềm vui ấm cả tâm hồn" đã thực sự lan tỏa những tình cảm thiêng liêng trước niềm vui chiến thắng. Mẹ rưng rưng vì quá xúc động, mẹ khóc vì sung sướng được nhìn thấy các con trở về. Các anh bộ đội trẻ thì không sao giấu được niềm vui đang tràn ngập tâm hồn mình khi được tiến vào năm cửa ô thành phố với muôn triệu bàn tay của nhân dân vẫy chào bằng những bông hoa tươi thắm:
Một sớm thu trong đất thắm sao vàng
Năm cửa ô xòe năm cánh rộng
Đoàn quân về nhấp nhô như sóng
Những ngôi nhà dường muốn cao thêm
Giữa không gian "trong đất thắm sao vàng" ấy, tác giả có một phát hiện cực kỳ tinh tế và nhạy cảm qua hình ảnh "những ngôi nhà dường muốn cao thêm". Câu thơ hay đến lạ. Hay trong sự khám phá bất ngờ, song bất ngờ mà rất hiện thực. Có lẽ từ những cánh tay giơ cao muôn ngàn bông hoa tươi thắm chúc mừng từ các ngôi nhà trên phố như càng muốn nâng cao thêm, cao mãi. Người càng dâng cao nên nhà theo đó cũng dường muốn cao thêm. Nỗi niềm và cảm xúc chân thành của tác giả đến đây được bộc lộ một cách hài hòa với ngoại cảnh thông qua một hình ảnh thơ đầy thi vị, bất ngờ.
Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là biểu hiện niềm vui thắng lợi sau "chín năm làm một Điện Biên". Nhưng thắng lợi hiện tại đã không làm cho cảm xúc tác giả nguôi quên những gì trong quá khứ. Một Thăng Long - Hà Nội xưa với dáng Rồng bay lên để Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư về đây mà dựng nghiệp cho muôn đời con cháu mai sau. Một Đông Đô - Hà Nội tự hào thời Lê Lợi đánh giặc Minh cứu nước. Chao ôi! Hạnh phúc hôm nay cũng khởi nguồn từ quá khứ, một quá khứ hào hùng của một dân tộc anh hùng:
Tháng Mười ấy là khúc ca say
Khúc ca mở những chiến công đầy
Ôi Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội
Nghìn năm vẫn một trái tim này.
Cảm xúc tháng mười của nhà thơ Tạ Hữu Yên viết về một sự kiện trọng đại của đất nước, dù được gói trong hình thức một bài thơ hai mươi câu thất ngôn. Ngoài tính nhạc gần như đặc hữu ta thường thấy trong thơ tác giả, thi phẩm cũng đã mang đến cho tâm hồn người đọc những cảm xúc thiêng liêng, những tình cảm đầy tự hào về thủ đô ngàn năm văn hiến của dân tộc ta. Bài thơ khép lại mà dư ba còn vọng mãi, ngỡ như "nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường" tháng mười năm ấy còn ngân mãi đến muôn đời sau.
                                                                                       




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI