Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN TỪ MỘT CUỘC GIAO LƯU - tác giả HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 303 - THÁNG 11 NĂM 2017

TÁC PHẨM VỀ ĐỀ TÀI CÔNG AN NHÂN DÂN







Tại buổi sinh hoạt chính trị tư tưởng thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” do Bộ Công an phát động, cán bộ quản giáo Trại Tạm giam thuộc Công an Đắk Lắk đã có cuộc giao lưu với anh chị em văn nghệ sỹ Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk.
Sau lời đề dẫn của Thượng tá Nguyễn Văn Đang – Phó giám thị Trại –  nhà báo, nhà văn Đinh Hữu Trường (nguyên Phó phòng PX 15 Ty Công an Đắk Lắk, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk khóa IV) đăng đàn giao lưu. Trong đợt đi thực tế sáng tác tháng sáu vừa qua, nhà văn đã có tác phẩm “Bản lĩnh và nhân văn” viết về lực lượng công an Đắk Lắk, nêu bật những hoạt động của một số phòng, ban, đơn vị… có thành tích xuất sắc thể hiện được bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ của người công an nhân dân. Có lẽ nhà văn nguyên là cán bộ của ngành Công an nên am hiểu về ngành, phân tích một cách sâu sắc khái niệm: bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ của người công an nhân dân. Nhà văn xúc động tâm sự: Tôi chuyển công tác khỏi ngành lâu rồi, nay mới trở lại thăm cơ quan cũ, gặp đồng nghiệp, vui lắm. Tôi vui vì những người cùng thời với tôi đang đảm nhiệm những chức vụ chủ chốt của ngành, còn các đồng chí mới đều được đào tạo, chính quy, sức khỏe tốt và rất nhiệt tình công tác, trang thiết bị phục vụ công việc hiện đại. Chuyện các đồng chí kể và chứng kiến công việc hàng ngày các đồng chí làm… đã thể hiện được bản lĩnh của người công an trước khó khăn của công việc nhưng xử lý cũng đậm tính nhân văn; thực thi công vụ một cách khoa học và nhân đạo đã tạo được niềm tin yêu của đông đảo quần chúng nhân dân, từ đó nhân dân giúp công an phá án.
Đã ngoài sáu mươi tuổi, tóc đã đổi màu quá nửa, nhưng nhà báo, nhà văn Đinh Hữu Trường vẫn còn rất say mê với công việc của ngành Công an mà suốt một thời trai trẻ mình từng gắn bó, trưởng thành; và giờ đây muốn trao lại kinh nghiệm cho lớp người đi sau. Anh ngừng lời, cả hội trường lặng đi một chút rồi mới bật lên tiếng vỗ tay rầm rầm.
Nhà thơ Hữu Chỉnh – nguyên Chủ tịch Hội khóa I&II, Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Văn Nghệ Đắc Lắc (tiền thân của Tạp chí Chư Yang Sin hôm nay) đọc liền một mạch hai bài thơ viết về Công an: “Gieo mầm” (đăng trên Tạp chí Chư Yang Sin số 299 tháng 7 năm 2017) và một bài vừa mới hoàn thành đêm hôm trước buổi giao lưu. Nhà thơ cho biết: Khi người công an bắt được nghi phạm sẽ vui mừng mới phải, nhưng ở đây các anh chị rất buồn, có người rơi nước mắt. Bản lĩnh của người công an đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ truy bắt được tội phạm để hoàn thành nhiệm vụ, mang lại sự bình yên cho xã hội. Nhưng có người đã khóc vì đối tượng bị bắt còn ở tuổi vị thành niên, vì thế tôi viết:
Bắt được đối tượng rồi, đáng lẽ phải vui
Sao anh lại khóc?
Nỗi buồn lặn vào tim
Rưng rưng lên mắt
Thương đối tượng vị thành niên
Vì hoàn cảnh gia đình, mà các cháu sa vào đường tội lỗi, buộc lòng phải bắt, đưa về giáo dục, cải tạo mong mai này trở thành công dân tốt. Khi các cháu hoàn lương, các đồng chí đã giúp đỡ các cháu có việc làm nuôi sống bản thân và có ích cho xã hội:
Thôi thì tạm đánh giày, bán báo…
Rồi vào lớp học tình thương
Anh lo cho em sách bút
Gieo mầm thiện lương!
Nhân văn chính là ở chỗ đó. Đến Trại Tạm giam nghe các đồng chí kể chuyện công việc hàng ngày khi phải đối diện với tử tù chờ thi hành án, thuyết phục họ sống có ích hơn trong những ngày tháng còn lại. Các sản phẩm tử tù làm ra bằng chính những hạt cơm phơi khô hay những túi ni lông kết lại đạt đến mức nghệ thuật, được trưng bày ở đây đã nói lên bản lĩnh của các đồng chí. Hay những là thư của tử tù gửi cho con mình ở tuổi vị thành niên trước khi đưa đi thi hành án, thấm đẫm nước mắt ăn năn hối cải vì lỗi lầm mình gây nên và gửi gắm niềm tin, hy vọng, mong các con sống tốt, sống có ích cho xã hội, không lầm lỗi để đánh mất chính mình như ba… Các đồng chí làm được như thế đã thể hiện rõ bản lĩnh của người thực thi công vụ, cảm hóa con người bằng chính trái tim nhân hậu, và qua đó khẳng định công việc đã và đang làm chỉ một mục tiêu rất nhân văn, vì nhân dân phục vụ. Nhà thơ tuổi gần tám mươi, mái tóc bạc trắng như cước, nhưng người còn tráng kiện, nói rất truyền cảm, làm cho người nghe như bị thôi miên.
Nhà báo, nhà văn, nhạc sỹ Linh Nga Niê Kdam – nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk khóa III, bước lên sân khấu thay lời giới thiệu bằng cách thể hiện ca khúc của mình viết về Công an. Cả hội trường không nén được xúc động đã cùng đồng thanh hát họa theo. Thế mới biết âm nhạc có sức cuốn hút lòng người. Hát xong, nhạc sỹ Linh Nga mới trao đổi với mọi người về hoàn cảnh sáng tác bài hát. Chính niềm tin và lòng khâm phục các chiến sỹ công an đặc biệt là các đồng chí nữ đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, cả áp lực xã hội và gia đình, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bản lĩnh và nhân văn của người công an thể hiện như vậy đó. Mọi người có mặt trong buổi gặp mặt, giao lưu hôm đó chắc không thể ngờ người nhạc sỹ thể hiện ca khúc của mình một cách rất chuyên nghiệp, chinh phục người nghe, đã gần… bảy mươi tuổi.
Nhà văn Nguyễn Thị Bích Thiêm tâm sự: Khi chưa đến đây, trong suy nghĩ của tôi Trại Tạm giam chắc là nơi rất nghiêm khắc để giam giữ và giáo dục những người phạm tội. Người công an làm việc nơi đây chắc lạnh lùng lắm. Khi đến đây được tiếp xúc với các anh, các chị, qua chứng kiến việc các anh các chị làm và đặc biệt ấn tượng với những công việc của các cán bộ làm giám thị, quản giáo tôi mới biết mình nhầm. Hình ảnh những phạm nhân bị kết án tử hình vì tội lỗi gây ra đã mất hết lý trí, có người trở nên gần như điên loạn, chống phá mọi quy định, nội quy của Trại chỉ mong được chết sớm. Nhưng với tấm lòng nhiệt huyết của người giám thị, quản giáo, các anh vào trong buồng giam tâm sự với phạm nhân để đánh thức cái tâm, cái phần người lẩn khuất trong lốt thú cuồng dại… Từ đó giúp họ có những ngày tháng còn lại ăn năn hối cải; tuy có muộn, nhưng cũng có ích cho cuộc đời như những bức thư tử tù để lại. Điều đó không chỉ thể hiện bản lĩnh, nhân văn mà còn là vì nhân dân, vì những người đang sống mà hành động.
Nhà văn Mai Khoa Thâu, đề cập đến câu chuyện của một cảnh sát hình sự từ chối nhận hối lộ năm trăm triệu đồng của đương sự khi bị bắt và nói thẳng với đối tượng: Năm trăm triệu là một số tiền lớn, chắc chắn nhà anh không có mà phải nhờ vợ con đi vay mượn; tôi có thể lập thêm một biên bản anh đưa hối lộ, tội anh tăng thêm. Nếu anh biết hối hận thì phải thành thật khai báo, cộng tác với cơ quan điều tra để nhận được sự khoan hồng của pháp luật! Bản lĩnh là ở đây, các anh không bị đồng tiền khuất phục; nhưng cũng rất nhân văn, chỉ cho người định đưa hối lộ cái kết của hành vi phạm pháp không chỉ đối tượng phải chịu mà còn làm liên lụy đến gia đình. Khi được cảm hóa, nhận ra hành vi sai trái của mình, đối tượng tự giác thành khẩn khai báo để vụ án khép lại, đúng người, đúng tội, không bỏ sót tội phạm. Vợ con phạm nhân biết chuyện rất khâm phục cách xử sự có lý, có tình của người cảnh sát điều tra, từ đó sống tốt hơn, có cái nhìn thân thiện với công an – bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ chính là ở đó.
Đại úy Đinh Hải Lý – Đội phó đội Tham mưu, thay mặt cho cán bộ chiến sỹ Trại Tạm giam lên trao đổi suy nghĩ của mình về “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” cho rằng: Người Công an phải vững vàng lập trường giai cấp, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao – đó là bản lĩnh; xem đối trượng bị điều tra, giam giữ là con người nhất thời bị sa ngã – đó là nhân văn; trong xử lý công việc đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép, đúng với quy định của ngành – đấy là vì nhân dân phục vụ. Giải thích ngắn gọn, khúc chiết của Đại úy rất chuẩn mực theo phong cách của người sỹ quan tham mưu còn rất trẻ đã làm cả hội trường vỗ tay tán thưởng.
Phát biểu bế mạc buổi giao lưu, Đại tá Đoàn Quốc Thư – Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cảm ơn các văn nghệ sỹ tỉnh nhà đã có nhiều tác phẩm hưởng ứng Cuộc vận động, mong trong thời gian tới tiếp tục phối hợp với ngành có nhiều tác phẩm mới về lực lượng công an thực hiện tốt Cuộc vận động. Đối với cán bộ, chiến sỹ trong ngành, Đại tá Đoàn Quốc Thư nhấn mạnh: thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, mỗi cán bộ chiến sỹ phải biết vận dụng vào công việc, nhiệm vụ của mình một cách cụ thể, sáng tạo… Người Đại tá có khuôn mặt cương nghị, giọng nói ấm áp, truyền cảm làm tăng thêm sự rung động không những đối với văn nghệ sỹ mà các cán bộ chiến sỹ có mặt trong buổi giao lưu cũng rạng rỡ hẳn lên.
Buổi giao lưu đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người tham dự. Cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng công an nhân dân hiểu sâu sắc thêm về bản chất của Cuộc vận động để thực hiện một cách nghiêm túc trong công tác của mình. Văn nghệ sỹ có dịp hiểu thêm ý nghĩa của cuộc vận động từ đó có thêm tư liệu sáng tác, khắc họa thành công hình ảnh của người công an nhân dân thực hiện Cuộc vận động cũng chính là thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân.
Mùa thu năm 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI