TRANG CHUYÊN ĐỀ NHÂN KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP
HUYỆN KRÔNG NĂNG (1987 – 2017)
Người đàn ông có dáng người cao,
gầy, ánh mắt hiền lành ấy tôi vẫn gặp hàng ngày trên đường đi làm. Khi thì thấy
ông đang tỉ mẩn cắt từng cành dâu tằm, khi thì lúi húi nhổ cỏ dại lẫn trong đám
đậu, đám cây cà đắng bên đường. Người ta biết ông với cái tên Aê Chiên, già làng,
uy tín của Buôn Hồ B thuộc xã Ea Hồ, huyện Krông Năng. Người Êđê khắp buôn gần
làng xa biết đến ông ở vị trí của người đại diện trong các đám cưới hỏi của các
cặp đôi trong các buôn, là người vun vén dạy những điều đúng đắn cho những người
trẻ mới lập gia đình, là người có những bài cúng Yang hay nhất, “linh” nhất.
Gia đình tôi cũng không phải ngoại lệ, mỗi khi cần làm lễ gì dù lớn hay nhỏ, mẹ
đều đích thân đến tận nhà để mời ông đến cúng.
Vì là một người thường xuyên được
xã mời đi diễn tấu cồng chiêng hoặc tham gia các hội diễn của huyện, tỉnh nên ông
không lạ gì tôi. Mỗi lần gặp là ông lại kể chuyện ngày xưa, về những trăn trở của
ông đối với văn hóa dân tộc mình, ông gửi gắm nhiều điều vào tôi và những người
trẻ như tôi. Ông kể:
Từ khi còn là một cậu bé hàng ngày
theo cha mẹ lên nương, lên rẫy, đêm đêm nghe các ông cậu, ông bác kể khan, hát đối
đáp, tình yêu của ông với nhạc cụ của dân tộc ngày càng lớn dần. Từ tình yêu ấy,
ông cứ theo người bác là anh trai ruột của mẹ đi khắp nơi để tìm vật liệu làm
nhạc cụ. Được chứng kiến nhiều điều thú vị, những nét đẹp của dân tộc, được bác
truyền lại những câu nói vần hay, những lời lẽ phải trái, để sau này ông dạy lại
cho con, cho cháu, cho buôn làng.
Lớn lên một chút, ông được bác chỉ
cho cách đánh chiêng, chỉnh chiêng sao cho âm thanh nghe vang nhất, hay nhất. Được
bác dạy cho cách đẽo, gọt những ống nứa, quả bầu khô sao cho khi thổi lên âm
thanh nghe trong trẻo, nhẹ bẫng.
Khi được hỏi làm thế nào để có thể
nhớ hết những lời nói vần trong tất cả các luật tục của người Êđê, ông bảo tất
cả muốn biết đều phải trải qua thời gian học hỏi, nghe một lần, rồi hai lần và
nhiều lần, khi đã hiểu ngụ ý của câu nói thì tự nhiên câu nói ấy hiển hiện
trong đầu mình thôi. Những người khi đứng ra đại diện cho nhiều người để nói
chuyện phải luôn suy xét trong từng câu nói, một câu nói vần có thể nó hay, nhưng
khi chưa hiểu ngụ ý nó muốn nói gì thì tuyệt đối không được dùng đến…
Căn phòng khách
rộng khoảng hơn chục mét vuông, ngoài những chiếc gùi do người ta đặt ông đan còn
có nhiều nhạc cụ mà lớp trẻ như tôi không biết tên, ông chỉ đâu là Đing Năm, đâu
là Đing Buôt Choc, Brỗ, Gông, Đing Tak ta, Ky kpah… mỗi thứ có một âm thanh đặc
trưng riêng, không giống nhau. Ông bảo ông làm được nhiều loại nhạc cụ lắm, nhưng
do vật liệu để chế tác bây giờ khó kiếm, có những thứ phải đi đến những nơi khác
để mua, nhạc cụ sau khi chế tác mà không sử dụng thì rất nhanh hư hỏng, rồi ông
chỉ những nhạc cụ sau khi làm xong được ông treo trên tường, cũng chẳng có khi
nào dùng đến. Ông cũng khoe với tôi tấm giấy khen giải A khi ông tham gia hội
diễn nghệ thuật quần chúng cách đây gần 10 năm, từ đó đến giờ những loại nhạc cụ
này được treo cẩn thận trên tường. Từng lời kể của ông cứ đều đều, buồn buồn như
đang thì thầm cùng tiếng thở khó nhọc. Ông cũng từng vận động thanh niên trong
buôn học đánh chiêng Kram, được một thời gian đầu, rồi ai cũng bận bịu với công
việc xã hội, việc học hành, cuối cùng chỉ một người hàng ngày vẫn chạy sang trò
chuyện, hỏi han ông như khi còn trẻ ông hay theo bác mình vậy, ông thấy mình lẻ
loi trong hành trình lưu giữ nét đẹp của dân tộc giữa cuộc sống bộn bề có quá
nhiều thứ phải lo… Ông tâm sự: Thời của bác chưa được học chữ nhiều như các cháu
bây giờ, nên cả tuổi thơ của bác là những tháng ngày lẽo đẽo theo cha mẹ lên rẫy.
Khi đã thanh niên rồi, bác đi theo anh trai của mẹ học cách làm nhạc cụ của dân
tộc mình, vì bác mê những âm thanh đó lắm. Nhiều đêm đi ngủ mà chúng cứ văng vẳng
bên tai như là có ai đó đang thổi bên cạnh mình vậy. Đâu có được ghi chép lại
hay thu âm lại như bây giờ. Mình nghe, nhìn bằng tim thì mới nhớ được cháu ạ… Sức
khỏe bác giờ yếu rồi, bác chỉ có một mong muốn duy nhất là có ai đó để bác truyền
lại nghề chế tác nhạc cụ này, bác từng mong muốn nhà nước mình có thể hỗ trợ
kinh phí hoạt động để mở các lớp hoặc câu lạc bộ truyền dạy cho thế hệ trẻ…
Trở về với công việc hằng ngày, tôi
cứ trăn trở mãi về hình ảnh người đàn ông gầy yếu ấy một mình trên con đường gìn
giữ văn hóa dân tộc cho con cháu, trong khi chúng tôi, những con người trẻ tuổi
với bao nhiêu hoài bão xa xôi tận đẩu tận đâu.
Lần gần đây nhất tôi gặp ông là
khi làm lễ bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng cho Buôn Hồ B sau khi được nhận
kinh phí hỗ trợ sửa chữa từ dự án của nước ngoài. Muốn giới thiệu cho đoàn công
tác nước bạn biết đến văn hóa của người bản địa, nhưng nghe nói ông mới bị bệnh
nặng nên tôi suy nghĩ mãi mới dám ngỏ ý muốn ông cùng những người lớn tuổi của
buôn biểu diễn vài tiết mục văn nghệ, có đánh chiêng, hát ay ray, biểu diễn nhạc
cụ dân tộc. Nghe xong, ông mừng lắm, đôi mắt sáng bừng. Sáng hôm ấy khi tôi đến
đã thấy ông cùng những người đàn ông có tuổi trong buôn đang lau chùi lại những
chiếc chiêng, một vài thanh niên đang xúm lại xem, người thì giúp họ treo những
chiếc chiêng lớn lên. Aê Chiên mặc chiếc áo truyền thống có nhiều nút trước ngực,
ông đang gõ từng chiếc chiêng xem âm thanh đã chuẩn chưa, rồi ông cũng phân công
cho những người khác rằng người nào đánh chiếc nào. Ông cứ đi ra đi vào, ánh mắt không dấu được sự hồ
hởi, vui mừng xen lẫn hồi hộp, tưởng chừng người đàn ông có ánh mắt buồn rượi với
khuôn mặt xanh xao mà tôi gặp cách đây mấy ngày đã lột xác thành người khác, một
người nhanh nhẹn, hoạt bát hơn… Bên hiên trước nhà cộng đồng có một nhóm bạn trẻ
mặc áo Đoàn thanh niên đang xúm quanh hai người mặc áo truyền thống chỉ cách thổi
cây đàn đing năm. Ông chỉ cho tôi số nhạc cụ ông mang từ nhà, có đến năm, sáu
loại, một mình ông sẽ diễn tấu trong buổi sáng ấy.
Tiếng chiêng, tiếng Đing năm, tiếng
Ky kpah xen lẫn tiếng cười nói rôm rả của những người lớn tuổi, những ánh mắt
trầm trồ thích thú của thanh niên, tôi thầm nghĩ “ Bác sẽ không lẻ loi trên con
đường ấy nữa đâu bác Aê Chiên ạ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI