Nhà văn KHÔI NGUYÊN
LA ĐÀ VỚI 25 NĂM
25 năm, khoảng thời
gian dài bằng ¼ thế kỷ. Nhớ nhớ quên quên. Sau 2 đợt vận động (1983-1988 và
1988-1990) kéo dài 8 năm với sự tích cực tham gia đôn đốc của nhiều đồng chí lãnh
đạo Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh như: Huỳnh Văn Cần, Nguyễn An Vinh, Ama
H’Oanh, Huỳnh Thị Xuân, Châu Khắc Chương… ngày 5 và 6 tháng 9 năm 1990, Đại hội
thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk được diễn ra với số lượng 45 hội viên đủ
các chuyên ngành như bây giờ. Trong đó có cả hội viên danh dự. Hội viên trẻ nhất
là nhà thơ Lê Vĩnh Tài (24 tuổi).
Lại nhớ trước kỳ Đại
hội lần thứ nhất một vài tháng, căn nhà gỗ của tôi luôn có khách văn nghệ đến
thăm, họ đến vận động cha tôi (nhà thơ Hữu Chỉnh): Chỉ có anh ra đảm nhiệm chức
danh Chủ tịch thì mới thành lập Hội được… Lúc bấy giờ, cha tôi đang làm Giám đốc
Công ty Phát hành sách – thiết bị trường học, cơ chế thị trường mới thoáng mở,
Công ty đang đà phát triển, việc chọn lựa giữa kinh tế với văn nghệ là sự đắn đo.
Rồi cái tâm với văn nghệ đã chiến thắng.
Đại hội thành công,
Tỉnh ủy và Ủy ban giao ngay cho căn nhà 172 Điện Biên Phủ lừng lững 3 tầng làm
trụ sở, xe UW làm phương tiện công tác… Biên chế Hội lúc bấy giờ có cha tôi, nhà
thơ Phạm Doanh, nhà thơ Đinh Hữu Trường, nhà thơ Hoàng Mạnh Thường, nhà báo
Nguyễn Lưu, nhà thơ Lê Tiến Dị… Hình như bấy giờ thủ tục hành chính còn đơn giản
nên đến nay, chúng tôi không tìm được hồ sơ thành lập Hội, hồ sơ giao nhà làm
trụ sở… dù đã nhờ đến bộ phận lưu trữ của Tỉnh ủy và Ủy ban.
Thời bấy giờ, Hội Văn
Nghệ được quan tâm lắm, các Bí thư, Chủ tịch tỉnh thường xuyên ghé thăm Hội, sắp
xếp mọi công việc để tham gia các cuộc tọa đàm, hội thảo để lắng nghe ý kiến của
văn nghệ sĩ. Một năm vài chục đoàn văn nghệ sĩ các hội tỉnh bạn đến thăm mà vẫn
được đón tiếp chu đáo nhờ nguồn ngân sách tỉnh cấp (mặc dù Đắk Lắk thuộc diện
nhóm tỉnh nghèo). Mà cũng không riêng gì Đắk Lắk, bên Gia Lai – Kon Tum cũng vậy
(bấy giờ chưa tách tỉnh), cụ Chỉnh và cụ Doanh thỉnh thoảng vẫn nhắc chuyện đi
dự đại hội nhầm. Cứ tưởng đi trước 1 ngày để hôm sau dự Đại hội của Hội tỉnh bạn,
sang đến nơi mới té ngửa rằng còn cả chục ngày nữa mới Đại hội! Vậy mà Hội bạn
giữ lại chơi để chờ đến ngày Đại hội.
Thời bấy giờ, công
nghệ thông tin còn hạn chế, lái xe Nguyễn Minh Đăng chở tranh của hội viên đi dự triển lãm tại Hà
Nội, tiêu chuẩn mỗi cá nhân chỉ được gửi tham dự 3 tác phẩm. Họa sĩ Lê Bá Điều
gửi tới 4 tác phẩm. Là “tướng ngoài biên ải”, lái xe Nguyễn Minh Đăng chọn ngay
bức tranh mà anh cho là xấu nhất của Lê Bá Điều để ghi tên mình vào. Ngờ đâu bức
tranh đó lại được chọn treo triển lãm (hình như có cả giải thưởng)!
25 năm, 6 kỳ Đại hội.
Có Đại hội thành công tốt đẹp, có Đại hội “thành công một nửa”. Buồn vui lẫn lộn.
Đại hội lần thứ nhất để thành lập Hội khá êm xuôi, có những văn nghệ sĩ không được
mời tham dự đành nhóm họp ở nhà bạn để ngóng tin về Đại hội, có văn nghệ sĩ không
được mời chính thức nhưng cứ đến dự thế là nghiễm nhiên được coi là thành viên
sáng lập Hội. Đại hội lần thứ hai, hơn 30 đoàn khách của các tỉnh bạn đến dự, gần
trăm lẵng hoa chúc mừng. Đại hội lần thứ ba, việc bầu Ban Chấp hành phải bỏ phiếu
2 lần mà vẫn chưa đảm bảo cơ cấu, 6 tháng sau mới có Chủ tịch Hội. Đại hội lần
thứ tư, 2 năm sau mới có Chủ tịch Hội. Đại hội lần thứ năm, 5 tháng sau mới đầy
đủ ủy viên Ban Thường vụ và có Phó chủ tịch thường trực. Đại hội lần thứ sáu,
việc bầu Ban Chấp hành khóa mới đúng như dự kiến ban đầu…
Từ 45 hội viên sáng
lập, hàng năm kết nạp thêm, 25 năm qua, người mất người còn, người chuyển công
tác hoặc chuyển địa bàn cư trú, người “cạn” vốn sáng tạo… cũng có những hội viên
không còn thiết tha với hội nên Ban Chấp hành cho thôi sinh hoạt, số hội viên lúc
này là 219. Hội viên cao tuổi nhất cũng đã gần trăm mùa rẫy, hội viên trẻ nhất đang
tuổi 25. Có 86 hội viên của các hội chuyên ngành Trung ương và Hội VHNT các dân
tộc thiểu số Việt Nam.
Tạp chí Chư Yang
Sin vẫn còn đó giai thoại khi phát hành những kỳ đầu, do viết bằng ký tự Êđê nên
nhiều người đọc không được, có người tò mò hỏi: Cái “củ yang sin” ở chỗ các ông
có bổ như củ sâm Ngọc Linh không? Và những câu chuyện có thật khi thẻ phóng viên
của Tạp chí khiến nhiều người tưởng là phóng viên của một tạp chí nước ngoài
(na ná như Nhật Bản hay Hàn Quốc). Thời kỳ đầu,
có những kỳ phát hành, tác giả được nhận nhuận bút bằng báo biếu nhưng vẫn
vui vì được đăng một bài trên báo văn nghệ cấp tỉnh là “oách” lắm rồi, nhất là
những người lần đầu tiên có bài được sử dụng (trước năm 1990, báo Dak Lak ra mỗi
tuần một số, tập san Văn nghệ của Ty Văn hóa – Thông tin vài tháng ra một kỳ, từ
1977 đến 1990 chỉ có 5 tập sách thơ văn do Tỉnh ủy và UBND tỉnh tổ chức xuất bản,
chỉ có 2 tác giả là Thiên Lương và Vũ Nhật Hồng có sách in riêng). Qua 25 năm,
sau nhiều lần tăng trang đổi khổ, rút ngắn thời gian phát hành, thay đổi cách trình
bày, xác định rõ mục tiêu là hướng đến nhu cầu thưởng thức giá trị chân – thiện
– mỹ của bạn đọc… Tạp chí ngày càng được nâng cao về chất lượng cũng như về hình
thức, số độc giả cũng nhiều hơn, cộng tác viên trên cả nước ngày càng đông (không
kể những bài viết được chuyển qua đường bưu điện, mỗi ngày có vài chục cộng tác
viên gửi bài qua đường Email). Các chuyên trang, chuyên mục được duy trì thường
xuyên. Sự độc đáo của Tạp chí Chư Yang Sin là tính bản sắc của một vùng đất được
ổn định, không lẫn với tạp chí văn nghệ của các tỉnh bạn. Tính chuyên nghiệp
trong quá trình để cho ra một kỳ tạp chí ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên,
vui về chuyện của Tạp chí nhưng lo cũng không ít. Ngoài việc đã có thời kỳ trả
nhuận bút bằng chính những cuốn tạp chí còn có những kỳ nhuận bút chi trả cho một
bài thơ 100.000 đồng, một truyện ngắn 200.000 đồng, một ảnh 50.000 đồng… trong
khi một công cuốc cỏ rẫy hoặc một công phụ hồ cho thợ xây là 180.000 đồng. Rồi
nữa, Tạp chí không có chức danh Tổng biên tập từ 2006 đến nay mà chỉ có chức
danh Quyền tổng biên tập. Bản thân tôi vẫn hài hước với mọi người rằng chẳng có
ai “Q” dài bằng tôi, vắt từ 2006 đến nay (tháng 9.2015) vẫn chưa “cắt” được.
Chao ôi cái tiêu chí của Tổng biên tập của một cơ quan báo chí thật nhiêu khê, được
cái này thì mất cái nọ. Không được làm Tổng biên tập vì chưa qua lớp Cao cấp lý
luận chính trị, khi có rồi thì lại vấp “Thủ trưởng cơ quan chủ quản…”. Đề xuất
nhân sự khác thì vấp thêm “bằng đại học chuyên môn”, “độ tuổi”… Luật rõ ràng, các
văn bản dưới luật (thông tư, chỉ thị, hướng dẫn… cũng rất giấy trắng, mực đen,
con dấu đỏ…), cấp có thẩm quyền đành “lách” cho thêm chữ “quyền” trước cụm từ “tổng biên tập”.
Tôi chính thức được
hưởng lương ở Hội từ tháng 3 năm 2004 với chức danh Phó tổng biên tập Tạp chí.
Lúc bấy giờ, nhà văn, nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm đảm nhiệm chức danh Chủ tịch,
nhà thơ Phạm Doanh đảm nhiệm chức danh Phó chủ tịch kiêm Tổng biên tập Tạp chí
văn nghệ Chư Yang Sin, kế toán Trần Thị Mùi vi tính và trình bày văn bản Tạp chí
(việc trình bày bìa, ảnh, minh họa… phải nhờ đến họa sĩ An Quốc Bình, lúc bấy
giờ làm ở phòng kỹ thuật của Nhà in Đắk Lắk). Hồi ấy chưa có Internet nên các bài
viết của cộng tác viên đều được gửi qua đường bưu điện, phải gõ lại từng bài,
nhiều bài viết tay, luận mãi mới ra chữ (nên Trần Thị Mùi vẫn được chúng tôi gọi
đùa là “biên tập viên” của Tạp chí). Trình bày xong thì in vào giấy can (giấy có
dầu) để đưa lên Nhà in phơi tai. Mỗi lần đưa bản thảo đi phơi tai là một lần vất
vả, trên đường đi cứ phải giữ hơn giữ đồ dễ vỡ dễ đổ vì sợ rớt chữ. Khi Nhà in
phơi tai, lại phải có mặt đọc từng chữ xem có bị rớt chữ hay không, có bị lẫn
trang hay không… Chỉ cần một sơ suất nhỏ có khi chữ Ô thành Ó hoặc Ò vì mất nửa
dấu mũ, hoặc dấu của các thanh điệu cũng như dấu câu “chạy” đi đằng nào… Ngay cả
các trang cũng vậy, không cẩn thận, khi đóng thành sách mới thấy đang bài của tác
giả này lại có trang của tác giả khác chen vào (do nhầm tai giấy)… Còn khâu trình
bày hình ảnh thì cũng phải bám Nhà in, ngồi với An Quốc Bình cả tuần để ken rồi
sắp xếp hình minh họa, ảnh, chú thích ảnh… Rồi xem lại tất cả bản in thử trước
khi in chính thức. Lại nhớ, chỉ có hai chú cháu làm công tác biên tập Tạp chí,
nên có nhiều ảnh, nhà thơ Phạm Doanh phải đưa cho mọi người cùng xem và đánh giá
ảnh đẹp hay không, với lý do “Tôi bị mù màu”!?... Hoặc đưa bản thảo truyện ngắn
cho họa sĩ nọ nhưng lý do “bận việc” nên gọi điện thoại cho An Quốc Bình mà kể
lại để nhờ An Quốc Bình phóng bút minh họa cho truyện… In xong, Phó tổng biên tập
lại đánh con xe Wave tàu lên Nhà in, chằng trước bó sau, rề rề chở về Hội (mấy ông
xe ba-gác ở ngã tư Điện Biên Phủ + Trần Phú, cách trụ sở Hội cỡ 15 m, thè lưỡi
lắc đầu: Ai cũng như ông thì chúng tôi mất việc). Cũng may, sang 2015, nhà văn
Hồng Chiến về làm Thư ký Tòa soạn Tạp chí. Nhưng đổi lại, Y Kuan Ny Niê vi tính
trình bày Tạp chí thay cho Trần Thị Mùi (chuyển sang làm chuyên trách kế toán của
cơ quan). Bấy giờ, Y Kuan còn quá non nớt với tiếng Việt (phổ thông), thành ra
các văn bản sửa morat cứ nhoe nhoét, rối mù, sửa rồi lại sửa nữa. Có chỗ, lỡ sửa
nhưng cảm thấy không cần thiết, ghi: “để nguyên, không phải sửa”, đọc văn bản
sau khi được gõ máy sửa morat, thấy ngay chỗ đó có lời ghi như vậy!.. Muốn khóc
mà vẫn phải cười!...
Phải khẳng định rằng
chỉ có ở Đắk Lắk, 25 năm qua, công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ kế cận sự nghiệp sáng
tạo văn học nghệ thuật được quan tâm, chú trọng bằng hành động cụ thể mà không
có tỉnh, thành nào làm được như thế. Nếu các tỉnh bạn “phát hiện – bồi dưỡng”
thì Đắk Lắk “bồi dưỡng – phát hiện”. 25 năm, từ “Mầm non Cao nguyên” đến “Bên hàng
phượng vĩ” rồi “Hạ Xanh” và “Hương Rừng”, đến hẹn lại lên, các mùa hè lại mở ra
“sân chơi” cho thanh thiếu niên Đắk Lắk yêu văn học nghệ thuật bằng các trại sáng
tác. “Không thành văn thì cũng thành nhân” – mục đích đã xác định – những người
đi trước dồn tâm huyết để khích lệ, động viên thế hệ sau hiểu rằng văn hóa cũng
là một trong hai nền tảng phát triển xã hội, văn nghệ sĩ là lực lượng nòng cốt
trong vai trò người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa… Nhờ thế, lực lượng sáng tác
trẻ của Đắk Lắk có số lượng khá đông so với các tỉnh bạn, nếu tính là người dân
tộc thiểu số thì có lẽ là đứng đầu cả nước về lực lượng sáng tác trẻ ở độ tuổi
dưới 30 có tác phẩm được đăng trên báo chí TW, có đầu sách in riêng hoặc in chung,
có giải thưởng khu vực, trong nước hoặc quốc tế…
Rồi những chuyến đi
thực tế, những trại sáng tác… Tôi sợ lắm, lo lắm, chỉ mong sao trong kết quả có
hai chữ “bình yên”. Chiếc xe TOYOTA
của Hội mỗi ngày thêm gần hết Date, lái xe của Hội mỗi ngày một già, hội viên mỗi
ngày một nhu cầu cao hơn… Xin đừng vì cá tính văn nghệ sĩ để tránh được việc không
tổ chức thì êm xuôi, tổ chức đi cả ngàn cây số để xích mích với nhau, để “không
thèm nhìn mặt nhau” thậm chí là “mày chết tao không đến tiễn”… Sau mỗi chuyến đi
ấy, tôi được thở phào nhẹ nhõm: Anh em vui vẻ và thân thiết với nhau hơn, có tác
phẩm được đánh giá là chất lượng… Ừ, tiền của Nhà nước là tiền của nhân dân,
anh em hội viên biết cùng nhau nâng niu giá trị đó. Mừng lắm, quý lắm, yêu thương
lắm…!
25 năm, một khoảng
thời gian đủ để con người từ thoát thai đến trưởng thành, đủ để một Hội văn nghệ
địa phương từng bước vững đi lên từ non trẻ đến khẳng định vị thế của mình mà hòa
vào dòng chảy chung của văn hóa nhân loại. Những cuộc thi, những triển lãm, những
trại sáng tác, những chuyến đi thực tế, những hội nghị - hội thảo, những sinh
hoạt chuyên môn… là động lực thúc đẩy phong trào sáng tạo. Những công trình, những
tác phẩm được công bố, được xuất bản, được mọi người đón nhận để cùng say cảm là
xúc tác để người nghệ sĩ hăng say lao động sáng tạo nghệ thuật hơn. Bởi thế, ở
bất cứ nhiệm kỳ nào, Thường trực Hội luôn quan tâm đến công tác phong trào hoạt
động cho hội viên. Quan tâm đến đời sống hội viên, tạo điều kiện cho những hội
viên có cơ hội sáng tác, tạo điều kiện cho tác phẩm của hội viên được công bố để
phục vụ cuộc sống… là nỗi trăn trở của Thường trực Hội trong mỗi nhiệm kỳ theo đúng
nghĩa của nó là rất “thường trực”. Lãnh đạo Hội luôn xác nếu mình chưa đủ tầm
thì phải đủ tâm. Mỗi ủy viên của Ban Chấp hành Hội, mỗi thành viên của Hội đồng
Nghệ thuật, mỗi ủy viên Ban Chấp hành Chi hội… đều xác định dù chẳng có một đồng
phụ cấp, “quyền” thì có mà lợi thì không, trách nhiệm thì “to vật vã” nhưng lợi
chẳng thấy đâu, chỉ thấy điều này tiếng nọ khiến mang tai mang tiếng, thậm chí
là mất lòng với một số người… vậy nhưng vì uy tín và danh dự, vì sự tín nhiệm của
hội viên… nên ai cũng dùng cái tâm của mình, không chút vụ lợi để vì sự phát
triển của văn học – nghệ thuật. Nghiêm khắc với chính mình để nghiêm khắc với công
việc, dám làm dám chịu, chấp nhận “đau thương” bởi sự nghiệt ngã một khi đã phải
gắn cái mác “có chức danh” trong giới văn nghệ sĩ, mang tiếng là “quan chức văn
nghệ”.
25 năm đã qua, buồn
vui sao cứ lởn vởn trộn với nhau, lúc tròn như quả cầu, lúc phẳng lặng như mặt
nước hồ thu, lúc bùng lên như bão tố, lúc trầm xuống nốt nhạc đồ, lúc phóng khoáng
như cây cọ của người họa sĩ đang hứng khởi, lúc lãng đãng như nhà thơ đã tìm ra
thi hứng, lúc cô đơn như nhà văn đang chắp nhặt những mảnh vụn cuộc sống để xây
lâu đài tiểu thuyết, lúc sáng bừng như ánh đèn sân khấu, lúc tĩnh mịch như nhà
biên kịch hay đạo diễn cùng các diễn viên cóp nhặt ý tưởng dâng đời… Trân trọng
lắm, yêu quý lắm những người đang làm đẹp, làm tốt thêm cho cuộc sống này.
25 năm qua, số năm
của cha con tôi công tác tại cơ quan Hội tính đến nay có tổng số là 22, và sẽ còn
dài hơn thế. Buồn cũng có. Vui cũng có. Lẫn lộn. Nhưng khi đã vào cuộc thì phải
hết mình.
Còn đó, cái trụ sở
Hội khang trang của 25 năm về trước (thời mà chỉ có 45 hội viên, kể cả hội viên
danh dự). Còn đó, chỉ tiêu biên chế, cả Văn phòng Hội và Tòa soạn Tạp chí là 9 định
biên. Còn đó, nhu cầu về đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng cao, sức sáng
tạo của các văn nghệ sĩ ngày càng lớn vậy mà không có nơi, không có điều kiện để
văn nghệ sĩ góp mình. Còn đó, sự ưu đãi, chẳng cần thảm đỏ thảm vàng rải, nghệ
sĩ chỉ cần mình lao động sáng tạo mà nuôi đủ chính mình…
Thèm lắm thời mà các
nhà lãnh đạo của tỉnh thường xuyên ghé thăm Hội như các vị: Huỳnh Văn Cần, Nguyễn
An Vinh, Huỳnh Thị Xuân, Nguyễn Văn Lạng…
Buồn – vui. Vui –
buồn… Ơ sao cứ la đà…