Tác giả Nguyễn Duy Xuân
MỘT THOÁNG ĐẮK NÔNG
Ghi chép
Chuyến xe buýt đầu
tiên trong ngày đưa tôi vượt chặng đường dài 120 km từ Ban Mê xuống Gia Nghĩa –
tỉnh lị của Đắc Nông.
Xe chạy bon bon trên
con đường thảm nhựa phẳng lì tạo cảm giác thoải mái cho du khách. Đường tốt, rộng
rãi, khách dường như không còn phải chứng kiến cảnh thắng gấp vẫn thường thấy ở
những chuyến xe buýt đường dài. Hay có lẽ vì tay lái lụa của bác tài mà tôi không
còn được “thưởng thức” những màn xóc như đảo ruột mà cánh lái xe đôi khi muốn
thử sức chịu đựng của hành khách mỗi khi có ổ gà hay dừng lại đón trả khách? Dù
sao thì nỗi ám ảnh xe buýt chật chội, chen chúc, chạy ẩu đã tan biến trong tôi
từ khi bước chân lên chiếc xe này.
Dự án nâng cấp, mở
rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn đi qua các tỉnh Tây Nguyên đã bước
sang giai đoạn hoàn thiện và chuẩn bị khánh thành trong nay mai. Dân tình dọc
hai bên đường không còn phải hứng chịu cảnh bụi bặm, đất đá ngổn ngang đã từng
hành hạ họ suốt một thời gian dài. Chỉ sau một năm tăng tốc, quốc lộ 14 đã thay
hình đổi dạng, tôi không còn nhận ra con đường cũ bé nhỏ, đầy ổ trâu, ổ gà mà mỗi
lần đi xe giường nằm từ Ban Mê xuống thành phố Hồ Chí Minh thăm con thăm cháu,
người cứ như treo trên võng! Tuyến đường giờ đây được nâng cấp, mở rộng đạt tiêu
chuẩn đường cấp III đồng bằng với 2 làn xe cơ giới trải thảm bê tông nhựa phẳng
lì. Cảm giác không còn bị nghiêng xóc khi ngồi trên xe đã chứng minh cho chất lượng
của con đường, ít nhất cũng là ở thời điểm hiện tại. Phải rào đón thế bởi vì, dường
như không còn là chuyện lạ nữa, khi hầu như bất cứ công trình xây dựng nào ở xứ
ta, sau khi đưa vào sử dụng, thậm chí chưa kịp khánh thành đã xuống cấp. Ví như
“ruộng bậc thang” trên đại lộ nghìn tỷ Mai Chí Thọ (TP. Hồ Chí Minh) hay đường
sống trâu trên quốc lộ 5, quốc lộ 51 đang gây bức xúc dư luận. Hi vọng quốc lộ
14 sẽ không xảy ra tình trạng như thế.
Gần ba tiếng đồng hồ
xe mới tới Gia Nghĩa. Tốc độ như thế là nhanh đối với xe buýt vì phải luôn luôn
dừng lại dọc đường để đón trả khách. Thời gian chậm cũng có cái hay của nó, tôi
được dịp ngắm nhìn kĩ hơn phong cảnh hai bên đường. Cảm nhận đầu tiên vẫn là
khung cảnh quang quẽ đến tận chân trời của núi đồi Tây Nguyên. Tôi không gọi là
núi rừng nữa, vì rừng ngày nay đã thành cổ tích như nhà thơ Đặng Bá Tiến đã từng
gọi thế trong một trường ca tâm huyết của mình. Gần ba mươi năm trước, khi quốc
lộ 14 từ Ban Mê đi Sài Gòn chưa được khôi phục, tôi cũng đã vài ba lần đi qua đoạn
đường này khi thì bằng xe đò, khi thì bằng xe U-oát của cơ quan. Những chuyến
xe thời ấy đúng là những chuyến xe “bão táp” bởi khi bước chân ra khỏi xe, người
nào người ấy phủ đầy bụi đỏ, chỉ mỗi đôi mắt còn trong veo.
Hồi đó, từ Ban Mê
xuống Đắc Nông (lúc ấy đang còn là huyện “miền biên ải” của Đắk Lắk) quốc lộ 14
xuyên qua những cánh rừng già, có đoạn chạy dài như lẫn trong cái bạt ngàn của
núi rừng cao nguyên. Trời đang nắng chang chang bỗng dưng tối lại như buổi hoàng
hôn, nhiệt độ hạ xuống đột ngột khiến du khách thoáng rùng mình. Bây giờ cảm giác
ấy đã gửi lại “miền cổ tích” của những ai ở lứa tuổi U50 trở lên đã từng đi qua
nơi đây. Ngay cả “rừng lạnh” nổi tiếng ở ngã ba Đắk Song giờ cũng chỉ còn “vang
bóng một thời”. Tất cả đã thành hoài niệm – hoài niệm về một thời thiên nhiên còn
hoang dã trước khi bị hủy hoại bởi sức tàn phá ghê gớm của con người.
Mỗi lần xe qua Đắc
Min, du khách mỏi mắt bởi những cánh rừng cao su xếp hàng ngang dọc tít tắp như
bàn cờ khổng lồ. Con người đã không tiếc công sức, thời gian chăm chút cho thứ
cây được gọi là “vàng trắng” của miền đất đỏ cao nguyên. Những năm trước, người
làm cao su hể hả vì mủ cao su có giá, đời sống nhờ thế được nâng cao. Thế mà, đùng
một cái, ba năm nay thứ vàng quí hiếm ấy bỗng dưng xuống dốc không phanh, từ chỗ
50.000 đồng một ki lô thì nay tụt đáy chỉ còn 5.000 đồng mà vẫn kén người mua.
Người làm cao su chóng mặt, choáng váng. Vì đâu nên nỗi? Mấy ngày qua ở chỗ tôi,
loa phường cứ chiều chiều, cuối bản tin lại phát đi lời cảnh báo người dân hãy
cảnh giác với một số đối tượng thương lái đang thao túng thị trường, dùng mọi
thủ đoạn ép giá, đẩy giá và cuối cùng là phá hoại sản xuất ở địa phương. Sau
cao su, đến lượt hồ tiêu trong thời gian gần đây cũng đang hứng chịu hậu quả đê
tiện đó. Làm sao những kẻ ngoại bang ấy lại có thể qua mặt những rào chắn an
ninh, thuế quan để rồi mặc sức tung hoành trên xứ sở của chúng ta như chốn không
người? Câu trả lời dường như còn bỏ ngỏ.
Bây giờ, những hàng
cao su vẫn thẳng tắp nhưng trên thân cây không còn thấy chiếc bát sành nhẫn nại
hứng từng giọt trắng như sữa chắt ra từ gan ruột của cây. Những vết cạo trên thân
cây đã liền sẹo, bạc phếch. Đâu đấy du khách bắt gặp những vạt rừng trống hoác,
còn trơ gốc cây bị cắt sát đất. Hình như người ta đang phá cao su để trồng mắc
ca, thứ cây đang gây sốt trên mảnh đất này. Tôi cứ nghĩ vẩn vơ, liệu dăm bảy năm
sau, mắc ca có cùng chung cảnh ngộ như cao su bây giờ?
Gần đến Gia Nghĩa,
hình như xe đã sang đất Trường Xuân, xã giáp ranh Đắk Song và Gia Nghĩa. Nhìn
ra hai bên đường, thỉnh thoảng bỗng gặp những tấm biển lạ: “Đoạn đường được
bảo hành bởi tập đoàn…”. Lâu nay chỉ thấy có bảo hành sản phẩm hàng hóa. Giờ
người ta bảo hành cả đường sá? Ờ nhỉ, đường sá suy cho cùng cũng là sản phẩm do
con người làm ra, sao lại không bảo hành cơ chứ. Có lẽ lâu nay chúng ta không đặt
ra yêu cầu này cho nên nhiều con đường vừa khánh thành xong đã xuống cấp, ngân
sách lại phải chi ra và thế là giá thành đội lên gấp ba, gấp bốn. Hèn gì, suốt
chặng đường đi từ sáng đến giờ, tôi chú ý quan sát dọc hai bên đường, hệ thống
thoát nước, mương máng, ta luy… được xây dựng bài bản đâu ra đấy.
Đang thả hồn theo
những ý nghĩ miên man thì bất chợt cậu thanh niên ngồi ghế sau nhắc: Tới cầu vượt
rồi chú! Tôi bừng tỉnh, vội đứng dậy để xuống xe. Nhìn đồng hồ đúng 8 giờ rưỡi.
Còn sớm chán.
Thế là tôi đã đặt
chân lên đất Gia Nghĩa. Mười ba năm trước, khi tôi xuống đây dạy lớp chuẩn hóa
giáo viên tiểu học đặt tại trường Võ Thị Sáu, Gia Nghĩa vẫn còn là thị trấn huyện
lị của Đắk Nông. Thị trấn bé bằng bàn tay, đường sá toàn đèo dốc, chỉ xe máy mới
“chơi” nổi. Những năm chín mươi thế kỉ trước, toàn thấy simson, minsk tung hoành trên đất
này bởi máy khỏe dè cao.
Thấm thoắt mới đó mà
đã mười ba năm trôi qua, hôm nay mới trở lại miền đất nhớ, nơi ghi dấu những kỉ
niệm đẹp của cuộc đời. Đâu rồi “Phố nhỏ chập chờn em vội bước/ Cánh dù hoa tím
gió chao nghiêng”? Đâu rồi những buổi “Chiều mưa! Chiều mưa! Ôi Đắk Nông/
Mà nghe xao xuyến dậy trong lòng/ Một chút tâm tình nơi đất nhớ/ Thả hồn phiêu đãng
với mưa giăng”?
Từ khi Đắk Nông tách
khỏi Đắk Lắk lập thành tỉnh mới năm 2004 và Gia Nghĩa được nâng cấp lên thị xã
rồi trở thành đô thị loại 3, bộ mặt vùng đất “biên ải” một thời của tỉnh Đắk Lắk
cũ thay đổi nhanh chóng. Tôi ngỡ ngàng, không còn nhận ra cái thị trấn bé nhỏ
nghèo nàn năm xưa nữa. Với Gia Nghĩa bây giờ tôi như kẻ xa lạ. Để không bị “hớ”
trước người “bạn” cố tri lâu ngày gặp lại ấy, tôi bèn lên mạng “sợt” tìm thông
tin về Gia Nghĩa.
Thị xã đang trong
quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông cùng nhiều dự án lớn về hạ
tầng đô thị, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và các dự án về thương mại, khách sạn
- nhà hàng. Cùng với ưu thế của một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Tây
Nguyên, trong một tương lai gần, Gia Nghĩa sẽ là địa điểm du lịch thú vị và hấp
dẫn du khách muôn phương.
Chiếc xe máy của cô
cháu gái đưa tôi dạo một vòng quanh thị xã. Những con phố mới mở khang trang với
nhiều nhà cao tầng, đường phố rộng rãi, thoáng đãng. Đấy là hai điểm nhấn nổi bật
tạo nên gương mặt mới của Gia Nghĩa mà hơn mười năm trước chỉ có trong mơ. Địa
hình Gia Nghĩa phức tạp, nhiều đồi núi mấp mô lại bị chia cắt bởi các khe suối
tự nhiên. Trong con mắt nhà kinh tế, địa hình ấy quả là bất lợi cho sự phát triển
hạ tầng kĩ thuật. Nhưng ở một góc nhìn khác, địa hình ấy lại đem đến cho Gia
Nghĩa những lợi thế có lẽ chỉ sau Đà Lạt. Sự mấp mô của núi đồi cùng với nhiều
khe suối tạo nên cảnh quan sinh động và thơ mộng khiến cho thị xã non trẻ này
mang đậm nét đặc trưng của miền núi Tây Nguyên. Khai thác những lợi thế vô giá ấy
đến đâu để đem lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển của địa phương là tùy
thuộc vào tầm nhìn và tâm huyết của các nhà quản lí. Được biết, Gia Nghĩa sẽ phát
triển lên thành phố trước năm 2020, trở thành điểm kết nối giữa Tây Nguyên với
vùng Đông Nam
bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Thời gian không còn nhiều nhưng với tốc độ tăng
trưởng kinh tế cao, những 20,05% năm, tôi tin Gia Nghĩa – Đắk Nông sẽ thành công.
Còn tôi, trở lại
Gia Nghĩa lần này, lòng vẫn khôn nguôi nỗi ngỡ ngàng. Tôi thả hồn theo những
con đường mượt mà như dải lụa, vắt ngang qua hết quả đồi này đến quả đồi khác,
tạo nên những nét vẽ độc đáo trên bức tranh sống động sắc màu của một Gia Nghĩa
thân thương đang chuyển mình cùng đất nước, để rồi chân bước lên xe mà vẫn “Nặng
lòng bao nỗi vấn vương/ Hồn tôi lạc giữa phố phường phồn hoa”.
Gia Nghĩa, 24-5/ Buôn Ma Thuột, 1-6-2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI