Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 276 - tác giả VIỆT VĂN


Ban chấp hành Hội VHNT Dak Lak khóa VI, nhiệm kỳ 2015-2020


ĐỈNH CAO CHO CAO CẤP!


    
Trong một lần tham dự Hội thảo về nghệ thuật cộng đồng ở Việt Nam, đạo diễn Philippe Bouler - Giám đốc Công ty ATC International (Pháp), người tham gia 8 lần Festival Huế, nói: “Các bạn Việt Nam nên có sự phân biệt khán giả. Không nên chỉ nghĩ đến lớp khán giả bình dân. Khi các bạn có khán giả cao cấp thì các bạn mới có tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao”. Tác phẩm đỉnh cao dành cho khán giả cao cấp đã tới lúc cần phải được quan tâm như một mục tiêu trong chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam ở ngay thời điểm này, khi hoạt động của các Hội VHNT nhiệm kỳ mới 2015 - 2020 đã khởi động.
Tư duy “quần chúng”
Chuỗi Hội thảo khoa học toàn quốc Văn học - Nghệ thuật (VHNT) 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa 8 từ Hà Nội đến TPHCM vào cuối năm 2013 đã bàn luận về việc không có tác phẩm đỉnh cao nào trong mấy chục năm qua. Phải chăng, chính vì tư duy mặc định "phục vụ quần chúng" mà các tác phẩm VHNT đương đại Việt Nam cứ làng nhàng, chất lượng vừa phải, nói gì đến “đỉnh cao”?
Bởi vì muốn phục vụ quần chúng được nhiều nhất, nên thời gian qua, nền VHNT mới nảy sinh những tác phẩm thị trường - rất nhiều lần báo động về sự xuống cấp chất lượng cả nội dung và nghệ thuật. Khoảng 5 năm trở lại đây, từ “thảm họa” luôn được nhắc tới khi nhiều người đề cập đến phim điện ảnh, phim truyền hình gia đình, lĩnh vực ca nhạc, tác phẩm sân khấu, văn học, múa, nhiếp ảnh, kiến trúc… Và cũng vì mang tư duy “quần chúng”, giới văn nghệ sĩ đã tự dễ dãi, buông thả trong tác phẩm của mình, sáng tạo nghệ thuật chỉ chạy theo thị hiếu tầm thường, bình dân, không những không nâng tầm thưởng thức, thẩm mỹ nghệ thuật của quần chúng cộng đồng, mà còn làm thấp kém, thậm chí sai lệch, biến tướng. Những bộ phim như: “Hit: Hoàng tử và lọ lem”, “Yêu em, anh dám không?”, “Cưới ngay kẻo lỡ”… từng bị báo chí và cư dân mạng “ném đá” tơi bời vì sự cẩu thả, dễ dãi và cả một số yếu tố “nhảm nhí” trong phim nữa.
Nguy hiểm hơn, những sản phẩm VHNT thị trường kiểu bình dân này, trong đó có cả những sản phẩm ăn khách, cháy phòng vé, sẽ có thể phá hỏng tư duy thẩm mỹ nghệ thuật của một thế hệ.
Sợ thay đổi!
Ngay trong giới văn nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn, cũng không ít người bảo thủ, trì trệ, không chịu cập nhật những xu hướng, tinh hoa nghệ thuật đương đại trên thế giới để vượt lên chính mình…
Có những nghệ sĩ thành công nhưng vẫn đi theo lối mòn, để tìm kiếm sự an toàn mà không dám thử nghiệm, không dám bắt đầu lại như một người chưa nổi tiếng để có những tác phẩm nghệ thuật tươi mới.
Vì thế có những đạo diễn có tên tuổi, là NSND, làm nhiều phim, nhưng nói đến người đó thì mọi người chỉ nhắc đến bộ phim thời kỳ đầu vài chục năm trước như là dấu mốc vinh quang của họ chứ không phải là tác phẩm mới nhất. Trong nhiếp ảnh, có những tác giả có cả mấy trăm giải thưởng nhưng lại không có một tác phẩm nào đặc sắc, độc đáo, có ảnh hưởng sâu rộng trong giới nghề, chưa nói đến ảnh hưởng trong đời sống xã hội. Vì họ cứ đi hoài một đường, thi mãi những cuộc thi theo khuôn khổ của FIAP - một tổ chức nhiếp ảnh nghiệp dư toàn cầu. Trong văn học, có nhà văn, nhà thơ khởi đầu như mơ với tác phẩm đầu tay rực sáng để rồi cứ chìm dần đi, chính vì sự ám ảnh tác phẩm sau phải hơn tác phẩm trước, mà “lực bất tòng tâm” không thể làm nổi!
Và như thế, không thể có được tác phẩm VHNT đỉnh cao.
VHNT ở thời đại công nghệ cao, toàn cầu hóa, kinh tế thị trường đã trở thành một loại hàng hóa sản phẩm đặc biệt, nên cũng cần có thị trường với nhiều nhu cầu khác nhau, sản phẩm nhiều loại khác nhau. Không thể từ bỏ các sản phẩm mang nhãn “thị trường”, nhưng cũng không thể thiếu những sản phẩm chất lượng cao dành cho những đối tượng “khách hàng” cao cấp. Nói như đạo diễn Pháp Philippe Bouler: “Hàng hóa còn có hàng hiệu, thì tác phẩm nghệ thuật cũng cần phải có hàng hiệu để phục vụ khán giả cao cấp. Và như thế bạn phải sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật xứng tầm… Khán giả cao cấp là chất xúc tác kích thích cho bạn có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao”.
Dĩ nhiên, đỉnh cao hay bình dân - có thể còn rất nhiều tranh cãi về học thuật trong lĩnh vực VHNT, nhưng không thể cứ để các tác phẩm bình dân, thậm chí là “thảm họa” mãi như hiện tại kéo xuống một nền VHNT mà cái gốc của nó vốn được xây dựng bởi nền là những tác phẩm đỉnh cao đã trở thành niềm tự hào chung như di sản VHNT của Việt Nam.

Tác phẩm đỉnh cao dành cho khán giả cao cấp đã tới lúc cần phải được quan tâm như một mục tiêu trong chiến lược phát triển VHNT Việt Nam ở ngay thời điểm này, khi hoạt động các Hội VHNT nhiệm kỳ mới 2015-2020 đã khởi động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI