Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 277 - tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO




 Tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO

MẶT NẠ DIỆU KỲ
Truyện ngắn


Gã dò đường bằng gậy, cố xốc lại ba lô nặng trên vai, nhìn bốn bên để tìm mặt trời nhưng gã bất lực. Gã chính thức bị lạc đoàn, điện thoại mất sóng. Dưới chân gã xào xạc lá khô, êm êm cỏ dại, trượt chân, ào! Gã rơi! Rơi trong cái hố sâu đen ngòm, rơi nhanh cho tới khi không thở được, gã bất tỉnh.
Trước mặt gã là mặt trời, là bãi biển, là nhà cửa. Gã bật cười, hóa ra con đường trở về chỉ là đi qua một hố sâu, vậy mà gã chưa từng biết rằng trước đây chỗ đó có con đường tắt như thế. Gã bật điện thoại lên, may quá, sóng đầy, nhưng chưa kịp bấm vào danh bạ thì điện thoại báo hết pin rồi tắt ngóm. Gã chống gậy đứng lên, đi vào trong làng, trước tiên là tìm cái gì bỏ vào bụng, sau đó tìm chỗ sạc pin để xem “đồng bọn” đang ăn chơi đàn đúm chỗ nào, hay lại tá hỏa đi tìm gã, cần cho họ biết gã đã an toàn.
Khu chợ nằm ở ngay đầu làng, đông đúc và nhộn nhịp, rất ngạc nhiên ở khu chợ này, nơi nhộn nhịp nhất, giàu có nhất chính là những gian hàng bán mặt nạ. Gã thầm nghĩ, có lẽ dân ở đây họ chơi trò hóa trang quanh năm. Trong khi nơi gã ở, thì những cửa hàng thời trang mới chiếm ưu thế. Gã loanh quanh chọn cho mình vài cái làm kỷ niệm. Nhưng sực nhớ là mình đang đói, gã đi tìm hàng ăn, những người xung quanh gã đều có những gương mặt hoặc là vui, hoặc là buồn, hoặc giận dữ, và họ giữ nguyên những trạng thái đó trong suốt quá trình quan sát của gã, tới khi gã nhận ra họ đều đeo mặt nạ thì gã mới thôi thắc mắc. Từ già trẻ bé con gì cũng mang mặt nạ, xung quanh đây, độc nhất chỉ có gã là không đeo, nên gương mặt gã chuyển đổi rất nhiều trạng thái.
Gã chặn hỏi một người đàn ông
- Anh ơi, xin lỗi, tôi muốn tìm một nơi để ăn!
Người đàn ông có gương mặt cười chỉ tay cho gã đi về phía cuối chợ. Gã rối rít cảm ơn và đi, gã đi qua nhiều cửa hàng bán mặt nạ, qua những cửa hàng giày dép hiếm hoi, gã ngơ ngác chẳng thấy cửa hàng ăn nào, gã lại hỏi một người đàn ông có gương mặt buồn đang ngồi ủ rũ ở góc chợ, người đàn ông chỉ tay cho gã về phía nhà vệ sinh.
- Tôi tìm hàng ăn, xin lỗi ông, chứ không phải nhà vệ sinh!
Gã đàn ông vẫn không nói gì, chỉ thẳng tay vào nhà vệ sinh. Gã bất lực không muốn giải thích, đúng là ông già điên, không nên đôi co với người điên, dù bây giờ gã đang rất đói. Thôi thì gã tự đi tìm. Gã đi thêm một vòng nửa thì ngửi thấy mùi thức ăn, gã bỗng bật cười, quái nào mà nguyên khu chợ không ai chỉ được cho mình quầy thức ăn, gã đánh hơi cái mùi thức ăn đó ở đâu rồi đi theo như con chó được huấn luyện tìm đồ bị mất vậy.
Trong quán ăn, từ chủ quán tới nhân viên cũng đeo mặt nạ, gã bắt đầu thấy chán, tiếp xúc với những con người bằng xương bằng thịt mà gã thấy như mình đang tiếp xúc với robot, với những cỗ máy được lập trình sẵn. Gã vẫn thích những cô gái chàng trai phục vụ nhoẻn miệng cười hỏi gã muốn ăn gì khi gã từng vào nhiều quán trước đây. Bây giờ, tới cả một câu đùa gã cũng không dám hỏi, ăn thế này thì ngon lành gì, nhưng bụng đang đói, gã mặc kệ và gọi đại món mì xào thịt bò bằng cách chỉ vào hình trên thực đơn mà gã phục vụ vừa đưa ra.
Gã ôm thóp bụng vì cơn đói cồn cào, còn gã phục vụ vẫn chậm rãi với mặt nạ không biểu lộ cảm xúc gì, cứ thộn ra khiến người khác rất bực mình. Thế quái nào cứ biểu lộ ra thế ấy, sống thế này thì sống làm gì khi không biết người đối diện mình có cảm xúc ra sao sau lớp mặt nạ ấy. Món ăn của gã được bưng ra, đặt mạnh lên bàn khiến gã giật mình thối lui, tên phục vụ gập người cung kính mời gã ăn. Gã hoảng sợ gật đầu, rón rén cầm đũa lên ăn. Đúng là kỳ lạ, quán to thế này mà phục vụ chả ra làm sao. Tới khi tính tiền, với một đĩa mì xào to đùng với thịt bò chỉ có mười lăm ngàn đồng, bất giác gã cười và thốt lên “ôi, rẻ thế!”. Ngay lập tức có hai bảo vệ chặn ngang gã, giật ví gã và lấy đúng mười lăm ngàn rồi trả ví lại. Mọi người nhìn gã, hình như họ tức giận, gã thấy có vài người chống nạnh, gã đoán thế.
Ra khỏi quán trong tư thế người vừa thoát chết, gã hoang mang, không biết mình chỉ đơn giản lạc vào một lễ hội hay là lạc vào một xứ sở nào khác cái xứ sở gã đang sống. Một thằng bé trắng trẻo, dễ thương đứng nhìn gã, rồi nó nói:
- Sao chú không đeo mặt nạ?
- Tại sao phải đeo?
Giờ thì gã thấy thằng bé không có mặt nạ, nó biết cười, biết nheo mắt
- Ở đây ai cũng đeo để chứng tỏ họ hiểu biết và trưởng thành!
- Hiểu biết và trưởng thành? – gã bật cười, xoa đầu thằng bé – Ai nói với cháu như thế?
- Cả nhà cháu ai cũng có mặt nạ, nhưng họ bảo cháu chưa đủ tuổi, cháu đang chờ đến ngày được mang mặt nạ đó lên mặt!
Thì ra là vậy, những con người gã đã thấy đều là những người đã “hiểu biết và trưởng thành”, giờ thì gã hiểu rồi, đó chỉ là phong tục, nhưng cái dân tộc nào mà lạ thế không biết, gã cũng từng đi du lịch nhiều, từng đọc sách nhiều, gã chưa nghe về cái này bao giờ. Nhưng rồi gã lại thắc mắc, tất nhiên mang thắc mắc ra hỏi một thằng bé thì cũng không hi vọng mang lại nhiều kết quả, nhưng gã biết hỏi ai đây trong khi chẳng ai thèm nói với gã một câu.
- Này cháu, ta hỏi chút, khi nãy ta tìm một hàng ăn, nhưng có cái lão điên cuối chợ chỉ ta cái nhà vệ sinh, rồi ta vào hàng ăn, ta khen họ bán rẻ thì họ tức giận… ta làm gì sai sao?
Thằng bé vuốt vuốt cái mũi cao của nó, nhìn gã rồi cười:
- Những người đã được đeo mặt nạ, thì không được phép nói thật và nói đúng những gì mình nhìn thấy hay cảm nhận, mà phải nói ngược lại.
- A! – Gã bật thốt lên một tiếng như có ai đánh vào gáy gã, thì ra là thế - Mà này cháu bé, cháu phải học gì để trưởng thành?
Thằng bé chỉ cười rồi chạy vút đi. Quả là thú vị, trong chuyến phượt lần này gã đã đến một nơi mà không ai dự tính trước, phải rồi, “đồng bọn” gã đang ở đâu nhỉ? Gã lang thang đi tìm chỗ để cắm sạc điện thoại. Gã bắt đầu thấy đau đầu khi nhớ lời thằng bé, nếu xin sạc điện thoại mà phải nói ngược lại người ta mới hiểu thì phải nói là gì? “Điện thoại của tôi đầy pin, tôi cần sạc à?” Ôi, điên mất thôi! Mà phải mở lời làm sao khi quanh đây, chẳng nghe nổi một tiếng người, ai cũng lầm lũi làm công việc của mình và mang những gương mặt cố định.
Gã lại đi lang thang, vừa ra khỏi rìa của khu chợ thì gã thấy người ta bắt đầu bu đen bu đỏ, người mỗi lúc một đông, những người bạn của gã, “đồng bọn” của gã đang co rúm vì sợ hãi, người ta đang dồn họ vào chính giữa bằng vòng vây của những chiếc mặt nạ gớm ghiếc. Nghe có tiếng ai đó hô “ném!”, những chiếc mặt nạ bắt đầu nhặt đá, những viên đá cuội dưới đường ném vào những người bạn của gã, họ ào ào ném vào những con người tội nghiệp đang không biết mình đã phạm phải lỗi gì. Gã xông vào giữa vòng vây người, chỉ như phản xạ tự nhiên, gã muốn bảo vệ họ. Nhưng đám đông không ngớt hung hăng, đứng ở giữa, gã kịp nhìn thấy nhiều gương mặt đã tháo mặt nạ muôn màu ra, họ quen, rất quen mà trong lúc hoảng loạn gã không kịp nhớ mình đã gặp khi nào.
Gã chịu không ít đá họ ném vào, mặt đường sạch bóng những viên đá to nhỏ, đám đông tháo hết mặt nạ ra, dùng tay chỉ trỏ và dùng những lời thô tục ném vào họ. Mỗi người khi ném vào họ một câu chửi rủa và những viên đá thì trên mặt họ mặt nạ tự nhiên được chuyển đổi, dần dần đám đông đều mang một mặt nạ giống nhau, không phải giận dữ như khi họ muốn giết nhóm bạn của gã, họ đều mang mặt nạ của các thánh nhân.
Những “thánh nhân” bắt đầu lục tục rời đi sau khi gã sực nhớ trong ba lô mình có vài cái mặt nạ mới mua, đưa cho những người bạn gã đeo vào. Gã chợt hiểu rằng, ở trong một cộng đồng giống nhau, mình mình khác biệt thì chắc chắn sẽ chết vì đá và nguyền rủa.
Nhóm phượt của gã ê ẩm nhìn nhau, rồi tự dưng bật cười khi thấy những gương mặt khác, ai đó trong họ lên tiếng “nhàm chán quá!”, rồi mọi người cùng ồ lên một cách phấn khích “nhàm chán quá! Nhàm chán quá!”. Ôi cái mặt nạ kỳ diệu làm sao!

Buôn Hồ, tháng 7.2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI