Chimamanda Ngozi Adichie sinh ngày 15 tháng 9 năm 1977 ở
Enugu, Nigeria. Năm 19 tuổi, Chimamanda nhập cư Hoa kỳ nhờ học bổng khoa truyền
thông tại đại học Drexel ở Philadelphia trong hai năm, rồi tiếp tục học lấy văn
bằng môn truyền thông và khoa học chính trị tại đại học Miền Đông bang Connecticut .
Tiểu thuyết đầu tay của chị - Purple Hibiscus (Cây dâm bụt đỏ tía), được
phát hành tháng 10 năm 2003. Cuốn sách này nhận được sự đánh giá cao của dư luận
và sau đó lọt vào chung khảo giải thưởng Orange Fiction Prize (2004) và được giải
thưởng Commonwealth Writers’ Prize dành cho Sách đầu tay hay nhất (2005).
Tiểu thuyết thứ hai của chị, Half of a Yellow Sun (Nửa mặt
trời vàng) – lấy bối cảnh trước và trong cuộc chiến Biafran; được in tháng 8 năm
2006 ở United Kingdom và tháng 9 năm 2006 ở Hoa kỳ, cùng được phát hành ở
Nigeria.
Tập truyện ngắn The Thing around Your Neck, (Vật chung
quanh cổ mi), được in năm 2009.
Cho đến nay Chimamanda đã có trên 10 giải thưởng văn chương.
OLIKOYE
Trời mưa thật êm dịu vào buổi sáng thứ hai hôm ấy khi nước
ối của tôi vỡ. Vì tôi đã quen với những cơn mưa rào trút nước ở Lagos , cơn mưa tí tách dịu
êm này làm tôi cảm thấy êm ả, bình yên. Omoregie chồng tôi đi làm và vì vậy người
hàng xóm của chúng tôi đưa tôi đến bệnh viện, áo váy của tôi bị ẩm một tí, tim
tôi tràn đầy mong đợi đứa con đầu lòng của tôi. Người y tá phụ trách là chị
Chioma, một người phụ nữ có khuôn mặt nghiêm nghị thích nói đùa. Trong lần kiểm
tra chót của tôi, khi tôi than về chứng đau lưng do thai kỳ, chị đã bắt bẻ: “Cô
có nghĩ về chứng đau lưng khi cô đang sinh hoạt với chồng không?”.
Chị kiểm tra cổ tử cung của tôi và nói còn sớm. Chị động
viên tôi đi lại trong khu sản.
“Chắc là cô vui khi con đầu lòng là con trai”, chị nói.
Tôi nhún vai. “Chừng nào em bé khỏe mạnh”.
“Tôi biết là cô đợi khi sinh bé xong sẽ quyết định đặt tên,
nhưng tôi chắc là cô đã có ý tưởng trong trí”, chị nói.
“Tôi sẽ đặt tên bé là Olikoye”.
“Ồ, tôi không biết chồng cô thuộc sắc tộc Yoruba”.
“Không phải đâu. Cả hai chúng tôi thuộc sắc tộc Bini”.
“Nhưng Olikoye là tên của sắc tộc Youruba”.
“Đúng vậy.”
“Vậy thì tại sao?”, chị hỏi.
Sự co thắt của tôi chậm chạp. Tôi mời chị Chioma ngồi và
tôi sẽ kể chị nghe câu chuyện.
***
Con đầu lòng của cha tôi là con gái. Ông nói đó là một cô
bé khóc to, đã nắm lấy ngón tay ông với một sức mạnh đáng ngạc nhiên, và ông biết
điều đó có nghĩa là cô bé sẽ dữ dội. Nhưng bé đã chết khi được bốn tháng tuổi.
Người con thứ hai, là con trai, chết khi chưa được bốn tháng tuổi. Một số người
trong gia đình cha tôi nói mẹ tôi là một phù thủy chuyên ăn những đứa con của bà,
đổi những trái tim trong sạch của chúng để lấy sự trường thọ cho bà. Nhưng vào
lúc ấy, những đứa trẻ khác trong làng cũng chết. Chúng bị bệnh tiêu chảy và thị
lực yếu. Một số người nói bệnh tiêu chảy là sự trừng phạt của Trời. Những người
Công giáo cầu nguyện trong nhà thờ. Những người Hồi giáo cầu nguyện trong thánh
đường. Những người già làm những lễ tế. Dù vậy, nhiều đứa trẻ chết, và việc chúng
đã được sinh ra dường như vô nghĩa. Đó là năm 1985. Cha tôi làm lái xe ở Bộ Y tế.
Vị trí thấp. Một hôm, ông đón một yếu nhân đến thăm từ phi trường, đưa ông này
xuống tại khách sạn, rồi phát hiện ra ở băng sau của xe có một tập tiền dày rơi
ra từ túi xách của vị khách này. Ông trả tập tiền lại ngay tức khắc. Người khách
hài lòng – và ngạc nhiên – đã kể với ông Bộ trưởng mới của Bộ về chuyện này.
Hai ngày sau, vị Bộ trưởng mới gọi cha tôi. “Tôi muốn anh làm tài xế cho tôi, tôi
đánh giá cao sự trung thực”, vị bộ trưởng nói.
***
Tên của vị Bộ trưởng là Dr. Olikoye Ransome-Kuti. Ông có đôi
mắt lớn có vẻ ngái ngủ và như là người thuộc một thời quá khứ khi mà sự liêm
khiết kiểu cũ còn dễ dàng. Sự giản dị của ông làm cha tôi ngạc nhiên. Ông không
thích những cuộc tiệc tùng của chính quyền, không thức khuya, không uống rượu và
hò hẹn, và cha tôi không phải cảnh giới bí mật nào giúp ông. Ông ăn điểm tâm với
gia đình mỗi buổi sáng, đi bộ với vợ vào buổi chiều tối, chơi quần vợt với các
con vào những cuối tuần. Ông lắng nghe chăm chú, đôi mắt có vẻ ngái ngủ ấy chú ý
đến nỗi cha tôi, mới đầu, cảm thấy khó chịu khi chúng nhìn ông.
Vị Bộ trưởng hỏi thăm cha tôi về gia đình tôi, và cha tôi
nói với ông rằng mọi người đều ổn. Vị Bộ trưởng hỏi ông có bao nhiêu người con,
cha tôi nói chưa có người nào, nhưng vợ ông đang mang thai và sẽ sinh trong vài
tuần nữa (mẹ tôi đang mang thai tôi). Khi ấy vị Bộ trưởng hỏi một câu làm cha tôi
giật mình. “Ông đã có bao nhiêu người con đã chết?”.
Cha tôi cà lăm cà lặp nói “Hai đứa thưa ông, nhưng chúng
tôi đang cầu nguyện cho chuyện đó sẽ không xảy ra nữa”.
Ông Bộ trưởng nói cầu nguyện là tốt, nhưng có một chuyện
khác mà ông phải làm.
“Trẻ con của chúng ta đang chết vì những chứng bệnh đơn
giản và điều đó phải chấm dứt. Tôi muốn anh đưa tôi đến làng của anh. Tôi đã phát
động một chương trình ở Lagos
nhưng tôi muốn phát động nhiều chương trình khác trong nhiều nơi của đất nước.
Tuần sau chúng ta sẽ đến làng của anh”.
Sự vụ này làm cha tôi nghẹn ngào một lúc mới nói được và ông
nói, “Thưa ông vâng”.
***
Ở làng của cha tôi, vị Bộ trưởng đi lòng vòng cùng với các
phụ tá của ông, gặp gỡ nhiều người, hỏi han họ và lắng nghe họ. Ông chỉ cho phụ
nữ cách trộn đường và muối với nước sạch để cho các con bị tiêu chảy của họ uống,
chỉ họ cách rửa tay với xà phòng, nói với họ về trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Căn
bản sẽ được mở trong vòng một tháng. Khi được mở, mọi em bé sẽ được tiêm vắc
xin. Ông cho họ xem nhiều bức ảnh chụp các em bé mắt sáng ngời ở Lagos và nói với họ sự chủng
ngừa cũng giống như những món quà nhỏ quý giá dành cho các bé. Ai mà biết được
có một ngôi làng nhỏ như làng chúng tôi tồn tại? Tuy vậy cha tôi vẫn nói với dân
làng rằng ông đã không làm gì cả, mà chính vị Bộ trưởng cứ đòi đến làng. Nhiều
năm sau, khi cha tôi kể cho tôi câu chuyện này, tôi vẫn thấy được trong mắt ông
đầy những điều tôi không thể gọi tên.
“Vị Bộ trưởng đối xử với chúng tôi như những con người”, ông
nói, “Như những con người”.
** *
Chỉ mất chút thời gian. Chiếc miệng nhỏ mở ra của một em
bé và một giọt chất lỏng. Một cánh tay ấm của một em bé và một mũi tiêm. Chỉ như
thế mà cứu được mạng sống nhiều em bé sinh trong năm đó ở làng chúng tôi, ở những
làng chung quanh làng tôi và xa cách làng tôi, ở Calabar, Enugu
và Kaduna . Chỉ
như thế mà cứu được mạng sống của tôi. Tôi sinh năm 1986. Tôi thường tự hình
dung mình đang được miễn dịch, trong vòng tay mẹ tôi, trong dưỡng đường mới mà
vị Bộ trưởng cho xây dựng. Phụ nữ đầy trên những lối đi. Sự điều trị miễn phí. Ở
đầu kia của dưỡng đường là một cuộc hội nghị kế hoạch hóa gia đình, ở đó người
nữ y tá thuyết trình với gian phòng đầy phụ nữ, thỉnh thoảng chêm vài câu nói đùa
làm cho họ cười. Mẹ tôi tham gia cùng họ. Nhiều năm sau, mẹ tôi nói lý do làm
cho tôi không chết chính nhờ mũi tiêm nhỏ vào tay tôi, nhưng lý do làm cho tôi
có thể đi học là nhờ kế hoạch hóa gia đình. Em gái tôi sinh sau tôi hai năm, em
trai tôi sinh sau nó hai năm, và mẹ tôi nhớ những lời về kế hoạch hóa gia đình
người y tá nói với bà là “hãy có số con phù hợp để quý bạn có thể dạy dỗ tốt. Nếu
không bạn sẽ không thể dạy được đứa nào trong số chúng tốt đẹp cả”.
***
Nhờ ông Bộ trưởng, cha tôi cũng được biết rõ Nigeria .
Ông Bộ trưởng đã đến những làng, xã nằm sâu trong nội địa, và cha tôi lái xe đưa
ông đi qua những con đường bằng phẳng ở phía Bắc và những con đường gập ghềnh ở
phía Nam .
Ông theo vị Bộ trưởng đến những bệnh viện, nhìn ông diễn thuyết, ra bộ, giải thích,
cắt băng khánh thành cho nhiều trung tâm. Bất kỳ nơi nào họ đi, nhân dân theo
sau ông Bộ trưởng. Một số người chỉ cần chạm vào ông, bắt tay ông. Nhiều người
khác mang quà. “Không, không”, vị Bộ trưởng nói với cha tôi, khi ông thấy khoai
lang, chuối và gà. “Gửi chúng lại cho họ. Bảo họ là cứ cất giùm tôi”.
***
Lần đầu tiên tôi gặp ông Bộ trưởng là năm tôi sáu tuổi. Tôi
học lớp một. Cha tôi nói với ông rằng tôi đứng đầu lớp. Ông Bộ trưởng bảo cha tôi
đưa tôi đến nhà ông. Tôi muốn đứng chờ trong nhà bếp, và cảm thấy khó khăn khi được
gọi vào phòng khách, vào một nơi trải thảm, nhiều đồ vật mới và không khí sạch
sẽ. Ông Bộ trưởng xuất hiện cùng với vợ, cả hai cùng cười. Họ cho tôi một quyển
sách. Đó là quyển Sách Minh họa về Cơ thể Con người dành cho trẻ em.
“Cám ơn ông, cám ơn bà”, tôi nói và ôm quyển sách chặt hơn
bất cứ thứ gì trong cuộc đời non trẻ của tôi.
***
Chị Chioma đang bóp bàn tay tôi.
“Vậy là cô đã gặp riêng ông ấy”, chị nói. “Tôi học xong
trường điều dưỡng vào năm ông ấy được chỉ định làm Bộ trưởng”.
Giọng chị khang khác, ít nhạt nhẽo hơn, nhiều cảm xúc hơn.
Đó là lúc tôi thấy chị Chioma, một chị Chioma không cười, nghiêm nghị, rớm lệ
trong mắt.
“Chính là nhờ ông Olikoye Ransome-Kuti mà nhiều người ở Nigeria
không chết”, chị nói dịu dàng, và tôi biết là chị cũng có câu chuyện về vị Bộ
trưởng của chị. Có thể sau này chị sẽ kể tôi nghe câu chuyện, cũng có thể là không,
nhưng tôi vui vì chúng tôi có chung câu chuyện.
“Ông ấy là vị Bộ trưởng y tế tốt nhất mà đất nước này có”,
chị nói, đứng lên và nhanh tay lau mắt. Cơn co thắt của tôi bây giờ ngắn hơn và
gắt hơn. Chị Chioma nói có thể đã tới lúc sinh, và chị đi gọi bác sĩ.
Bên ngoài mưa tiếp tục rơi nhẹ nhàng cho tới khi Olikoye được
sinh.
VÕ HOÀNG MINH dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI