Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

THĂM THỦ ĐÔ XANH - Ghi chép của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 277 tháng 9 năm 2015




Đã cuối tháng bảy, nhưng trời vẫn đổ mưa nặng hạt. Đoạn đường hơn 30 km từ thành phố Tuyên Quang về Tân Trào nhiều quãng nước tràn qua đường như suối. Vào gần đến địa điểm dừng xe để mọi người xuống đi bộ lên khu di tích Nà Nưa, trời ngớt mưa.
Theo chân hướng dẫn viên, đoàn chúng tôi đi qua con đập dài khoảng 400m, xây dựng kiên cố: mặt đập rải thảm nhựa, thân đập gia cố bằng xi măng, tạo thành một hồ nước lớn. Mặt hồ trong xanh. Ba phía mặt hồ cây cổ thụ xanh rì soi bóng, thấp thoáng đỉnh núi cao mờ mờ trong mây. Núi nhiều và xanh thẫm, chứng tỏ khu vực này rừng được bảo quản tốt. Vượt qua con đập, trước mắt chúng tôi hiện lên chiếc bia đá khá lớn được dựng bên cạnh gốc cây cổ thụ khắc dòng chữ:
Lán Nà Nưa
Tại đây, từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ở, làm việc để chỉ đạo việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa và lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Cả đoàn mười một văn nghệ sỹ Đắk Lắk vượt trên ngàn cây số ra đây với mong muốn được tận mắt thấy vùng đất được mệnh danh là ATK Tân Trào – Thủ đô xanh của cách mạng Việt Nam thời tiền khởi nghĩa… Mảnh đất đó là đây, nơi cánh rừng này 70 năm trước Bác Hồ của chúng ta đã từng ở, làm việc và quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Ai cũng xúc động cố sờ lên tấm bia đá, sờ lên gốc đại thụ, những hiện vật ghi dấu một thời khó khăn gian khổ mà Bác của chúng ta từng sống và làm việc. Sau khi chụp hình lưu niệm, đoàn tiếp tục leo lên đồi đến gần một chiếc lán lợp lá cọ, xung quanh thưng nứa, núp mình dưới bóng của những cây tre thẳng tắp, vươn lên đan xen ngọn cây cổ thụ tạo thành một vùng bóng mát che khuất cả ánh nắng mặt trời buổi chiều vừa mới tan mây. Trước lán có một hòn đá tự nhiên lớn rêu mọc xanh rì, bên cạnh có chiếc bàn đá được đục bằng đá nguyên khối, nét đục còn mới, chắc người ta mới đặt vào, một lư hương lớn đang nghi ngút khói. Cô hướng dẫn giới thiệu:
- Đây là lán Nà Nưa, Bác của chúng ta ở từ tháng năm đến cuối tháng tám năm 1945.
Nhà thơ Hoàng Chuyên, thành viên nhiều tuổi nhất đoàn, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Đắk Lắk bước lên trước, yêu cầu mọi người xếp thành hàng ngang, quay mặt về phía lư hương hô lớn: “Tất cả chú ý, chỉnh đốn trang phục; nghiêm! Để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của đất nước, người cha già kính yêu của dân tộc, phút mặc niệm bắt đầu!” Giọng của người cựu chiến binh tuy đã gần bảy mươi tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe, rắn rỏi. Mọi người cúi đầu thành kính sau đó dâng hương, nhìn mắt ai cũng long lanh, xúc động. Không xúc động sao được khi thấy chiếc lán nhỏ bé như chiếc lều đuổi chim của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thường dựng trên rẫy lại là nơi nghỉ và làm việc của lãnh tụ gần bốn tháng trời, nơi đưa ra những quyết định hết sức quan trọng tạo nên bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam.
Cô hướng dẫn viên khu di tích chắc chỉ ngoài hai mươi tuổi, mặc bộ quần áo truyền thống của người dân tộc Tày giọng xúc động khi giới thiệu cho chúng tôi biết: Giữa lúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai sắp đi đến hồi kết, cách mạng Việt nam có một bước ngoặt lớn trước thời cơ ngàn năm có một, Bác quyết định về Tân Trào ở, nơi đáp ứng được yêu cầu: “Gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái” để kịp thời lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cũng chính tại chiếc lán đơn sơ này những văn kiện, chỉ thị, các chủ trương kế hoạch được Bác Hồ khởi thảo. Đây thực sự là đại bản doanh của vị Tổng tư lệnh chỉ huy cuộc tổng khởi nghĩa. Bác Hồ đã triệu tập hội nghị cán bộ ngày 4-6-1945 quyết định thống nhất chiến khu thành Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng. Trong thời gian này, có những ngày Bác ốm rất nặng, tưởng như không qua khỏi đã gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dặn: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập".
Trong công việc thường ngày của mình, chắc cô đã có hàng ngàn lần giới thiệu di tích Nà Nưa với du khách, vậy mà khi nói đến Bác, giọng không giấu nổi xúc động làm mọi người cũng rưng rưng. Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Quang Khải, sinh ra và lớn lên ở miền Nam, lập nghiệp tại thành phố Buôn Ma Thuột lần đầu tiên đến Nà Nưa, mắt long lanh ứa lệ khi nghe giới thiệu đến đoạn Bác ốm, đã cố gắng bấm máy ghi thật nhiều những tấm hình từ nhiều góc độ khác nhau đưa về làm tư liệu và giới thiệu với đồng nghiệp, gia đình. Nhà thơ Tiến Thảo, tuổi cũng đã xấp xỉ bảy mươi xúc động tâm sự: Không ngờ Bác mình ngày ấy ở đây khổ đến vậy! Cái giọng Huế ấm áp của nhà thơ nói về Bác giọng cũng run run, tay sờ lên hòn đá đầy rêu trước cửa lán; chắc đang hình dung ra cảnh người Cha già dân tộc buổi chiều hàng ngày ra đây, ngồi làm việc với chiếc máy chữ được đặt lên hòn đá này và những mệnh lệnh, những quyết sách quan trọng cho cách mạng Việt Nam đã truyền đi từ đây.
Cánh rừng già nhiều muỗi và vắt, cuộc sống vật chất đạm bạc, nhưng vì công việc, vì sự nghiệp cách mạng, Bác vẫn tận tụy làm. Mỗi gốc cây, hòn đá nới đây như còn ghi dấu Bác, lưu lại những ký ức một thời gian khổ: đói cơm, nhạt muối, bệnh tật… nhưng vượt lên tất cả là công việc, là thời cơ của cách mạng đã đến phải nắm lấy, quyết định để giành thắng lợi cho cách mạng Việt Nam. Bác của chúng ta rất vĩ đại nhưng cũng rất bình dị, luôn luôn hết mình chăm lo cho công việc. Trong lúc bị mắc trọng bệnh, khi tỉnh lại Bác dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “ Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ đảng viên và các phần tử trung kiên, trong chiến tranh du kích lúc phong trào lên ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú ý xây dựng căn cứ cho thật vững chắc đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được”. Những lời dặn dò, khẳng định quyết tâm và tấm lòng khát khao giành độc lập của Bác cũng như tầm nhìn xa trông rộng, vạch ra hướng đi cho cách mạng Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng. 
Sau khi khỏi bệnh, Bác chỉ thị tổ chức gấp Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội. Người nói với Thường vụ Trung ương: “Nên họp ngay và không nên kéo dài Hội nghị, chúng ta phải tranh thủ từng giây phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội”. Với tầm nhìn chiến lược, dự đoán được tình hình chiến sự thế giới và thời cơ cũng như thách thức của cách mạng nước nhà trước bước ngoặt lịch sử, Bác đã kịp thời có nhứng điều chỉnh về sách lược quan trọng. Ngày 13/8/1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng khai mạc tại khu rừng Nà Nưa trong không khí hết sức khẩn trương. Hội nghị quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, trang mới của cách mạng Việt Nam đã mở. Lịch sử dân tộc Việt Nam lật qua một trang mới hào hùng với những mốc son chói lọi làm “chấn động địa cầu”, khẳng định vị thế Việt Nam với thế giới bắt đầu từ đây. So với cả quãng đường hoạt động cách mạng của Người, ba tháng ở Tân Trào là thời gian rất ngắn nhưng chính từ lán Na Nưa đơn sơ này đây với những nhận định đúng đắn, những quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng, Bác đã chỉ đường cho toàn dân tộc vươn tới, tạo một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại. Từ bước ngoặt đó, dân tộc Việt Nam đã chấm dứt những ngày tháng nô lệ, bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do.
Mười một văn nghệ sỹ đại diện cho những người làm công tác quản lý văn học nghệ thuật của vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ Tây Nguyên” về thăm lại chiến khu xưa nhân kỷ niệm 70 năm thành lập nước. Vùng đất sơn thủy hữu tình Tân Trào có vinh dự là nơi một thời Bác ở, làm việc và lãnh đạo cách mạng Việt Nam vào những thời khắc quan trọng nhất. 70 năm đã qua, Đảng bộ và chính quyền nơi đây đã làm tốt công tác bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, bảo vệ được khu rừng – chiến khu xưa cho các thế hệ hôm nay và mai sau đến tham quan, học tập thật đáng quý biết bao. Về với ATK Tân Trào là về với miền đất lịch sử, về nơi linh thiêng mà mỗi người khi đặt chân đến, thắp nén hương tưởng nhớ Bác lòng như ấm lại khi được báo với Bác những việc mình đã làm, những công sức cống hiến cho cách mạng, cho công cuộc xây dựng đất nước... và thầm hứa: Chúng con nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Người đã chọn, bước tiếp dưới lá cờ vinh quang của Đảng, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Tuyên Quang – Đắk Lắk, mùa thu năm 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI