Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN BÍNH THÂN - 2016, tác giả LÂM HẠ




TRONG LÒNG GIÓ
Truyện ngắn
           


“Bố muốn chúng em đi Hàn”.
Tôi ngẩn người, ngụm trà đá đắng nơi cuống họng, cố nuốt.
Hà Nội đêm nay nổi gió, nồi lẩu đã nguội từ lâu. Thằng em gắp cho tôi mấy miếng thịt, giục chị ăn nhanh không bị đuổi như đuổi tà, vì quán vỉa hè.
“Chị lấy chồng đi, gần ba mươi rồi còn gì”.
Thằng em đưa ly rượu lên môi, uống cạn.
Từ lâu rồi, tôi không biết đến cảm giác mình có em trai.
Tôi những tưởng mình im lặng, mình sống cô quạnh, mình không đòi hỏi gì ở người đàn ông đã bỏ rơi mẹ mình thì chắc rằng người đàn bà đến sau sẽ hạnh phúc hơn, no đủ hơn, an vui hơn mẹ tôi. Nhưng đó là một nhầm lẫn tai hại, khi người đàn ông đã làm tổn thương trái tim một người đàn bà, thì chẳng vì lý do gì mà những người đàn bà đến sau nhận được hạnh phúc trọn vẹn cả. Đơn cử trường hợp của cha tôi.
“Chị về quê đi, bố không có nhà đâu”.
Thằng em út tinh tế hơn, vì nó biết tôi và cha chẳng thể nào nói chuyện như hai cha con quá vài phút đồng hồ. Những lần gặp nhau ngắn ngủi là những cuộc cãi vã, kể tội, nước mắt, hờn giận, và tôi thường là người bỏ đi.
Hai đứa em ngày ấy còn ngây dại, chỉ biết lén nhìn qua khe cửa.
Đường về quê thơm hương lúa, cái hương vị cũ bao năm chưa phai mờ trong ký ức của con bé sinh viên xa nhà. Mùi gió thốc vào ô cửa kính xe có dính mấy bả kẹo cao su ai đó cố tình bỏ lại. Tôi cắm tai nghe, nhắm mắt.
Sau mười năm bôn ba xứ người, cha về xây cho dì được ngôi nhà ba tầng. Tôi đứng chơ vơ giữa sân nhìn nên nóc nhà, nhớ đến nhà mình mỗi mùa mưa nước dột lênh láng.
“Dì định cho hai đứa đi xuất khẩu lao động ư?”.
“Bố mày muốn thế, ai cản được”.
Tôi cúi xuống bát cơm, khô khốc.
“Chiều nay dì nấu bát canh sấu nhé, cháu nhớ bát canh của ông nội quá”.
“Ừ”.
Mắt người đàn bà xa xăm, người đàn bà của cha.
Chiều, tôi lần theo dấu cỏ tìm về ngôi nhà ngày ông còn sống, nhà ấy bây giờ cỏ mọc hoang, mái sụt mất một góc. Cái khoảng sân ấy là nơi lần đầu tiên tôi gặp cha mình.
“Cháu chào chú”.
Tôi nhớ như in cái lần đầu tiên đó, tôi nhìn chằm chằm vào mắt người đàn ông lạ như một con thú hoang nhìn đối thủ, rồi lén nhìn sang mẹ. Năm đó tôi mười hai tuổi, cái tuổi chẳng còn khao khát được cha đưa đi học như đám bạn gái cùng lớp nữa.
Cái tuổi dậy thì đầy mẫn cảm.
Tôi đã khóc rất nhiều trong đêm đó.
Ngày hôm sau, quần áo tôi dính đầy mủ chuối, tác phẩm của hai thằng em trai.
Trên gò má thằng em út, hằn một vết lằn.
Tối muộn, dì chạy chợ chưa về, ông anh họ gọi tôi sang ăn cơm.
“Bảo cả dì mày về đây ăn tối luôn đi”.
Anh chị có ba đứa con gái, là cháu trai trưởng nên gắng cũng được thằng nhóc vài tháng, tôi giật mình.
“Anh chị còn cố thằng cu?”.
“Biết sao được”.
Chị dâu cười, vạch vú cho thằng nhỏ bú, nó ngủ say.
“Năm năm nay mày lang bạt những đâu thế?”.
Anh hỏi khi đã uống cạn lon bia.
“Em học xong thất nghiệp, đi buôn rượu”.
Ba cặp mắt nhìn tôi, trong im lặng.
“Ngày đó em đi buôn ở Đà Nẵng, chở rượu giao cho mấy quán nhậu, quản lý mấy em tiếp viên. Tối thì phục vụ quán cà phê”.
Anh mở lon bia thứ hai.
“Chở rượu có bữa mưa to, té xe bể mất nửa thùng, đi toi tháng lương. Chán, em vào Sài Gòn làm báo. Mấy thằng già mắc dịch tưởng ngon ăn, cứ dụ em đi miền Tây viết bài, mà đi ban đêm không mới cắc cớ”.
“Rồi sao?”
Chị dâu hỏi dồn.
“Giá mà ổng trẻ trẻ thì em liều đó, đằng này mấy chả già hơn cha em nữa. Nghĩ mình mà liều cũng mất dạy quá, nên em về Kom Tum, ngã ba Đông Dương, làm đài huyện”.
“Uống đi em”.
Anh cụng lon.
“Đời con không cha, cực lắm anh”.
Tôi nốc cạn.
“Con gái gần ba mươi chưa chồng, nhìn khô đét thế”.
Tôi cười giả lả, họ nhà nội tôi có tới mười bốn người, cha là con trái út. Đi từng ấy nhà, nghe những câu hỏi cùng một nội dung làm tôi hoang mang. Ai? Ai đã mặc định cho người con gái đến tuổi này phải lấy chồng, tuổi kia phải sinh con? Mà chẳng thấy ai dặn dò con gái hãy sống cho mình, làm những gì mình thích và sống như ý mình muốn.
“Cháu còn muốn rong chơi”.
Về quê mấy bữa, đi nhà nào ăn nhà đấy, chưa ăn được bát canh sấu của dì.
“Bố mày biết mày về chưa?”.
“Dạ chưa”.
“Thế không gọi điện thoại báo hả?”.
“Em không biết số”.
“Chán đời bố con nhà mày quá”.
Ông anh lục danh bạ, bấm máy.
“Mày nói chuyện đi”.
“Ba”.
“Ừ”.
“Con về quê mấy hôm”.
“Ba giữ gìn sức khỏe nhé”.
Cha con tôi, chẳng có mấy chuyện để nói.
“Bố con mày hay nhỉ”.
“Em chỉ mong mai kia em cưới chồng, ba em vào với em, để thiên hạ cũng biết em có cha, chớ không ai cũng nghĩ mẹ em đi xin con rơi”.
“Thế khi nào mày lấy chồng?”
“Em chẳng biết, sợ lắm”.
“Sợ gì?”.
“Sợ giống mẹ”.
“Dì đừng để hai đứa đi”.
Tôi húp cạn tô canh rau muống dầm sấu.
“Chúng nó lên chùa cả tháng, tao phải khóc mãi mới về. Bố mày chửi quá, chúng bỏ học lên Hà Nội tìm việc làm”.
Tôi nhớ ngày đầu tiên tôi làm sinh viên, chưa nhận phòng ký túc thì đã nghe tiếng cha quát lên từ phương trời xa lắc nào đó.
“Ở nhà lấy chồng đi, con gái học gì lắm”.
Đứa con gái chơi vơi, cô đơn giữa mùa đông xứ Bắc, xa mẹ. Tôi như con thú hoang cô quạnh trong cánh rừng lộng gió. Rồi từ trong giá lạnh, tôi mài sắc móng vuốt, tôi nguyện làm thú dữ.
Chẳng rõ vì nguyên cớ gì, tôi luôn hành hạ những chàng trai muốn đến gần tôi, bằng cách này hay cách khác. Chắc vì những trận đòn của mẹ thời thơ ấu, những cơn giận mẹ trút lên người tôi mỗi khi nhớ về cha.
Tôi lên lại Hà Nội, ở nhờ nhà nhỏ bạn thời sinh viên. Nhỏ có chồng, con trai một tuổi, từ bỏ ước mơ của cô phóng viên lang bạt ở nhà mở xưởng in thiệp cưới. Hai vợ chồng bận rộn, chăm con, và kiếm tiền trả nợ căn nhà mới mua.
Nhìn cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ, tôi tự hỏi mình đã bỏ lỡ những gì? Chẳng biết bao nhiêu lần, tôi từ chối cuộc sống giản dị đó.
“Tại sao xa Hà Nội lâu thế?”.
Nhỏ bạn hỏi khi đang thay tã cho con, tôi cười ngây ngô.
“Chưa đủ nhớ để trở về”.
Tôi ôm thằng nhóc, hôn nhẹ lên mái tóc tơ. Nó níu áo tôi đòi bế ra đầu ngõ, nơi lũ trẻ đang hò hét. Từ bản năng, tôi khao khát có con.
“Phòng mình còn mỗi cậu thôi đấy”.
Lần này quay lại Hà Nội đã dự đám cưới đứa con gái thứ chín trong phòng. Vì sao tôi xa Hà Nội lâu thế ư? Vì sợ, có một nỗi sợ mơ hồ sâu hun hút nào đó luôn ngự trị trong trái tim nhiều vết nứt của tôi. Tôi sợ sau tám năm, tôi vẫn một mình chênh vênh. Tôi sợ thấy tụi bạn đã có một gia đình hạnh phúc, đã tìm cho mình những giá trị giản đơn của cuộc đời vốn dĩ nhiều nỗi buồn này. Hay thiết thực hơn, làm sao tôi dám thú nhận với nhỏ bạn rằng tôi ganh tị biết chừng nào với nhỏ? Tôi cũng muốn có bàn tay ai đó nắm lấy tay mình, dắt tôi đi qua dòng đời đầy bão, cùng tôi chăm sóc con cái. Đôi khi, để cho cuộc sống bớt tẻ nhạt, chúng tôi còn giận hờn vu vơ nữa.
Tôi lén lau giọt nước mắt sau vạt áo của đứa trẻ, nụ cười trong veo của nó làm loang cả miền tuổi thơ tôi.
Ngày còn bé, tôi ít khi cười.
“Đàn ông cũng đáng thương lắm”.
Thằng em kế nói trong tiếng gió, Hà Nội giao mùa gió miên man.
Chưa bao giờ tôi nghĩ về điều đó, về những tổn thương tôi đã gây ra cho những người đàn ông chân thành. Cái bóng của cha tôi quá lớn, che mờ đôi mắt nghi kỵ của tôi, đôi mắt của đứa trẻ năm tuổi nhìn cha qua ô cửa xe mờ hơi lạnh. Đôi mắt của đứa con gái mòn mỏi chờ đợi một hình ảnh người cha mãi chẳng trở về.
Bất giác, tôi nhìn lên má thằng út, còn sẹo.
“Em có tha thứ cho chị không?”.
Nó cười.
Tôi đã trách mẹ tại sao lại trút giận lên tôi? Vậy còn tôi, tôi có trút nỗi ích kỷ và hờn giận của đứa con gái mười hai tuổi lên em mình không? Tôi đã từng ganh tị với chúng, vì chúng có cha. Trong giấc mơ tôi thường thấy mình đứng lẻ loi bên triền đê xanh xa ngái, nhìn cha cõng hai đứa đến trường, mua cho chúng thật nhiều đồ chơi và quần áo mới.
Nhưng đó chỉ là những giấc mơ.
Cha vẫn thường theo đuổi những ảo vọng mơ hồ, về một miền đất hứa nào đó. Và tỉnh mộng với cơm áo gạo tiền, cha hờn giận cuộc đời, và ra đi.
Đến khi nào cha mới dừng lại và nhìn phía sau mình?
“Em sẽ đi”.
Lòng tôi se sắt.
Tôi tự hỏi nếu ngày đó tôi không đi học, không cố gắng lấy cái bằng đại học báo chí mà đi làm, mà ôm giấc mơ làm giàu nơi xứ lạ thì liệu mẹ tôi có được ngôi nhà mới không dột mưa? Liệu hai đứa em trai có được làm sinh viên nơi giảng đường thay vì là nhân viên phục vụ nhà hàng?
“Em muốn thằng út được đi học”.
Tôi biết, với tôi tấm bằng đại học bây giờ chỉ đánh dấu ba năm xa nhà, ba năm mơ mộng đầy hoài bão đã bị cuộc đời đập tan thành từng mảnh vụn. Một đứa con gái buôn rượu không cần bằng đại học, một nhân viên phục vụ quán cà phê  không cần bằng đại học, một MC tiệc cưới nhàng nhàng nơi làng quê cũng không cần bằng đại học. Nhưng nếu nói đổi những năm tháng ấy, thì chẳng có giá nào để tôi đánh đổi cả. Tháng ngày đó, tôi đã vẽ mộng trên ban công thư viện quốc gia về một tương lai nhiều màu sắc sặc sỡ, những chú sẻ nâu trên nhánh lá bàng đã dệt cho tôi cái tổ ấm cất giữ nụ hôn đầu đời ngày đầu đông, vương đâu đó hương hoa ngọc lan cuối thu dịu ngọt.
Tôi cũng muốn em tôi được bước chân lên giảng đường, dù tôi biết có thể khi ra trường, nó sẽ vẫn là một nhân viên phúc vụ nhà hàng.
“Chị xin lỗi”.
Tôi đưa tay xoa vết sẹo mờ trên má em trai.
“Chị đừng nghĩ nhiều nữa, lấy chồng đi. Mọi chuyện sẽ ổn thôi”.
Tôi chưa từng nghĩ rằng chúng đã trưởng thành. Trong mắt tôi, chúng vẫn chỉ là hai đứa trẻ chảy nước mũi sau ô cửa nhỏ. Chúng nhìn thấy nỗi sợ của tôi, của đứa chị gái luôn chạy trốn tuổi thơ mình. Bây giờ thì tôi đã biết, mình tìm kiếm điều gì giữa cuộc đời này.
Tôi khóc.
“Chúng mình sống cuộc đời của chúng mình đi”.
Em trai tôi nói nhỏ, thoảng như hơi gió.
Gió mạnh, gió thốc vào tận khoảng tim vỡ của tôi, buốt giá. Ba chị em tôi ngồi trong gió. Tôi muốn ôm hết gió vào lòng, để tung hê hết cái quá khứ nhiều vết cứa, để xóa mờ khoảng cách giữa chúng tôi, khoảng cách giữa hai buồng trứng.
“Mình về thôi chị, lạnh rồi.”
Gió hong khô mước mắt tôi.
Chúng chưa bao giờ hạnh phúc như tôi nghĩ.
Tôi về nhà trong âm thầm. Ân hận, xấu hổ, hay vì sợ hãi? Tôi không chào bạn bè, giữ trong mình nhiều gió.
“Đừng đi”.
Tôi nhắn tin cho em trai, hàng trăm tin nhắn với một nội dung ấy.
Tôi không biết cha tôi mơ gì, tôi cũng không còn quan tâm cha thương ai nhất trong ba đứa con cha chưa bao giờ chăm bẵm. Tôi chỉ biết, chúng tôi, những đứa trẻ được số phận giao cho mối ràng buộc tình thân giữa cuộc đời này, nên sống cuộc đời như chúng tôi muốn.
“Em sẽ tập ăn kim chi.”
Dòng tin nhắn vào buổi chiều tàn, mùa khô nơi này gió mạnh, cánh dã quỳ vàng một góc trời.
Tôi sẽ tập yêu, và tập muối kim chi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI