Một góc thành phố Vinh - quê Bác
Quê chung
Bỗng nghe tiếng nói trăm miền
Khi con bước đến làng Sen, làng Chùa
Lối vào nhà Bác đơn sơ
Bên hàng râm bụt, bên bờ phi lao
Bước chân bè bạn năm châu
Đứng gần nhau, xích gần nhau lối này
Thời gian là chính hôm nay
Mà không gian cả chuỗi ngày sao nguôi
Ba gian nhà lá, nghèo thôi
Chiếc chõng tre, Bác ra đời ở đây
Bên khung cửi nhỏ ngày ngày
Gió còn đưa chiếc võng này, Bác ơi!
Giọng ru xứ Nghệ “à ơi”
Nghìn câu hát cũ bồi hồi trong con
Biết lời nào của nước non
Đã cầm tay Bác thuở còn ấu thơ
Đồng xa lúa đã kín bờ
Con cò trắng muốt thẫn thờ bay bay…
Tiếng ai ru cháu trưa nay
Cây cam cây mít đứng say quanh nhà
Nước non ngàn dặm đường xa
Chúng con về chật một nhà Bác ơi!
Một quê chung của muôn nơi
Khoảng trời của những khoảng trời khác nhau.
XUÂN HOÀI
Lời bình:
Có một địa chỉ mà muôn con tim hướng về, đó là
làng Sen: Quê Bác! - Nơi đã sinh ra vị lãnh tụ kính yêu. Một làng quê Việt Nam
rất bình dị, thân thương, đó là “Quê chung” cho mọi người.
Thường, các nhà thơ khi viết về Bác bắt đầu từ
những điều giản dị, gần gũi đời thường để nói về cái lớn lao huyền thoại như: Đôi
dép Bác Hồ, Tấm áo ka ki… Nhà thơ Xuân Hoài - người con Xứ Nghệ viết về quê Bác
cũng là viết về quê mình. Cái duyên thơ bắt đầu từ sự mộc mạc ân tình mà lắng sâu
da diết. Ông phát hiện ra một tứ thơ hay “Quê chung” bắt đầu từ những gì thân
quí, thân thuộc từ khu vườn làng quê Bác. Ở đó có: “Ba gian nhà lá nghèo thôi -
Chiếc chõng tre Bác ra đời từ đây”. Điệu thơ lục bát như một lời tâm tình, một
“hướng dẫn viên tâm hồn” dẫn dắt chúng ta: “Lối vào nhà Bác đơn sơ - Bên hàng râm
bụt, bên bờ phi lao”. Nhịp thơ thong thả, cân xứng, mềm mại như ca dao tạo ra sự
cân đối mực thước, kính cẩn trong tâm thức mọi người: “Bước chân bè bạn năm châu
- Đứng gần nhau, xích gần nhau lối này”. Chữ “xích” vốn là từ địa phương được dùng
trong văn cảnh này thật hợp lý, chân thành để nói về một động thái vừa ấm áp tình
người, vừa chung nhau một tình cảm lớn lao quy tụ thành một khối “kết đoàn” như
lời bài hát Bác thường bắt nhịp. Bác chính là hạt nhân có sức hút với một từ trường
từ vẻ đẹp bình dị thường ngày đến những tư tưởng nhân văn vượt ra ngoài bờ cõi.
Về thăm nhà Bác còn đó: “Bên khung cửi nhỏ ngày
ngày - Gió còn đưa chiếc võng này, Bác ơi!”. Ta cứ ngỡ hình bóng tuổi thơ của Bác
vẫn còn đâu đây. Chính tình cảm quê hương xứ sở từ những câu ru “à ơi” của một
“Quê chung” này đã nuôi lớn tâm hồn của một con người vĩ đại từ: “Đồng xa lúa đã
kín bờ - Con cò trắng muốt thẫn thờ bay bay”. Chính sự định vị bắt đầu từ ngôi
nhà đơn sơ của Bác để nhìn rộng ra với năm châu bốn bể, với sự trải rộng của không
gian và cụ thể của thời gian đã tạo ra sự cộng hưởng trong cảm xúc chung, tình
cảm lớn về một vĩ nhân. Câu thơ bâng khuâng, dìu dặt: “Biết lời nào của nước
non - Đã cầm tay Bác thuở còn ấu thơ” đã se thắt nghẹn lòng lắng lại bước chân
khi hồi tưởng về quá khứ. Quê Bác - Quê chung không những là nơi sinh ra Người
mà là cái nôi văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách trí tuệ của Người.
Có một hình ảnh đột biến bất ngờ tạo cho tứ thơ
bay xa hơn, nâng bổng hơn và da diết tình cảm hơn khi nhà thơ thật tinh tế nhận
ra: “Tiếng ai ru cháu trưa nay - Cây cam, cây mít đứng say quanh nhà”. Đây là một
trong những cặp lục bát hay nhất của bài thơ vượt ra ngoài giới hạn của tình cảm.
Một sự quấn quít, giao cảm giữa thiên nhiên và con người, giữa quê Bác và nước
non, thế giới, giữa tiếp nối thế hệ. Và “Nước non ngàn dặm đường xa - Chúng con
về chật một nhà Bác ơi!”. Nếu như chữ “xích” là sự dịch chuyển chậm thì “chật”
là một vòng tay thân thiết gắn kết với nhau hướng về một cội nguồn - một con người,
và cao hơn là một lý tưởng. “Quê chung” được chắp cánh bay lên cũng bắt đầu từ
một điều bình dị, ân tình như thế. Hình ảnh của Bác Hồ “Muôn vàn tình thương yêu
trùm lên khắp quê hương” (Việt Phương) đã vượt ra ngoài biên giới đến với nhân
loại bắt đầu từ: “Một quê chung của muôn nơi - Khoảng trời của những khoảng trời
khác nhau”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI