Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN BÍNH THÂN - 2016, tác giả MAI KHOA THÂU


Tác giả MAI KHOA THÂU



KHÚC TRÁNG CA CỦA NGƯỜI LÍNH
trong bài thơ TÂY TIẾN của Quang Dũng
(Ngữ văn 12)



Quang Dũng sinh năm 1921 và mất năm 1988, ông tên khai sinh là Bùi Bình Diệm, quê ở làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây cũ (nay là TP Hà Nội). Ông học đến bậc Trung học ở Hà Nội. Sau Cách mạng Tháng Tám, Quang Dũng tham gia quân đội. Từ sau năm 1954, ông là biên tập viên Nhà xuất bản Văn học.
Quang Dũng là một nghệ sỹ đa tài: Làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Nhưng Quang Dũng trước hết là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa - đặc biệt khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài (Sơn Tây) của mình. Để ghi nhận công lao to lớn của ông cho nền Văn học nước nhà, năm 2001, ông được nhà nước xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Bài thơ Tây Tiến được sáng tác vào năm 1948 khi ông rời đơn vị Tây Tiến và nhớ về kỉ niệm gắn bó một giai đoạn dài với đoàn quân Tây Tiến. Đoàn quân Tây Tiến gồm hầu hết những thanh niên Hà Nội hoạt động ở một địa bàn rộng lớn ở vùng biên giới Việt- Lào.
Bấy lâu nay đã có rất nhiều bài giảng hay về bài thơ Tây Tiến. Nhưng chỉ thấy khám phá ở những khía cạnh nghệ thuật, những câu chữ, còn những yếu tố hàng đầu của giảng văn đã bị bỏ qua hoặc né tránh, hoặc hiểu khác nhau dẫn đến cảm thụ toàn bài không giống nhau.
Qua bài viết này tôi xin nêu ra một vấn đề cần hiểu rõ hơn nội dung và tâm trạng của nhà thơ khi bình giảng bài thơ Tây Tiến ở học kì 1 lớp 12, đó là: Nội dung của bài cần khắc sâu cho học sinh hiểu "không có cái bi trong tinh thần bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng". Phải nói đây là một “khúc tráng ca của người lính Tây Tiến”.
Ta hãy đọc đoạn đầu của bài thơ sẽ thấy sự hồi tưởng lại những kỉ niệm của một thời chinh chiến, những cuộc hành quân gian khổ trong điều kiện thiên nhiên vừa khắc nghiệt lại vừa hùng vĩ, thơ mộng. Hào hoa mà anh dũng:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Đúng là bài thơ Tây Tiến có pha chút hương vị buồn, vị bi. Nhưng ở đây tuyệt nhiên không phải là cái bi lụy, bi thảm, bi thương và lại càng không phải là cái bi của bi kịch. Mà ở đây cái buồn trong bài thơ Tây Tiến không hề toát ra từ nội dung, tư tưởng mà chỉ toát ra từ cảm hứng hoài niệm- mà đã là gọi là hoài niệm xưa nay thì có bao giờ vui. Thêm vào đó, cảm hứng hoài niệm lại được chọn lựa một thể thơ thích hợp để biểu hiện, là thể thơ "thất ngôn trường thiên" với những vần bằng đều đều, lại giữ độc vận trong từng đoạn thơ, khiến nhạc điệu cứ êm ái triền miên (người đọc dễ bị đánh lừa cảm giác). Người đọc đã bị âm điệu êm ái ấy lôi cuốn quyến rũ, huyền hoặc, nên đã lướt qua những câu chữ hết sức quan trọng để đi đến đánh giá bài thơ có cái bi trong tinh thần bi tráng. Thực ra, bài thơ tràn đầy cảm xúc vui tươi, khỏe khoắn lạc quan yêu đời.
Ở bài thơ này, theo tôi cái bi chỉ được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật đối lập, thăng - giáng, để làm nổi bật lên những ngày hành quân gian khổ nhưng lại rất hào hứng, những ngày đóng quân vui vẻ và ý vị, cùng một cái lẽ sống cao cả, đó là: Chết vì dân vì nước của bao chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến anh hùng, theo cách sử dụng ngôn ngữ riêng của nhà thơ Quang Dũng.
Nhà thơ thật khéo léo phân thân để trải nghiệm quá khứ với hiện tại, khiến cho người đọc không để ý phân biệt được không gian và thời gian nghệ thuật trong bài thơ, không nhận ra được tâm thức của nhà thơ, khi nào là trở lại với Tây Tiến và khi nào là đang còn ở trong đơn vị quân đội Tây Tiến, gián tiếp với hồi tưởng: "Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.../ Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi/ ... / Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ/..."
Đúng thật, không biết khi nào thì tâm thức như đang trực tiếp trên đường hành quân của đoàn quân Tây Tiến, bằng những cảm xúc được tái hiện: "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.../ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.../ Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ Kìa em xiêm áo tự bao giờ...".
Nhà thơ cũng đã rất khéo léo kết hợp hai phương thức sáng tác, đó là: Phương thức thực tại, và phương thức lý tưởng hóa để làm cho toàn thể bài thơ hài hòa. Bằng bút pháp nghệ thuật hiện thực với bút pháp lãng mạn, dẫn dắt người đọc vào cõi thực hùng vĩ, tráng lệ bên cạnh cõi thơ, cõi mơ bay bổng phiêu diêu. Và đặc biệt nói đến tài năng sáng tạo ngôn ngữ của Quang Dũng, ông không dễ dãi dùng những tiếng thông thường quen thuộc, mà dùng những từ vựng rất "độc" của riêng ông, và điều này ít nhiều đã góp phần làm tăng thêm sự trong sáng của tiếng Việt.
Những câu thơ vừa tình tứ mà tinh nghịch, vừa tài hoa mà dí dỏm, nhưng cũng đầy chất lính vui nhộn mà cũng rất Hà Nội thanh tao. Tất cả những cái đó đã tạo nên cái đôïc đáo, cái kì lạ, cái giọng điệu riêng, cái lung linh huyền ảo của bài thơ, càng soi vào đó ta càng thấy óng ánh những sắc màu diệu kì.
Cùng những dòng hồi tưởng đó, tác giả nhớ lại hình ảnh người lính Tây Tiến, những hình ảnh độc đáo không thể phai nhòa:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Tây Tiến người đi không hẹn trước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi.
Ngay ở câu "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc" đã cho ta thấy được sự gian khó và cực kì ác liệt của cuộc chiến tranh. Thời đó đoàn quân Tây Tiến hoạt động trong rừng núi phía tây Bắc bộ nơi biên giới Việt- Lào của nước ta, nơi rừng thiêng nước độc bệnh sốt rét làm cho các chiến sĩ tóc rụng đến nỗi không mọc lại được. Da xanh bủng như tàu lá chuối rừng, ốm yếu, bệnh tật, nhưng tinh thần thì vững vàng. Khí phách thì luôn hiên ngang khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Tinh thần ấy thật mãnh liệt, mãnh liệt cả trong "mộng", mãnh liệt cả trong "mơ". Qua hình ảnh "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới", tôi đặc biệt thích câu này, vì nó đã toát lên được ý chí và nguyện vọng của dân tộc Việt Nam đó là quyết giữ vững độc lập chủ quyền, luôn luôn nêu cao cảnh giác với kẻ thù, qua sự  thể hiện ý chí quyết tâm của đoàn quân Tây Tiến trong nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Cũng chính từ tình yêu quê hương, yêu đất nước của những chàng trai vừa tròn mười chín đôi mươi trên đất nước Việt Nam nói chung và những chàng trai Hà Nội nói riêng, ra đi chinh chiến làm sao không mang theo trong hành trang của mình hình bóng của một "dáng kiều thơm" nào đó, hoặc cũng chí ít cũng là một nữ y tá, hay một hình bóng của cô dân quân nào đó trên đường hành quân. Một chút lãng mạn như vậy thôi cũng đủ nuôi dưỡng tinh thần người lính Tây Tiến trong hoàn cảnh chiến đấu gian khổ, hi sinh và điều này cũng là một động lực khiến cho các anh nắm vững hơn cây súng trên tay. Tứ thơ mơ mộng này nằm dọc cấu trúc chung của bài thơ Tây Tiến là ngược- xuôi. Đó là: Ý chí, hành động thì luôn hướng ngược về phía tây Bắc bộ nơi biên cương của Tổ quốc, còn tình cảm thì lưu luyến xuôi về quê hương. Đó là cái hồn, cái tinh thần lạc quan của bài thơ.
Không nói hai câu đầu và hai câu cuối, mở và khép bài thơ ít được ai phân tích rạch ròi. Ta thấy ở đây, đoạn đầu bài thơ là kỉ niệm những ngày đầu hành quân gian khổ và hào hứng. Cứ cách một hình ảnh kỳ vĩ, hiểm trở của núi rừng lại đến một hình ảnh mộng mơ, bay bổng của tâm hồn nghệ sĩ say tìm cảnh lạ, nơi miền đất xa, gần như chiếm ưu thế trong tâm hồn nhà thơ cũng như trong ý nghĩa thẩm mỹ của hình tượng thơ.
Đi dọc bài thơ ta bắt gặp ít nhất là năm lần, nếu không là nụ cười tinh nghịch thì cũng là một vẻ dí dỏm thông minh của những người chiến sĩ Tây Tiến. Ta cũng có thể thấy xuất hiện ít nhất là năm lần hình ảnh của người con gái, biểu tượng của cái đẹp. Và ẩn khuất sau những câu thơ là những tiếng cười sảng khoái qua hình ảnh "Súng ngửi trời"- vì súng có mũi súng giống như một nụ cười sảng khoái: ví như khi người lính ăn mừng chiến thắng thì thường chĩa súng lên trời làm một băng liên thanh, đó là một cách thể hiện niềm vui sướng của người lính thời chiến.
Bằng nghệ thuật điêu luyện, Quang Dũng đã khắc họa chân dung người lính Tây Tiến, với tinh thần bi hùng cao quý và niềm lạc quan yêu đời, chứ không rơi vào tinh thần bi lụy. Vì những người lính Tây Tiến hiểu rằng: Họ sẵn sàng chiến đấu hi sinh cho một lý tưởng cao cả đó là bảo vệ Tổ quốc, đó là tinh thần của người cách mạng. Và người đời sau sẽ mãi dựng lên tượng đài của lòng dũng cảm trong bài thơ Tây Tiến – Một khúc tráng ca bất diệt.















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI