Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN BÍNH THÂN - 2016, tác giả TRẦN BĂNG KHUÊ





XUỐNG NÚI
Truyện ngắn



1
Tôi đã chọn ngày nắng đẹp rực rỡ. Mùa xuân vẫn còn hớn hở đâm chồi nẩy lộc và đơm hoa kết trái, mặc dù mùa hè đang đến. Tôi sẽ xuống núi cùng mẹ.
2
Ngày xuống núi cũng đã đến. Ngay sáng mai thôi. Chỉ cần mặt trời chiếu những tia sáng đầu tiên trên ngọn cây sau đồi. Tôi sẽ được xuống núi cùng mẹ. Cả một đêm dài của tôi. Đêm miên man, huyền hoặc của tôi. Mẹ vẫn đang làm gì đó bên bếp lửa. Ở gian nhà giữa. Thỉnh thoảng mẹ liếc sang nhìn tôi. Đứa trẻ mụ mị với nỗi vui sướng vì sắp được xuống núi. Đêm tịch mịch. Bầu trời của tôi sáng lấp lánh ngàn ngôi sao ước vọng. Bao giờ mẹ cũng chỉ về hướng nào đó trên bầu trời và bảo rằng: “Cha tôi ở đó”. Mẹ từng nói: “Cha tôi đã ao ước một lần được xuống núi”. Rồi cha đi. Cha bám vào ngọn cây sau đồi, để có thể bám theo những vì sao và xuống núi. Nhưng, tôi biết, cha chưa bao giờ xuống núi được. Ánh mắt mẹ đăm đăm nhìn sâu vào ngọn lửa đang cháy. Mẹ thì thào một mình: “Những người đàn ông đã rời đi sẽ trở về trong lửa”. Đêm vẫn tịch mịch dài. Tôi thiếp ngủ bên mẹ, bên lửa. Lửa ấm và sáng. Như giấc mơ.
3
Bình minh cũng đã leo lên ngọn đồi, tinh nghịch nheo mắt nhìn căn nhà bé nhỏ, đơn độc. Mẹ đã sửa soạn đầy đủ các loại vật dụng cần thiết để đi đường. Mẹ bắt đầu thúc giục rộn ràng: “Nào, nhanh con gái, chúng ta sẽ xuống núi”. Tôi bất giác buông lời hỏi mẹ: “Liệu con có thể tìm thấy cha?”. Mẹ sững sờ nhìn tôi, rồi liếc sang chiếc bếp tro đã tắt lửa, chỉ còn hơi ấm đêm qua. Mẹ không trả lời. Tôi nhìn ra cửa, tay xách một chiếc túi màu nâu.
Mẹ và tôi sẽ xuống núi bằng lối mòn. Tôi vui mừng với những mộng tưởng đầy hứa hẹn về một bữa cơm no. Tôi đi nhanh lắm. Đôi chân trần thoăn thoắt của một đứa trẻ hồn nhiên với những mơ mộng và ảo tưởng luôn tràn đầy năng lượng. Tôi gạt phăng hết tất thảy các loại chướng ngại vật. Những cây gai mọc ngang, những đá dăm đá sỏi, những gồ ghề khúc khuỷu trên đường đi. Mẹ bảo ở dưới đó con sẽ được nhìn thấy thế giới. Mẹ vẽ ra nhiều mùa lễ hội đẹp và vui. Tôi tung tăng đếm nhịp bước chân của mình và chọn lựa từng ý nghĩ, nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết định mơ về một bữa cơm thịnh soạn nhiều thịt, cá.
Đường xuống núi đẹp lạ lùng. Hoa cỏ xanh tươi thơm lừng từng hơi thở. Chúng sẵn sàng mở lối. Tôi bị dẫn dụ bởi nhiều viễn cảnh mở ra trong trí tưởng tượng ở dưới kia. Thế giới văn minh. Mẹ đoán chừng, nơi đó rất náo nhiệt, tôi lẩm bẩm hồn nhiên bên cạnh mẹ: “Có lẽ, mẹ cũng đã từng mơ xuống núi”, rồi nghĩ, tôi nghĩ về những thứ của tôi: “Hẳn nhiên tôi sẽ có thêm bạn”. (Tôi không nghĩ nhiều về những điều mẹ trầm mặc, mỗi lần nắm chặt đôi tay bé nhỏ của tôi dọc đường). Còn mẹ, mẹ vẫn luôn thì thào bằng gam giọng trầm, xa vắng: “Ở đó, chắc chắn sẽ có nhiều những thứ chạy bằng máy móc, động cơ, chúng sẽ khiến con ngỡ ngàng và ngộp thở”. Đứa trẻ con ham vui trong tôi vẫn chẳng mảy may để ý đến lời mẹ. Một cơn gió nhẹ thoảng qua tai. Tôi nghĩ nhiều về bữa cơm nằm trong chiếc hộp màu trắng xốp hoặc trên chiếc đĩa dẹt hình tròn mà tôi thường mường tượng mỗi lần có người dưới xuôi lên núi. Tôi sẽ dùng những chiếc thìa màu bạc, những chiếc nĩa màu đồng, những đôi đũa sáng lấp lánh để nhấm nháp từng món ăn ngon. Tôi không phải giở nắm cơm mẹ gói trong lá chuối ít ỏi và rắc một tí muối vừng nữa. Tôi bắt đầu mơ về thế giới ấy, thế giới của những bữa cơm chan đầy nước màu đỏ sền sệt như súp.
Suốt đoạn đường đi mẹ thao thao kể về những ngôi trường có con chữ biết nhảy múa, có người bạn giống tôi biết đàn ca và hát. Suốt đoạn đường tôi đi, mẹ thường xuyên ngoảnh mặt lại phía sau, vẫy tay chào từng bờ cỏ dại, rồi len lén gạt phăng những giọt nước mắt để mỉm cười cho tôi yên dạ.
4
Mặt trời lên cao dần, chân tôi thoăn thoắt bước nhanh hơn. Nhưng, tôi phát hiện ra điều gì đó kì lạ. Dường như, con đường ngắn lại, không gập ghềnh đá sỏi nữa mà trơn tru láng mịn đến lạ kì. Mẹ chỉ tay về phía trước, có một đoạn dốc lõm xuống sâu hóm và quanh co như thung lũng. Mẹ nhón từng bước một, khe khẽ rồi nắm lấy tay tôi lao nhanh. Cả thân thể tôi tuột dần, tuột dần xuống triền dốc. Tôi nhắm mắt lại để khỏi phải sợ hãi cảm giác lần đầu tiên lao xuống một nơi nào đó khác với quê hương mình. Ý nghĩ về những hào nhoáng xa xăm nở bừng như màu hoa vàng trong đầu tôi. Một đứa trẻ chỉ cần được ăn no và cười. “Hóa ra chẳng có gì đơn giản mẹ nhỉ”, tôi thì thầm bên tai mẹ, đến khi con đường dốc biến mất, núi rừng biến mất, mặt trời biến mất. Trước mặt tôi là một ngôi trường ba tầng xây dựng rất hiện đại, rộng rãi, từng dãy nhà cao, dài, cứng cáp chẳng hề giống mấy ngôi nhà sàn bằng tre nứa của làng tôi trên núi. Đèn điện sáng choang, nhiều màu sắc. Người đông đúc đi lại. Tiếng nhạc xập xình. Tiếng hát ồn ào xen lẫn những thanh âm thét gào. Tôi hơi hoảng hốt. Mẹ ghì chặt nắm tay bé bỏng và ôm lấy tôi vào lòng thủ thỉ: "Đừng sợ con gái, hãy bước chân vào căn phòng phía trước mặt. Con sẽ tìm thấy cha."
Mẹ đưa tôi đến lớp học đầu tiên là một căn phòng nhỏ, mẹ nói điều gì đó với người đàn bà có đôi mắt ti hí, rồi mẹ rời gót, trở về bên cạnh tôi thắc thỏm, nhắc lại từng lời: “Đừng sợ con gái, hãy bước chân vào căn phòng phía trước mặt. Con sẽ tìm thấy cha”. Sau đó, mẹ rời khỏi nắm tay tôi. Mẹ trở về rừng. Mẹ lên với núi. Chỉ còn tôi ở lại với lời dặn dò của mẹ: “Đừng sợ con gái. Ở đó con sẽ tìm thấy cha”.
5
Tôi bần thần đứng giữa những con người kì lạ. Họ không buồn nhìn đến tôi, họ không tò mò hỏi tôi từ đâu đến? Hoặc là mỉm cười chào tôi lấy một lần. Tôi lại  nhớ lời mẹ thủ thỉ trước đêm rời khỏi nhà: "Nếu muốn được ăn cơm, con phải làm những việc giống họ nhé". Mẹ nói thế có nghĩa là gì hả mẹ? Tôi chỉ thấy quanh mình một không gian ảm đạm chẳng hề vui vẻ như mẹ nói. Họ đang vừa hát vừa cầm những chiếc thìa màu bạc và xúc cơm trắng đưa vào miệng nhai rau ráu đến ngon lành. Cuộc hành trình đường xa, khiến tôi đói đến độ không cần suy nghĩ thêm về lời của mẹ. Tôi bắt đầu quan sát và tìm cách làm sao để lấy được một đĩa cơm trắng mà tôi mơ ước. Người bạn đứng bên cạnh tôi, anh ta bị chột một con mắt. Những ngón tay không thẳng đang cố với lấy đĩa thịt có thứ nước sốt đỏ sền sệt. Anh ta nhắc nhở tôi hãy bước về phía trước, ngay cái bàn dài đó để lấy đĩa cơm. Giọng rền rền của anh ta khiến tôi rùng mình khi nghe điều kiện: "Muốn ăn đĩa cơm đó mày phải bị khuyết tật một tí". Nghĩa là, không được phép lành lặn ư? Mẹ chưa hề nói đến điều này. Có lần tôi nghe mẹ thở than, quả tim của con đập lạ lùng lắm, lúc nào cũng như tiếng nước đang sôi, réo ùng ục trong lồng ngực. Tôi giật mình, chẳng lẽ tôi lại phanh ngực ra, chỉ vào đó và bảo rằng: "Đây, khuyết tật của tôi nằm đây". Chắc chắn dưới lớp da lành lặn, sáng mịn vì được dưỡng nuôi dưới ánh mặt trời thuần khiết của tôi sẽ chẳng ai tin đâu. Anh bạn phía sau vẫn thúc cùi chỏ vào lưng tôi, bắt tôi phải tiến về phía trước, bưng lấy đĩa cơm. Người đàn bà phục vụ bàn nhìn thấy tôi liền hỏi: "Thế khuyết tật của mày là gì?". Tôi giật mình, nhắm tịt cả hai mắt lại, trả lời: "Dạ, cháu chẳng nhìn thấy gì cả, cháu bị mù ạ". Ồ, lần đầu tiên tôi nhanh trí khi quyết định giả mù để có được đĩa cơm, dù chỉ chan thứ nước sốt sền sệt màu đỏ ấy.
Dạ dày tôi lại cồn cào sôi réo, tôi không đủ tỉnh táo trước cơn háu đói của mình để suy nghĩ xem, mẹ đã đưa tôi đến ngôi trường này như thế nào? Sao lại kì lạ đến vậy? Tất cả họ đều kì lạ. Tất cả họ đều chỉ biết ăn và ăn. Có một người đàn ông mù đang đứng hát trên bục cao trong căn phòng này, trong lớp học đầu tiên của tôi. Mẹ đâu rồi? Mẹ tôi đâu rồi? Rừng núi nở hoa của tôi đâu rồi? Bọn chim non líu lo trên những ngọn cây, mỗi sáng tôi bước chân ra khỏi bậc cầu thang từ trên nhà sàn xuống sân đất đỏ đâu rồi? Mẹ ơi.
Nước mắt tôi không thể rơi tự do được. Vì tôi đang phải giả vờ mù để ăn hết đĩa cơm này. Tôi nghĩ đến lời thì thào của người đàn bà béo tròn lúc nãy bên bàn dài để cơm: "Mày hãy ăn đi, nhưng đừng để chúng tao phát hiện ra mày đang giở trò gian dối". Tôi giật mình, cố lùa nhanh từng hạt cơm màu trắng vào miệng, chỉ sợ nó biến mất, chỉ sợ bà ta biết rằng tôi đang giả vờ bị mù. Trong từng khoảnh khắc một, tôi tự mình gây áp lực bằng những sợ hãi miên man. Tim tôi đập nhanh, và bắt đầu sôi réo. Rõ ràng là nó không bình thường. Rõ ràng là tôi đang cảm nhận được sự đau đớn của mình ở vị trí đó. Vậy mà, tôi vẫn phải giả vờ nhắm nghiền cả hai mắt lại. Tôi tiếp tục thì thầm gọi mẹ. Có lẽ, lúc này tôi mới thấm thía cảm giác mù lòa của kẻ khác. Ôi, mù lòa chỉ vì một đĩa cơm trắng chan thứ nước sền sệt mà tôi thèm khát. Tôi muốn ném cái đĩa xuống nền và mở trừng mắt ra ngay lập tức. Ý nghĩ biến thành hành động. Tôi làm thật. Người đàn bà nhìn xéo, chỉ tay về phía tôi, quát gọi những kẻ mặc bộ trang phục cũ kỹ ám mùi rêu mốc thếch. Tôi bỏ chạy. Tôi lách qua căn phòng trống, bên trong có những chiếc giường ngủ sang trọng xinh xắn. Đám người có khuôn mặt màu xám vẫn đuổi theo tôi. Những bước chân gấp gáp ở phía sau lưng, khiến tôi toát mồ hôi. Đến cuối hành lang của dãy nhà mẹ đưa tôi vào, bỗng mở ra một lối đi. Chúng vừa đủ cho thân hình tôi lọt thỏm, và dễ dàng thoát khỏi sự đuổi bắt phía sau. Tôi men theo bờ tường chạy ào thật nhanh về phía ánh sáng lấp lánh. Chân núi hiện ra trước mặt. Những gờ đá gồ ghề xuất hiện. Cỏ hoa vẫn xanh ngăn ngắt. Tôi reo lên mừng rỡ: “Về nhà, về nhà thôi, về với mẹ của ta thôi. Chẳng ăn cơm trắng nữa, chẳng phải nhắm nghiền hai mắt lại nữa, và chẳng ai đuổi bắt ta ở phía sau lưng nữa. Mẹ ơi, con không cần cha.”
6
Tôi băng băng lao nhanh trên con đường quen thuộc. Dù nó càng lúc càng cao dần. Tôi vẫn chạy như kẻ đang bị người ta đuổi bắt. Rồi, bỗng dưng tôi trượt chân, rơi, cảm giác rơi thật nhanh, không thể nào dừng lại được. Tôi lại gọi mẹ. Tôi gọi cả núi rừng, gọi cả mặt trời và con gà trống bạn tôi mỗi buổi sáng gáy vang nơi đầu hồi của căn nhà sàn lẻ loi trên đỉnh. Tôi nhắm mắt lại lần nữa. Rơi, rơi dần. Hình như tốc độ rơi còn nhanh hơn lúc mẹ và tôi xuống núi. Chẳng ai đuổi bắt, tại sao tôi vẫn rơi? Chẳng phải xuống núi, tại sao tôi vẫn nhìn thấy độ dốc nghiêng đến mức chóng mặt? Ồ, hóa ra, hoặc, có lẽ, người ta luôn bị rơi trong khoảng chừng của những ham muốn đầy bóng tối.
Một bàn tay ấm nóng, nắm chặt lấy tay tôi. Cảm giác rơi nhanh đầy hoảng sợ ấy bỗng dưng trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu. Có thể là mẹ, có thể là một sự cứu rỗi dịu dàng nào đó. Tôi buông bỏ hết tất cả những ám ảnh từ phía ngôi trường ấy. Và nhắm mắt, mặc kệ thân xác mình đang trôi. Tôi mơ về một hình hài hệt như cái bóng của đỉnh kim tự tháp màu trắng bạc, rồi mấp máy môi, thều thào vài ba âm vực trầm đục, câu được câu mất. Duy chỉ có điều khiến tôi thích thú nhất, là nhìn thấy mình đang mỉm cười, nằm yên dưới chân đồi. Nơi, có những mùa hoa vàng cả mặt trời.
7
Ngôi nhà nhỏ trên đỉnh đồi Lang Thang bốc khói và cháy bùng trong một đêm lửa vào thời điểm đổi mùa. Chẳng ai biết nguyên nhân tại sao. Nhưng, hoa gạo đỏ lại nở thay mùa dã quỳ quen thuộc. Mùa xuân đỏ.
Dăm bảy năm sau, người dân đi rừng, leo núi vẫn thấy hình bóng của một người đàn bà thoắt ẩn thoắt hiện, xõa tóc phủ kín khuôn mặt ơ hời gọi tên một đứa trẻ bằng giọng trầm sắc lạnh: “Lang Thang hỡi Lang Thang. Con đừng xuống núi. Cha con chết rồi. Lang Thang hỡi Lang Thang.”



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI