Tác giả HỒNG CHIẾN
Buôn Krail có hơn
trăm nóc nhà dài hội tụ bên bờ một con sông chảy ngược. Con sông này bắt nguồn
từ phía mặt trời mọc, vươn cánh tay dài gân guốc vào tận các khe sâu, núi cao của
dãy Chư Yang Sin chắt lọc những hạt nước tinh khiết nhất góp lại, tạo thành dòng
rồi đổ về hướng tây, đuổi theo ông mặt trời xem đi ngủ nơi nào. Những người dân
buôn Krail hiền lành, chất phác, quanh năm chí thú lo làm ăn và vui chơi, ca hát.
Hai bên bờ sông, mùa mưa nước dâng cao, tạo nên một vùng nước rộng mênh mông;
nhưng khi mùa khô đến, nước rút đi để lại một cánh đồng rộng lớn, màu mỡ, thuận
lợi gieo trồng cây lương thực. Người dân chỉ cần gom cỏ rác tấp đống lại đốt,
xong chọc que tra hạt; mấy tháng sau cây bắp cao hơn đầu người, mỗi cây cho từ
năm đến bảy bắp, bắp nào cũng to như bắp tay người lớn, hạt đều chằn chặn; còn
gieo lúa, mỗi hạt lúa cho bốn năm bông, một bông mang theo cả vốc tay hạt. Nông
sản thu về, các bếp làm một cái kho trên vùng đất cao ngoài rẫy để trữ, khi nào
ăn ra lấy về chứ không mang về nhà. Dưới sàn: heo, gà, trâu, bò… nhà nào cũng có
nhiều để dùng phòng khi mùa mưa không vào rừng bắt thú được. Trong rừng thú nhiều
lắm, nhà nào muốn ăn loại gì rủ vài người vào bắt mang về như ta nhốt sẵn trong
chuồng vậy rồi chia đều cho tất cả các bếp trong buôn cùng ăn.
Nàng H’Linh con gái
của Mtao buôn Krail không những đẹp người, đẹp nết mà còn rất khéo tay trong việc dệt vải. Nàng thường cùng các nữ tỳ vào rừng già chọn những loại cây
có sợi đẹp nhất đem về dệt vải. Nàng dệt hoa trên áo, lũ bướm nô nức
kéo đến xem che kín cả nhà; nàng dệt bụi trúc, chim chóc lao vào định đậu đập đầu
vào tấm thêu… M’tao buôn Klail là một người đàn ông trung niên không những khỏe
mạnh mà còn mưu lược, thống lĩnh cả vùng phía đông bắc dãy Chư Yang Sin kéo dài
đến tận thảo nguyên M’drak được nhiều người yêu quý, kính trọng. Hai vợ chồng
M’tao chỉ sinh được một mình H’Linh nên yêu thương nàng hết mực. M’tao buôn
Klail có người bạn thân làm M’tao buôn Yok Đôn phía tây dãy Chư Yang Sin, thuộc
vùng thảo nguyên Ea Suop, trong nhà lúc nào cũng có hơn trăm con voi, vài ngàn
con ngựa, năm ngàn quân lính. M’tao buôn Yok Đôn cũng sinh được một người con
trai khôi ngô tuấn tú, săn bắt voi, ném lao, bắn nỏ… từ xưa đến nay chưa có ai
sánh bằng và điều đặc biệt là sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm với H’Linh.
Hai Mtao thấy các con đều hơn người nên quyết định khi đủ mười bảy mùa rẫy sẽ làm
lễ thành hôn cho đôi trẻ. Hàng tháng, nếu Mtao buôn Yok Đôn không dẫn con trai
xuống thăm, H’Linh được ama đưa qua bên ấy chơi; đôi trai tài, gái sắc yêu thương nhau lắm, họ chỉ mong đủ tuổi để được làm vợ chồng.
*
**
Hôm ấy, buổi sáng
trời trong xanh không một gơn mây, nàng H’Linh cùng các tùy nữ vào rừng tìm cây
lấy sợi về dệt vải; trưa đến nàng cùng người hầu và quân lính dừng lại bên thác
Yang Hanh nghỉ. Mấy người tỳ nữ lấy hoa rừng kết thành vòng đặt lên đầu trang điểm
cho H’Linh. Trời đang trong xanh, bỗng một tia chớp lóe lên rồi một tiếng nổ
inh tai. Gió ở trên các sườn đồi ào ào chạy đến kéo theo lũ mây đen vần vũ che
khuất cả bầu trời. Quân lính mời nàng lên ngưa để về. Nàng H’Linh cười bảo:
- Đang mùa khô, tự
nhiên có sấm chớp thế này chắc chỉ mưa ít hạt rồi tạnh thôi, không lo đâu; tắm
mưa một lúc cũng hay đấy.
Mọi người vâng lời
cùng ngồi đợi mưa. Mưa rơi, lúc đầu chỉ vài hạt sau nặng dần, những hạt mưa thi
nhau rơi xuống thành dòng. Quân lính và các tùy nữ dùng tay tạt nước vào nhau;
tiếng cười, tiếng nói làm lay động cả cánh rừng. Mọi người tắm mưa, nô đùa, còn
H’Linh ngồi trên tảng đá nhìn và vỗ tay cổ vũ cho cánh tùy nữ. Mọi người mải
vui không hay biết có một đoàn người lạ vừa đến, đang lặng lẽ chứng kiến cảnh
vui đùa của quân lính H’Linh. Trời đột ngột tạnh mưa như lúc ập đến. Gió lại ào
ào nỗi lên. Trên trời những đám mây đen vẫn lầm lì không chịu bay đi. Mọi người
đang vui đùa bỗng im bặt khi phát hiện ra đoàn người lạ đứng trong rừng già. Quân
lính lao lại cầm giáo mác, cung tên; bọn tùy nữ như bầy ong thợ vội vã chạy lại
đứng vòng tròn xung quanh H’Linh. Từ trong rừng, một chàng thanh niên thân hình
vạm vỡ, tuổi chừng mười tám mùa trăng, cỡi con voi đực trắng có cặp ngà chéo
nhau, đi đến bên khoảng đất trống gần nơi quân lính của H’Linh đang đứng thủ thế
chuẩn bị giao chiến thì dừng lại, voi quỳ xuống cho chàng trai bước xuống đất.
Người con trai lạ cất tiếng:
- Chào các bạn, mình
ở buôn xa đến chơi xin có lời chào tất cả.
- Đất, nước và rừng
già là của chung mọi người mà.
H’Linh bước ra trả
lời. Chàng trai lạ sững người khi nhìn thấy khuôn mặt xinh đẹp, trên đầu còn đội
một vòng hoa trắng tinh khiết, hương thơm ngào ngạt tỏa ra làm rụt luôn cái lưỡi
không còn biết nói nữa; đôi mắt mở to hết cỡ như gặp Yang(1) xuất hiện. Thấy người
lạ như bức tượng mới đẽo, H’Linh mĩm cười hỏi thêm:
- Người lạ ở đâu đến
và định đi đâu mà qua vùng đất này?
- Tôi… tôi từ bên
kia núi… qua bên này núi, đi… đi…!
- Người ở tận Lang
Bi Ang qua?
- Đúng thế!
- Định đi đâu mà lại
qua đây?
- Đây là đâu?
- Đây là đất của
Mtao buôn Klail.
- Tôi… tôi cũng định
đến thăm Mtao buôn Klail.
- Đến thăm Mtao có
việc gì không?
- Chuyển lời thăm và lời mời Mtao buôn Klail qua thăm Tù trưởng La Ngư Thượng
(2).
- Tôi là H’Linh,
con gái Mtao buôn Klail, mời chàng về nhà.
H’Linh lên ngựa đi
trước cùng quân hầu của mình, còn chàng trai lạ có năm chục con voi, ba trăm
con ngựa tía cao lớn nối gót theo sau. Về gần đến buôn, tiếng tù và ngân lên báo
hiệu có người lạ đến thăm. Mtao buôn Klail ra đầu cầu thang đứng đợi, thấy đoàn
quân của chàng trai lạ tiến vào buôn gươm giáo sáng lòe, đội ngũ như một đoàn
quân thiện chiến lấy làm bằng lòng lắm. Chàng trai đến chân cầu thang xuống
voi, cúi đầu làm lễ chào, Mtao mời vào nhà nói chuyện. Chàng trai lạ cho quân lính
mang lễ vật lên nhà gồm: một gùi trà, hai gùi quả hồng sấy, ba gùi thịt sơn dương
khô cùng chín súc vải dệt của người K’ho…
- Chàng trai ở đâu đến
mà tặng ta nhiều lễ vật thế?
- Tôi là K’Lang bạp(3)
của Tù trưởng La Ngư Thượng thuộc xứ cao nguyên Lâm Viên, nghe tiếng Mtao buôn
Klail là người tài giỏi lại rộng bụng nghĩa hiệp nên vâng lời mebèp(4) qua thăm
và xin kết nối tình giao hảo.
- K’Lang đi mấy ngày
mới tới được đây?
- Vừa đủ một bàn
tay (năm lần) mặt trời đi ngủ.
- Bên ấy có núi cao
như bên này không?
- Cũng giống như bên
này, nhưng bên ấy nhiều cây có lá nhỏ hơn.
Mtao buôn Klail ưng
bụng lắm mở tiệc thết đãi; mổ năm con bò, mười con heo lớn lại chôn cột đầu buôn
buộc rượu mời khách. K’Lang ở lại thăm năm ngày, ngày nào cũng được Mtao bày tiệc
thết đãi ân tình, quân lính đôi bên ngã nghiêng bên ché rượu, vui lắm; tiếng
chiêng bay vút qua các đỉnh núi vang tận trời xanh đủ năm ngày năm đêm. Thấy nàng
H’Linh xinh đẹp, khéo tay, đối xử với mọi người rất vui vẻ càng làm cho lòng K’Lang
thêm thầm yêu trộm nhớ muốn lấy làm vợ. Qua ngày thứ sáu, K’Lang ngõ lời mời
Mtao qua thăm Tù trưởng La Ngư Thượng. Mtao nhận lời, mang theo đoàn tùy tùng mười
con voi, một trăm con ngựa, cùng con gái H’Linh lên đường. Sau năm ngày trèo đèo,
lội suối M’tao buôn Klail đến La Ngư Thượng và được Tù trưởng La Ngư Thượng mở
tiệc lớn chiêu đãi. Trong những ngày lưu lại, đích thân Tù trưởng La Ngư Thượng
đưa Mtao đi thăm các vùng đất thuộc mình cai quản. Được chứng kiến cảnh vật, đất
đai phì nhiêu, cây cỏ xanh tốt và đặc biệt có những hồ nước lớn trong vùng làm
M’tao buôn Klail ưng lắm. Riêng H’Linh được K’Lang dẫn đi thăm những vườn hoa có
rất nhiều hoa lạ, màu sắc rực rỡ, hương thơm khi nào cũng vây đầy xung quanh.
Thăm nơi dệt vải, H’Linh thấy rất nhiều mẫu mới lạ và các sợi dùng để dệt cũng
mảnh hơn, óng mượt hơn so với bên nhà nên thích lắm cố hỏi cặn kẽ để học về nhà
làm theo. Thấy H’Linh thông minh, ham hiểu biết như vậy, lòng K’Lang càng đắm
say không muốn rời xa nàng.
Thời gian thấm thoắt,
thoáng một cái đã mười ngày trôi qua, M’tao buôn Klail ngỏ lời xin về. Tù trưởng
La Ngư Thượng cố giữ lại thêm mấy ngày, mở tiệc linh đình chia tay. Khi rượu ché
túc gần vơi, ché ba gần cạn, Tù trưởng La Ngư Thượng mới ngỏ lời:
- Con gái của Mtao
chắc cũng đến tuổi bắt chồng, con trai tôi cũng đã đủ tuổi lấy vợ, chúng ta có
thể kết làm thông gia được chăng?
- Ô, chúng ta chỉ có
thể kết bạn thôi, còn thông gia thì không được vì H’Linh đã có lời đính ước rồi.
Nghe Mtao trả lời,
gương mặt Tù trưởng hơi tối lại, ông ta thở dài rồi nói:
- Chúng nó không có
duyên thì đành vậy.
Họ chia tay nhau
trong tiếng chiêng tiễn khách và hẹn gặp lại tại buôn Klail.
Thấy Mtao buôn
Klail đưa nàng H’Linh về nhà, lòng K’Lang như có lửa đốt, không ăn không ngủ được,
muốn xin Tù trưởng cho quân lính qua cướp dâu. Lúc đầu Tù trưởng không ưng, nhưng
sau thấy K’Lang không ăn, không ngủ, nằm bẹp một góc nhà nên thương con, buộc
phải đồng ý.
***
Buổi sáng, ông mặt
trời mới thức dậy, người dân buôn Klail chưa kịp nổi lửa nấu ăn đã nghe có tiếng
trống trận vang lên dồn dập rồi một đoàn quân từ trong rừng xông ra. Con bạch tượng
chéo ngà đi đầu, trên cổ có chàng thanh niên khoác áo giáp bạc, cầm kiếm thép sáng
lòe; phía sau có năm trăm con voi chiến, năm ngàn con ngựa và đội lính bộ đông
như lá rừng bày trận trước buôn. Mtao buôn Klail vội vã tập hợp một trăm hai mươi
con voi, năm trăm con ngựa và toàn bộ trai tráng hơn ngàn người mang cung tên,
giáo mác ra đối trận.
Một hồi trống dài vừa
dứt, người mặc áo giáp bạc thúc con voi trắng tiến ra phía trước, Mtao buôn
Klail cũng thúc voi tiến lên hỏi:
- Tại sao lại đưa
quân đến đây?
- Thưa Mtao, hôm
nay tôi đến để xin được đón nàng H’Linh về làm vợ.
- H’Linh đã có đính
ước, không thể gả cho ngươi được, hãy mang quân về đi.
- Tôi nhất định phải
bắt H’Linh về làm vợ!
- Nếu không được thì
sao?
- Chiến tranh.
Nàng H’Linh cả đêm
thao thức không ngủ được, sáng ra dậy sớm dệt vải nhưng sợi bị đứt, nối được sợi,
khung lại gãy làm đôi, lòng như có than hồng. Đang bồn chồn chưa biết nguyên nhân
làm sao, bỗng nghe trống trận vang lên, nàng giật mình biết điềm chẳng lành nên
vội xuống sàn đóng yên vào con ngựa bạch yêu quý rồi theo sau voi Mtao ra trận.
Khi nghe K’Lang nói vậy, H’Linh thúc ngựa xông ra:
- Ta đã đính hôn từ
nhỏ, xem như đã có chồng sao người còn làm điều càn bậy như thế?
- H’Linh, ta yêu nàng,
bất chấp tất cả để bắt nàng làm vợ. Nếu Mtao không bằng lòng, nàng không ưng ý,
hôm nay đất này sẽ thành sông máu. Tùy nàng chọn.
H’Linh nước mắt lưng
tròng, trong lòng đau xót lắm, thúc ngựa lại bên Mtao:
- Mtao ơi, con yêu
Mtao và amí(5) nhiều lắm, nhưng không thể để vì con mà chiến tranh xảy ra, nhiều
người vô tội phải chết, biết bao người phụ nữ mất chồng, trẻ con mất cha... Xin
Mtao cho con được tự xử.
H’Linh nói xong thúc
ngựa tiến lên phía trước bảo:
- Chỉ vì một người
con gái mà chàng đẩy nhiều người vào chỗ chết như vậy là quá tàn nhẫn, chỉ vì cái
riêng mà gây họa cho nhiều người, vậy là không tốt. Thôi thì thuận theo ý Yang
vậy, nếu chàng đuổi theo bắt được ta trước khi ta đến bến nước buôn của người sắp
bắt làm chồng, ta sẽ đồng ý làm vợ người. Còn không thì hãy mang quân về, không
được gây chuyện binh đao.
Nghe H’Linh nói vậy,
K’Lang mừng lắm, nhận lời ngay vì nghĩ: với con bạch tượng nhanh nhẹn này thì
chỉ chớp mắt có thể bắt được nàng mang về làm vợ. Ba hồi trống nổi lên vừa dứt,
trong tiếng hò reo của quân sỹ hai bên, H’Linh thúc ngựa lao vào cánh rừng ven
sông lớn chạy ngược về phía tây. Con ngựa thuận ý chủ chạy theo con đường nhỏ có
nhiều cây to làm con voi kềnh càng luôn phải tránh né cây mới đi được. Ngựa của
H’Linh chạy từ sáng qua trưa, sang chiều, đến
khi mặt trời xuống núi chuẩn bị đi ngủ thì tới một con thác đang gầm thét
dữ dội, xung quanh có nhiều đá lớn chắn mất đường đi; ngựa kiệt sức húc đầu vào
đá, gục xuống chết. H’ Linh khó khăn lắm mới thoát khỏi xác ngựa, leo lên hòn đá
bên thác, ngữa mặt nhìn trời than:
- Yang ơi, con biết
làm sao đây, nếu để K’lang bắt được thì chắc chắn M’tao buôn Yok Đôn sẽ kéo quân
đến rửa hận, chiến tranh bao giờ kết thúc, bao nhiều người sẽ chết oan uổng vì
con. Con tự nguyện xin được chết để ngăn cuộc chiến tranh vô nghĩa này. Cầu xin
Yang cho con được toại nguyện.
Vừa lúc đó, con voi
của K’Lang ầm ầm lao tới, nhìn thấy H’Linh đang đứng trên hòn đá cạnh thác liền
reo ầm lên:
- Ta bắt được nàng
rồi!
Nói xong, K’Lang giơ
tay định nắm lấy vai H’Linh thì… H’Linh giang tay, lao mình xuống dòng thác như
một cánh hoa lìa cành. Lúc đó Mtao cũng thúc voi chạy đến thấy thế hét lên một
tiếng hãi hùng. Dòng thác gầm lên, bồng xác nàng đặt lên hòn đá phía dưới chân
thác, phun bọt trắng phau vây quanh. K’Lang đứng lặng như hóa đá nhìn xác người
mình yêu, trong lòng vô cùng hối hận. Mtao nhảy xuống ôm xác con mang về. Dòng
thác nơi H’Linh chết từ đó được người dân địa phương đặt tên là thác H’Linh(6).
M’Tao buôn Klail đưa
được xác H’Linh về đến buôn; amí H’Linh chạy ra nhìn thấy con đã chết liền thét
lên một tiếng ngã vật ra đầu đập vào cầu thang, hồn đi theo Yang luôn. Mtao đau
xót, căm giận cánh rừng bên phải dòng sông không tránh đường để con gái đi nên
mới phải chết thảm để rồi vợ cũng chết theo; vì thế Mtao không thèm chặt gỗ bên
này mà sai quân lính qua bên kia sông xin rừng cho chặt hai cây gỗ quý về làm
quan tài cho vợ, cho con. Nhưng lạ thay, hễ quan tài làm xong đưa qua sông thì
chìm; lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba… đến lần thứ bảy vẫn chìm. Mtao ngạc
nhiên lắm, mới lập đàn cầu xin Yang sông cho mình đưa quan tài về chôn cất cho
vợ con. Đêm đến Yang sông hiện về bảo: “Nếu nhà ngươi đồng ý từ nay cho mọi người
gọi tên sông là Krông Bông, ta sẽ cho qua”; Mtao bằng lòng. Mờ sáng hôm sau hai
cây gỗ lớn không biết ai chặt từ rừng bên trái sông trôi qua bên phải sông;
Mtao cho voi kéo về làm quan tài chôn cất cho vợ và con gái. Tang lễ xong, Mtao
làm lễ tạ ơn Yang sông và ra lệnh cho mọi người gọi tên sông là Krông Bông vì thế
cho đến tận ngày nay người dân nơi đây vẫn gọi dòng sông ấy là Krông Bông – sông
Quan Tài.
Krông Bông – Ea Kar cuối
đông 2015
Chú thích:
(1)
Yang – tiếng Êđê gọi
thần linh.
(2)
La Ngư Thượng – tên
gọi vùng đất thành phố Đà Lạt ngày nay.
(3)
Bạp – tiếng K’ho gọi
con.
(4)
Mebèp – tiếng K’ho
gọi ba.
(5)
Amí – tiếng Êđê gọi
má.
(6)
Thác H’Linh – thuộc
địa phận thành phố Buôn Ma Thuột.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI