Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN BÍNH THÂN - 2016, tác giả PHẠM TỐ QUỲNH




TRÀ DUYÊN

Truyện ngắn



Quán trà ấy nằm ở góc phố, quán rất nhỏ mang cái tên “Năm xưa”. Năm xưa, năm xưa, người đọc lên lại thấy phảng phất biết bao kỷ niệm ùa về. Chủ quán là một cô gái tuổi độ hai lăm hai sáu, thường mặc một chiếc áo dài kiểu cổ màu xanh trứng sáo, mái tóc đen dài luôn kẹp hờ sau lưng, ánh mắt lúc nào cũng bình thản an nhiên dường như thấu triệt mọi thứ trên đời.
Khách đến quán chủ yếu là khách quen, mà khách mới đến lần đầu cũng đều phải tìm đường quay lại. Bởi trà, bởi người, bởi hoa. Chủ quán bảo ấy là trà duyên, mỗi một con người sinh ra trên đời nếu đã vương duyên với trà tức là đang muốn tìm về một cõi yên tĩnh, nảy trong lòng một chút thiện tâm giữa vòng xoáy hồng trần. Ngồi trước ấm trà, tĩnh tọa giây lát, nhìn vào những lá trà xoay tròn rồi chìm dần xuống, người ta bỗng nhìn thấy được cả kiếp trước, đời sau của mình. Có người hỏi chủ quán, cô chỉ cười bảo:
- Ấy là trà duyên.
1.
Trời đổ cơn mưa, anh và em tìm chỗ trú chân ở trong quán trà nhỏ. Đôi ta đến đây mới lần đầu. Quán trà mang đậm phong vị cổ kính, dường như rêu phong thời gian đã bám dày trên từng chiếc bàn gỗ sẫm màu, từng chiếc mành chạm họa tiết hoa mai ngậm sương, những đóa sen trắng dường như chẳng bao giờ úa tàn. Chao ôi, cái màu trắng thanh tân ấy khiến anh nhớ đến ngày mình gặp nhau. Tương phùng do duyên, duyên phận trong đời như nước chảy, người đến kẻ đi, vậy mà anh lại bị đôi mắt em thu hút.
Chủ quán đợi cho chúng ta kịp trao nhau ánh mắt mới bước ra ôn tồn hỏi han. Anh là người không thích trà, còn em thì khác. Anh không biết làm sao đành gọi thứ trà sen mà em yêu thích nhất. Cô gái trẻ cẩn thận đặt bộ trà cụ xuống, để cho khách tự pha, anh hỏi vì sao, cô mỉm cười bảo:
- Để biết cách nâng niu từng mối duyên phận.
- Nhưng tôi không biết cách pha trà.
Cô gái trẻ đặt tay lên ngực mình, nụ cười trên môi càng lúc càng dịu dàng. Trong thoáng chốc ấy anh như hiểu ra, anh không cần phải tráng ấm chuyên trà, chỉ pha một chén mộc mạc theo đúng lòng mình mong muốn. Em ngồi đó, chống cằm nhìn anh lóng ngóng, trà vương vãi ra bàn. Trông anh như một chú bé đang chơi đồ hàng cùng bọn con gái thuở ấu thơ. Trà pha ra, nước xanh trong như cõi trần vô dục, hương thơm thoảng qua giống như mùi tóc em xao xuyến.
Giữa xô bồ, ta trao cho nhau một chén trà trong, em và anh không cần kiểu cách, dốc cạn cả tấm lòng. Anh và em đưa mắt nhìn nhau, khoảnh khắc ấy chừng như hàng thế kỷ, liệu đôi ta có thể ngồi như vậy mãi hay không? Ngoài kia đầy huyên náo, anh chỉ muốn trốn ở chốn này, trốn vào trong lá trà, ấm tách, tự giữ cho mình một thoáng bình an. Anh sợ hãi những gương mặt ngoài kia, anh sợ hãi những con người với tấm lòng bon chen không ngớt.
Dừng lại một chút thôi em. Ngày mai anh sẽ trở về, là một nhà văn âu lo cùng cơm áo gạo tiền, em sẽ trở về là một cô gái lãng mạn đa sầu. Hai thứ đó bổ trợ cho nhau, và chờ khi chúng ta về chung một lối. Liệu trăm năm còn có đủ?
Anh gõ nhẹ mặt bàn, chén trà rung khẽ, từng xoáy nước hút hồn anh, anh và em cùng nhìn vào trong chén. Thấy hiện lên cảnh non sông tráng lệ. Trời đang về đêm, trăng sáng thấu tỏ, giữa nhà tranh vườn quỳnh có một văn sĩ đang ngồi trước bàn viết. Chàng ngắm nhìn đóa quỳnh trông trăng say đắm, chốc chốc lại họa lên trang giấy những giòng chữ tài hoa. Giữa ánh trăng mờ ảo say lòng, bên kia sông đang chìm trong ánh sáng điện đường, ánh sáng giả tạo của những kẻ ham vinh hoa phú quý:
Đêm buông xuống, vầng trăng trong trẻo hào phóng ban cho nhân gian muôn sắc ngọc, Hà Nội đã lui về sau một ngày hối hả nhuốm mùi thuốc súng và dây thép hòng nghỉ ngơi dưỡng sức. Để rồi bước ra trong vẻ ngoài bảnh bao với những bộ trang phục lộng lẫy, nhón chân vào Thuỷ Tạ, Khâm Thiên, ngây ngất trong tiếng đàn ca sênh phách cùng những phồn hoa một thời.
Những câu chuyện đó đã lùi về một thế giới khác - một thế giới mà văn sĩ coi là truỵ lạc, bê tha. Chàng giống như một Nho sinh nhầm thời, cả ngày vui với sách vở cổ kim, nhìn cảnh bàn tay ngoại bang cày nát non sông mà chỉ biết nhỏ lệ thở dài. Văn sĩ sống ẩn dật, lánh khỏi con người và cả cái công nghệ của thời thế, chỉ ham hương sắc dạ quỳnh. Chàng không ưa nên nàng cũng ghét lây, chỉ ngẩng cao đầu kiêu hãnh trông về phía đèn hoa rực rỡ ngập mùi rượu cồn và thuốc phiện. Văn sĩ sống thanh cao bên Quỳnh, nàng là cảm hứng và tình yêu của những trang văn thấm đẫm hơi thở thời cuộc.
Chàng đặt cho nơi mình sống một cái tên thật kêu, thật cổ: Quỳnh Uyển. Quỳnh Uyển mà duy có nàng thôi. Đêm nay chàng lại đọc những trang văn mới viết cho Quỳnh nghe, nàng là độc giả đầu tiên của văn sĩ.
Bao giờ cũng vậy, Quỳnh sẽ ngồi đó ngẫm ngợi, thi thoảng mỉm cười đàm luận đôi câu. Ngoan ngoãn và dịu dàng. Hương thơm từ suối tóc nàng làm chàng ngây ngất. Văn sĩ lấy làm hài lòng, chàng viết rất nhiều, từ những kẻ ăn mày cho tới các vị quan tai to mặt lớn miệng quát Xà - lù - mẹc. Thế giới này sinh ra là để nằm gọn trong trang viết của chàng, sống vì chàng. 
Văn sĩ đặt bút xuống, chấm một nét đầu tiên, chàng lại viết. Chàng sẽ viết gì đây? Quỳnh khe khẽ cúi xuống, để cho mái tóc mềm sượt qua vai chàng. Tứ văn bay bổng, những con chữ giăng hàng trên trang giấy, chàng đang ở nơi nao?
- Những câu chuyện của anh luôn khiến em hoảng loạn. – Quỳnh bảo.
- Em xem, trăng kia có mấy khi tròn. – Văn sĩ cười.
Trời tang tảng, Quỳnh lui vào đài hoa, nàng ủ rũ nói:
- Em e sợ những kết thúc không viên mãn, em sợ sự điên cuồng trong đó.
- Cuộc đời của chúng ta chẳng phải luôn điên loạn đấy sao. – Văn sĩ mơ màng.
Văn sĩ yêu Quỳnh nhưng nàng mong manh quá, yếu ớt quá, mấy ngày nay tấm áo xanh của nàng đã xuống màu hẳn, vàng vọt như cát pha, khuôn ngọc cũng nhợt nhạt đi. Chàng đau lòng nhìn Quỳnh đang gượng cười với mình rồi đứng lên xoa nhẹ gò má trắng nhợt của nàng. Dưới ánh trăng khi tỏ khi mờ, đêm dài sắp hết, Quỳnh bỗng buồn rầu lưu luyến. Để rồi nhành ngọc cứ rũ mãi xuống, cánh hoa rụng hết thảy. Kiếp quỳnh hoa đêm nở ngày tàn, kiếp hoa mong manh.
Văn sĩ khóc nấc lên khi người yêu về với chúa hoa. Quỳnh bị trời xanh giày xéo, thanh bạch một đời, nay chỉ trơ lại vài đốt tay rỉ máu, cánh hoa trong trắng tinh khôi còn đượm hương lẫn vào bùn đất. Văn sĩ nâng xác nàng lên, tắm rửa cho nàng dưới sự chứng kiến của Nguyệt Thần, chàng cầm lòng không đậu, cớ sao cái đẹp cứ bị trêu ngươi?
Sông núi trải bao còn, giang sơn đã đổi chủ, Quỳnh Uyển xưa nay vùi thây trong lòng đất dưới sự tàn phá khốc liệt của thời gian để lưu lại cái hào hoa trăm năm trước. Sau ngày Quỳnh mất, văn sĩ cũng thành người thiên cổ. Người tri âm đã đi còn cầm bút làm gì? Lòng tiếc hoa lùi vào dĩ vãng. Từ bờ sông Hồng trông ra, vườn cũ chỉ còn là một cái gò nhỏ mà cỏ dại mọc tràn.
Anh ngẩng lên nhìn em, thấy đôi mắt em đã đẫm lệ. Ai từng bảo trà khiến ta tìm được kiếp trước kiếp sau. Anh kiếm tìm chủ quán, mong giãi bày đôi câu. Cô gái trẻ vẫn mỉm cười hiền dịu, đặt tay lên trái tim mình, đáp:
- Ấy là trà duyên.
2.
Sau cơn mưa, hôm sau nắng đã đổ lên thành phố. Bất giác lại đem đến chút yên bình thoáng qua, hơi sương còn đọng trên những tán cây rộng, lấp lánh như ngọc. Khách vào quán là một chàng trai trẻ, trong đôi mắt vương nét sầu bi. Ngày ấy, anh hay đưa người thương đến đây để tìm khoảng không gian riêng tư cho chuyện tình đẹp tưởng như vĩnh cửu. Vậy mà giờ đây chỉ riêng người lẻ bóng.
Chủ quán đưa ra một chén nước trong, bên cạnh chẳng có trà cụ hay chỉ một lá trà duy nhất. Khách ngước mắt nhìn cô thắc mắc, chủ quán vẫn nở nụ cười nền nã trên môi. Chén nước sôi thoáng bỗng run lên rồi trong các vòng xoáy hiện ra cảnh người ở kiếp trước:
Sân khấu rộn tiếng cười, đậm nét phồn hoa thuở thịnh thế, màn nhung vén lên, đèn nến vụt tắt, để lộ ra bóng tài tử giai nhân. Hóa ra họ đang diễn một khúc "Lã Bố hý Điêu Thuyền". Người xem kịch im lặng, đắm mình vào chuyện tình thê lương. Kỳ lạ thay, giữa lúc ấy, Điêu Thuyền chẳng màng đến Lã Bố, chỉ đau đáu ngắm nhìn một chéo áo xanh. Mà chéo áo ấy thuộc về một thư sinh nho nhã, năm nay chàng lên kinh dự thi, tạm thấy chốn hào hoa mà đặt chân tới.
Ánh mắt họ chạm nhau, thoáng chốc đã được khắc ghi đến suốt kiếp.
Nàng thẹn thùng dùng vạt áo giấu đi gương mặt. Liệu chàng có đang nhìn ta chăng? Nếu chàng động lòng, vậy thì vì ta hay vì phấn son châu ngọc? Nho sinh ngước mắt, tự nhủ rằng nụ cười ấy dành cho ai? Tiếng tục khách lao xao bên tai, hay nàng đang động lòng vì ai khác? Vậy là, chàng quay lưng rời gót.
Họ gặp nhau một lần nữa ở trước bảng vàng, nhưng vị tân Trạng Nguyên lại lặng lẽ đi lướt khỏi giai nhân. Nhà vua đã ban hôn ước cho chàng và công chúa, nho sĩ đã quên ánh mắt trên sân khấu hôm nào. Duyên phận được xe trong thoáng chốc, tan thành mây khói. Điêu Thuyền thấy hụt hẫng, bỗng chốc dầm dầm lệ sa. Cứ như thế, hai người để lỡ mất nhau…
Khách thấy trái tim đau nhói, tất thảy sự không bằng lòng trên thế gian đều đến từ nhân quả kiếp trước. Bấy giờ chủ quán mới đặt xuống bàn một bình trà xanh trong vắt, khách bỗng chốc tỉnh ngộ...
3.
Phố chuyển sang đêm, ánh sáng ban ngày đã bị thay thế bởi đèn điện le lói đủ mọi màu sắc. Thủ đô là nơi nuôi dưỡng ước mơ cũng là nơi nhấn chìm biết bao nhiêu số phận. Có người lên, kẻ xuống, người đến, kẻ đi, nhưng cho dù tất thảy đều nhận ra điều bi kịch thì vẫn tình nguyện nhắm mắt bước vào, chỉ vì một thoáng phồn hoa. Trăm năm cũng chỉ như cát bụi, cớ chi mà cứ mãi bon chen?
Trăng lên, dòng ngân hà nghiêng nghiêng. Từ chín tầng trời, dòng thác trăng đổ xuống trùm lên thành phố.
Ở đây, người ta đã thôi ngắm trăng. Có lẽ bởi ánh đèn, hoặc bởi đã không cần tri âm nữa. Trăng chỉ tỏ khi thấy tri âm, nước mắt ngàn năm của vầng trăng ấy có ai từng thấu hiểu?
Ngoài ban công của quán trà, văn sĩ im lặng ngắm trời cao. Có một ngôi sao sáng tỏa trên đầu, bỗng nhiên lóe lên giống như giọt lệ của thần linh kết đọng cả vạn thế kỷ. Tay anh hơ trên miệng chén trà, để làn hương ấm áp ngấm dần vào thể xác và linh hồn. Trăng đang rầu rĩ, bỗng nghển cổ mà trông. Ai từng bảo ánh trăng lạnh lẽo? Có chăng cũng chỉ lạnh với tục nhân. Văn sĩ buông tiếng thở dài.
Chủ quán đứng bên giò địa lan đương trổ, lặng lẽ trông về phía ban công. Nỗi đau của những kẻ sinh nhầm thời đã biến họ trở thành tri kỷ. Văn sĩ nhìn vào từng xoáy nước ngày một dày đặc trong chén trà, giống như bão lòng của chính bản thân. Anh thấy bóng áo dài cùng với nụ cười nền nã, đôi mắt ấy giống như thấu triệt, soi sáng cả tâm linh bụi bặm của thế gian.
- Đời thì bạc. – Văn sĩ bảo.
- Chuyện đời có mấy khi vừa lòng người? – Chủ quán cười.
- Chúng tôi nhếch nhác lắm phải không cô? Sống trong cái thời nhiễu nhương này, những văn nghệ sĩ có tâm thì khổ.
- Ai cũng có sứ mệnh của riêng mình, chi bằng cứ nghĩ như vậy cho thỏa lòng.
- Đời đáng cười. Những người khắc khoải cả đời với chữ thì cứ chịu đày đọa mãi, quả đúng là phận giời hành. Kiếp sau xin đừng làm thân phu chữ!
Mùi trầm nhẹ tỏa, chủ quán mỉm cười bốc một nắm trà cho vào trong chén, nước sôi dội lên, những lá trà chịu đựng rồi nở ra. Chìm nổi mấy phen, nước trà tỏa hương ngan ngát, trong vắt như sương. Cô vuốt lại nếp áo, im lặng. Chén trong tay văn sĩ khẽ động, run run, bên trong hiện ra ánh mặt trời xán lạn. Dưới ánh mặt trời ấy, có một cây hoa đào đang mãn khai rực rỡ. Văn sĩ trầm trồ, không nỡ dứt khỏi những cánh hồng sắc xuân. Ấy vậy mà, chớp mắt, giông bão nổi lên vùi dập tất thảy. Gốc đào chỉ còn trơ lại cành lá xác xơ, hoa nát thành cát bụi rắc rụng đầy mặt đất.
- Sự sinh và tử, được và mất cách nhau chỉ trong gang tấc, buồn vui chuyển hóa, họa phúc không ngừng. Trong vòng xoáy này, nỗi buồn của chúng ta là một thứ xa xỉ phẩm, ai cũng đáng thương, ai cũng bế tắc. Cớ chi cứ phải đày đọa mình mà không thể sống ung dung tự tại, không lo sợ trước bão giông, giữ lấy một tấm lòng trong thiên hạ, tránh khỏi những sự chướng tai gai mắt giữa buổi nhiễu nhương?
Văn sĩ sững sờ, mầm sen hé nở, vụt ngoảnh lại nhìn chủ quán. Cô mỉm cười nền nã, đặt tay lên trái tim...



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI