PHẠM
THỊ THẢO LINH
Dân tộc: Mường
Lớp: 8
Trường: PTDTNT Ea Kar
Tác giả PHẠM THỊ THẢO LINH
BAO GIỜ BÌNH MINH ĐẾN
Những tia nắng ấm áp của buổi mai luồn lách sau hàng cây,
tiếng chim hót ríu rít chào ngày mới. Mùi khói bếp bắt đầu lan tỏa khắp căn nhà
tranh nhỏ của nó, làm nó ho sặc sụa. Xoảng! Nó vứt cái vung xuống đất rồi vùng
vằng đi ra sau nhà.
- Rè! Mày làm sao đấy? – Mế nó hỏi.
Nó ngồi sụp xuống cạnh cái chum nước, bực tức, thở hồng hộc,
im lặng không trả lời, nó cảm thấy khó chịu rồi nước mắt cứ dàn dụa chảy xuống.
Mế nó từ trong bếp đi ra, vừa đi vừa búi mái tóc dài và dày đến tận mông. Đứng
nhìn nó.
- Ai làm tội làm tình gì mà mày khóc? Có nhóm mỗi cái bếp
mà cũng không nhóm được. Mày lớn rồi lo tập mà làm đi, mai mốt về lấy chồng người
ta chửi vào mặt đấy… hứ, chả khóc!
Nó cảm thấy bức bối, khó chịu nơi lồng ngực, nước mắt nó
chảy nhiều hơn. Có lẽ, do cái bếp khó nhóm làm nó cay mắt hay vì một lí do gì
khác nó cũng không hiểu, chỉ đơn giản nó thấy mệt mỏi và tức điên trong người. Đang
sụt sà sụt sịt có tiếng gọi ở ngoài đường:
- Bé Rè ơi! Bé Rè!
Nghe giọng biết ngay là A Cháng, cậu bạn trai nhà ở xóm dưới,
nó mới quen. Nó ngấp ngoải đứng dậy múc một ca nước trong chum rửa mặt. A Cháng
đứng ở ngoài chờ với khuôn mặt rạng ngời, thỉnh thoảng lại nhấp nhổm nhún hai
chân lên ngóng cô bạn mới quen.
- Mày là thằng nào đấy? Sao đứng trước cổng nhà tao thế?
Mế nó đứng trước cửa trợn mắt lên nhìn A Cháng, hai tay
khoanh ra đằng sau.
- Dạ, cháu là A Cháng. Nhà ở xóm dưới, cô là mế của bé Rè
phải không ạ?
- Ừ! Tao là mế của Rè, mày đến đây tìm nó làm gì? – Vừa nói
mắt mế nó lại trợn lên to hơn, sợ hơn cả lúc nãy.
- Dạ, cháu qua rủ bé Rè lên đồi hái sim, mùa này sim chín
ngọt và ngon lắm cô ạ!
Mế nó quát lên:
- Mày đi về đi! Con Rè tao không cho nó đi lung tung với
mấy đứa con trai xóm dưới đâu! Về đi.
- Dạ… cô cho Rè đi đi, hôm qua bé Rè còn nói với con là rất
thích ăn sim ngọt, hay cô cho bé Rè đi với con một lúc rồi…
Mế nó cắt ngang.
- Thôi thôi, mày đi về đi! Tao không cho nó đi đâu - Vừa nói mế nó vừa chỉ tay về phía đường bên
kia.
- Dạ… A Cháng ấp úng.
- Đi! Nhanh! – Mế nó trợn mắt lên quát làm A Cháng giật mình.
- Cô…
- Về đi!
A Cháng lủi thủi quay đi, mặt ỉu sìu lại, vừa đi cậu còn
ngoái lại nhìn vào phía nhà bếp.
- A Cháng! A Cháng ơi! – Rè từ sau nhà chạy vội vàng ra,
vừa gọi tay vừa vẫy vẫy.
A Cháng quay lại và cười rất tươi. Nó đang đi ra chỗ A Cháng
thì mế nó gọi lại:
- Rè, vào nhà! Mày vào nhà cho tao!
Nó dừng sững lại nhìn mế.
- Tao không cho mày quen với thằng con trai nào cả, nghe
chưa? Vào nhà cho tao! Những thằng con trai đấy nó không có gì tốt đâu, nó sẽ hại
mày đấy.
- Mế… mế đừng nói như vậy! A Cháng là người tốt mà.
- Mày im ngay! Vào nhà!
- Mế, mế à! - Nó mếu máo, đôi mắt ầng ậng nước, nhìn A Cháng.
Cậu nhìn Rè rồi lặng lẽ quay đi không nói gì. Nó ôm mặt khóc rồi chạy vào xó bếp,
khóc rất to. Mế nó đóng cửa xuống bếp lại gần nó:
- Mày thiệt lắm hả? Không được đi chơi cùng cái thằng xóm
dưới, mày phải khóc lóc. Tao chỉ muốn tốt cho mày, không được quen một thằng
con trai nào hết. Chúng nó là cái loại “hổ đói” hại mày lúc nào không hay đâu.
Lo nấu cơm đi – Rồi mế nó ra khép luôn cửa bếp lại, khóa chặt không cho nó ra
ngoài.
Lửa bập bùng cháy, tiếng lách tách của củi khô, thỉnh thoảng
tàn củi đỏ rực bay lên. Mắt nó đã sưng. Nhìn ngọn lửa cháy nhòe nhoẹt, nó cảm
thấy rất buồn, vì nó biết từ ngày bố nó theo mấy ông ở miền xuôi đến bản Mường
nghèo và lạc hậu này, mà người ta gọi là đem cái sự phát triển, chỉ cách làm giàu
cho những người nông dân kém hiểu biết, trong đó có bố của nó, đã bỏ quê tha hương,
làm ăn. Dù mế nó có ngăn cản, khuyên răn, bố nó cũng không nghe, bố nó nói:
- Ở đây chỉ có đi làm rẫy, rồi lại ăn rau rừng, rau măng,
cháo bẹ, tôi chán lắm rồi, tôi muốn thoát khỏi cái nghèo khổ để nuôi mế con, lúc
đó gia đình chúng ta sẽ có tiền, sẽ mua bò, mua lợn gà rồi hai vợ chồng làm ăn.
Nghe bố nó nói vậy, mế nó thều thào.
- Cả nhà có gì ăn nấy, tôi chịu khổ được, ăn rau măng,
rau rừng thì cũng có vợ có chồng. Giờ anh đi biệt xứ, không biết hưởng sung sướng
thế nào, lại còn bị dân làng bàn tán khép vào tội bỏ bản bỏ làng, khi đó lại không
thể trở về.
Bố nó vẫn cương quyết chọn con đường ra đi làm giàu, mế nó
đã trằn trọc rất nhiều nhưng lại không thể khuyên răn bố nó. Nghe lời dụ dỗ của
kẻ lạ, bố nó và nhiều người đã bỏ lại vợ con, bỏ cái bản Mường nghèo này để đi
tìm cách làm giàu. Ngày bố nó cuốn gói quần áo ra đi có hứa với mế nó:
- Mế nó ở nhà đợi tôi, tôi đi rồi sẽ về, lúc đó ta sẽ lên
thành phố miền xuôi không phải sống khổ sở nữa. Mế nó đừng lo cho tôi, ở nhà nhớ
chăm con cho tốt, tôi đi đây!
Bố nó bước lên chiếc xe lạ rồi bóng dần dần xa. Từ đó mế
nó làm nhiều hơn, sáng sớm đi rẫy phải gửi nó cho hàng xóm, tới khuya mới về. Bây
giờ, nó nhận ra những nếp nhăn hiện rõ bao nhọc nhằn để nuôi nó khôn lớn, trên
khuôn mặt rám nắng kia bao năm vất vả nuôi nó khôn lớn mà bố nó vẫn chưa về. Mế
nó vẫn đợi, vẫn chờ. Ánh mắt hướng về nơi xa kia. Nơi mà người cha nó chưa thấy
mặt, đã quay gót ra đi. Ánh mắt ấy mang nhiều buồn phiền, nỗi nhớ mong. Cứ mỗi
lần đợi chờ trong vô vọng, mế nó lại về nhà và lần nào mế cũng khóc thầm trong
góc bếp. Nó nhìn thấy và hỏi mế với câu hỏi rất hồn nhiên và sự tò mò của một đứa
trẻ mới lớn mà không biết cha như thế nào:
- Mế ơi! Mế! Con nghe người ta nói, bố bỏ quê hương mình đi
theo kẻ xấu phải không mế? Bố con là người như thế nào mế? Có thật như vậy không?
Mế nghe nó nói và im lặng một lúc rồi nhìn thẳng vào mắt
nó.
- Bố con ra đi để làm giàu, để mế con mình không phải khổ.
Bố con là người tốt! Lần sau ai nói gì thì nói với mế, đừng tin lời của họ,
nghe chưa?
- Dạ… - Dù “dạ” nhưng trong lòng nó còn nhiều thắc mắc, mà
mỗi lần như vậy có lẽ mế nó đau lắm, dằn vặt và khổ sở lắm mới có thể trả lời
như vậy với một đứa con thơ đang ở tuổi tò mò.
Thời gian cứ thế trôi, mỗi mùa xuân đã qua, nó lại thêm một
tuổi. Mà bố nó thì vẫn chưa về. Mế con nó vẫn sống một cuộc sống vắng bóng người
cha, người chồng. Bố chưa cho nó được gì từ tình yêu thương, sự dạy dỗ, trách
nhiệm của một người cha. Trong suy nghĩ của nó, thực sự hình ảnh của người ấy
thật mờ nhạt và nó cũng không muốn tìm hiểu về người đó. Nó chỉ biết bố chưa
bao giờ xuất hiện trong cuộc sống của nó. Rồi lại hai năm, ba năm, năm năm trôi
qua bố nó vẫn chưa về, mế nó vẫn chờ, nó cũng đã lớn. Mế con nó nghe người
trong bản đồn rằng: Bố nó đã có một cuộc sống sung túc ở thành phố và đã có một
gia đình mới, họ vừa sinh được mọt đứa con trai. Bố nó quên mế con nó rồi. Có
người đi xuống miền xuôi buôn gạo đã gặp bố nó đang cùng vợ con mới đi chợ. Gặp
họ, bố nó còn làm lơ. Có người lại nói bố nó làm công trình xây dựng, trong lúc
thi công không cẩn thận bị trượt chân từ trên cao xuống và đã mất. Còn có người
độc miệng nói rằng: Bố nó là kẻ phản bản làng, không dám về vì sợ sự trừng phạt
của tộc trưởng nên giờ đang sống chui rúc ở xó nào đó còn không bằng súc vật.
Mế con nó nghe rất nhiều lời dèm pha của người trong bản
nói về bố nó. Mế con nó phải sống khép mình, không dám đi đâu, lúc nào cũng ở
trong nhà. Mế nó suy sụp, đổ bệnh ròng hai tháng trời. Ruộng vườn không ai chăm,
nương rẫy không ai xới cỏ, nó phải đi xin gạo hàng xóm xung quanh, mỗi nhà một ít
rồi về nấu cháo cho mế. Khi khỏi bệnh, mế nó lại bị điên, đập phá hết đồ trong
nhà, bao nhiêu quần áo của bố nó mế đem ra sân đốt, cười hả hê. Cả bản từ xóm
trên, xóm dưới xúm xít ở trước cổng nhà nó, họ xì xào bàn tán:
- Vợ thằng Mương nó bị điên rồi!
Mế nó đứng cạnh đống quần áo đang cháy đung đưa người cười
thật to, lúc sau thì vò đầu, la hét. Nó thương mế lắm, ra ngoài dắt mế nó vào
nhà, khóc không ra tiếng:
- Mế ơi! Vào nhà thôi mế!
Mế không chịu vào, đang cười chuyển thành khóc rồi xé váy,
rên lên những tiếng ai oán, mọi người xung quanh thấy vậy họ đứng cười, chỉ trỏ.
Mế nó chạy xồng xộc vào nhà, nó chạy theo.
- Mế! Mế ơi!
Mế nó vào cầm con dao chặt mía chạy ra. Nó hớt hải ngăn lại:
- Mế ơi! Mế làm gì thế!
- Tao phải chém bọn nó. Bọn nó cười tao, bảo tao điên.
- Mế đừng làm thế mà mế ơi! – Nó quì xuống ôm chân mế, khóc
thảm thiết.
Mế cố dứt chân ra.
- Bỏ ra – Mế nó hét lên, tay cầm dao sắc vung qua, vung lại.
- Đừng mà mế ơi! Đừng mà!.. ư… ư… ư... – Nó khóc không còn
ra tiếng, nước mắt chảy đầm đìa, nấc lên những tiếng đau khổ.
- Tao phải giết bọn nó! Chém bọn nó! A… a… a… - Mế hét
to, gầm những tiếng giận dữ đau đớn từ sâu tận đáy lòng.
Mọi người sợ quá, giải tán, mệnh ai về nhà nấy. Từ ngày đó
trở đi, không ai dám đến nhà nó nữa. Mế nó thì hận bố nó vì có khi bố nó đã có
vợ diện, con khôn ở miền xuôi rồi, vậy mà hứa sẽ trở về. Đó chính là lí do mế nó
không muốn nó quen với một đứa con trai nào hết. Có lẽ, mế nó hận người đàn ông
đó đến xương tủy vì đã lừa dối mế con nó và đem lòng căm hận hết tất cả những
ai là con trai, đàn ông. Đang suy nghĩ mông lung, nồi cơm sôi, nước tràn ra ngoài
làm bật nắp vung kêu lạch cạch kéo nó về thực tại. Nó vội vàng mở nắp, lấy cái
muỗng múc bớt nước ra, đậy vung lại. Cầm rổ ra sau nhà, hái rau rừng, rửa sạch đem
vào nấu canh. Cơm nước xong xuôi, nó dọn ra, hai mế con ngồi ăn cơm. Nó vừa xúc
cơm xong, mế nó vồ lấy, bốc ăn nhồm nhoàm, ăn thật nhanh.
- Ự… ự… - Mế nó bị nghẹn, đưa hai bàn tay dính đầy cơm bóp
cổ.
- Mế, mế ăn từ từ thôi, đang còn cả nồi đây mà! Để con lấy
canh cho mế. Mế uống đi cho đỡ nghẹn! – Mế nó uống, còn nó vỗ lưng.
- Ực… ực…!
- Mế thấy thế nào?
- Ừ, ừ tao đỡ nghẹn
rồi! Ăn tiếp!
Mế nó lại bốc bằng hai tay, ăn thật nhanh. Cả hai ngày mế
con nó nhịn ăn rồi, may hôm nay nó đi rừng nhặt được ít củi bán lấy tiền đong gạo.
Nhìn mế ăn ngon lành, nó mỉm cười hạnh phúc.
- Mế ăn đi, ăn cả của con nữa, cho đỡ đói!
- Sao mày không ăn? Hay trong này bỏ gì hại tao?
- Sao mế lại nghĩ thế? Mế ăn đi, lúc nãy trong bếp con ăn
hai bát, no rồi!
- Lúc nào? Gạo có một tí mà nói ăn hai bát. Mày ăn rồi
sao cơm còn nhiều thế? Hay mày còn giận tao lúc nãy, đuổi thằng kia đi!
Nó cười nhìn mế.
- Mày cười cái gì? Tao biết mày ghét tao lắm, nhưng phải
cười cười để tỏ lòng thương hại tao phải không?
- Không phải đâu mế, mế ăn đi – Nó dúi bát cơm của nó vào
lòng bàn tay mế. Mế nhìn nó một lúc rồi bốc cơm ăn ngon lành.
Dọn dẹp xong, nó giặt khăn và lau chân tay cho mế. Nhìn
những vết thẹo hằn trên đôi tay lam lũ của mế, nó chảy nước mắt rồi quay mặt đi.
- Mày làm sao đấy? Sao lại khóc?
- Đâu, con đâu khóc mế!
- Thôi, tao thấy mày khóc rồi! – Tự dưng mế nó đứng dậy,
xõa tóc xuống, đi vào giường ngủ.
- Ờ, mế! – Nó đi cất khăn rồi vào bếp đeo gùi đi nhặt củi
trên rừng.
- Mế ơi! Con đi nhặt củi nhé! Mế ở nhà, tối con về nấu cơm
cho mế ăn!
Không nghe trả lời, chắc mế ngủ rồi.
Nó đi chân đất. Vào rừng chim hót líu lo, bao âm thanh
vang vọng của núi rừng. Nó nhìn bên kia, có những bông hoa dại màu vàng nhạt nhìn
rất đẹp. Nó lại đó ngắt một bông rồi tủm tỉm cười cài lên mái tóc dài đến chấm
lưng. Đang ngắm hoa thì nó nghe có xột xoạt tiếng chân người đang tiến dần về
phía nó, ngày một gần hơn. Nhìn về phía phát ra âm thanh thì nó thấy một dáng
người cao ráo, mặc bộ đồ Mông, nó reo lên:
- A Cháng! – Nghe tên mình, A Cháng nhìn lên phía trước.
- Ơ, bé Rè! – A Cháng chạy lại chỗ nó.
- Bé Rè đi đâu đấy? Gặp bé Rè ở đây, A Cháng vui lắm!
- Rè đi đốn củi bán kiếm tiền mua gạo, còn A Cháng đi đâu
đấy?
- A Cháng đi bắn chim. Lúc hôm qua gặp bé Rè ở đường, A
Cháng xin lỗi vì sơ ý làm đổ củi của bé nhé! Lúc sáng nay hỏi thăm mấy người xóm
trên nhà bé nên A Cháng sang rủ lên đồi hái sim. Sim mùa này ngon và ngọt lắm. Để
tạ lỗi đấy! Hì… hì… Tại nghe bé nói thích ăn sim – Đột nhiên nói đến đây nó im
lặng.
- Bé Rè sao thế? Hay A Cháng nói gì sai làm bé phật lòng?
– Cậu thắc mắc hỏi.
- Không phải, mà lúc sáng nay mế của Rè… ừ… Rè…
- À! Có gì đâu mà bé phải ngại. A Cháng không nghĩ ngợi gì
đâu. Dù sao cũng được gặp bé rồi. Chúng ta là bạn mà! Thôi để A Cháng đi nhặt củi
giúp bé nhé, rồi chiều mình cùng đi hái sim.
Cả hai cùng cười đùa vui vẻ. A Cháng bê củi, còn nó thì xếp
lại thành đống. Nó cảm thấy hạnh phúc vì đã có một người coi nó là bạn. Chia sẻ,
không xa lánh nó như những đứa trẻ khác trong bản. Nói chuyện một lúc, A Cháng
hỏi về chuyện học hành. Đang xếp củi, nó dừng lại mắt nó thoáng buồn:
- Rè, không được đi học! Rè không biết cái chữ như bao đứa
trong bản – Nó cúi gằm xuống. Cả hai đều im lặng một lúc, rồi A Cháng nói:
- Thế này nhé! A Cháng sẽ dạy học cho bé Rè được không? Bữa
nay cũng đang trong kì nghỉ hè, vài bữa nữa mới đi học. Dù sao cũng không có việc
gì làm.
Nó vui sướng vì A Cháng sẽ dạy học cho nó, vừa làm bạn vừa
làm thầy.
- Thật sao A Cháng? Rè vui quá, A Cháng không như những
người khác xa lánh Rè, ghét bỏ Rè dù biết chuyện gia đình của Rè – Nó xúc động
quá, sống mũi nó cay cay.
- Chưa ai tốt với Rè như vậy! Hôm nay là ngày đầu tiên Rè
vui và cảm thấy hạnh phúc lắm!
A Cháng nhìn nó với ánh mắt cảm thông, Rè là một cô bé tốt
bụng, hiền lành lại có một khuôn mặt trái xoan xinh xắn vậy mà có hoàn cảnh thật
đáng thương. Ánh mắt của Rè mang nhiều khổ đau và sự tổn thương.
Rồi cả hai lại tiếp tục đốn củi. Chốc chốc A Cháng lại kể
những câu chuyện trên lớp cho Rè nghe và biết về cảm giác đi học. Xế chiều, nắng
đã dịu dần. A Cháng và Rè đã đốn được một đống củi to. Vác xuống núi, A Cháng đi
hái sim cho Rè. Những quả sim thơm ngon, chín mọng, nhìn rất bắt mắt.
- Này, A Cháng cho bé Rè đấy! Tạ lỗi nhé!
Nó cầm lấy bọc sim rồi cùng A Cháng về nhà. Cả quãng đường
nặng nhọc cuối cùng cũng đến nhà Rè, bỏ đống củi vào bếp. A Cháng quay ra, mồ hôi
nhễ nhại chảy xuống. Nó thấy thế vào trong nhà lấy khăn cho cậu, lau xong, nó nói:
- Hôm nay cảm ơn A Cháng nhiều nhé! Vậy là từ nay Rè có bạn
rồi, lại có thầy nữa! Vui quá! Cảm ơn A Cháng còn giúp Rè đốn được đống củi to,
kiếm tiền mua gạo!
- Được quen một cô bạn vừa dễ thương lại tốt bụng như bé
Rè, A Cháng cũng vui lắm! Ngày mai đi học nhé, giờ cũng chuẩn bị tối rồi, Á Cháng
về đây, kẻo bố mẹ lo.
Tối hôm đó nó cứ thao thức không ngủ được, vì A Cháng đã đem
đến cho nó một niềm hạnh phúc vô bờ mà nó chưa bao giờ cảm nhận được. Rồi cứ thế
ngày qua ngày nó với A Cháng thân nhau hơn, nó cũng đã biết mặt con chữ, ghép
thành vần, thành câu. A Cháng luôn cùng nó chia sẻ những muộn phiền trong cuộc
sống, giúp nó đốn củi kiếm tiền. Tình bạn ấy cả hai đều rất trân trọng.
Một ngày đẹp trời, A Cháng dậy sớm lên đồi hái những bông
hoa dã quỳ màu vàng tươi thắm để làm phần thưởng cho bé Rè vào buổi hẹn đi đốn
củi chiều nay. Cậu hí hửng về nhà, cả buổi ngồi kết bó hoa, cuối cùng cũng đã
xong. A Cháng lấy súng bắn chim dắt vào lưng quần chuẩn bị đi thì mẹ cậu gọi lại:
- A Cháng! Bữa nay nghe mấy cô xóm trên nói con hay đi chơi
với con Rè có mẹ bị điên, bố phản bản, phản làng bỏ đi biệt xứ phải không?
- Dạ! Nhưng bé Rè là người tốt mẹ ạ!
Mẹ cậu đổi giọng:
- Mẹ không phải không muốn cho con có bạn, nhưng đứa con
gái nào cũng được, riêng nó thì không!
- Tại sao vậy mẹ? Bé Rè tội lắm mẹ à! Chỉ là do hoàn cảnh
trớ trêu thôi, bé Rè là người tốt.
- Con đừng nói gì về con bé đó nữa, bố con sắp công tác về
rồi. Ở nhà không được đi đâu hết, con chuẩn bị thi học sinh giỏi cấp huyện, phải
lo học hành. Từ nay không được đi chơi cùng con bé đó, không bố con về đánh gãy
chân – Rồi mẹ A Cháng khóa cửa lại.
- Mẹ, mẹ à – Cậu ngồi xuống bất lực về sự suy nghĩ của mọi
người đối với Rè.
Chiều như mọi hôm, Rè lại chuẩn bị một quyển vở, một cái
bút A Cháng cho nhân tiện đi đốn củi mang vào rừng học. Nó hớn ha hớn hở chờ đợi phần thưởng A Cháng dành
cho công lao học tập miệt mài của mình. Nhưng đến nơi hẹn, không thấy A Cháng đâu,
nghĩ là cậu đến muộn nên chờ một lúc. Đi đốn củi tới xế chiều rồi mà A Cháng vẫn
chưa đến. Nó nghĩ ngợi và thấy lo cho A Cháng. Liệu có chuyện gì đó xảy ra trên
đường đi với A Cháng không? Nó đi qua, đi lại, ngồi một chỗ không yên. Trời ngày
càng tối. Nó vác củi lên vai và về nhà, vì mế nó không có ai trông.
A Cháng ngồi trong căn nhà bị khóa, lòng vô cùng não nề.
Cậu nhìn những bông hoa dã quỳ đã gần héo cảm thấy thật buồn vì mình đã lỡ hẹn
với bé, không mang những bông hoa dã quỳ đẹp đẽ, mà cậu đã cất công dậy sớm đi
hái để tượng trưng cho tình bạn diễm tuyệt của mình tặng cho bé Rè được. Vì Rè
rất đặc biệt, không giống những đứa bạn khác: thật thà, dễ thương, ngây thơ,
trong sáng và có nghị lực sống, nghị lực vươn lên thật tiềm tàng. Đối với A Cháng,
Rè là một người bạn thật tuyệt vời, cậu nghĩ thế.
Cơm nước xong, nó leo lên giường ngủ sớm hơn mọi hôm, không
gặp A Cháng làm nó cảm thấy thật mệt mỏi. Rồi chiều hôm nay, nó vẫn đợi A Cháng
nhưng cậu vẫn chưa đến như ngày hôm qua đã hẹn. Nó đi khắp rừng tìm A Cháng, xước
cả đôi chân vẫn không thấy bóng dáng cậu đâu. Nó lại lững thững ra về. Chiều ngày
tiếp theo, nó đang ngồi nơi hòn đá cậu vẫn giảng bài cho nó, hôm nay nó rất buồn.
Gió cũng không thổi, chim không hót và nó đã suy nghĩ đến điều tệ hại nhất. Ba
ngày rồi, A Cháng không đến! Chắc có lẽ cậu cũng đã ghét nó rồi, không muốn chơi
với nó nữa, không muốn làm thầy và làm bạn của một đứa bị mọi người xa lánh, ghẻ
lạnh. Cậu còn việc học ở trường, những người bạn cùng lớp, cậu không thiếu gì cả!
Vậy, nó chỉ là một góc nhỏ bé trong lòng cậu mà có thể quên đi trong nay mai. Cậu
đã đem đến cho nó niềm hạnh phúc niềm vui trong cuộc sống, mà giờ đây lại biến
mất như một cơn gió thoảng qua thật nhanh, tiếng nói của cậu vẫn văng vẳng bên
tai “Bé Rè ơi! Bé Rè!” Làm nó bị ảo ảnh nhìn ngược, nhìn xuôi. Rồi nhận ra tất
cả chỉ còn là hư vô. A Cháng là một người con trai tốt, cậu cần có một đứa bạn
tốt hơn nó. Nó không cho phép bản thân mình nghĩ xấu về A Cháng như vậy. Nhưng
bản thân lại không thể thắng lại lí trí, lí trí mách bảo nó rằng “Mày nên tránh
xa A Cháng ra! Không có tư cách gì để trở thành bạn của A Cháng!” Vậy là nó hiểu
rồi, A Cháng đã mãi xa nó rồi, nó không nên ích kỉ ở bên cậu như vậy nữa. Nó cầm
bút viết vài dòng lên trang giấy “Cảm ơn
A Cháng! Đã dạy cho Rè biết cái chữ, cho Rè một tình bạn đẹp và ấm áp. Rè sẽ nhớ
A Cháng nhiều!” Nó đặt cái bút lên quyển vở để nơi hòn đá và lặng lẽ bước đi
trong âm thầm. Nó đã khóc rồi, khóc cho một tình bạn đẹp. Về đến nhà, nó nhận
ra cuộc sống của nó vẫn như vậy. Thiếu A Cháng, nó không thể cười, nó cảm thấy
cuộc đời mình thật tối tăm như không bao giờ bình minh đến với nó. Tối, khi cơm
nước xong, mế nó đã ngủ, cái khoảnh khắc cô đơn và lạnh lẽo trở lại. Nó ngồi trên
cái phản trước cửa nhà nhìn về con đường phía trước là con đường về nhà của A
Cháng. Vậy là tình bạn bao lâu nay nó trân trọng cũng đã mất, A Cháng đã không
muốn gặp nó nữa, cậu đã ghét nó rồi, thỉnh thoảng nó lại thở dài thườn thượt,
ngước nhìn lên bầu trời nó chắp tay cầu nguyện mong rằng cuộc sống tốt đẹp sẽ đến
với mế con nó, nó muốn mọi người chấp nhận
sự tồn tại của mế và nó, mế nó sẽ khỏi bệnh, được sống trong tình yêu thương của
mọi người và mong rằng A Cháng sẽ không quên... Nó thổn thức nỗi buồn sâu thẳm
tận đáy lòng với gió, với trăng, với sao. Nó lên giường ngủ một giấc đầy chiêm
bao. Sáng sớm, nó dậy từ lúc tinh mơ để nấu cơm, đang lúi húi hái rau ngoài vườn
chợt nó nghe ồn ào ngoài cổng, rửa tay chạy ra, đi đến bếp nó nghe:
- Xin cô cho cháu gặp bé Rè, cháu có điều muốn nói với cậu
ấy…
- Mày đi về đi!
- Xin cô làm ơn hãy cho cháu gặp bé Rè! Cháu có chuyện
quan trọng muốn nói với cậu ấy!
- Mày về đi! Không tao vác dao ra lùa mày đấy! – Mế nó quát
to.
Nó chạy ra, thấy khuôn mặt của A Cháng, nó đứng sững người
lặng lẽ nhìn, vừa cảm thấy ngạc nhiên và ngượng ngùng.
- Bé Rè! A Cháng có chuyện muốn nói với bé!
Nó quay ngoắt người đi, nó chỉ muốn chạy trốn ngay lúc này!
- Bé đừng tránh mặt A Cháng nữa! A Cháng cũng có nỗi khổ
tâm riêng mà! – Cậu nói với giọng tha thiết. Nó quay lại, rồi A Cháng theo nó
ra sau bếp. Cả hai đều im lặng. Nó cúi gằm mặt xuống.
A Cháng đã kể lại lí do vì sao cậu lỡ hẹn. Nó nghe xong cảm
thấy trong lòng thật rối bời, thì ra là như vậy.
- Hôm qua, A Cháng cùng bố lên rừng hắn chim, A Cháng đã
thấy quyển vở và cái bút của bé Rè. Sao bé lại viết những lời đau lòng như muốn
quên A Cháng vậy hả? A Cháng thất vọng về Rè quá!
Nó cảm thấy hối hận vô cùng, nhưng cũng rất sung sướng.
- Rè… Rè… xin lỗi, Rè cứ nghĩ rằng A Cháng ghét Rè nên không
muốn gặp mặt, thực sự Rè đã nghĩ như vậy -
Nó bật khóc nức nở.
- Đồ ngốc này! Nín đi, Rè luôn có một đứa bạn thân bên cạnh
là A Cháng mà! Nín đi, A Cháng có chuyện này muốn nói, nghe xong bé Rè đừng có
buôn nhé! Hứa với A Cháng đi! Chiều nay A Cháng phải xuống miền xuôi rồi, bố mẹ
A Cháng đến đó để làm ăn, tiện cho việc dạy học của bố, cũng để cho A Cháng rèn
luyện ôn thi học sinh giỏi. A Cháng không muốn xa bé Rè. Nhưng bố mẹ quyết định
rồi, nên A Cháng phải đi. Hôm nay là lần cuối chúng ta gặp nhau rồi, A Cháng sẽ
nhớ bé Rè lắm! Hãy luôn tươi cười dù có chuyện gì xảy ra, sống thật tốt, đừng có
tự ti về bản thân mình, không có ai không nên sinh ra cả, ai cũng cần được yêu
thương.
Nói rồi cả hai rưng rưng nước mắt, nó nghẹn ngào không nói
nên lời. Rồi A Cháng cầm quyển vở tập viết đưa cho nó.
- Bé Rè cầm đi, để học và tập viết nhiều hơn nhé! Ở giữa
cuốn vở, A Cháng có ép một bông hoa dã quỳ chứng mình cho tình bạn đẹp đẽ của
chúng ta, khi nào buồn, Rè hãy lấy nó ra ngắm, coi như là A Cháng luôn bên cạnh
Rè. Bé Rè có điều gì muốn nói với A Cháng không? – Khuôn mặt cậu hiện rõ sự đợi
chờ và hi vọng. Nó nấc lên từng tiếng rồi nói:
- A Cháng… phải đi thật sao? Chúng ta còn có thể gặp lại
không?
Nghe nó hỏi, cậu nhìn về nơi xa, thở dài, thoáng buồn rồi
đáp:
- Chắc chắn, nếu có duyên, một ngày không xa, chúng ta sẽ
gặp lại. Lúc đó, A Cháng sẽ dắt bé đi ngắm những đồi hoa dã quỳ, cùng nhau đi đốn
củi, bắn chim. A Cháng sẽ ngắt một bông hoa sim màu tím biếc, cài lên mái tóc mượt
mà của bé. Chúng ta sẽ cùng nhau chơi đùa bên đồng cỏ. Hãy hứa với A Cháng đi bé!
Hãy hứa như vậy nhé…!
Nước mắt nó chảy đầm đìa. A Cháng rút từ túi áo ra một
chiếc vòng hoa tự đan đeo vào tay nó:
- Đây là chiếc vòng A Cháng làm vội, nó không được đẹp lắm
nhưng là cả tấm lòng của A Cháng, bé hãy đeo nó và đừng quên A Cháng nhé! A Cháng
sẽ thường xuyên viết thư về hỏi thăm bé, nhớ hồi âm cho A Cháng, nghe chưa? A
Cháng mong! Còn bây giờ, A Cháng phải về để sắp đồ đạc rồi tạm biệt bé!
Cậu quay lưng đi những bước chân mệt nhoài, thỉnh thoảng
ngoái đầu tạm biệt bé!
Bỗng nó hét to lên trong tiếng nấc:
- Rè sẽ không bao giờ quên A Cháng đâu! A Cháng đừng bao
giờ quên Rè nhé!
A Cháng đứng lại, hét thật lớn:
- A Cháng sẽ nhớ bé thật nhiều! Mãi là cô bé Rè trong sáng,
đáng yêu của A Cháng nhé!
Rồi bóng cậu dần dần xa khuất sau hàng cây. Nó nghẹn ngào
đứng bên mế nó nhìn về nơi xa, có một cơn gió thoảng qua nó khẽ thốt lên: Hương
dã quỳ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI