NHỮNG NGHỆ SỸ CỦA
BUÔN LÀNG
Tối
1.9.2016, Sở VHTT&DL Đắk Lắk tổ chức đêm nghệ thuật “Những đứa con của đại
ngàn” tôn vinh, trao bằng công nhận “Nghệ nhân dân gian” cho các nghệ nhân xuất
sắc của buôn làng; và trao bằng NSND cho Trưởng đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk Y
San Aleo, NSƯT cho ca sỹ Y Zoel Knul, vì sự cống hiến cho nghệ thuật diễn xướng
các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
NSND Y San
Aleo
Năm 1975, có một người
con trai Êđê của buôn Niêng (xã Ea Nuôl, thành phố Buôn Ma thuột) rời bỏ rẫy nương
và những đàn bò, rụt rè đặt những bước chân đầu tiên trên con đường đến với nghệ
thuật. Đôi chân trần vốn chỉ quen dầm trong bụi đất đỏ bazan, với những con đường
rừng và dòng suối bỗng phải tập làm quen với đôi giày múa, chiếc gióng tập, nhất
là với những động tác bẻ chân, uốn tay cơ bản của múa Balet, múa dân gian, đòi
hỏi cơ thể không chỉ có sự mềm dẻo, linh hoạt, mà còn cả một tâm hồn nhạy cảm với
âm nhạc.
May thay, như mọi gái
trai Tây Nguyên khác, Y San Aleo lớn lên cùng những lễ hội triền miên theo nông
lịch và theo vòng đời của đời sống buôn làng. Nhịp ching Char dồn dập náo nức
bay khắp đại ngàn, những tiếng sáo đing buôt, đing năm nỉ non trên rẫy, trong
nhà dài, câu hát k’ưt mênh mang, điệu eirei rộn ràng... đã thấm đẫm trong
tâm hồn những đứa con sinh ra giữa núi rừng, hun đúc cho anh không chỉ năng khiếu
nghệ thuật bẩm sinh, mà còn cả lòng yêu đến say mê những làn điệu dân ca,
dân nhạc của chính mình.
Sau một lớp bồi dưỡng
ngắn hạn của đoàn, do một số diễn viên múa từ ngoài Bắc chuyển vào hướng dẫn, Y
San Aleo nhanh chóng hoá thân vào những giai điệu, những động tác múa đã được
chắt lọc từ cuộc sống đời thường nơi buôn rẫy, để trở thành một diễn viên múa
chính của Đoàn ca múa tỉnh Đắk Lắk. Cùng các bạn đồng nghiệp một thời như Y Dôch,
H’Djoan, H’Boan, Quỳnh Như, Mỹ Lệ, Mạnh Trí... miệt mài trên những chặng đường đem
ánh sáng văn hoá nghệ thuật tới mọi buôn làng trong tỉnh, đến mọi miền đất
nước đã thống nhất, hay cả nước bạn Cămpuchia để thay cho lời chào đoàn kết anh
em. Thế hệ diễn viên trẻ đầu tiên của Đoàn Đắk Lắk sau ngày giải phóng
miền Nam ,
đã cùng nhau đem về nhiều giải thưởng cho các chương trình biểu diễn của Đoàn.
Y San Aleo vắt kiệt
những giọt mồ hôi mặn chát của mình tưới trên sàn tập, để thăng hoa dưới ánh đèn
sân khấu theo mỗi nhịp nhạc, cho dù là trong vai múa tập thể Cư ka dăm dra
(của Siu Lai & Ama Nô), Chim Grăng (của Kpă Púi), Ring rieo, Múa
rìu, Mnông Bro (của Long Ta – Quang Dũng) hay múa đôi Tình
ca bên suối (của Kpă Púi)... cho đến tột đỉnh vinh quang của anh là tác phẩm
múa đơn Kong koh (của Long Ta –Quang Dũng), đoạt huy chương vàng tại
hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 1982 ở thành phố Hồ Chí Minh. Kết
quả này không đơn thuần là tài năng của đạo diễn NSƯT Long Ta – âm nhạc Quang Dũng,
mà còn là khả năng biểu diễn xuất thần của Y San. Tiết mục đã được Hội Nghệ sỹ
Múa Việt Nam
xếp hạng là một trong những tiết mục múa solo “kinh điển” trong kho tàng
nghệ thuật múa chuyên nghiệp.
Không tự bằng lòng
với mình, Y San còn mày mò tự học âm nhạc để không chỉ thoát khỏi sự “mù nhạc”
mà còn diễn tấu thành thạo cây đàn acoocdeon - tiền đề cho sau này “tung tẩy”
với cây sáo vỗ, một nhạc cụ sáng tạo của NSƯT Vũ Lân, để đem về cho Đoàn một
Huy chương bạc (sau này trong chương trình biểu diễn của Trường Cao đẳng VHNT
Quân đội, cũng với cây sáo vỗ, Y San đã giành được Huy chương vàng). Với một tâm
hồn nhạy cảm ươm trong nhịp điệu của ching chêng, những âm thanh huyền ảo của đại
ngàn, cây sáo vỗ trong tay Y San Aleo đã từng làm rung động trái tim & sự
khâm phục của bạn yêu nhạc trong cả nước và quốc tế. Những chuyến lưu diễn Thái
Lan, Nhật Bản, Pháp, Thuỵ Điển... độc tấu sáo vỗ của Y San luôn là một trong những
tiết mục chủ chốt trong chương trình biểu diễn của Đoàn ca múa dân tộc tỉnh Đắk
Lắk.
Nếu có ai biết Y
San ALeo đã từng một lần từ ngưỡng cửa Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh (sau
khi đã thi đậu) quay trở lại Đắk Lắk, vì không vượt nổi những khó khăn đời thường
của cuộc sống gia đình, mới hiểu hết sự nỗ lực của anh khi bứt ra khỏi mọi ràng
buộc, để rồi tốt nghiệp điểm giỏi ở khoa Cao đẳng Biên đạo múa của Trường Đại học
VHNT quân đội. Tiết mục kịch múa “Nhân sinh” (kịch bản & âm nhạc An
Thuyên) mà tập thể lớp biên đạo, trong đó có Y San là đồng tác giả, đã được Hội
Nghệ sỹ Múa VN trao giải A năm 2005.
Được trang bị kiến
thức chính quy, Y San Aleo lại nhanh chóng gặt hái những thành công mới, tiết mục
múa Khiang bar dựa trên chất liệu múa dân gian Mnông của anh, đã giành được
Huy chương bạc trong Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp tháng 11.2005 tại thành
phố Hồ Chí Minh. Các chương trình nghệ thuật của Đoàn do anh chỉ đạo, đều nhận được
nhiều huy chương Vàng, Bạc trong các Liên hoan nghệ thuật ca múa nhạc chuyên
nghiệp toàn quốc.
Ghi nhận những đóng
góp suốt 40 năm qua cho nghệ thuật các dân tộc Tây Nguyên của người nghệ sỹ
Êđê, năm 2007, Nhà nước đã trao tặng Y San Aleo danh hiệu cao quý “Nghệ sỹ ưu tú”,
năm 2016, Nhà nước tiếp tục trao danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân.
Với vốn sống dồi dào
về nghệ thuật diễn xướng của vùng cao nguyên đất đỏ, một tình yêu quê hương nồng
nàn đến “cực đoan”, NSƯT Y San Aleo, người trưởng đoàn của Đoàn ca múa dân tộc Đắk
Lắk, bất chấp hoàn cảnh khó khăn đến đớn đau của gia đình riêng, vẫn nỗ lực cống
hiến hết mình và chắc chắn sẽ còn có nhiều thành công trên con đường nghệ thuật
dân tộc.
NSƯT Y
Zoel
Knul
Với một giọng hát đầy
nội lực như những đứa con Tây Nguyên sinh ra và lớn lên trong âm hưởng tuyệt đẹp
của ching chêng và nhạc điệu hồn nhiên trong trẻo của rừng suối, Y Zoel Knul đã từng thi đỗ và là học
sinh khoa thanh nhạc của trường Trung cấp VHNT tỉnh. Do hoàn cảnh gia đình trớ
trêu, Zoel sớm phải rời ghế nhà trường quăng mình vào cuộc sống. Đắm chìm trong
những cơn say mong giải tỏa được nỗi buồn và tình yêu nghề gặm nhấm tâm hồn, không
tấm bằng nghề nghiệp trong tay, Zoel lang thang hết đơn vị nghệ thuật ở huyện này
đến huyện khác, ở tỉnh Đắk Lắk đến Đăk Nông. Cho mãi đến ngày Đoàn Ca múa dân tộc
Đam San mở rộng vòng tay đón nhận cả hai vợ chồng (H’Loen - vợ anh cũng là một
ca sỹ). Ổn định được cuộc sống gia đình, Zoel như cánh chim Gur Tuk của đại ngàn,
thỏa sức vẫy vùng cất tiếng hót vang bầu trời âm nhạc cao nguyên. Anh và các bạn
nghề ở đoàn Đam San mang lại nhiều HCV, HCB và cả hàng ngàn những tràng vỗ tay
cho giọng ca đầy sức sống của đại ngàn.
Cho đến một ngày hình
như Yang hé mắt nhìn xuống trần gian, nhận thấy sự bất hợp lý, rằng vợ chồng ca
sỹ Y Zoel Knul phải trở về hát trên chính quê hương mình. Sở VHTT Đắk Lắk đã vượt
mọi thủ tục, tạo mọi điều kiện để vợ chồng Y Zoel trở lại môi trường nghệ thuật
tỉnh nhà. An cư thì lạc nghiệp, Y Zoel lăn mình vào ca hát. Anh không chỉ là giọng
ca chính của đoàn, mà còn tự mày mò học máy tính, để trở thành một trong những
tác giả phối khí nhuần nhuyễn cho đội ca mà anh phụ trách. Dường như âm nhạc chất
đầy một ngày chưa vơi được năng lượng tràn đầy của Zoel.
Cuộc sống của người
nghệ sỹ không thoát khỏi tấm lưới chụp xuống, thít chặt của cơ chế thị trường.
Vợ chồng Zoel chấp nhận mọi hình thức ca hát để nuôi sống gia đình nhỏ và theo đuổi
con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Anh không từ chối bất cứ cuộc biểu diễn nào, ở
bất kỳ nơi đâu. Miễn là được hát. Mọi nẻo đường đất nước từ Nam ra Bắc, mọi buôn làng với những
đường đất đỏ còn gập ghềnh. Kể cả vượt biển khơi xanh ra quần đảo Trường Sa hát
với những người chiến sỹ giữ nước, hay cùng đồng nghiệp thắt chặt tình đoàn kết
với bạn Lào, Campuchia bằng chính nghệ thuật của quê hương mình.
Sở hữu chất giọng
nam cao sáng khỏe và đầy truyền cảm, các HCV, HCB cho tiết mục đơn ca, tình cảm
yêu mến của khán giả những khi anh cất
tiếng hát, là con đường dẫn Y Zoel Knul tới danh hiệu NSƯT mà anh rất xứng đáng
được trao nhận.
Hy vọng rồi Đắk Lắk
sẽ có nhiều những nghệ sỹ tài năng, giàu nghị lực và tâm huyết với nghề như thế
tiếp tục được Nhà nước trao tặng những danh hiệu cao quý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI