Làn gió thổi
nhẹ qua, mang theo cái lạnh của rừng đêm làm H’Chi thức giấc ngồi dậy bỏ thêm
củi vào bếp. Ngọn lửa hồng leo quanh những thanh củi vừa chạm đầu vào nhau reo
lên những tiếng cười vui nho nhỏ: tí tách, tí tách... làm bắn ra những hạt lửa
nhỏ li ti. Xa xa tiếng rừng trăn trở khua trên các ngọn cây rào rào tiến dần
lại làm rơi những hạt sương đêm xuống tấm ni lông nghe lộp bộp, lộp bộp. Đêm
đang trở dần về sáng. Sau một ngày lang thang trong rừng tìm hái cây thuốc về
giúp ami(1) chữa bệnh cho người, H’Chi phải ngủ qua đêm trong rừng sâu một mình
vì những chuyện bất ngờ gặp phải trên đường đi.
Với người Tây Nguyên, rừng già như người mẹ hiền nhưng
nghiêm khắc đối với các con, sẵn sàng ban cho những đứa con ngoan tất cả những
gì chúng mong muốn, song cũng rất nghiêm khắc xử phạt những đứa con hư. Mẹ rừng
có thể cho ta giàu có, cho ta sức mạnh, cho ta niềm vui mỗi khi bước vào nép
mình dưới tán lá rừng; và rừng cũng sẵn sàng nỗi giận, trút lũ lụt xuống đầu
những đứa con hư, xua muông thú đến trừng trị kẻ phá rừng; ami từng bảo như
thế.
Đêm nay
ngồi bên bếp lửa giữa rừng nhìn đám sương sà xuống nhẹ nhàng như làn khói mỏng
manh mang theo hương thơm của hoa lá ùa đến làm tâm hồn thanh thoát, sảng
khoái. Đêm chuyển dần về sáng. Tiếng đôi chim từ quyên gọi nhau nghe gần lắm,
có lẽ chúng sắp gặp nhau rồi. Amí bảo loài chim từ quyên tối lại chia nhau đi
kiếm ăn, mỗi con một cánh rừng, lấy tiếng gọi nhau làm hiệu. Chúng cứ đi và gọi
nhau như thế cho đến lúc gặp được nhau ngừng gọi cũng là lúc ông mặt trời thức
dậy. Trong rừng già, người đi rừng nghe tiếng chim để tính thời gian ban đêm,
biết được lúc nào trời sắp sáng, chuẩn bị dậy. Đối với H’Chi, được ngủ trong
rừng cũng là điều thú vị. Rừng đẹp và bí ẩn lắm, bao năm rồi có ai dám bảo hiểu
hết rừng đâu.
Soạt! Một
con chồn bằng con mèo lớn có bộ lông trắng muốt bất ngờ nhảy vọt qua mặt H’Chi
rồi đột ngột đứng im nhìn bếp lửa. Con chồn đẹp quá, nó nhìn bếp lửa như bị
thôi miên, bốn chân run run tựa như không đỡ nỗi tấm thân, chiếc đuôi dài cụp
xuống, mắt đờ đẫn, chậm chạp lê từng bước một lại gần H’Chi, mùi hương thơm
ngào ngạt tỏa ra như có ai đó vừa làm vỡ lọ nước hoa. Đúng là cầy hương rồi, H’Chi
thầm reo lên. Loài cầy hương có bộ phận sinh dục ở con đực tiết ra mùi thơm đặc
biệt, nó ăn ở khu rừng nào, người đi đến cách xa cả trăm mét đã nhận biết được
mùi thơm của nó. Thịt loài thú này thơm ngon lắm, nhưng quí nhất bộ xạ dùng để
làm thuốc chữa bệnh. Đối với những gia đình nào có phụ nữ mang bầu không ai dám
mang bộ xạ của cầy hương để trong nhà vì nghe mùi thơm đó, người phụ nữ có thể
bị sảy thai. Người ngoài phố thích mua xạ hương lắm, họ bảo bán cho người Tây
dùng chế nước hoa được nhiều tiền. Còn đối với người thầy thuốc nó là vị thuốc
quí hiếm. Thường thường những con cầy hương lông màu xám tro, vàng hoặc nâu đen
có sọc trắng chứ chưa bao giờ nghe nói lông màu trắng bao giờ. Hôm nay gặp loại
có màu lông lạ thế này không biết xạ nó dùng có tốt không mà mùi thơm ngây ngất
đến thế. Chắc mẹ rừng tặng mình đây, mừng thầm trong bụng. Mạy thật, thế là
mình được thêm vị thuốc quí, lại có món thịt rừng ngon lành ăn sáng đây. Liếc
mắt nhìn quanh bếp lửa thấy cây củi trăng trắng to bằng cổ tay liền giơ tay
chộp lấy làm vũ khí đập con cầy hương.
-
Ối!
H Chi thét
lên đau đớn, cánh tay phải tê dại như bị một luồng điện hàng ngàn oát xuyên qua
nhói vào óc.
-Phù! Phù!
Phù!
Con rắn
toàn thân màu trắng bạc cất cổ cao đến nửa mét, mồm bạnh ra như bàn tay người
lớn, giữa đỉnh đầu có đám vảy màu đen xếp theo hình mũi tên, vừa phun nước bọt,
vừa bỏ đi sau khi đã cắn một nhát vào bàn tay phải H’Chi. Mãi chăm chú quan sát
con cầy hương bị con rắn thôi miên, H’Chi nhầm thân rắn là thanh củi định lấy
đánh cầy hương nên bị nó cắn. Từ nhỏ nghe amí dạy: loài rắn nếu con nào trên
đầu có lớp vảy khác màu xếp theo hình mũi tên, loài đó là rắn cực độc, vết cắn
của nó có thể dẫn đến mất mạng trong vài phút. Lấy dây buộc ngang cổ tay ngăn
cho nọc độc không chạy vào tim, H’Chi lục gùi lấy mấy lá thuốc mang theo nhai,
nuốt nước, lấy bã định đắp vào vết cắn. Vết cắn của con rắn có ba lổ nhỏ như ba
hạt thóc cắm vào, tê buốt. Phải lấy bớt nọc độc ra mới được. H’Chi cố chịu đau
dùng tay trái bóp mạnh xung quanh vết cắn cho máu đen chảy ra, đó chính là máu
bị nhiễm nọc độc của rắn. Bổng mắt H’Chi mờ đi, tay không còn làm chủ được, đầu
nghe o o như có chiếc máy cày chạy trong đó. Chắc mình chết mất nếu không nhanh
tay, H’Chi nhả mấy chiếc lá trong miệng ra định dùng đắp vào vết rắn cắn, nhưng
tay như ai lấy mất rồi, trước mắt bếp lửa tự nhiên nhảy múa to mãi, to mãi đến
khi chỉ thấy một màu vàng chói lọi.
Không biết
ngất đi bao lâu, tiếng vật gì đó nặng nề rơi xuống làm H’Chi giật mình từ từ
tỉnh lại. Cánh tay phải đỡ đau hơn một chút, có thể ngồi dậy được. May thật khi
ngã xuống, bàn tay có vết rắn cắn vô tình rơi đúng vào miếng lá H’Chi nhả ra,
vì thế chiếc lá hút chất độc từ vết thương đẩy ra ngoài, nếu không ngã trúng
miếng lá ấy chắc chết quá! Bẻ một miếng nấm màu hồng bằng hạt bắp hái được lúc
chiều bỏ vào miệng nhai kĩ thấy có mùi thơm bay lên mũi, đầu lưỡi cảm nhận được
vị ngọt của đường, vị cay của quế làm đầu dịu hẳn cơn đau. Sau khi nuốt nước, H
Chi nhả bả xoa nhè nhẹ vào vết thương; thật kì diệu, từ vết rắn cắn như có một
dòng nước mát theo cánh tay tràn vào cơ thể, nó chạy đến đâu biết đến đấy chỉ một
lúc sau H’Chi có cảm giác mình không còn bị thương, vết cắn chỉ còn đọng lại
vảy của vết máu đen bám vào bàn tay. Tuyệt thật, nếu không có mấy chiếc lá nhặt
được của bầy khỉ bỏ rơi bên sình chắc mình đã chết. Tại sao nọc của loài rắn trắng
này độc đến thế nhỉ? Gần năm năm đi rừng hái thuốc cùng amí, H’Chi chỉ thấy rắn
có màu xanh, đen, vàng, đỏ, sọc... chứ chưa bao giờ gặp loài rắn trắng bạch như
hôm nay.
Nghe ama(2) bảo rắn
ở Tây Nguyên nhiều lắm nhưng không bao giờ tự nhiên tấn công người, kể cả loài
rắn chúa. Người ta gọi nó là rắn chúa vì loại rắn này thức ăn hàng ngày của nó chính
lại là thịt đồng loại. Các loài rắn khác khi nhìn thấy rắn chúa toàn thân như
bị tê liệt, nằm im chờ rắn chúa ngoạm cổ cắn chết rồi nuốt dần, nuốt dần cả con
rắn xấu số vào bụng. Cách ăn mồi này khác hẳn các loài trăn, rắn khác: Khi bắt
được mồi, chúng phải quấn lấy con mồi như người ta quấn dây kín từ đầu, đến
chân làm con mồi nghẹt thở, chết; lúc đó chúng mới thong thả nuốt dần con mồi.
Loài trăn có nhiều cách bắt mồi khác nhau, có con núp bên đường chờ con mồi đi
qua lao đầu ra ngoạm vào chân rồi mới quăng mình quấn tròn con mồi như bó củi.
Răng của chúng mọc quặp vào trong do đó khi đớp đúng con mồi, nó giữ chặt lắm, không
con mồi nào thoát được. Có con lại ngoắc đầu và đuôi lên trên lối mòn bầy thú
thường đi qua như người ta chăng dây phơi đồ, chờ con mồi đi qua, buông mình
rơi xuống quấn tròn. Song có lẽ săn mồi độc đáo nhất là loài trăn gió, bộ da
màu vàng điểm những ô hình lục giác, viền đen, hay leo lên trên các ngọn cây và
có thể lao từ ngọn cây cao hàng chục sải tay xuống mặt đất bắt con mồi. Có lẽ
vì vậy nên người ta gọi nó là trăn gió.
Một lần theo ami đi hái thuốc H’Chi nhìn thấy một con
trăn to như bắp đùi người lớn bò bằng nửa thân sau đầu ngẩng cao tới gần hai
mét vừa tiến lên phía trước vừa uốn éo những động tác đẹp như diễn viên xiếc
múa. Bầy khỉ đang bới đất nhặt hạt dẻ đứng ngây ra nhìn, không con nào cử động
được. Mãi đến khi con trăn đổ mình há miệng đỏ lòm, đầy răng lởm chởm ngoạm vào
cổ một con khỉ, quăng người cuốn tròn lại, con khỉ chỉ kịp kêu: Khẹc! Một tiếng
kêu tắc nghẹn, lúc đó cả bầy mới nháo nhào bỏ chạy, leo tít lên ngọn cây. Đầu
con trăn chỉ to bằng nữa đầu con khỉ, vậy mà nó nuốt cả con khỉ nặng trên hai
chục kí chắc nặng bằng chính trọng lượng nó vào bụng ngon lành. Nuốt xong con
khỉ, con trăn khoanh tròn nằm ngủ tại chổ, amí chặt một cây dài để lên người
nó, nó vẫn ngủ. Lấy dây cột cổ con trăn buộc vào khúc cây để trên mình nó, nó
mới giật mình quấn quanh thân cây để amí và H’Chi khiêng về. Loài trăn to lớn
nhưng không có nọc độc như rắn, khi đã ăn no hoặc mới lột da rất hiền, bắt nó
dễ như bắt rùa, nó không chống cự. Nhưng mùa cặp đôi, hoặc đang đói chúng trở
nên hung dữ không tha bất cứ một loài động vật nào bắt gặp.
Con rắn trắng cắn mình, có lẽ nó tưởng mình tấn công nó,
H’Chi tự nhủ; lẽ ra mình phải lưu tâm khi thấy con cầy hương tự nhiên bị mất
hết bản năng của loài thú, phải cảnh giác quan sát xung quanh. Không vì muốn
bắt con chồn, chắc mình phát hiện ra con rắn không bị nó cắn; âu đó cũng là bài
học đắt giá cho sự thiếu cảnh giác khi ở trong rừng. Còn con cầy hương nhờ
tiếng kêu đau đớn của mình mới chợt tỉnh, chạy thoát. H’Chi tiếc rẻ, giá như
mình cẩn thận hơn để con rắn cắn con cầy hương, mình sẽ đuổi con rắn đi, lấy được
con cầy hương rồi, tiếc quá.
Sương mù
mỗi lúc một nhiều, cách khoảng vài mét, các gốc cây chỉ còn thấy mờ mờ sau ánh
lửa. Xa xa tiếng một con gà rừng cất tiếng gáy, làm lũ gà đậu trong vùng giật
mình thi nhau đáp lại. Tiếng gà lan tỏa khắp không gian, báo hiệu một ngày mới
sắp bắt đầu. H’ Chi mĩm cười: Thế là đã qua một đêm một mình ở rừng. Ngày mai
về kể cho các bạn học cùng lớp nghe chuyện xảy ra chắc nhiều bạn sẽ không tin,
nhưng rừng già Tây Nguyên huyền bí như vậy đấy.
Chú thích:
1.
Ami – tiếng Êđê gọi má
2.
Ama – Tiếng Êđê gọi ba
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI