Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 289 - tác giả MAI KHOA THÂU





TÌNH YÊU VÀ NỖI ĐAU TRONG THƠ
HÀN MẶC TỬ



Trong nghiên cứu và giảng dạy văn học, không ít người tách riêng cuộc đời và văn chương của Hàn Mặc Tử. Có người thì coi tình yêu là đề tài chủ yếu trong thành tựu văn chương của ông, nhưng theo tôi tách biệt như thế là chưa thỏa đáng. Hai vấn đề, hai sự kiện – tình yêu và nỗi đau – là mối quan hệ đan cài vào nhau, quyện lẫn vào nhau, cái này  tô điểm  cho cái kia nhưng là một sự thống nhất mật thiết với nhau ở Hàn Mặc Tử.
Hàn Mặc Tử, tên thật là Nguyễn Trọng Trí là một nhà thơ tài năng, nhưng sớm bị bệnh hiểm nghèo rồi đoản mệnh. Điều này được thể hiện rõ nét qua bài thơ Những giọt lệ:
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si
Có lẽ ít có nhà thơ nào lại viết nhiều về máu và về trăng như Hàn Mặc Tử. Tôi đã thử thống kê một vài bài thơ thấy những cách nói, những hình ảnh về máu và về trăng trong thơ ông, được bộc lộ muôn màu muôn vẻ, đa hình thức thể hiện.
Ta hãy thử điểm qua những câu thơ có từ máu: mặt nhật tan thành máu, phượng nở trong màu huyết, điên cuồng mửa máu ra, xin dâng này máu đang tươi, kìa ai gánh máu đi trên tuyết, đứng ngửa tay và hứng máu trời sa, mửa ra từng búng huyết, bao nét chữ quay cuồng như máu vọt, máu đã khô rồi, thơ cũng khô....
Ta hãy thử điểm qua những câu thơ có hình ảnh trăng: Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu, ăn vận toàn trăng, bóng trăng quì, cả miệng ta trăng là trăng, trăng tái mặt, trăng rơi lả tả trên cành, nước biến thành trăng, trăng ra nước, hãy nhập hồn em vào bóng nguyệt, dìm hồn xuống một vũng trăng, anh nằm chết dưới trăng, một nửa trăng ai cắn vỡ rồi, ta cười sặc sụa cả mùi trăng, ngủ với trăng, chơi trên trăng...
Hàn Mặc Tử viết về máu thường là để nói đến nỗi đau túa máu đang ngày đêm hành hạ trong thể xác của mình. Còn viết về trăng thường là để nói đến người yêu, đến những rung động về tình yêu của mình.
Tình yêu và nỗi đau là hai cái vô hình đang giằng xé trong con người Hàn Mặc Tử. Cái mâu thuẫn chính, cái oái oăm khắc nghiệt, không cách nào giải quyết nổi của cuộc đời ông. Kể từ khi ông mắc bệnh hủi - một căn bệnh không có thuốc chữa thời bấy giờ. Đó là cái mâu thuẫn giữa hai “chất liệu” máu và trăng. Đó là cái mâu thuẫn yêu hết mình, cái đẹp đẽ trong tình yêu (ánh trăng) và sự bất lực của cơ thể đang đau yếu, đang ngày đêm gậm nhấm ông, bào mòn ông (máu).
Mai Đình có làm bài thơ Trăng cũ sau ngày Hàn Mặc Tử mất, có những câu thơ như đúc kết về cuộc đời ông: Từng tập thơ xưa, từng tập thơ/ Từng trang huyết lệ ngấn trăng mờ. Đúng như vậy, hầu như với Hàn Mặc Tử thì trăng và máu cứ song hành đi bên nhau, tồn tại bên nhau...
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si.
Một tiếng kêu tuyệt vọng, tâm trạng của Hàn Mặc Tử là tâm trạng của một người đau khổ về thân thể đang hàng ngày bủa vây bởi bệnh tật, lúc nào cũng bị cái đau, cái khổ bủa vây, ngay trong những cái rất may mắn là được người khác yêu vì. Càng được yêu lại càng đau khổ vì không đền, đáp lại được như mình mong muốn. Bởi thân tàn, bệnh tật thì làm sao còn sức đâu mà thương, mà mong nhớ nữa. Và lẽ dĩ nhiên, không được yêu vì nữa thì càng đau khổ hơn, càng bất hạnh hơn. 
Họ đã đi rồi, khôn níu lại
Lòng thương chưa đã mến chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
Ở đây ta thấy có hai chữ họ và người có một ý nghĩa đặc biệt. Với họ thì nhà thơ chỉ thương và mến chứ không yêu. Còn với người, thì không nói ra chữ yêu, nhưng với trạng thái một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn tôi bỗng dại khờ thì chắc chắn đó là yêu rồi.
Yến Lan trong một bài hồi ký cho biết là bài thơ Những giọt lệ của Hàn Mặc Tử viết sau buổi Chế Lan Viên và Yến Lan ghé thăm Hàn Mặc Tử tại một túp lều nhỏ bên bờ biển Quy Nhơn, nằm cô độc một mình, trên một cái động cát có trồng phi lao, vì thời đó không ai dám đến gần người bị bệnh hủi... Có lẽ sau cái vui ngắn ngủi được trò chuyện với hai người bạn thơ, khi họ ra về mà không níu lại được, mà lòng thương chưa đã, mến chưa bưa, thì Hàn Mặc Tử càng cảm thấy cô đơn, và chợt nghĩ đến giờ phút chia tay với người mình yêu và cảm thấy một nửa hồn bị mất, một nửa hồn kia bị dại khờ, như vậy có thể xem như là đã mất tất cả. Còn gì đau đớn hơn thế!
Khi đọc bài thơ này tôi có cái cảm giác: Hình như từ ngày lâm bệnh nặng, đối với bạn trai, Hàn Mặc Tử muốn họ là người có thật, còn đối với người yêu thì ông chỉ muốn họ là gió, là mây, là trăng để tâm hồn ông có thể hòa nhập vào... Nhưng đó chỉ là mong ước, còn người yêu của ông, thì vẫn là người hiện hữu rất thật mà thôi. Với tất cả sự lành lặn, đẹp đẽ và xót xa thay, lúc ở kề ngay bên ông, ông vẫn cảm thấy có sự cách trở.
Cái tâm trạng khổ đau đến cùng cực ấy đã khiến nhà thơ sống mà như chết, tỉnh mà như mê: Tôi vẫn còn đây hay ở đâu.
Nhưng điều rất không ngờ là Hàn Mặc Tử, dù đau khổ đến nhường ấy vẫn không bao giờ muốn tự mình mang cái chết đến cho mình.
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi thì rõ ràng đó là cái chết bình thường của mỗi con người, chứ không phải cái chết tự mình tạo ra. Bao giờ là không định trước được. Và dù đau khổ đến mấy, thì Hàn Mặc Tử vẫn muốn sống, vẫn yêu cuộc đời, dù phải sống rất bơ vơ trong những ngày bệnh tật cuối đời. Vậy nên nhà thơ mới có cái cảm giác: Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu.
Trời thì ở rất cao, còn nhà thơ thì cảm thấy mình ở dưới vực sâu, một cảm giác hẫng hụt đầy bi thương mất mát. Con người cảm thấy mình thật nhỏ bé trong cái vũ trụ bao la. Câu thơ đọc lên nghe quặn đau cả ruột gan.
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?
Hóa ra những giọt lệ thương cảm nhỏ xuống lòng nhà thơ chẳng gì khác là những bông hoa phượng vĩ, đỏ như màu máu của con tim, cái màu đỏ ấy nhức nhối cả miền Trung, cả Quy Nhơn, nơi nhà thơ đã sống suốt cả tuổi thơ, cả quảng đời tươi đẹp và khổ đau của mình cho đến ngày vĩnh biệt cuộc đời.
Có thể nói bài thơ: Những giọt lệ là tâm trạng của cả một đời Hàn Mặc Tử. Đó là tình yêu và nỗi đau ẩn chứa đan xen trong thơ Hàn Mặc Tử.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI