Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 289 - tác giả Elia Wilkinson Peattie

 (1862 – 1935) là một tác giả, nhà báo, nhà phê bình người Mĩ. Khi mà Thời đại Vàng Son ở Mĩ chuyển thành Kỉ nguyên Tiến Bộ thì Elia Wilkinson Peattie đã nổi bật lên với vai trò là người phụ nữ hiếm có dùng ngòi bút mình để chỉ dẫn, giải trí và làm giàu thêm cuộc sống độc giả của mình.
ĐỨC MẸ KHÔNG CON



Bạn có để ý con phố giăng mình giữa tàn tích đổ nát của những nông trại cũ đó – con phố giờ nép mình bên sự yên tĩnh ngăn nắp của những sân thượng cỏ mọc phô ra vết cắt bằng đất sét gồ ghề và mặt đường lát gạch gọn gàng không?
Lola sống trên một trong những đống đất sét đó. Những bậc thang mà cô leo lên gạch đã hỏng mà ngay cả bước chân nhẹ nhàng của Lola cũng thường làm một viên bong ra lúc cô trèo lên phòng mình bên dưới đám dây nhợ. Mấy cột dây thép nặng trĩu dây điện báo bên sườn ngôi nhà bên bờ sông và bên trên căn phòng nghèo nàn của Lola, gió chơi cây đàn hạc hàng trăm dây, với tiếng vù vù vo ve, tiếng hét inh tai bị bóp nghẹt, và tiếng như của biển ru cô gái mỏi mệt vào giấc ngủ. Kìa, trên chiếc giường với tấm đệm rơm, cô nằm trong cơn mê trước khi rơi vào giấc ngủ tuổi trẻ và để nhịp lên xuống của giai điệu không rõ ràng ngân lên trong cơ thể nhỏ bé của mình.
Cha Lola – người trông giống cướp biển hoàn lương không hoàn toàn – và mẹ Lola – người có khuôn mặt của một người nhà Borgia(1) đã đến hồi tàn tạ - ngủ dưới lầu trong ngôi nhà cũ vì họ không thích tiếng của mớ dây điện. Và ngay phía sau phòng họ là phòng mấy con chó bun ngủ. Cha mẹ Lola rất cầu kì về đám chó này. Họ luôn cho chúng ăn uống đầy đủ và phải hiểu rõ về chỗ ở của chúng. Họ không chăm sóc Lola kĩ được vậy.
Lola đứng cả ngày trong gian hàng trái cây với tấm bạt sặc sỡ buông xuống góc đường có nắng náo nhiệt nhất trong thị trấn. Dưới những dây nho, cô nhút nhát nhìn ra những cô gái Mĩ vui tươi khi họ đi qua. Họ dường như đã quen với cuộc sống. Họ làm việc như đàn ông. Tất nhiên Lola cũng làm việc. Nhưng chuyện đó khác nhau. Cô là nông dân. Và ở Mĩ không có nông dân – ít nhất là Lola nghĩ vậy. Cô đang học tiếng Anh từng chút một. Nói thì không hay cho lắm nhưng cô vẫn thấy tự hào khi nói. Nó làm cô thấy mình biết nhiều lắm.
Nhưng có chuyện gì đó không ổn với Lola khi ở ngoài đường. Cô cảm thấy thất vọng mỗi lần nhìn họ. Cô thích nhắm mắt lại và thấy một con đường khác mà mình nhớ rõ, nơi những tia nắng dài và bóng râm đổ xuống bên kia một mái vòm của tòa nhà đồ sộ, bên dưới có những người phụ nữ mang khăn trùm đầu sặc sỡ đi qua, trên đầu bầu trời dịu dàng lướt nhanh, cả ngày đầy mơ mộng và ngay cả cái nghèo cũng nhuốm màu hạnh phúc khiến cho cuộc đời trở nên ngọt ngào.
Hầu như lúc nào cũng có tiếng nhạc trên những con phố Lola mơ về. Có những tòa nhà tráng lệ và một vài trong số đó có những phòng triển lãm tranh rộng lớn nơi có những ngày Lola bước vào với đầu ngẩng cao và niềm vui ấm áp chảy qua cơ thể nhỏ bé của mình, nước mắt sẽ dâng lên trong mắt cô do những bức tranh gây ra, thứ cô không thể nào nói thành lời.
Rồi tâm trí Lola quay lại những dặm dài biển và đất liền của cái thành phố trẻ trơ trụi ở thế giới mới, nơi không có âm nhạc và nếu có thì cũng không ai dừng lại để nghe. Còn những bức tranh trong cửa sổ mà Lola dừng lại nhìn khiến cô quay đi thở dài và đi trong khát khao mà không biết vì sao. Lola vẫn yêu bầu trời ở đây gần bằng bầu trời cô biết ở nhà. Thật ra mà nói thì nó không dịu dàng như bầu trời mà cô nhắm mắt lại suy tưởng về. Thay vì thế nó xanh thăm thẳm, không mây, tuyệt diệu; không khí có màu trắng – không phải vàng như ở thành phố mà đôi chân trẻ thơ của cô từng bước lên kia. Vào cuối ngày, hoàng hôn mà cô ngắm nhìn từ khung cửa sổ trên cao của phòng mình đỏ như máu và có những vệt tía như áo choàng của một vị vua hay ánh lên màu vàng hoàng kim sáng tới mức đôi khi Lola nghĩ mặt trời đã tan chảy và biến thành một đám mây. Chỉ có những thứ như thế này mới làm Lola hạnh phúc được trong cái thị trấn xa lạ này nơi không ai nói ngôn ngữ của cô. Rồi có một ngày kì diệu nọ khi thế giới biến hình. Cha mẹ cô – những người không bao giờ vui vẻ hơn mức bình thường – mượn chiếc xe ngựa hỏa tốc của người giao hàng được cấp phép Giovanni sống cách đó hai khu nhà rồi họ và Lola cùng nhau lái xe đi dạo về nông thôn. Đôi bàn tay nhỏ nhắn rám nắng của cô đan vào nhau để trong lòng. Cô ngồi nhìn xa xăm ra một thế giới mới.
Có những ngọn đồi mang toàn sắc vàng của hoa hướng dương, những ngọn đồi khác mang màu tía của loài cúc tây dại, và bên lề đường những chùm hoa vàng mỏng manh đung đưa. Trên những con dốc đứng xa xa làn sương khói mùa thu đang yên giấc cùng tử đinh hương.
Đêm đó mớ dây kêu to chưa từng thấy. Có lẽ cô sẽ thấy chuối chín nẫu sáng hôm sau hoặc sẽ mắc lỗi trong việc trả lại tiền thừa – tiền nong thật là rắc rối. Bất luận thế nào cha cô cũng thấy cô làm sai. Cô luôn bị bắt gặp mắc lỗi. Sẽ tuyệt vời làm sao nếu cô biết được ai đó ở cái đất nước mới mẻ này nói chuyện tử tế với mình! Nhưng mấy người Mĩ gấp gáp này họ không có thời giờ cho tình bạn. Ôi chao cái mảnh đất kinh khủng này nơi đàn ông đàn bà làm việc, làm việc, làm việc và không có lễ hội mà chỉ có những ngọn đồi với hoa hướng dương là đẹp mà thôi! Thế nên trong tưởng tượng cô xây cho mình một ngôi nhà trên những ngọn đồi vàng và sống ở đó.
Sáng sớm hôm sau cô xuống gian hàng trái cây, không hiểu sao cô rất mệt và khổ sở. Một cơn gió lạnh thổi trên con phố rộng và hất bụi vào mắt Lola. Bầu trời xám xịt. Tại sao có người lại mong được sống khi bầu trời xám xịt cơ chứ? Lola buồn bã sắp xếp trái cây cho gọn gàng. Cô xếp mận thành từng đống hình chóp nhỏ và lật ngược mấy thùng quả sung; cô che chắn mớ nho treo trên nóc cái sạp nhỏ của mình, đánh bóng táo, làm cho mọi thứ trở nên hoàn hảo, cô loạng choạng đứng trên một cái thùng với một nải chuối khổng lồ để cột nó ngay giữa sạp.
Cánh tay cô run rẩy khủng khiếp – mấy trái chuối này mọc thành nải lớn – bất thình lình cô ngã giữa đống thùng và phút chốc đã nằm trên sàn với một giọt máu lăn xuống má. Đám dây điện kêu réo đã có tác dụng!
Rồi có ai đó đỡ cô dậy. Lola mở mắt ra dù phải ráng sức lắm mới được. Trời ơi! Đó là một người Mĩ! Anh còn trẻ với đôi mắt xanh. Dù sao Lola cũng chán nhìn thấy mắt đen rồi. Tóc anh gần như có màu vàng và da trắng. Anh ta cao lớn – Lola thích đàn ông cao lớn. Mà anh ấy mới mạnh mẽ làm sao! Anh đặt cô ngồi lên ghế và lau máu trên má cô. Rồi anh rời đi để cô ngồi yên chờ đợi, tự tin là anh sẽ quay lại. Anh trở lại thật và đặt thứ gì đó lên má cô che vết thương nhỏ lại để cầm máu, anh cho cô thứ gì đó đựng trong một cái cốc nhỏ. Rồi anh cột chuối lên. Vài chàng trai đi qua và cười anh. Anh gật đầu và cười lại với họ. Khi tất cả đã xong anh nhấc mũ lên chào Lola và dợm chân bước đi.
Thế là Lola đứng phắt dậy. Anh có nghĩ cô là một kẻ vô ơn bạc nghĩa không? Cô chụp lấy tay anh và hôn nó. Chàng trai trẻ lắc bàn tay cho lơi ra và đỏ mặt. Lola cũng đỏ mặt và nói một cách thảm hại: “Anh không thích thế sao?”
“Ồ cô nói được tiếng Anh à? Phải, tôi không thích vậy. Tôi có thể hôn tay cô nếu quen làm vậy hơn. Chuyện đó có ý nghĩa cả đấy. Nhưng ở nước Mĩ này chúng tôi nói cảm ơn bất kì ai làm chúng tôi vui. Chúng tôi không hôn tay.”
Lola gục đầu xuống.
“Nhưng đừng bận tâm,” chàng trai trẻ kêu lên vui vẻ. “Coi này, xét cho cùng thì cũng đâu tệ lắm. Đừng làm mặt thế. Tôi hi vọng má cô không làm cô đau lắm.”
“Không đâu.”
“Tôi ghét phải để cô lại một mình. Cô vẫn chưa hoàn hồn đâu. Chẳng việc gì cô phải cột mấy nải chuối đó lên hết. Tôi chỉ muốn cột nải đó thôi. Không có ai tôi có thể gọi tới ở với cô à?”
“Không không,” Lola lo lắng kêu lên.
“Thôi chúc buổi sáng tốt lành vậy. Đừng nghĩ tôi phiền lòng chuyện cô làm nhé. Đây, bắt tay theo phong cách Mĩ nào, và nói cảm ơn.”
Lola chìa bàn tay rám nắng, mảnh dẻ của mình và anh thân mật bắt lấy.
“Cảm ơn,” cô nói nhẹ nhàng, bỏ thêm nguyên âm vào cuối mỗi từ. Cô ngước đôi mắt tràn đầy nỗi cô đơn không thể gọi tên lên tìm kiếm điều đó trên khuôn mặt anh.
“Gì vậy?” anh hỏi khi nhận ra có gì đó trong ánh nhìn.
“Tôi không biết,” cô hờ hững nói.
Chàng trai trẻ nhấc mũ chào và đi mất.
Nhưng tối đó trên đường về anh dừng lại một chút. Cha Lola đang ở đó kêu gọi om sòm để bán hạ giá đống nho. Lola ngồi phía trong sạp hàng suy nghĩ ủ ê. Cô khoác một tấm khăn choàng sọc kẻ sặc sỡ chống lại cơn gió ào ào, tóc cô bay lung tung quanh gương mặt sẫm màu. Chàng trai cười với cô. Vô tình khát khao mãnh liệt trở lại trong mắt cô. Đó là lần đầu tiên có người ở Mĩ nói chuyện với cô như vậy với nụ cười thân thiện. Cô rạng rỡ cười đáp lại, mắt cô long lanh và cô nhoẻn miệng cười để lộ hàm răng trắng, nhỏ, đều đặn. Da cô đỏ ửng lên. Thái độ cô trở nên vui vẻ điên cuồng như thể cô muốn nắm lấy tay anh và chạy lên dãy đồi đó nơi có hoa hướng dương và được hạnh phúc. Chàng trai trẻ mua ít quả chà là một cách lơ đãng, mắt anh cứ nhìn cô chăm chú. Rồi anh đi qua người đàn ông gào thét có gương mặt của cướp biển không được cải tạo, và nói với cô: “Tên cô là gì?”
“Lola,” cô nói với giọng âu yếm.
“Lola sao?”
Cô gật đầu và đưa ngón tay về hướng cha mình để cảnh báo. Đèn pin bừng sáng ném một tia sáng đỏ lên khuôn mặt phấn khích của cô. Chàng trai trẻ đi tiếp với nỗ lực rõ rệt và môi mím chặt lại như thể anh quyết tâm phải làm vậy.
Dù giải pháp đó là gì thì cũng không đủ giữ anh không dừng lại chốc lát mỗi buổi sáng để nói một lời. Cô học cách nói tên anh, chỉ là lúc nào cô cũng nói “Jaka” thay vì Jack. Nhưng thế thật quyến rũ. Cô nhớ những từ tiếng Anh nghe được và sau đó hỏi anh cho biết nghĩa. Cô hỏi anh có phải là người Công giáo không và cầu nguyện cho anh hai lần mỗi ngày khi biết anh là người theo dị giáo. Họ có những cuộc nói chuyện kì lạ. Cô hỏi anh hoa hướng dương nở được bao lâu trên đồi, và khi được bảo chỉ ba bốn tuần là lâu nhất thì mặt cô tái nhợt. Đó là những thứ đẹp đẽ duy nhất cô thấy ở miền đất lạnh lẽo này, và cô bảo anh vậy.
“Cái đẹp,” anh nói, “tại sao không có giờ nào cả ngày lẫn đêm mà những ngọn đồi đó không đẹp được. Tôi từng thấy chúng trong bão tố và trong ánh nắng, vào ban ngày và ban đêm từ hồi còn nhỏ, và tôi chỉ biết đó là cái hiểu biết đáng giá nhất khi nhìn những ngọn đồi đó.”
Lola hoàn toàn hiểu rõ anh. Đó là cách cô cảm nhận được về những nơi khác – về biển.
“Những ngọn đồi tốt hơn sách,” anh nói. Lola tỏ thái độ khinh thường.
“Sách à,” cô khinh khỉnh kêu lên, “xì!”
Điều này làm Jack hơi lo. Anh muốn quan tâm chu đáo tới điều nhỏ nhặt. Thế là anh mang sách tới, cô bắt đầu học chút ít và có tiến bộ bởi cô thành tâm học.
Mỗi ngày cô lại thêm đáng yêu. Nhưng Jack vẫn giữ nguyên quyết tâm bảo vệ mình không mất đi lòng tự trọng, nhưng đó là thứ khiến cho nước mắt cô rơi hàng đêm khi nằm trên tấm đệm rơm mới và nghe tiếng dây thép rền rĩ. Không, không! Làm sao những quyết tâm đó giữ cho cô không đi đi lại lại trong căn phòng nghèo nàn đó tay bị ghì chặt trong đau đớn tột cùng và hàm răng nghiến chặt được? Làm sao nó giữ cho cô không đau đớn quằn quại trong sự tra tấn tinh thần khi nằm trên giường được? Làm sao Jack Morris, điềm đạm và có đạo đức, biết gì là niềm đam mê trái với luân lí thứ giằng xé trong lồng ngực cái kẻ hoang dã nhỏ bé xinh đẹp này được? Làm sao một người đàn ông sinh ra ở miền bắc biết được một người phụ nữ miền nam nghĩ hay làm gì?
Và rồi một ngày đáng sợ hơn bất kì ngày nào khác đến. Lúc đó vào giữa mùa đông, tuyết lùa quanh cái sạp nhỏ. Lola đang nướng hạt dẻ và khá vui với công việc này. “Jaka” đột nhiên nhìn vào cửa – đó là giờ anh đi làm về.
“Anh đến để mang cho em một món quà Giáng sinh nhỏ,” anh nói, “dù vẫn chưa đến Giáng sinh. Nhưng anh sắp đi xa. Anh sẽ đi một thời gian dài. Và khi trở lại, Lola à, anh sẽ dẫn theo vợ - một người vợ trẻ xinh đẹp. Anh sẽ đi xa để kết hôn. Anh rất vui về chuyện đó và đến để kể em nghe chỉ vì anh mong em nói cho anh biết liệu em có định làm gì như thế không.”
Lola nhận lấy món quà nhỏ và mở giấy gói. Đó là một sợi dây chuyền nhỏ bằng bạc với một trái tim bé xíu viền bằng ngọc lam. Cô đeo nó lên cổ không nói một lời, thậm chí không cảm ơn và rồi cô đứng nhìn Jack Morris bình tĩnh tới mức anh chắc chắn như vẫn thường vậy, rằng anh cảm thấy máu trào lên trán mình. Đó là một cái nhìn buồn bã – một cái nhìn sâu thăm thẳm chất chứa đầy suy nghĩ mà anh chẳng thể nào hiểu được. Nhưng ánh nhìn làm anh kích động và muốn đi. Trong ánh nhìn có sự từng trải ngàn đời như thể cô gái đã tìm ra một bể tri thức của nhân loại mà anh không biết đến. Anh bắt tay cô nồng nhiệt và cô vẫn cứ dán chặt đôi mắt đen vào anh. Thế là cô không gặp anh trong một thời gian dài.
Trong khi đó, cha cô nói về Achille Morisini, người sở hữu một cửa hàng, một chiếc xe ngựa giao hàng và mong muốn được cưới cô. “Tùy ý cha thôi,” Lola nói thế. Có quan trọng gì đâu. Tốt hơn là lấy chồng. Phụ nữ ai cũng lấy chồng. Hơn nữa Achille tử tế và chính anh ta đã nói là anh ta thích cái cách người Mĩ đối xử với vợ. Anh ta muốn trở thành người Mĩ. Thế nên họ kết hôn trong nhà thờ. Họ sống với nhau đằng sau cửa hàng của Achille. Theo một cách nào đó thì họ là bạn tốt của nhau. Lola không còn run rẩy sợ hãi như hồi cô có lí do để sợ miệng lưỡi của bà mẹ và nắm đấm của cha. Thật ra mà nói ngày xưa có những lần trái tim cô nhẹ nhõm mà sẽ không bao giờ được như thế nữa. Nhưng đó là vì – nhưng nghĩ tới thì ích gì đây? Cô vẫn thích mang tấm khăn choàng sáng màu mà Jack mê. Và cô nghĩ về những điều anh nói với cô – nhiều tới mức cô không nghe thấy Achille khi anh nói tới lúc anh gay gắt gọi, hỏi rằng có phải cô bị điếc không.
Mùa đông mới dài làm sao! Tuyết và băng giá thực sự khắc nghiệt. Tại sao, Lola hỏi, khi lá lìa cành, trái tim dường như cũng chết theo? Thế mà mùa xuân – biểu tượng cho cuộc sống tốt đẹp hơn của Chúa – cuối cùng cũng đến dù mùa đông ảm đạm, chim chóc trở lại và trên mặt đất bên ngoài hoa xuân xanh như bầu trời tháng tư vậy. Quỳ trên sàn nhà thờ lát đá, cô bày tỏ sự sám hối rầu rĩ với những ý nghĩ cày xới thật sâu trong linh hồn mình và để lại sẹo ở đó như dòng nước ngọt để lại dấu vết của cơn giận dữ điên cuồng của chúng giữa đồng cỏ. Trong tim cô vẫn có nỗi khát khao mãnh liệt cô đã biết đến rất lâu rồi, thứ mà cầu nguyện không bao giờ thỏa mãn được. Thỉnh thoảng Achille lại trông nghiêm trang.
“Mình không có con,” anh vừa nói bằng tiếng mẹ đẻ vừa lắc đầu nghiêm nghị. “Mình còn cả tương lai phía trước, chỉ là mình không có con thôi.” Lola nhìn anh không nói gì. Đằng sau sự im lặng của cô có một ý nghĩa mà cô không thể nói thành lời. Thế mà giờ cô đã vui hơn. Ánh mặt trời làm cô thích sống – cô thực sự sống trong mùa hè. Khi những cây đinh tán trông như những bó hoa và hoa loa kèn nở, khi buổi đêm tĩnh lặng và trong lành, và khi mặt trăng treo la đà trên dòng sông và dốc đứng, lúc đó Lola muốn sống. Thế rồi mùa hạ tàn phai. Gần như lúc nào cô cũng im lặng.
“Em không có miệng lưỡi của phụ nữ,” Achille nói. Vậy mà anh vẫn tự hào về Lola. Cô là một người vợ tốt. Và cô không bao giờ cự cãi.
Thu lại đến, và một lần nữa những ngọn đồi lại tuyệt đẹp với hoa hướng dương. Rồi nó lại tàn, những ngày thu muộn nhuộm tía cả dãy đồi. Rồi lá chuyển vàng cuốn quanh những con phố. Một ngày nọ khi Edna đứng giữa những trái nho cuối mùa, hơi run run nhưng vẫn sung sướng trong một ngày tuyệt diệu như vậy, toàn bộ những suy nghĩ thầm kín của cô, một giọng nói quen thuộc như giọng chính cô vang lên. Cô nhìn quanh với ánh nhìn chậm rãi dán lên khuôn mặt “Jaka” vẻ mặt y hệt mà cô nhớ đã thấy ở đó một năm trước. Anh vẫn vậy – không khác chút nào. Chỉ khác trên tay anh là một đứa bé với đôi mắt xanh hoảng hốt nhìn láo liên khắp nơi và đôi bàn tay bé xíu vươn ra.
“Nó muốn em,” cô nói, và Jack trao cái vật nhỏ bé cho cô qua đống trái cây trên quầy.
“Giờ em đã ở nhà chồng rồi Lola,” anh nói một cách dễ thương. “Anh mừng khi thấy em ở đây. Anh biết em sẽ thích ngắm con anh. Con em đâu không cho anh gặp sao?” Nhưng những lời nông nổi chết ngay trên môi anh. Vì anh thấy một niềm say mê to lớn lướt qua mặt cô, và khuôn mặt sẫm màu rạng rỡ lên khi cúi xuống đứa trẻ.
Cô quay đôi mắt đẫm lệ qua nhìn anh rồi trở lại nhìn đứa bé, lúc đó anh biết sự thật và đoán ra cái ý nghĩ khiến mặt cô nhợt nhạt. Đột nhiên, với một cử chỉ mau lẹ và dịu dàng như sự mạnh mẽ của Đức mẹ đối với Chúa hài đồng, cô kéo đứa bé lại gần ngực mình và giữ ở đó như thể mong mỏi của cô có thể buộc dòng nước ngọt ngào của bầu ngực người mẹ chảy vào cái miệng hồng hào đó.
Jack đưa tay ra lấy lại đứa bé, mặt trắng bệch khi ý thức được điều mình vừa nhận ra. Và cái cảnh cô đặt đứa bé trong vòng tay anh với cảm giác hiến tế khiến cô trông không giống thứ gì trên đời hết.
Những lời người đàn ông định nói chết trên môi anh. Lola quay đi và vòng tay ôm lấy ngực như thể để làm dịu đi cơn nhức nhối một người mẹ cảm thấy khi đứa con yêu dấu mình chết đi.
                                                   TRƯƠNG THỊ MAI HƯƠNG dịch
Nguồn: plainhumanities.unl.edu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI