Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

MẤT TÍCH truyện ngắn của TRẦN BĂNG KHUÊ - CHƯ YANG SIN SỐ: 307 - THÁNG 3 NĂM 2018



  


Hắn lững thững, theo sau vài kẻ đang hấp tấp vội vã tiến về phía có một đám đông  lố nhố nhìn ngó, xì xào. Hắn đến gần hơn một chút, ánh mắt hắn bao quát vài thứ ở phía chân cầu, có một chiếc xe màu đỏ, một đôi giày nam số lớn, cùng với những người mặc trang phục màu xanh. Không kiềm chế được, hắn buột miệng lầm bầm trong cổ họng, chỉ vừa đủ hắn nghe, "Tại sao người ta luôn muốn tụ tập thành những đám đông nhỉ? Tại sao phải đứng xung quanh chân cầu này và tìm kiếm mãi thế?”. Rồi, hắn buột miệng, hệt như lần đầu tiên phát hiện ra điều gì đó thú vị lắm, “Cái chết”, “Không, sự mất tích”.
“Hẳn rồi”. Ai đó đáp lời hắn thì thào, “kẻ ẩn nấp, người vô hình”, hắn nhíu mày, nghĩ.
Ánh nắng của buổi sớm bỗng lững thững quất thẳng những tia gay gắt nhất vào mặt hắn, rát bỏng. Đám đông vẫn còn vây quanh chiếc xe màu đỏ, đôi giày da nằm trên bờ. Họ vẫn đang tìm kiếm thứ gì đó ở dưới nước. Sóng nước không có vẻ gì điềm tĩnh, chúng sôi cuồn cuộn, dưới cầu, chảy trôi theo một dòng, rồi dạt về một miền rỗng. Theo hắn đó chỉ là miền rỗng. Như hắn vậy.
Hắn quan sát đám đông. Họ xì xào với nhau mãi và không chịu rời đi. Một gã trung tuổi, chỉ trỏ về phía chiếc xe, đôi giày cùng vài người xung quanh lẩm bẩm. Hắn không nghe rõ lắm, dù gã nói khá lớn tiếng.
Hắn chợt nhớ. Tối qua, hắn nghe một tiếng rơi. Tiếng rơi trong đêm vắng, ngay chân cầu này. Và sáng nay, hắn thấy một chiếc xe màu đỏ, một đôi dép. Hẳn là đã có một sự biến mất bí ẩn. Hắn chỉ nghĩ về sự biến mất của ai đó. “Cụ thể là ai nhỉ? Một con người chăng?”. Chỉ có sự mất tích của một con người mới khiến đám đông quan tâm đến. Hoặc không. Dù gì cũng chỉ là một sự mất tích quen thuộc.
Hắn đến gần hiện trường hơn. Và bắt đầu nghe loáng thoáng những kẻ trong đám đông đang thì thào bàn tán về sự tồn tại của một con người cụ thể mà họ biết. Một gã trong đám đông nhìn có vẻ trí thức, nắm bắt được thông tin nhiều hơn đã lên tiếng: "Anh X, giám đốc công ty Y, để lại thư tuyệt mệnh vì làm ăn thua lỗ, đã nhảy xuống chân cầu Z vào tối hôm qua".
Hắn giật mình nhìn những thứ còn sót lại nằm đó, ngay bãi đất trống ở gần chân cầu. “Chiếc xe này quen lắm, cả tên con người đang mất tích nữa”. Hắn tiến đến gần hơn một chút, nhìn xoáy xuống dòng nước đang chảy, nơi vừa xảy ra vụ mất tích, để nhìn cho rõ hiện trạng và thử tìm kiếm xem có một con người cụ thể nào đang chìm trong nước không? Chẳng có ai, ngoài cái bóng mờ mờ có hình dạng khuôn mặt giống y như hắn. Kì lạ thật.
Hắn quay trở lại chiếc xe. Ngay trước mặt hắn, một chiếc xe bốn bánh màu đỏ đời cũ, và một đôi giày da màu đen nằm im lìm ngoan ngoãn. Hắn sờ soạng chiếc xe mở cửa tay lái, ngồi vào ghế cầm vô lăng vặn vặn. Chiếc xe vẫn nằm im.
Đám đông xì xào xì xào, những người cứu hộ đang tích cực tìm kiếm. Con người đã từng tồn tại, vẫn mất tích. Hắn bất giác muốn nhiều chuyện như anh chàng trí thức đứng lẫn vào đám đông cung cấp vài thông tin cho họ bằng cách thề thốt là hắn biết người đó. Nhưng ngặt nỗi, hắn vẫn chẳng thể nhớ ra là ai. Một gã đàn ông trung tuổi trán nhẵn thín, có đôi mắt lành lạnh như nhìn xuyên thấu qua cái bóng của hắn vậy. Gã hồ hởi kể lể chuyện tìm kiếm. Gã nói, gã đang cố giúp người ta tìm kiếm kẻ mất tích. Hắn nhếch môi, rồi cúi mặt xuống nhìn đôi giày, hắn tiến về phía đôi giày da đã lấm chút bùn đất, ướm chân vào. Vừa vặn. Mắt hắn xuôi theo dòng chảy. Hắn nghĩ: "Chắc hẳn đây chỉ là một sự mất tích, không phải cái chết".
Ngày thứ hai. Đám đông vẫn quay trở lại chân cầu để theo dõi cuộc tìm kiếm. (Những đám đông vẫn luôn thích xen vào các cuộc tìm kiếm). Có thể, sẽ là một xác chết trương phình nổi lên, hoặc không gì cả.
Đội cứu hộ vẫn làm công việc của họ. Tích cực tìm kiếm. Những sự mất tích vẫn tiếp tục xảy ra. Lúc ở một quãng sông. Khi thì một con kênh. Hoặc đơn giản chỉ là một địa điểm công cộng nào khác.
Hắn cũng tiếp tục xuất hiện ở giữa đám đông. Không hẳn vì tò mò. Hắn nghĩ, bất kể cái chết nào cũng đều phải có một nguyên nhân, hoặc một vài dấu vết cụ thể. Chẳng ai tồn tại có hình có bóng, rồi bỗng dưng biến mất như chưa hề có mặt trên đời này vậy. Kẻ nào đó dưới kia, không phải một kẻ vô danh tính.
Hắn lò dò theo chân đám đông để mong được thấy kết quả về một sự mất tích.
Bất giác, hắn lại nhìn thấy bóng dáng của một ai đó bám theo hắn, gã đội mũ trùm đầu. Thật kì lạ. Mỗi lần có sự vụ mất tích nào đó mà hắn biết, hắn lại thấy gã xuất hiện nhanh như một hơi thở của hắn lúc này.
Gã lại gần hắn thì thào: "Chết phải thấy xác nhỉ?".
Đám đông dạt sang một bên, nhường chỗ cho những người thân vừa biết tin đến chân cầu và gào khóc. Người thân là hai ông bà già, một cô gái tật nguyền, chân đi khập khiễng, một thằng con trai người đầy men rượu. Tiếng khóc của cô gái, tiếng bà già ơ hời gọi con. Tiếng thằng con trai tậm tịt hơi men rủa vào dòng nước, "anh hèn lắm, hèn lắm, chết thế nào được, về nhà thôi". Hắn lẩn thẩn, nhìn đăm đăm về phía họ. Những người này, không phải kẻ lạ với hắn. Họ rất quen, hình như là rất thân thiết nữa. Hắn đến gần, hắn nhìn họ chăm chăm. Nhưng không ai thấy hắn. Dòng nước vẫn cuồn cuộn sôi. Chiếc xe màu đỏ cùng với đôi giày da đen nằm trên bãi đất trống đã biến mất.
Đám đông lùi hẳn về phía chân cầu, rồi rời đi dần dần. Chỉ còn lại hắn, gã đội mũ trùm đầu, đám người cứu hộ cùng với gia đình của kẻ mất tích. Hắn đi về phía con sông, chạm chân lên mặt nước, cúi nhìn xuống, trong đáy nước có một khuôn mặt, rất giống hắn. Hình như, kẻ mất tích đang nằm đó thì phải.
Ngày thứ ba, người ta vẫn lùng sục quanh chân cầu để mong nhìn thấy một cái xác nổi lên. Nhưng tuyệt nhiên không thấy gì, ngoài những bong bóng nước đục ngầu sôi sì sụp từ dưới đáy như mùa nắng nung lửa cháy cả bầu trời và mặt đất. 
Ngày thứ tư, rồi đến ngày thứ năm.
Đám đông không còn tụ tập nữa, chỉ còn vài người quen biết với gia đình kẻ mất tích ấy thi thoảng đáo qua xem dòng nước có gì khác lạ không. Ngày thứ sáu, ngày thứ bảy. Bảy bảy bốn chín. Nhà ấy làm lễ cầu siêu cho kẻ mất tích. Hai ông bà già vẫn đau đáu về việc mất tích của cậu con trai cả. Một doanh nhân thành đạt, một người đàn ông trụ cột trong gia đình. Thằng em trai vẫn say mỗi ngày, khi trở về lại quen thói lèm bèm mùi men: "Sống phải thấy người, chết phải thấy xác, anh hèn lắm, hèn lắm, về nhà đi thôi". 
Người vợ trẻ của kẻ mất tích vẫn dửng dưng sau bốn chín ngày. Kẻ mất tích vẫn mất tích không một dấu vết.
Gã đội mũ trùm đầu lại xuất hiện bên cạnh hắn và kéo hắn đi, giọng gã lầm bầm, vừa đủ cho hắn nghe thấy, “Rồi, sẽ đến lúc chẳng ai muốn tìm kiếm một con người mất tích”. Hắn ngoái nhìn lại phía chân cầu một lần nữa, hắn không thấy cái bóng của hắn dưới nắng. Nắng nhạt nhòa. Nhòe cả mắt hắn. Nước dưới sông vẫn sôi sùng sục như một cái chảo dầu.
Hắn vừa đi theo gã đội mũ trùm đầu vừa lặp lại lời của một thằng say rượu,
“Sống phải thấy người, chết phải thấy xác…”.



Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

LỖ ĐẤT truyện ngắn của NGUYỄN VĂN THIỆN - CHƯ YANG SIN SỐ: 307 - THÁNG 3 NĂM 2018







Tổ tiên người Êđê, người M’nông
ở Tây nguyên kể lại rằng,
họ chui lên trần gian qua Lỗ Đất…

Chúng tôi ngủ vùi trong sương trắng. Cả cánh rừng đầy sương. Mẹ đã chọn con đường này để đi về vùng Lỗ Đất. Tôi đã lớn lên trên lưng mẹ, ngủ vùi trên lưng mẹ. Vùng Lỗ Đất là quê hương mình, mẹ bảo thế trong khi chân vẫn bước. Rừng đầy chông gai. Bên cạnh rừng là những vạt đồi đất đỏ màu mỡ. Chị tôi bảo: “Mẹ ơi, dừng lại thôi!” Mẹ bảo, không được, chưa về đến nhà mà. Tôi ngây thơ nghĩ, có khi, về đến nhà thì mẹ trẻ ra, chúng tôi thì lập tức lớn lên.
Nhưng quê nhà xa quá. Mẹ dường như kiệt sức. Bước chân bị gai rừng đâm, chảy máu. Bàn tay bị lá rừng xát, chảy máu. Máu của mẹ vương vãi đâu đó dọc suốt đường về. Chị níu váy mẹ, bước theo sau. Bao nhiêu mùa trăng đã đi qua trên cánh rừng này, chúng tôi không nhớ. Chị vẫn lớn lên dọc đường đi. Mỗi lần từ trên lưng mẹ ngoái lại phía sau, tôi lại thấy chị cao hơn một chút, tóc dài hơn một chút.
Mỗi lần dừng nghỉ chân trên một vạt đất trống nào đó cạnh đường đi để nghỉ ngơi hoặc tìm kiếm củ rừng, rau rừng lót dạ, mẹ lại dặn chị: Phải đi sát lưng mẹ kẻo lạc, nghe chưa! Chị ngồi nhóm lửa bằng bùi nhùi, không trả lời. Còn tôi, khi chập chững, có lúc chạy lăng xăng quanh chị. Mẹ đào củ, kiếm rau. Rừng nuôi chúng tôi lớn lên. Khi tôi biết chạy bằng hai chân, tôi nói với mẹ: “Cho con xuống đi với chị!”. Mẹ đồng ý. Hai chị em như hai con chó nhỏ, vững tin, nhanh nhẹn bước sau mẹ, đi tìm quê nhà: Lỗ Đất.
Một bữa, khi ngồi nghỉ ở bãi đất trống cạnh đường, chị nói nhỏ với mẹ: “Mẹ ơi, chân con cũng có máu”. Rồi chị vén váy chỉ dấu máu khô giữa hai đùi, nâu màu thổ cẩm. Mẹ nói: “Con gái ta lớn rồi”. Chúng tôi không có bạn mặc dù chúng tôi từng đi qua những vùng đất có rất nhiều người, họ chơi với nhau rất vui. Những đứa con trai nghịch ngợm, những đứa con gái dễ thương. Còn chúng tôi thì trơ trọi. Tất cả mọi thắc mắc đều hỏi mẹ. Mẹ ơi, sao chúng ta phải đi tìm Lỗ Đất? Mẹ ơi, sao chúng ta không sống bình thường như mọi người? Mẹ ơi, bao giờ thì về được tới quê cũ?... Hầu như ngày nào chúng tôi cũng nêu những thắc mắc ấy với mẹ. Lúc đầu mẹ còn giảng giải, càng về sau, lời giải thích càng thưa dần. Sau nữa, mẹ im lặng. Những câu hỏi của chúng tôi không có câu trả lời.
Một bữa, khi ngồi nghỉ bên cạnh một con sông. Tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi, nước đái của con khác hôm qua, nó không trong nữa mà trắng đục”. Mẹ không thèm quay mặt nhìn, nói: “Con cũng đã lớn!”. Mẹ nhìn dòng nước sông hung hãn, thở dài: “Các con tôi đã lớn, vậy mà vẫn chưa về đến quê nhà…”. Tôi cáu lên: “Làm sao mà cứ phải quê nhà, quê nhà! Sao không tìm một bãi đất nào đó dựng nhà trồng cây để ở, làm sao cứ phải đi mãi thế?”. Mẹ không giận, chỉ nói: “Chúng ta thuộc về Lỗ Đất, đó là nơi tổ tiên ta khởi phát”. Tôi không nói thêm, trong ruột gan thấy hơi giận ngùn ngụt. Tôi giận tổ tiên tôi. Tôi giận luôn cả cái Lỗ Đất xa xôi chưa hề biết mặt mũi thế nào đã đày đọa chúng tôi trên con đường hành hương hun hút. Tôi nhìn chị, chị đang thổi phù phù vào bếp lửa. Có lẽ tâm trạng chị cũng giống tôi. Mắt chị màu đen, rất đẹp, giống mẹ. Hình như tôi cũng giống mẹ. Chúng tôi không có cha, mẹ từng giải thích như vậy khi tôi thắc mắc.
Một buổi chiều núi dày đặc sương, mẹ chỉ tay về bên kia núi: “Bên kia là vùng Lỗ Đất, là quê nhà”. Tôi nhìn theo tay mẹ chỉ, qua một dòng suối, qua một vạt rừng là mỏm núi cao mờ mịt sương chiều. Chúng tôi lội qua suối, đi về Lỗ Đất. Càng đi, chúng tôi càng chìm khuất trong thăm thẳm. Mẹ đi trước, chị nhìn lưng áo mẹ để theo, tôi níu lấy tay chị. Không còn thấy mặt nhau nữa, vẫn đi. Cho đến lúc mẹ dừng lại, nói: “Thôi, mẹ không thể bước nổi nữa rồi, Lỗ Đất ở trước mặt không bao xa nhưng mẹ đã mệt quá”. Chúng tôi dừng lại bên đường. Chị lấy bùi nhùi đánh lửa. Sương ướt tay, ướt bùi nhùi, đánh mãi không cháy. Bàn tay tôi cầm tay mẹ, lạnh cóng, nhăn nheo.
Rồi lửa cũng bùng lên, chúng tôi chụm lại sưởi ấm. Tôi nhặt những nhành cây bên cạnh bỏ vào bếp nuôi lửa. Nhưng lửa chỉ đủ soi sáng một vạt đất nhỏ. Chúng tôi đã lạc vào vùng sương mù. Mẹ nói: “Sương dày quá, không làm sao kiếm thức ăn được”. Lúc này, bụng tôi đã sôi lên vì đói. Bụng chị cũng sôi lên vì đói. Chị đứng dậy, bước vào màn sương, mất hút, chỉ còn văng vẳng câu nói: “Không lẽ chịu chết ở đây, phải tìm xem có cái gì ăn không đã”. Tôi và mẹ ngồi đợi, đợi mãi đến tàn đống củi, vẫn không thấy chị trở lại. Mẹ vừa gọi chị, vừa khóc. Tiếng khóc của mẹ khiến tôi quên mình đang đói. Tôi đứng dậy, bước đi tìm chị. Mắt tôi căng lên tìm kiếm. Sương càng lúc càng trắng hơn, dày hơn. Có lúc, tôi đã nghĩ đến cái chết. Nhưng chúng tôi không chết, chỉ có một thay đổi: Thân thể chúng tôi trở nên trong suốt, không màu, nhìn xa có thể nhầm với một đụn khói hay một đám sương. Tôi nói với mẹ điều kỳ lạ ấy, mẹ bảo, thế là mẹ con mình đã về đến quê hương! Giọng mừng rỡ, mẹ thốt lên: “Cuối cùng, chúng ta cũng đã quay về!”.
Từ phút ấy, tôi không nhìn thấy mẹ nữa, chị thì đã biến mất từ lâu. Bây giờ chỉ còn lại tôi trong sương khói cố hương. Tôi không còn thấy đói, người nhẹ lâng lâng. Những gian khổ trên đường về phút chốc tan vèo trong trí nhớ. Quanh tôi, những làn khói trắng khói xanh uốn lượn nhẹ nhàng. Tôi nghĩ, chị sẽ là làn khói xanh, mẹ sẽ là làn sương trắng, những họ hàng thân thích của tôi là những ngọn khói màu lam tuyệt đẹp. Trong thoang thoảng mùi hương thảo nguyên mùa gieo hạt, tôi nghe tiếng ai đó đang cất lên điệu ayray quen thuộc và tiếng đàn đingnăm réo rắt…
Tôi bay theo câu hát, lang thang đi tìm chị, tìm mẹ.

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

ĐÃ CÓ AI NÓI VỚI EM... truyện ngắn của NGUYÊN HƯƠNG - CHƯ YANG SIN SỐ: 307 - THÁNG 3 NĂM 2018








Truyện ngắn


Con gái tôi tên Hòa.
Từ thời mẫu giáo đến khi lên tiểu học, từ tóc bum bê rồi thì hai sừng lúc lắc thắt nơ xanh đỏ, từ thời áo đầm xúng xính mang giày hình con chuột mỗi bước đi vang tiếng chít chít cho tới khi bước vào cấp ba áo dài tha thướt… Hòa luôn tỏ ra là một đứa thích điệu đàng và có hơn hai cậu bạn cùng trường thường kiếm cớ tới nhà mượn bài vở.
Tôi hay dặn dò “Lo học nghe con”. Cũng như những bà mẹ có con gái xinh đẹp, tôi tự hào bao nhiêu thì lo lắng bấy nhiêu.
Những ngày đầu tiên của đại học, Hòa khúc khích kể có mấy anh năm ba năm tư hỏi đã mua sách này sách nọ chưa, nếu chưa thì đừng mua, để anh tặng. Rồi thì thầy trợ giảng là sinh viên mới ra trường hay hỏi, “Em có gì chưa hiểu thì cứ email cho thầy bất cứ lúc nào”.
-  Lo học nghe con – Tôi lặp lại. Và sợ mình bị chê là bà mẹ lạc hậu, tôi thêm –  Mới năm nhất, để việc học ổn định đã. Có yêu đương gì thì đợi tới năm hai năm ba hẵng hay.
-  Đợi tới khi con rảnh thì đúng hơn.
Hòa đáp lại trong tiếng cười vang, kiêu hãnh và tự tin.
Đúng là Hòa bận túi bụi. Học ở trường rồi học thêm tiếng Tây tiếng Tàu và hăng hái tham gia hoạt động này kia. Chạy xe mấy trăm cây số về vùng biển để tham gia cuộc thả rùa về với biển. Canh chừng vé máy bay giá rẻ để đi vùng cao Tây Bắc tham gia dạy học tiếng Anh cho trẻ em người Mông trong một dự án Xanh... Có ngày Hòa về tới nhà, mặt mũi bụi bặm và cẳng chân ngả màu nâu, kết quả của cuộc chạy bộ quyên tiền mua quà tết cho trẻ em cơ nhỡ.
Quần thụng, áo thun rộng, mũ vải, giày bệt và ba lô sau lưng, đó là hình ảnh tôi quen nhìn thấy nơi con gái mình vào những sáng cuối tuần. Điện thoại reo vang và Hòa trả lời:
-  Biết rồi. Mình tới liền đây. Năm phút thôi.
Dắt xe ra cổng, Hòa quay lại vẫy chào và cười tươi rói trước khi phóng đi, mái tóc tém lùa xùa quanh vành mũ bảo hiểm.
-  Con gái gì mà giống cái thằng – Chồng tôi càu nhàu.
Tôi cười. Bọn trẻ bây giờ chuộng phong cách tomboy, mà rõ ràng là phong cách này rất hợp với những chuyến đi.
Chồng tôi lại có càu nhàu khác:
-  Sao em không kêu con ở nhà phụ giúp dọn dẹp, con gái mà cứ xách ba lô đi là sao?
Nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa thì dễ thôi, công việc đó có thể đợi tới lúc con gái tôi cần phải biết. Còn tuổi trẻ thì đâu chờ đợi. Hơn nữa…
-  Anh có muốn phải đọc trên facebook của con mình dòng chữ “Làm sao bây giờ, khoảng cách hai thế hệ” không?
Chồng tôi gãi đầu, nhún vai, rồi bối rối phì cười.
Làm cha mẹ, quả là nhiều khi chỉ biết bối rối.
Đó là khi Hòa đã qua năm thứ ba đại học, mốc thời gian tôi đặt ra cho “tuổi yêu hợp lý”. Vậy, cố gắng là một bà mẹ hiện đại nhưng tôi vẫn thầm tính tuổi yêu hợp lý cho con gái, năm thứ ba có người yêu là vừa đẹp. Tuổi hai mươi.
Nhìn theo Hòa chạy xe ra khỏi cổng, luôn là một mình, tôi tự hỏi sao con gái mình xinh đẹp mà chẳng thấy anh chàng nào đưa đón? Hay là Hòa khó tính quá? Người đẹp thường hay...
***
Bà mẹ nào có con gái tuổi đôi mươi cũng âm thầm theo dõi như tôi, có phải? Tôi đọc facebook của Hòa kỹ hơn, săm soi những tấm ảnh tìm xem có ánh mắt nào tình tứ dành cho con gái mình. A đây rồi, Hòa và chàng trai cụng ngón cái với ngón trỏ thành hình trái tim. Tôi vào facebook của chàng trai, tên Dũng, sinh viên năm tư Kiến Trúc. Thật đẹp đôi.
Tôi lang thang qua những trang khác của bạn bè Hòa, những chuyến đi lôi kéo được nhiều người trẻ tham gia nên có nhiều tấm ảnh nhộn nhạo tưng bừng và những bàn tay giơ cao chữ V với miệng cười hết cỡ. Có một tấm Hòa chụp chung với cô bạn tên Bích Thi, hai khuôn mặt kề nhau và hai cái miệng được photoshop hình hoa hồng đầy gai khá là nghịch ngợm.
Tôi thích đọc những comment trẻ trung tinh nghịch, tràn đầy hứng khởi và hẹn hò cho chuyến đi kế tiếp, và cũng có những comment đầy ẩn ý. Thật khó để phân biệt ẩn ý thật sự và những comment chứng tỏ ta đây là.
“Muốn sống thật không dễ”.
“Đeo mặt nạ, và mỉm cười với đời”.
“Đã đến lúc nói thật được chưa?”.
“Giấu cái nhìn sau cặp kính màu hồng đã lỗi thời rồi các bạn à. Hãy mạnh mẽ đối diện với sự thật”.
“Che giấu đồng nghĩa với dối trá. Mà cuộc đời mình là của ai?”.
Ô, tuổi trẻ tươi xanh và rắc rối.
Cho đến một ngày…
Nhiều trang facebook thay đổi avatar rực rỡ màu cờ cầu vồng ủng hộ LGBT. Có những trang đăng bức ảnh hai cô gái, một tóc nhổng một tóc ngang vai môi chạm môi. Hoặc hai chàng trai, áo sơ mi đính nơ, tay cầm tay.
Và trang của con gái tôi, là tấm ảnh Bích Thi tựa cằm vào vai Hòa cùng với status: “Mình chỉ sợ mẹ buồn”. 
Tôi rùng mình. Không. Hòa chỉ là người ủng hộ mà thôi. Tay tôi run run nhấp chuột vào trang của Dũng. Mắt tôi đụng tấm ảnh Dũng và một chàng trai kề môi rất gần.
Ôi không…
Hố sâu toang hoác dưới chân, tôi chới với trong cơn rơi không chạm đáy.
Tôi là một bà mẹ hiện đại. Mình là một bà mẹ hiện đại. Mình là… Mình có thể hiểu… Tôi lặp đi lặp lại với mình để chống chọi cơn choáng váng trào dâng. Rồi tôi cũng tìm được điểm bấu víu. Sợ mẹ buồn. Sợ mẹ buồn. Sợ mẹ buồn. Chỉ sợ mẹ buồn.
Hòa nhận ra mình là les từ khi nào? Tôi muốn đếm tháng ngày con mình buồn một mình để tôi được vui. Tôi cố gắng biết mấy để vừa là mẹ vừa là bạn, hóa ra bấy lâu nay tôi chỉ là kẻ bên lề của trớ trêu số phận.
***
Tôi hiểu được nỗi khổ của Hòa khi chính tôi chưa tìm được sức mạnh để dám đối diện. Tôi lẩn tránh cái nhìn thương cảm của bạn bè đồng nghiệp, tôi làm như bận bịu gì đó để lảng tránh không trả lời những câu hỏi làm ra vẻ thông hiểu mà thật ra là tò mò tọc mạch, những độc ác hồn nhiên…
Nhưng chính vì vậy mà tôi nhận ra Hòa cần một sự thấu hiểu. Nếu tôi không là điểm tựa của con mình thì còn ai khác đây?
-  Sao con không rủ Bích Thi về nhà mình chơi? – Tôi nói.
Hòa đang cắm hoa. Câu nói của tôi khiến tay cầm bông hoa ngừng khựng lơ lửng. Chừng như màu đỏ cánh hoa lan qua từng ngón tay và loang lên vai, qua cổ và tràn khắp mặt mũi Hòa. Màu đỏ đông cứng khuôn mặt Hòa khiến tôi nghĩ tới thân cây bị trốc gốc ngày mưa bão.
Tôi bước tới gần hơn, sẵn sàng đón Hòa nhào trong vòng tay tôi. Nhưng không, Hòa vẫn gắng gượng. Tôi đau lòng nhận ra con mình đã phải cố gắng nhường nào suốt bấy lâu để có thể tỏ ra thản nhiên.
-  Mẹ biết rồi sao?
-  Mẹ biết. Và mẹ hiểu. Con không phải giấu giếm gì nữa đâu – Tôi dịu nhẹ – Chủ nhật này mẹ định nấu món gì đó con mời bạn tới cho vui. Bích Thi thích ăn gì?
-  Không cần gì đâu mẹ. Chỉ cần mẹ không ngăn cấm là tụi con mừng rồi.
Có thể ngăn cấm được tình yêu sao?
***
Tôi đọc hết trang này qua trang kia từ link này qua link khác về LGBT để có thể hiểu được con mình hơn và biết nên cư xử thế nào để không gây tổn thương. Những chuyến đi, Hòa không phải một mình dắt xe ra cổng nữa. Bích Thi đến nhà từ tối qua và hai đứa tíu tít chuẩn bị đồ đạc xắp xếp ba lô. Tình yêu được thông hiểu khiến tiếng cười dậy lên vui vẻ.
-  Mẹ con đã biết chưa hả Bích Thi? – Tôi hỏi. Mong manh hy vọng một niềm đồng cảm.
Bích Thi rùn vai:
-  Mẹ con không hiền như cô đâu. Mẹ con mà biết là đuổi con ra đường luôn. Vậy nên con có dám viết gì trên facebook đâu cô.
Tôi nuốt tiếng thở dài. Ừ, vì Bích Thi không viết dòng nào ẩn ý nên tôi đâu ngờ, cứ tưởng hai cái miệng hình hoa hồng gai chỉ là nghịch ngợm thôi.
Tôi đã từng hình dung đến ngày Hòa trong bộ váy cô dâu bên cạnh chú rể là Dũng. Rồi tôi sẽ khuyên con những điều mà tôi hiểu về đàn ông qua cuộc hôn nhân của chính mình, tôi sẽ chia sẻ với con niềm vui lứa đôi và cách giữ lửa sau mỗi trận cãi cọ làm tổn thương nhau mà tôi từng trải qua.
Nhưng bây giờ thì tôi chẳng biết nói gì. Tôi lạ lẫm trước thế giới mới mở ra và dò dẫm học cách chấp nhận.
Chấp nhận, và âm ỉ mong mỏi. Hòa còn quá trẻ. Bích Thi cũng còn quá trẻ. Có nhiều bài viết về đồng tính giả và cũng có nhiều phản đối bài viết này, nhưng với tôi, đó là niềm hy vọng. Ừ biết đâu, chỉ là lầm tưởng thôi. Rồi con gái tôi sẽ qua giai đoạn ngốc nghếch này. Bích Thi cũng vậy. Sẽ trở thành ký ức, một thời nông nổi.
Có thể không?
Tôi mong biết mấy là có.
Đồng thời với nỗi hy vọng mong manh thì tôi cũng vun đắp cho mối tình này, để lỡ mà… nếu nó là chuyện dài lâu, thì con của tôi sẽ nhớ về giai đoạn này như nhớ về kỷ niệm đẹp đẽ. Đời sống hôn nhân, dù đồng tính hay dị tính thì cũng đầy gập ghềnh, hẳn vậy. Tôi muốn tặng con mình một khởi đầu yên ả.
Rồi thì tôi cũng quen với sự có mặt của Bích Thi trong nhà mình. Tôi quen với ánh mắt Hòa rạng rỡ và miệng cười tươi tắn khi sau tiếng chuông cổng reo vang là khuôn mặt Bích Thi hiện ra giữa hai hàng song. Tôi quen cả việc khi kho cá phải nhớ là rắc tiêu ít thôi vì Bích Thi không ăn cay được…
***
Chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn xin việc, tôi đưa Hòa và Bích Thi đi mua váy áo mới.
Chủ shop là Vinh, nổi tiếng trong giới thiết kế thời trang. Vinh nhìn Hòa từ tóc xuống chân rồi lấy ra cái áo đầm màu vàng nhạt lấm chấm vài họa tiết màu xanh cỏ quanh vòng eo.
-  Em mặc cái này hợp lắm đó – Vinh nói.
Hòa nhún vai, lắc đầu:
-  Bọn em cần sơ mi và váy công sở.
-  Đâu phải lúc nào mình cũng mặc đồ công sở đâu con – Tôi nói.
Cái áo đầm xinh đến nỗi tôi tiếc là mình không còn trẻ, thấy Hòa không hưởng ứng gợi ý của mình, tôi ướm cái áo lên người Bích Thi:
-  Cuối tuần mặc đi chơi cũng hay hay.
Trong lúc Hòa chọn áo sơ mi thì tôi theo Bích Thi đi vô phòng thử đồ, kiểu áo đầm này cần có người giúp kéo dây kéo ở sau lưng.
Và tôi ngẩn người nhìn Bích Thi tuyệt đẹp trong cái áo đầm vừa vặn không một nếp nhăn không chút khiếm khuyết nào.
Tôi kéo Bích Thi ra ngoài, chỉ là muốn cho Hòa thấy là Hòa đã sai khi chê cái áo đầm này.
Tiếng huýt gió bất ngờ vang lên, lảnh lót. Và Vinh mở to mắt:
-  Đã có ai nói với em là em rất xinh đẹp chưa?
Bích Thi đỏ hồng hai má. Bốn bên đều là những tấm gương. Đôi mắt long lanh ngỡ ngàng tràn đầy nữ tính, Bích Thi thẹn thùng liếc nhìn mình trong gương, khắp nơi, và trong mắt Vinh đầy ngưỡng mộ.
Cứ như cái áo đầm này ở đây, chờ đến giây phút này, để thức tỉnh một điều lầm lẫn.
***
-  Tại mẹ. Con đã nói là chỉ cần váy áo công sở. Mẹ thì muốn Bích Thi phải mặc cái áo đầm chết bằm đó. Tại mẹ – Hòa nức nở - Có phải mẹ cố tình chia rẽ tụi con không?
Tôi xót xa nhìn Hòa vật vã trong cơn đau mất người yêu. Và tôi đọc lại tin nhắn của Bích Thi “Cô ơi, nhờ cô nói với Hòa là đừng quấy rầy con nữa”.
Tôi ước gì có một cái áo đầm dễ thương khác, đang ở nơi nào đó, chờ đợi con tôi mặc vào và nhận ra mình mong muốn được có một chàng trai chiêm ngưỡng ngợi khen. Chấm dứt trớ trêu.
Điều ước của riêng tôi thôi.
-  Chính mẹ muốn vậy mà. Mẹ còn muốn con mặc cái áo đầm đó nữa mà. Mẹ ghê sợ con là les. Đừng dối lòng – Hòa gào lên - Mẹ hãy nói thật một lần đi. Hãy nói thật đi.
Có nỗi đau cần liều thuốc đắng. Tôi không thể tránh mình là liều thuốc đắng cho con trong lúc này.
-  Thật lòng là mẹ thấy may mắn vì sự lầm lẫn của Bích Thi được nhận ra sớm, để Bích Thi kịp trở về cuộc đời thật của mình – Tôi nói, từng lời như mũi kim đâm ngược lại trái tim tôi – Les, hay không, cũng có đôi khi người ta yêu mà chẳng được đáp lại. Hãy để Bích Thi được tự do và coi như con yêu đơn phương. Rồi thời gian sẽ giúp con quên...
Hòa bật dậy bỏ chạy vô phòng và đóng sầm cửa lại, âm thanh của những món đồ bị quăng vô tường vọng ra.
Chẳng biết làm gì, tôi nhìn lên tờ lịch trên tường. Đã bao ngày qua kể từ hôm đó...

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

“TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN”- GIÁ TRỊ NHÂN VĂN VÀ SỨC SỐNG TRƯỜNG TỒN TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM của NGUYỄN VĂN THANH - CHƯ YANG SIN SỐ: 307 - THÁNG 3 NĂM 2018








Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản-một tác phẩm mang tầm vóc xuyên thời đại không chỉ ở việc khai sinh một ý thức hệ, một học thuyết chính trị mà còn là một cống hiến vô giá vào kho tàng tri thức, tư tưởng văn hóa nhân loại.
Trải qua 170 năm, cuộc sống loài người đã có biết bao thay đổi, song những giá trị to lớn, bền vững, những nguyên lý cơ bản của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản vẫn tràn đầy sức sống, vẫn mãi là ngọn cờ tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế. Tuyên ngôn ra đời đánh dấu sự phát triển có ý nghĩa lịch sử của nhân loại, từ chủ nghĩa xã hội không tưởng trở thành chủ nghĩa xã hội khoa học. Từ đây những người Cộng sản và các giai cấp bị áp bức, bóc lột đã có cương lĩnh hành động để thực hiện mục tiêu lý tưởng của mình. Trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã trở thành tác phẩm kinh điển, gối đầu giường của những người Cộng sản Việt Nam, soi sáng con đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Và tinh thần của nó, như Lê-nin đã từng nói: “Cuốn sách mỏng ấy có giá trị bằng hàng bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và chiến đấu trong thế giới văn minh”. 
Tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nói riêng là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam. Từ bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin năm 1920, bản Luận cương phát triển sáng tạo tư tưởng của Tuyên ngôn trong điều kiện lịch sử mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước của dân tộc Việt Nam. Cách mạng Việt Nam càng phát triển, càng khẳng định những nguyên lý nền tảng của Tuyên ngôn là đúng đắn.
Từ thực tiễn vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với những nguyên lý nền tảng của Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, nhất là mối quan hệ giữa giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, cách mạng XHCN, về vị trí, vai trò của Đảng, của giai cấp công nhân vào điều kiện cụ thể Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam liên tiếp đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 xoá bỏ chế độ phong kiến và thuộc địa giành độc lập và thiết lập nhà nước cách mạng kiểu mới của giai cấp vô sản và nhân dân lao động, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến oanh liệt chống đế quốc, thực dân giành và bảo vệ độc lập dân tộc. Đó là thắng lợi của công cuộc đổi mới vì chủ nghĩa xã hội, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và chứng minh ngày càng sáng tỏ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được vận dụng vào công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, được thể hiện toàn diện trên các lĩnh vực, như việc phát triển văn hóa, xây dựng con người, phát triển kinh tế, chính trị và xây dựng Đảng.
Về phát triển văn hóa, xây dựng con người, Tuyên ngôn Đảng Cộng sản đã đặt cơ sở thế giới quan và các quan điểm lý luận cho việc phát triển văn hóa, xây dựng con người. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ năm 1943 với Đề cương văn hóa, Đảng ta đã coi việc phát triển văn hóa và xây dựng con người là chìa khóa để thành công trên con đường phát triển tiến liên CNXH. Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đồng thời, xuất phát từ thực tiễn 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới đã và đang đặt ra những vấn đề về phương diện xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, cần phải có sự bổ sung, phát triển mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Do đó, trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, một mặt Đảng ta khẳng định những quan điểm vừa cơ bản, vừa cấp bách để tiếp tục quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đó là: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”.
Về kinh tế, Đảng luôn luôn quán triệt tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản là: “Trong mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội - cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra - cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy”. Vận dụng quan điểm đó, Đảng ta xác định, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trước hết và trung tâm là xây dựng, phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế đồng thời với phát triển xã hội, văn hóa, giáo dục, vì mục tiêu phát triển con người, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.
 Về chính trị, xuất phát từ các giá trị lý luận về nhà nước và pháp luật trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản và các giá trị phổ quát của nhân loại về xây dựng nhà nước pháp quyền. Đảng chủ trương tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đại hội XII của Đảng xác định: "Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị"; "Xây dựng Nhà nước pháp quyền phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mối hệ thống chính trị..."; "Hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã xã hội chủ nghĩa”.
Về xây dựng Đảng, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã đặt nền tảng tư tưởng cho những vấn đề về Đảng và công tác xây dựng Đảng Cộng sản. Đảng ta luôn nhất quán quan điểm sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu trong tất cả các giai đoạn cách mạng; đồng thời khẳng định vấn đề nâng cao bản chất giai cấp công nhân là tư tưởng xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng để bảo đảm cho Đảng hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo. Sự thống nhất lợi ích của Đảng và giai cấp - tư tưởng này là cơ sở để xây dựng đường lối chủ trương, chính sách nhằm xóa bỏ những đặc quyền, đặc lợi trong Đảng. Trong đường lối cách mạng, Đảng ta luôn quán triệt và vận dụng tư tưởng cốt lõi của Tuyên ngôn, coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Ý thức sâu sắc vấn đề đó, trong thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục kịp thời những khuyết điểm, hạn chế đã chỉ ra trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; kiên quyết thay thế cán bộ lãnh đạo vi phạm nguyên tắc kỷ luật của Đảng, không đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ.
Có thể nói rằng, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản luôn đồng hành với Đảng và cách mạng Việt Nam. Tư tưởng khoa học và phương pháp cách mạng của Tuyên ngôn đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo trong những năm đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước theo định hướng XHCN hiện nay. Vượt qua thời gian của lịch sử, những giá trị của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là bất diệt, là mặt trời, là ngọn đèn soi sáng con đường cách mạng Việt Nam đi tới tương lai.
 Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản mãi mãi là chân lý cách mạng sáng ngời. Bởi, Chủ nghĩa Mác-Lê nin dạy rằng: “Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Chúng tôi giành được những thắng lợi đó, trước hết là nhờ cái vũ khí không thay đổi được là chủ nghĩa Mác-Lê nin”.
88 năm mùa Xuân qua, từ khi có Đảng ta lãnh đạo, cách mạng Việt Nam luôn trung thành với những tư tưởng vĩ đại của Tuyên ngôn, vận dụng những tư tưởng ấy một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Hiện nay, trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tình hình trong nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, đang diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không thể xem thường. Song Đảng ta tiếp tục khẳng định với đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn rằng: thời đại ngày nay vẫn là thời đại mà Tuyên ngôn đã dự báo, vẫn là thời đại quá độ của loài người từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”.