Thứ Hai, 12 tháng 3, 2018

GIẢI THƯỞNG VHNT ĐẮK LẮK NĂM 2017 CÓ GÌ MỚI? - bài viêt của PHAN VŨN - CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN MẬU TUẤT - THÁNG 1&2 NĂM 2018







Từ năm 2010 đến nay, được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí, Hội VHNT Đắk Lắk đã liên tục tổ chức “Giải thưởng văn học nghệ thuật” vào dịp cuối năm. Giải đã góp phần động viên tinh thần nỗ lực sáng tạo của văn nghệ sĩ trong tỉnh. Chất lượng tác phẩm được giải vì thế cũng được nâng lên sau mỗi năm; được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các hội bạn đánh giá cao...
Với cách tổ chức chấm giải khoa học, khách quan từ cơ sở: Các chuyên ngành văn học nghệ thuật (VHNT) đều thành lập Tiểu ban thẩm định riêng của chuyên ngành. Mỗi tiểu ban gồm 3 người do các văn nghệ sĩ trong chuyên ngành bầu chọn lên. Người được chọn vào Tiểu ban thẩm định là những văn nghệ sĩ hội viên các chuyên ngành trung ương, hoặc chưa là hội viên chuyên ngành trung ương, nhưng có trình độ chuyên môn cao, có uy tín trong anh em hội viên. Từng thành viên của các Tiểu ban thẩm định bằng con mắt xanh của mình độc lập đọc, xem xét đánh giá tác phẩm trên hai phương diện nội dung tư tưởng và nghệ thuật rồi cho điểm, theo thang điểm 10. Sau đó cộng điểm của 3 người lại, tác phẩm của ai có tổng số điểm cao nhất sẽ được xếp giải A, các mức điểm kế cận sẽ được xếp giải B, C. Tiếp theo các tiểu ban sẽ làm văn bản báo cáo kết quả thẩm định gửi lên Hội đồng Nghệ thuật của Hội xem xét và trình Ban Chấp hành quyết định trao giải. Với cách làm đó, có thể nói: Công tác chấm giải của Hội VHNT Đắk Lắk là chặt chẽ, khách quan và các tác phẩm được trao giải là xứng đáng. Từ năm 2013 đến nay mỗi chuyên ngành chỉ chọn trao 3 giải (trước đây từng trao tới 10 giải cho mỗi chuyên ngành, nên một số tác phẩm mặc dù được trao giải nhưng chất lượng không cao, thiếu tính thuyết phục).
Năm 2017 Hội VHNT Đăk Lắk đã nhận được 59 tác phẩm của 35 tác giả thuộc 7 chuyên ngành thơ, văn, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian, sân khấu – điện ảnh tham dự giải. Các Tiểu ban thẩm định đã chọn và giới thiệu cho Hội đồng Nghệ thuật của Hội 26 tác phẩm của 27 tác giả để trao giải. Hội đồng Nghệ thuật của Hội gồm toàn thể Ban Thường vụ Hội và các trưởng Tiểu ban thẩm định của 7 chuyên ngành họp, xem xét, cân nhắc từng tác phẩm của từng chuyên ngành và so sánh giữa các chuyên ngành với nhau để quyết định trao 4 giải A, 7 giải B, 9 giải C cho 21 tác giả của 7 chuyên ngành.
Các phẩm dự giải năm nay đều có nội dung tư tưởng tốt, trong sáng và nhân văn, ca ngợi tình người, tình đời, vẻ đẹp của mảnh đất và con người Đắk Lắc, kêu gọi bảo vệ môi trường, phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội... Một số chuyên ngành như âm nhạc, thơ, văn xuôi, nhiếp ảnh, mỹ thuật... có chất lượng khá cao so với các năm trước. Ví dụ tuyển tập “40 năm ca khúc Mạnh Trí”, tập hợp gần như toàn bộ ca khúc sáng tác trong suốt 40 năm hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp của tác giả này, bao gồm nhiều thể loại; trong số này có nhiều bài theo nhận xét của nhạc sĩ Linh Nga Niê  Kđăm là có thể “sống mãi với thời gian”, như Ơn Bác Hồ với người Tây Nguyên, Bài ca trên đồi…. Tác giả Quang Dũng với ca khúc “Chiều cao nguyên” có giai điệu đẹp, khúc thức gọn gàng, lời giàu chất thơ; tác phẩm đã đoạt giải B khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên. Chùm 3 ca khúc của tác giả Nguyễn Văn Hạnh có sự tìm tòi vận dụng chất liệu Tây Nguyên, ý tứ, khúc thức chặt chẽ. Tập truyện “Thà cứ một mình rồi quen” của Nguyễn Anh Đào tiếp tục viết về thân phận người phụ nữ như các tập truyện trước đây của tác giả này, nhưng có cách nhìn mới mẻ tươi sáng hơn, giọng văn nhẹ nhàng, nhưng khá lôi cuốn người đọc, bởi nghệ thuật sử dụng ngôn từ và kỹ thuật dựng chuyện của tác giả khá cao tay. Tập truyện “Tháng tư mùa bướm bay” của H’linh Niê đậm chất Tây Nguyên, lối viết có cảm xúc, có một số nội dung đề cập đến đề tài chiến tranh cách mạng, tạo được chú ý của người đọc. Tập thơ “Hồn cẩm hương” của Đặng Bá Tiến  là “tập hợp những cảm tác có chọn lọc về đất nước, con người, nhân tình thế thái. Bài nào trong tập cũng ôm chứa một ý nghĩa xã hội hoặc nhân sinh. Bao trùm tập thơ là đề tài Tây Nguyên được khai thác với nhiều cung bậc cảm xúc, không trùng lặp với người khác. Tác giả đã kết hợp hài hòa giữa ý thức công dân với tâm hồn nghệ sỹ trong nội dung tư tưởng, kết hợp hài hòa giữa lối viết truyền thống với thủ pháp hiện đại góp phần làm cho người đọc thuộc nhiều đối tượng dễ cảm nhận và yêu thích” (Phạm Doanh). Tập thơ “Mây rủ nhau về như ngựa trắng” của Vũ Dy, có bút pháp khá mới mẻ, hiện đại, thơ không câu nệ vần điệu, ý tưởng thường được gứi gắm bằng cách nói kín đáo, nhưng gợi nhiều liên tưởng, thể hiện khá rõ cảm xúc của tác giả, cách sử dụng ngôn từ rất tinh tế. Tác phẩm “Nghệ thuật múa dân gian các dân tộc thiểu số Tây Nguyên” của 2 tác giả Lý Sol và Linh Nga Niê Kdăm là công trình chuyên khảo trên một địa bàn rộng, thể hiện sự dụng công của các tác giả; người đọc có điều kiện so sánh giữa các tộc người để hiểu sâu thêm những nét riêng trong nghệ thuật múa của từng dân tộc. Tác phẩm có giá trị thực tiễn cao, có thể làm tài liệu tham khảo cho học sinh chuyên ngành múa. Tác phẩm tranh sơn mài “Tây Nguyên vào hội” của Ngô Tiến Sĩ dù hình thức tạo hình không mới nhưng bố cục và cách xử lý chất liệu sơn mài khá tốt, tạo được ấn tượng với người xem. Tác phẩm ảnh “Cứu lấy màu xanh” của Trần Quang Khải có nội dung tốt, chuyển tới người xem thông điệp bảo vệ môi trường; bố cục chặt chẽ, ánh sáng đẹp, gây được ấn tượng thị giác. Bộ ảnh “Ươm cà phê bằng phương pháp nhân giống hữu tính” của Trần Thị Mùi, nội dung thể hiện được quá trình sản xuất cây giống cà phê, loại cây trồng chủ lực mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho nhân dân trong tỉnh. Đây là bộ ảnh có bố cục chặt chẽ, ánh sáng đẹp...
Có thể nói hầu hết các tác phẩm vào giải năm nay, dù tác giả đã là hội viên chuyên ngành trung ương, hay chưa hội viên chuyên ngành trung ương thì nghệ thuật biểu đạt tác phẩm đã đạt tầm khu vực và quốc gia (bởi nhiều tác phẩm đã được chọn triển lãm ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, hoặc triển lãm toàn quốc và giành được giải thưởng cao của khu vực, quốc gia, quốc tế; nhiều tác phẩm đã đăng tải trên các báo chí văn nghệ trung ương tạo được sự chú ý của giới phê bình và người đọc. Đó là những thành công không thể phủ nhận của “Giải thưởng VHNT Đắk Lắk” năm 2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI