- Dậy đi con!
Tôi giật mình tỉnh giấc trước giọng nói êm ái của mẹ
tôi rồi ngó đầu ra ngoài. Cả khu rừng tối mò, nhìn không rõ mặt đất, cành cây.
Phía Đông, núi Mẹ Bồng Con đừng sừng sững ngăn cách hai tỉnh, in một nét vẽ kỳ
quặc lên nền trời xanh ngắt điểm một vài đám mây trắng phớt hồng. Cả bầu trời
dày đặc sao lúc đi ngủ, giờ đây chỉ còn mấy ngôi bé nhỏ nhấp nháy, nhấp nháy
lúc sáng, lúc tắt như ngọn nến nhỏ trước gió. Thoảng trong làn gió nhẹ cùng
tiếng thì thào của cây rừng là giọng ca lảnh lót của mấy chú gà trống ghẹo
nhau. Bất chợt một tiếng hót ngân dài vọng qua vách núi lao vút lên không trung
tỏa chụp xuống cánh rừng.
- H…ú!
Lập tức nhiều tiếng “hú” hòa theo làm tan vỡ cảnh bình
yên của buổi bình minh. Họ hàng nhà vượn rủ nhau đi kiếm ăn, vui vẻ lao vút từ
cành này qua cành khác mồm không ngớt ca hát vang trời – hú! Các loài chim thú
khác cũng tỉnh hẳn giấc ngủ, ồn ã giục nhau thức dậy.
Tôi bước lại bên cạnh ba má. Ba nghiêm khắc nhìn tôi:
- Con trai lại dậy muộn để ba má phải đợi như thế là
không tốt, phải thức dậy sớm hơn nhé.
- Dạ.
Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt tròn, to như hòn bi ve của
ba tôi thẳng thắn trả lời. Ông nhìn tôi về hài lòng gật gật đầu. Má tôi âu yếm
nhìn hai cha con tôi, cất tiếng giục:
- Ta đi thôi!
Ba tôi xòe đôi cánh vĩ đại dài hơn một sải tay của
mình, đập đập, đầu chúi về phía trước, chiếc mỏ cong cong như vành trăng khuyết
màu vàng cà rốt, dài hơn gang tay nhọn hoắt. Đầu ba tôi đội một chiếc mũ bằng
sừng cùng màu với mỏ giống mũ bê rê của mấy ông nhà văn hay đội, kéo dài ra sau
gáy. Với cái mũ cứng như xương và cái mõ vĩ đại ấy, nói trộm ba tôi: Nếu ai vô
phúc bị ông gõ cho một cái không gãy xương cũng nát thịt. Toàn thân ông phủ một
bộ cánh màu đen điểm mỗi bên cánh hai cái lông trắng và chiếc đuôi dài xòe ra
như cái nơm úp cá cũng có bốn cái lông trắng mọc hai bên, tạo sự cân đối và
trang nhã. Má tôi hình dáng, quần áo ăn mặc y hệt ba tôi nhưng chỉ có một điểm
khác là chiếc mỏ của bà được viền một màu hồng trang nhã vòng quanh qua mép.
Chiếc mũ đội đầu cân đối cũng phơn phớt hồng như được ghép bằng những cánh hoa
mẫu đơn vẫn mọc ven suối và đôi mắt có vài chiếc lông màu xanh biếc nổi bật bộ
cánh màu đen – còn của ba tôi là màu vàng. Bình thường bao giờ ba má tôi cũng
sóng đôi cùng đi, ít khi rời nhau cho đến lúc có mặt của tôi.
Tôi ra đời trong một ngôi nhà vững chắc được ba má bỏ
công sức xây dựng hàng tháng trời trên một đỉnh núi cao lộng gió của dãy Trường
Sơn hùng vĩ. Theo truyền thống gia đình, tổ tiên truyền lại mỗi người được cai
quản một khu rừng rộng từ năm bảy trăm đến cả ngàn héc ta rừng. Nơi ngôi nhà
xây dựng phải là đỉnh núi cao có cây đại thụ đường kính nhỏ nhất cũng từ hai
vòng ôm người lớn trở lên. Với cái mỏ to lớn và rắn chắc, đôi uyên ương phải tự
đục cây làm nhà. Ngôi nhà có cửa hình tròn hướng về phía bình minh – nơi mặt
trời mọc và cửa phải thật nhỏ, đủ cho thân lọt vào là được. Bước qua cái cửa đó
là một căn nhà rộng rãi dành cho hai má con. Ba thì luôn luôn đứng bên ngoài
cửa thức trắng đêm canh chừng kẻ gian quấy phá, ban ngày đi hái các loại trái
cây nuôi má con tôi cho đến ngày tôi trưởng thành.
Dòng họ nhà tôi được mệnh danh là “đại bàng thầy tu”
vì có chiếc mũ màu vàng và ăn… chay. Các loại thịt cá không bao giờ đụng đến,
nhưng thân hình lại đồ sộ nhất trong tất cả các loài chim có mặt trong vương
quốc rộng lớn Nam Trường Sơn. Ngay cả chú chim công hoa được xem là lớn nhưng
đứng bên cạnh ba má tôi thì chỉ là chú bé con. Mỗi khi ba má đi làm tạo nên một
trận gió dữ dội, các cành cây phải nghiêng mình cúi chào - cho dù là cây đại
thụ và tiếng động ào ào, giống như một trận giông nhiều lúc làm giật mình cả
những con người vốn can đảm. Tiếng của ba má có nhỏ nhẹ cũng vọng hàng cây số
làm yên lòng những người dân lành trong vương quốc và cảnh báo bọn bất lương
nếu dám dở trò xấu xa, gây hại. Cùng dòng họ với gia đình tôi – những người
chuyên sống trên những ngọn núi cao, suối sâu – còn có các bác, chú, cô, dì,
cậu, mợ… sống ở các rừng bằng hay trảng cỏ gianh của Tây Nguyên. So với chúng
tôi, họ có ngoại hình giống y hệt nhưng tầm vóc nhỏ bé hơn, chỉ nặng khoảng
trên một kilôgram là cùng, sống theo bầy từ một chục đến vài chục đôi, thường
thường đi kiếm ăn ở cánh rừng bằng hoặc ven suối lớn. Họ đi đến đâu là ồn ào
như họp chợ đến đó trông thật buồn cười.
*
**
Mải nghĩ, tôi giật mình khi ba má dừng chân trên cành
cây đa khổng lồ, đầy quả chín mọng to như ngón tay cái. Tôi vội vã ngừng bay và
nhìn xuống. Chà cây đa mới to làm sao, có lẽ cái gốc của nó phải đến cả chục
con người ôm không hết. Chính giữa cây đa là cây bằng lăng to sù sụ có đường
kính đến hơn hai mét, chiếc áo màu nâu bạc phếch mặc trên người rách ra từng
mảng lớn. Tình bạn cây đa – cây bằng lăng thật keo sơn tuy hai mà một, một gốc
to đùng, nương tựa vào nhau tạo thể vững chãi.
- Hôm nay ta ăn sáng ở đây!
Ba bảo cả nhà và nhanh nhẹn dùng cái mỏ khổng lồ của
mình kéo cành cây đầy quả đặt trước mặt má con tôi.
Từng quả đa chín mọng, chứa đầy mật ngọt nhanh chóng
trôi vào bụng, làm người thêm sảng khoái. Khi căng bụng rồi tôi mới giật mình
nhìn ra mấy cây bên cạnh lố nhố những con dã nhân mặt đỏ như sơn, râu ria lờm
xờm bạc phếch, toàn thân khoác chiếc áo lông màu xám đen đang giương mắt đen
láy ra nhìn.
Những con dã nhân đực lớn có lẽ phải nặng gần ba chục
kilôgram có đôi tay rắn chắc ngồi thu lu đầu gối quá mang tai và cứ nối tiếp
nhau to ngồi trước, bé ngồi sau cho đến những chú loắt choắt bằng chiếc ấm trà,
tay chân ngứa ngáy, tự cào cấu quanh mình. Nhưng tất cả đều lặng im, không ai
nói điều gì.
- Má ơi, sao bọn kia nhìn ta dữ vậy?
Tôi ngạc nhiên và thắc mắc hỏi má, má bảo:
- À, họ chờ chúng ta ăn xong sẽ đến ăn sáng đấy.
- Sao họ không vào ăn cùng.
- Má cũng bảo nhiều lần, nhưng họ không nghe, đấy là
luật lệ của rừng xanh không ai dám vi phạm. Vùng này là lãnh địa của nhà ta.
- Thế sao họ hàng nhà dã nhân lại đến đây?
- Rừng mà con, con thấy không: Nếu cả cánh rừng bạt
ngàn này chỉ có gia đình ta thôi thì cây
cối sẽ úa tàn vì ai bắt sâu, ai cày xới, chăm sóc cho cây rừng? Ai gieo giống
cho mùa sau? Như vậy rừng sẽ chết. Vì thế rừng là nơi sinh sống của cả cộng
đồng các dân tộc, cho dù có cánh hay không có cánh, không chân hay nhiều chân
đều phải sống hài hòa với nhau. Con thấy không như chúng ta hay các loài khỉ,
vượn, dã nhân, chim chóc khác hái quả là để đảm bảo cho cây phát triển cân đối,
hài hòa, nếu có quá nhiều cây con thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống. Còn mấy
chú heo rừng chuyên đào bới dưới đất kia vừa làm tơi đất vừa hạn chế bớt các
dây leo, cây nhỏ mọc quá nhiều. Ngay cả bầy nai, min, sơn dương… gặm cỏ, chính
họ cũng đang làm cân đối môi sinh và bảo vệ kẻ yếu đúng quy luật của rừng.
- H…ó…c!
Bỗng ba tôi gào lên một tiếng chói tai làm tôi giật
bắn mình ngoái cổ lại nhìn. Đôi cánh rộng lớn của ba tôi đập dữ dội đưa chiếc
mỏ vĩ đại giống như một thanh đại đao bắn thẳng về phía bầy dã nhân. Bầy dã nhân
hoảng hốt kêu chí chóe chạy vọt ra phía sau má tôi làm cành cây gãy rào rào.
Thì ra có con vật to lớn có khuôn mặt tròn như mặt trời, dáng vẻ hung dữ mặc bộ
quần áo màu vàng điểm những đốm tròn màu đen lẻn đến tự lúc nào đang định vồ
chú dã nhân ngồi sau cùng, khuất phía dưới. Nghe tiếng hét và thoáng thấy bóng
ba tôi lao lại, hắn vội vã buông người, quẫy chiếc đuôi dài gần một sãi tay,
lao ngay xuống mặt đất chạy biến mất.
- Khiếp thật, con gì mà gớm ghiếc thế không biết?
- Con báo đấy, nó là kẻ hư đốn của rừng chuyên rình
bắt thú nhỏ ăn thịt. Con phải đề phòng nó.
- Dạ!
*
**
Núi rừng trở lại yên tĩnh. Ba vòng lại cùng má vỗ cánh
lao vút lên trời xanh, tôi vội vã lao theo. Dừng cánh trên cành cây cà te cao
chót vót mọc trên đỉnh núi Chư Pá có thể nhìn về phía Đông thấy đỉnh núi “Mẹ
Bồng Con” bồng bềnh trong sương mù. Nhìn về phía tây, rừng cà phê xanh bạt ngàn
có hàng triệu triệu con bươm bướm vàng bay rợp trời đuổi nhau theo hương hoa cà
phê mờ dần phía chân trời. Tôi bắt đầu một buổi học mới.
Ăn rồi học, học rồi đi ăn, công việc chẳng có gì hấp
dẫn, không dám nói là buồn chán. Nhưng vẫn phải học, vì không thuộc bài thì cứ
xem chừng cái mỏ của ba…
Cuối cùng buổi học cũng kết thúc, cho dù nó thật là
dài và tôi cũng hiểu được đôi điều cần thiết như phải thương yêu và giúp đỡ kẻ
yếu, trừng trị kẻ hống hách, hay bắt nạt người khác. Sau giờ học tôi được tự do
một tiếng để nghỉ ngơi nên lao vút lên bầu trời xanh vỗ cánh tung hoành cho đỡ
mỏi. Càng lên cao núi rừng càng như nhỏ lại, ngay cả dòng sông Krông Păc chảy
ngược từ phía Đông đổ nước ra phía Tây cũng bé tẹo như sợi chỉ loằn ngoằn như
con giun đất uốn éo qua các dãy núi mà ngược mãi về dòng Serepok. Núi rừng đầu
mùa mưa xanh ngắt như được quét một lớp chàm. Những quả đồi gianh bị lửa ăn
trong mấy tháng mùa khô nay cỏ đột ngột đội đất chui lên xòe những bàn tay nhỏ
xíu chen chúc nhau đùa giỡn theo gió tạo thành màu xanh mát rượi. Đủng đỉnh dạo
bước trên thảm cỏ non có một bầy voi trông xa be bé, lại gần thấy to đến phát
khiếp. Chúng quơ vòi vơ từng nắm cỏ bỏ vào mồm ngon lành. Có chú voi nho nhỏ
chỉ bằng con heo một là cùng, chú quơ nhầm lá định bỏ vào miệng liền bị cô giáo
“thưởng” ngay một vòi vào lưng – thật tội nghiệp. Chú ta chỉ còn biết nhè vội
ra, cái đuôi vẫy tít mù như xin lỗi.
Chà to như voi cũng phải học. Thế mới biết ai cũng
phải học cả.
Rời bầy voi vượt qua dãy đồi tiếp theo – nơi đây nghe
nói tổ tiên tôi có nhiều người bị bắn hạ để lột da mang về xứ sở xa xôi phía
bên kia địa cầu. Cái đồi “Mĩ” được bọc bằng mấy vòng dây kẽm gai, dây leo chằng
chịt. Ngay cả mấy cái nền xi măng ghẻ lở cũng bị họ hàng nhà chị “xấu hổ” giăng
kín. Có lẽ đây là nơi trước kia con người dám xây nhà – mang cái chết đóng giữa
núi rừng. Cả đồi gianh mênh mông chỉ nai và min ngự trị.
Dưới tán cây kơ nia cả nhà nai xám lim dim ngủ. Nai bố
đội trên đầu bộ sừng như cành cây nhọn hoắt rung rung, theo thói quen bỏm bẻm
nhai trầu trong mơ màng, hai tai ve vẩy nhè nhẹ. Chú nai con be bé so với bố mẹ
chứ so với tôi thì to hơn nhiều, rúc đầu vào bụng mẹ ngủ ngon lành. Không biết
họ hàng nhà nai ăn học lúc nào mà ngủ trưa đến vậy? Giờ này còn không chịu
thức. Chắc họ không thấy đói, phải gọi họ dậy mới được, ai lại đi ngủ giữa
đường thế này. Nhưng họ ngủ ngon lành thế kia sao nỡ đánh thức!
Đang phân vân không biết có nên gọi hay không, tôi
giật mình thoáng thấy bóng con gì đang khẽ lay động cỏ gianh tiến dần đến. Eo
ôi, một con vật to lớn mang trên mình bộ quần áo màu vàng sẫm điểm những nét vẽ
màu đen từ lưng xuống bụng. Mặt tròn có mấy vằn ngang trông phát khiếp. Nó lặng
lẽ bò dần về phía mấy con nai đang ngủ. Có lẽ ngược gió hay nó đi quá êm không
phát ra tiếng động nên cả nhà nai không hay biết gì. Chắc con này có hành động
mờ ám, phải gọi nai dậy mới được. Tôi lấy hết sức thét lên:
- H…ó…c!
Cả nhà nai giật mình chồm dậy ngơ ngác nhìn quanh. Con
vật màu vàng có lẽ cũng giật mình trước tiếng thét của tôi nên gầm theo.
- H…ừm!
Chao ôi, hắn kêu mới to làm sao, cả cánh rừng lay
động, chim chóc nhớn nhác cất cánh bay. Tội nghiệp mấy cha con nhà nai hoảng
hốt kêu “bép, bép…” rồi tung vó định chạy. Chú nai con cuống quýt lúng ta, lúng
túng cứ vướng cỏ tranh hoài. Nai bố ngẩng cao đầu giơ bộ sừng vĩ đại về phía
trước hối hả thúc vợ con chạy. Nai cái chạy trước, nai con lẽo đẽo theo sau, còn nai bố đi sau cùng. Chỉ một
thời gian ngắn con vật gớm ghiếc đã đuổi sát gia đình nai. Nai bố quay đầu lại
cúi xuống chìa bộ sừng ra phía trước, dáng hơi quỳ, sẵn sàng nghênh chiến.
Tiếng nai con gọi thất thanh:
- B…a!
- Chạy nhanh đi con!
Con vật màu vàng lao nhanh như gió cuốn đến gần nai bố,
dừng lại, hai chân sau chùn xuống, như định ngồi, dập cái đuôi dài vằn vện
xuống mặt đất gầm lên.
- H…ừm!
Cùng lúc với tiếng gầm nó nhảy vọt lên chồm về phía
bác nai. Bác nai lấy hết sức lao thẳng về phía trước định cắm bộ sừng vào người
con vật màu vàng nhưng không trúng. Con vật kia tinh khôn hơn lại có đôi tay
dài đầy vuốt đã kịp rạch lên mông nai ba đường dài làm máu chảy ròng ròng. Nai
xoay người lại vừa lúc con vật gớm ghiếc kia lại chồm lên bay qua đầu, rạch
tiếp vào mông sau bác thêm bốn đường nét cả da thịt.
Tội nghiệp bác nai có bộ sừng kềnh càng là vậy mà chậm
chạp không làm gì nổi con vật kia, chắc chắn thua mất thôi – tôi thầm kêu lên.
Và quả nhiên bác nai tung vó định chạy trốn. Nhưng
không kịp rồi, con vật kia lại gầm lên và bổ xuống lưng bác.
*
**
- H…ó…c!
Một tiếng thét vang vọng cả núi rừng, ba tôi từ đâu
như mũi tên đã kịp giáng cho con vật kia một nhát ngay giữa đầu, má tôi cũng
xuất hiện bồi thêm một nhát vào lưng làm nó hụt hẫng rơi xuống vạt cỏ tranh hét
lên hãi hùng.
- H…ừ…m!
- H…ó…c!
Tiếng ba tôi lại hét lên và lao vào con vật gớm ghiếc
kia. Nó đành bỏ nai nhảy dựng lên định cắn ba, nhưng ba đã kịp ngoặt người lao
lên để má giáng cho nó một búa vào lưng. Đến lúc này nó mới sợ, cụp đuôi lại
lao thẳng vào rừng xanh mất dạng.
Nai bố khập khễnh ngước mặt lên nhìn trời xanh như cảm
ơn ba má tôi đã cứu giúp thoát cảnh hiểm. Ba quay qua tôi nghiêm khắc hỏi:
- Tại sao con không giúp nai?
- Dạ… con…
Tôi không dám nhìn vào mắt ba và không dám nói thật
lòng là quá sợ con vật to lớn và dữ tợn ấy. Ngay như nai xám to như thế còn bị
nó cào xé huống chi tôi chỉ bằng...
- May có cậu nhà báo trước, vợ con tôi mới chạy thoát
chứ không…
Mấy giọt nước mắt cảm động trào ra long lanh, nai bố nghẹn
ngào không nói hết lời. Ba tôi đỡ lời:
- Thôi, vào rừng với gia đình đi, cẩn thận nhé!
Ba quay qua tôi nghiêm khắc bảo:
- Lẽ ra con dũng cảm hơn, thấy nó phải giáng một nhát vào lưng, hoặc chí ít
cũng phải giả vờ lao xuống đánh cho nó dừng lại đỡ đoàn, giúp bác nai có thời
gian chạy thoát thì bác đầu có bị thương như vậy?
Má tôi lựa lời:
- Con còn nhỏ, lại lần đầu gặp cảnh này nên lúng túng
cũng phải thôi.
Tôi ngập ngừng:
- Nhưng, nhưng…, con không biết nó là con gì mà dữ tợn
vậy.
- Hổ đấy.
- Nó là con hổ ạ! Học mãi nay mới biết, lần sau gặp
hắn con quyết không tha.
- Thôi ta về.
Ba nói rồi vẫy cánh lao vút vế phía trước. Gia đình
tôi bay lên cao, lên cao dần tiến đến đỉnh núi Krông Zin hùng vĩ chìm một nửa
trong sương mù trắng đục tiếp tục cuộc hành trình. Vừa sãi cánh bay theo ba má,
lòng tôi ân hận vô cùng vì đã thiếu can đảm, không kịp giúp nai tránh bị thương
khi con hổ độc ác tấn công. Nhưng nhất định có ngày gặp lại tôi sẽ dạy cho nó
một bài học. Độc ác phải bị trị chứ không thể dung tha. Ba nói đúng: Học giỏi
chưa đủ mà phải có lòng nhân ái thương yêu bạn bè, cứu giúp kẻ gặp khó khăn. Có
như vậy mới trở thành người tốt – xứng đáng “Chúa tể rừng xanh”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI