Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2018

CÂY TRE TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM của PHẠM TUẤN VŨ - CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN MẬU TUẤT - THÁNG 1&2 NĂM 2018







Là một trong những loài cây mọc phổ biến ở nước ta, cây tre từ rất sớm đã thân thuộc và gần gũi với cuộc sống của người Việt. Trong bài tùy bút Cây tre Việt Nam nổi tiếng, nhà văn Thép Mới đã khẳng định điều này: Tre gắn bó thân thiết với con người trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ những vật dụng trong gia đình, tre đã đi vào thơ ca như một hình tượng bất hủ, tre còn dùng làm thuốc chữa bệnh cho người”. Có thể nói, cũng như cây đa, cây lúa, tre là hình ảnh rất đỗi thân thuộc trong tâm thức người Việt, là loại cây đặc trưng trong truyền thống văn hóa của dân tộc ta.
Từ cuộc sống, tre đã đi vào văn chương người Việt, trở thành những hình tượng đẹp đẽ. Ngay từ rất sớm, trong truyền thuyết, truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ,… tre đã được người Việt thường xuyên nhắc đến. Dài theo hành trình văn chương Việt Nam, từ văn học dân gian cho đến văn học đương đại, cây tre vẫn là hình ảnh quen thuộc. Ông bà xưa đã nói về tre. Chúng ta ngày nay và mai sau vẫn sẽ còn nói về tre nữa. Đề tài cây tre vẫn luôn là nguồn cảm hứng dồi dào cho nhiều thế hệ văn thi sĩ. Bởi không chỉ là hình ảnh cuộc sống, hình bóng quê hương, cây tre còn là biểu tượng của con người Việt Nam.
Trong đời sống của người Việt, đặc biệt là trong nền kinh tế thuần nông như trước đây, cây tre có một vị trí khá quan trọng. Cây tre có mặt trong hầu như mọi phương diện của cuộc sống người Việt, từ vật chất đến tinh thần. Tre được trồng thành lũy để làm ranh giới, để bảo vệ làng. Măng tre để làm thức ăn. Mo tre để làm quạt. Ống tre làm ống thổi lửa, làm máng xối, làm đũa, làm tăm. Thân tre làm nhà, làm rào, để đan đát, làm vũ khí đi săn, chống lại kẻ thù; lá tre, nước tre, tinh tre dùng để chữa bệnh… “Tre đã trở thành người bạn gần gũi và thân thiết với mỗi người dân Việt Nam” (Thép Mới). Cho nên, không phải ngẫu nhiên, trong văn học, nhất là các sáng tác của dân gian, hình ảnh cây tre thường xuyên xuất hiện. Dưới đây là những hình ảnh tiêu biểu.
Tre để chẻ lạt lợp nhà: Em về cắt rạ đánh tranh/ Chặt tre chẻ lạt cho anh lợp nhà/ Sớm khuya hòa thuận đôi ta/ Hơn ai gác tía lầu hoa một mình.
Tre để chẻ nan đan sàn, thúng, rổ: Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non đủ lá đan sàng hay chưa/ Chàng hỏi thì em xin vâng/ Tre vừa đủ lá nên chăng bởi chàng?
Thân tre được dùng để bắt cầu: Cầu tre ai bắc gập ghềnh/ Cô em đi khéo kẻo ngã lấm mình ai thương, Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi.
Măng tre làm thức ăn. Điều này thường được nhắc đến trong thơ trung đại như là cách thể hiện đời sống đạm bạc của người nho sĩ. Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao (trong thơ trung đại, nhất là thơ chữ Hán, trúc nhiều lúc được hiểu là tre. Bởi trong tiếng Hán, mọi loại thuộc họ tre trúc đều có một tên chung là trúc. Để phân biệt, người ta thêm định tố vào trước, thành công thức A + trúc; như cức trúc, khổ trúc, bạc trúc, điền trúc, lục trúc, mao trúc, phương trúc).
Trong cuộc sống thường nhật, tre là hàng xóm, là bạn làm ăn. Khi cộng đồng có biến cố, tre thành bạn chiến đấu. Tre làm chông tên, gậy gộc. Tre làm thành lũy cản bước quân thù. Trong truyền thuyết Thánh Gióng, tre được Phù Đổng thiên vương nhổ làm roi quất ngã giặc Ân xâm lược. Trong văn học hiện đại, hình tượng “cây tre chống giặc” được Thép Mới xây dựng một cách đẹp đẽ, oai hùng trong tác phẩm Cây tre Việt Nam được viết sau chiến thắng Điện Biên Phủ: “Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre anh hùng trong lao động! Tre anh hùng trong chiến đấu!”. Còn Nguyễn Khoa Điềm viết giản dị mà mà sâu sắc: Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre đánh giặc (trường ca Mặt đường và khát vọng).
Không chỉ trong phương diện vật chất, trong đời sống tinh thần của người Việt, cây tre cũng một vị trí quan trọng. Tre gần gũi, có ích, mang nhiều đặc điểm riêng, được người Việt ta mượn để đúc kết kinh nghiệm lao động, kinh nghiệm sống, nói thay những đạo lí, nhân sinh ở đời. Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt, có hàng trăm câu mượn hình ảnh cây tre: Tre già măng mọc, Tre non dễ uốn, Tre già khó uốn, Có tre mới cho vay hom tranh, Tre già nhiều người chuộng/ người già ai chuộng làm chi, Củi tre dễ nấu/ chồng xấu dễ xài, …
Trong truyện cổ tích, hình ảnh cây tre cũng được tác giả dân gian sử dụng để nêu lên những vấn đề đạo lí. Chẳng hạn, cây tre trăm đốt trong truyện cổ tích cùng tên là hình ảnh của công lí, của khát vọng khuyến thiện trừng ác.
Trong nhiều bài ca dao, nhiều câu thơ thành văn, cây tre còn có mặt với đời sống tình cảm của người Việt, nhất là trong tình yêu lứa đôi. Có lẽ bởi cây tre gần gũi với tính cách và tâm hồn người Việt. Chẳng hạn như trong những vần thơ sau: Một cành tre, năm bảy cành tre/ Đẹp duyên thì lấy, chớ nghe họ hàng (ca dao), Bây giờ mùa hoa doi/ Trắng một vùng Quảng Bá/ Sóng ven hồ cứ vỗ/ Anh một vùng cây tre (Mùa hoa doi, Xuân Quỳnh), Anh nhớ xót xa, dưới tre là ngà/ Gợn buồn nhìn anh, em nói mến anh (Nắng chiều, Lê Trọng Nguyễn).
Từ loài cây gần gũi, có ích trong đời sống của người Việt, tre trở thành hình ảnh của làng quê Việt. Không gian làng quê Việt nổi bật lên màu xanh của những lũy tre. Rặng tre xanh tỏa bóng xuống những ngôi làng Việt từ bao đời. Trong truyền thống văn hóa Việt, tre là một trong những biểu tượng của làng quê. Khi nói đến cây tre, người ta nghĩ đến làng xóm. Khi nói đến làng quê Việt, người ta thường nhắc đến hình ảnh cây tre. “Hình ảnh cây đa, bến nước cùng những khóm tre xào xạc là những hình ảnh quá đỗi thân thuộc với người dân ở mọi miền quê Việt Nam” (Thép Mới).
Trong văn học nước ta, cây tre thường được nhắc đến với tư cách là biểu tượng truyền thống của không gian thôn quê, là hình ảnh mến thương, thân thuộc của làng xóm, quê hương. Hình tượng cây tre vì thế cũng được thể hiện bằng phần lớn là giọng điệu tâm tình, tha thiết, lời văn giàu hình ảnh, cảm xúc. Và do đó, hình tượng cây tre trong văn chương Việt thường hiện lên rất đẹp.
Trong ca dao, hình ảnh lũy tre xanh, rặng tre ngà,… thường xuyên được tác giả dân gian nhắc đến. Hơn cả dấu hiệu nhận biết không gian làng quê, cây tre còn là hình bóng thân thương, là linh hồn của làng xóm, là nơi gởi gắm niềm yêu quý, tự hào, nỗi nhớ thương về quê hương, làng mạc. Cây tre trong nhiều bài ca dao thường không được miêu tả chi tiết (thậm chí chỉ xuất hiện với một cách chung chung) nhưng lại gắn với cụm từ “làng tôi có” theo công thức làng tôi có + lũy tre + A, B (A, B cũng như lũy tre, là những đặc trưng của làng). Qua đó, ta hiểu được tấm lòng, tình cảm của nhân dân lao động đối với quê hương được gửi gắm qua những điều bình dị, thân thuộc mà rặng tre là hình ảnh đặc biệt. Chẳng hạn như bài ca dao: Làng tôi có lũy tre xanh/ Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng/ Bên bờ, vải, nhãn hai hàng/ Dưới sông cá lội hàng đàn tung tăng.
Trong văn học viết, cây tre cũng được nhiều nhà văn khai thác ở phương diện là hình ảnh đặc trưng, tiêu biểu của không gian làng quê Việt. Cây tre có khi là hình tượng trung tâm, có lúc chỉ là chi tiết nhỏ nhưng nhìn chung, hầu hết những đoạn văn, câu thơ viết về cây tre đều được các tác giả gửi gắm những tình cảm tốt đẹp cùng nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc. Ví như những trường hợp tiêu biểu dưới đây.
Hồ Dzếnh, tác giả của tập thơ Quê ngoại, một giọng thơ nhẹ nhàng phảng phất hương vị cổ điển của nền thơ Việt Nam hiện đại, đã có những dòng thơ dịu dàng, tha thiết, lắng sâu viết về quê hương mà ở đó, cây tre, hình ảnh của quê ngoại, quê mẹ thường được nhắc đến: Làng tôi thắt đáy lưng tre/ Sông dài cỏ mượt đường đê tứ mùa/ Nhịp đời định sẵn từ xưa/ Ươm tơ tháng Sáu lên chùa tháng Giêng (Lũy tre xanh).
Trong thơ Đoàn Văn Cừ, nhà thơ đồng quê có “ngòi bút dồi dào và rực rỡ” (Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam), hình ảnh cây tre là một phần không thể thiếu trong “bức tranh quê” (Anh Thơ) “đầy dẫy sự sống và rộn rịp những màu sắc tươi vui” (Hoài Thanh): Làng tôi mươi chục mái nhà tranh/ Một ngọn chùa cao, một mái đình/ Một rặng tre già vươn chót vót/ Một giòng sông trắng chảy vòng quanh (Làng).
Trong tiểu thuyết Hòn Đất, nhà văn Anh Đức đã dành những dòng văn đằm thắm, thiết tha cho hình tượng cây tre, một trong những hình ảnh thân thuộc của quê hương chị Sứ nói riêng, miền Nam thân yêu nói chung: Xa quá khỏi Hòn một đỗi là bãi Tre. Thấp thoáng những cây tre đằng ngà cao vút, vàng óng, những cây tre lâu nay vẫn đứng đấy, bình yên và thanh thản, mặc cho bao năm tháng đã đi qua, mặc cho bao nhiêu gió mưa đã thổi tới. Sau rặng tre ấy, biển cả còn lâu đời hơn, vẫn đang giỡn sóng, mang một màu xanh lục...
Không chỉ là hình ảnh của cảnh quê, cây tre còn gắn với tình quê. Ở đó tình yêu quê hương, tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình được thể hiện một cách chân thành, sâu lắng của những “hình bóng quê nhà”, trong đó có lũy tre xanh. Ví như: Mẹ nhìn lên cao trong vắt trăng sao/ Đầu làng tre xanh vui đón xôn xao/ Mẹ nhìn tay con không súng không dao/ Nụ cười trên môi/ Ôi trái tim người... (Giấc mơ của mẹ, Phạm Thế Mỹ)
Và đặc biệt, không chỉ là hình ảnh của làng quê cụ thể, cây tre trong nhiều tác phẩm còn được nâng lên thành biểu tượng của làng quê Việt chung, là hình ảnh của đất nước Việt, như “hàng tre bát ngát” trong thơ của Viễn Phương: Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác/ Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát/ Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam/ Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng (Viếng lăng Bác).
Từ vị trí quan trọng trong không gian và truyền thống văn hóa dân tộc, cây tre trong văn học được nâng lên trở thành hình ảnh, biểu tượng của con người Việt. Có được điều này bởi tre mang trong mình nhiều đặc tính gần gũi, tương hợp với tính cách, tâm hồn dân tộc ta. Đó là tre mọc thẳng, sống thành quần thể, có sức sống bền bỉ, dễ thích nghi với nhiều loại thổ nhưỡng,…
Nhiều tác phẩm văn học khi viết về cây tre đều chú ý khai thác phương diện này. Qua những phẩm chất tốt đẹp của loài tre, các tác giả khái quát lên thành nhiều nét tính cách đặc trưng của người Việt. Tre trở thành hình ảnh ẩn dụ của con người Việt trong văn chương, đúng như nhận định của Thép Mới: “Tre đã trở thành biểu tượng để nói về con người Việt Nam” (Cây tre Việt Nam).
Tiêu biểu nhất trong số những tác phẩm viết về tre để nói về người Việt có lẽ là thi phẩm Tre Việt Nam của Nguyễn Duy. Bài thơ được viết trong thời gian các năm 1970-1972, in năm 1973 trong tập Cát trắng, là một trong những tác phẩm xuất sắc về đề tài cây tre. Bài thơ được đưa vào giảng dạy ở chương trình Ngữ văn phổ thông, được các thế hệ người dạy và học yêu quý, thuộc lòng.
Trong tác phẩm này, cây tre là hình tượng trung tâm, là đề tài xuyên suốt. Viết về cây tre, Nguyễn Duy đã thành công trong việc sử dụng thể thơ lục bát dân tộc, ngôn ngữ tiếng Việt tinh tế, vận dụng nhuần nhị ca dao thành ngữ, sử dụng đắc địa nhiều so sánh, nhân hóa, liên tưởng… Đặc biệt, bài thơ đậm đà tính dân tộc trong việc viết về dân tộc qua hình ảnh ẩn dụ cây tre. Cây tre do đó là một hình tượng đặc biệt thành công trong thi phẩm này nói riêng, trong các tác phẩm viết về cây tre của văn học nước ta nói chung.
Trong Tre Việt Nam, qua hình ảnh cây tre, ta có thể khái quát được những nét tính cách, tâm hồn đặc trưng của người Việt. Đó là những phẩm chất tốt đẹp có truyền thống từ ngàn đời: Dễ thích nghi với môi trường, hoàn cảnh sống (Ở đâu tre cũng xanh tươi/ Cho dù đá sỏi, đất vôi bạc màu); siêng năng, cần cù, chăm chỉ trong lao động sản xuất (Rễ siêng không ngại đất nghèo/ Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù); lạc quan, yêu đời dù cuộc sống có thể còn vất vả (Vươn mình trong gió tre đu/ Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành); yêu chuộng tự do, cái đẹp (Yêu nhiều nắng nỏ, trời xanh); kiên cường, bất khuất, giàu lòng tự trọng (Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm); ngay thẳng, không chịu luồn cúi (Loài tre đâu chịu mọc cong/ Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường); đoàn kết, gắn bó, biết yêu thương, san sẻ (Bão bùng thân bọc lấy thân/ Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm/ Thương nhau tre không ở riêng/ Lũy thành từ đó mà nên hỡi người); giàu truyền thống (Chẳng may thân gãy cành rơi/ Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho con); giàu đức hi sinh (Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con); giàu sức sống (Năm qua đi, tháng qua đi/ Tre già măng mọc có gì lạ đâu)…
Có thể nói, cây tre mang những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Với Tre Việt Nam của Nguyễn Duy và nhiều tác phẩm khác, tre đã trở thành biểu tượng cho con người Việt một cách đầy đủ và đẹp đẽ nhất.
Tóm lại, trong suốt hành trình văn chương Việt, tre là hình ảnh quen thuộc, phổ biến. Từ văn học dân gian đến văn học đương đại, cây tre vẫn luôn là đề tài được nhiều tác giả yêu thích. Từ một loài cây bình dị, tre đã đi vào văn chương người Việt một cách đẹp đẽ nhất, trở thành hình ảnh thân quen, biểu tượng truyền thống của quê hương Việt và con người Việt. Có hàng trăm loài cây trong văn chương nước ta nhưng trở thành hình tượng đẹp đẽ, có vị trí trang trọng như tre thì không phải loài cây nào cũng có được.



1 nhận xét:

NHẬN XÉT MỚI