Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

“TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN”- GIÁ TRỊ NHÂN VĂN VÀ SỨC SỐNG TRƯỜNG TỒN TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM của NGUYỄN VĂN THANH - CHƯ YANG SIN SỐ: 307 - THÁNG 3 NĂM 2018








Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản-một tác phẩm mang tầm vóc xuyên thời đại không chỉ ở việc khai sinh một ý thức hệ, một học thuyết chính trị mà còn là một cống hiến vô giá vào kho tàng tri thức, tư tưởng văn hóa nhân loại.
Trải qua 170 năm, cuộc sống loài người đã có biết bao thay đổi, song những giá trị to lớn, bền vững, những nguyên lý cơ bản của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản vẫn tràn đầy sức sống, vẫn mãi là ngọn cờ tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế. Tuyên ngôn ra đời đánh dấu sự phát triển có ý nghĩa lịch sử của nhân loại, từ chủ nghĩa xã hội không tưởng trở thành chủ nghĩa xã hội khoa học. Từ đây những người Cộng sản và các giai cấp bị áp bức, bóc lột đã có cương lĩnh hành động để thực hiện mục tiêu lý tưởng của mình. Trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã trở thành tác phẩm kinh điển, gối đầu giường của những người Cộng sản Việt Nam, soi sáng con đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Và tinh thần của nó, như Lê-nin đã từng nói: “Cuốn sách mỏng ấy có giá trị bằng hàng bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và chiến đấu trong thế giới văn minh”. 
Tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nói riêng là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam. Từ bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin năm 1920, bản Luận cương phát triển sáng tạo tư tưởng của Tuyên ngôn trong điều kiện lịch sử mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước của dân tộc Việt Nam. Cách mạng Việt Nam càng phát triển, càng khẳng định những nguyên lý nền tảng của Tuyên ngôn là đúng đắn.
Từ thực tiễn vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với những nguyên lý nền tảng của Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, nhất là mối quan hệ giữa giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, cách mạng XHCN, về vị trí, vai trò của Đảng, của giai cấp công nhân vào điều kiện cụ thể Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam liên tiếp đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 xoá bỏ chế độ phong kiến và thuộc địa giành độc lập và thiết lập nhà nước cách mạng kiểu mới của giai cấp vô sản và nhân dân lao động, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến oanh liệt chống đế quốc, thực dân giành và bảo vệ độc lập dân tộc. Đó là thắng lợi của công cuộc đổi mới vì chủ nghĩa xã hội, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và chứng minh ngày càng sáng tỏ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được vận dụng vào công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, được thể hiện toàn diện trên các lĩnh vực, như việc phát triển văn hóa, xây dựng con người, phát triển kinh tế, chính trị và xây dựng Đảng.
Về phát triển văn hóa, xây dựng con người, Tuyên ngôn Đảng Cộng sản đã đặt cơ sở thế giới quan và các quan điểm lý luận cho việc phát triển văn hóa, xây dựng con người. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ năm 1943 với Đề cương văn hóa, Đảng ta đã coi việc phát triển văn hóa và xây dựng con người là chìa khóa để thành công trên con đường phát triển tiến liên CNXH. Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đồng thời, xuất phát từ thực tiễn 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới đã và đang đặt ra những vấn đề về phương diện xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, cần phải có sự bổ sung, phát triển mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Do đó, trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, một mặt Đảng ta khẳng định những quan điểm vừa cơ bản, vừa cấp bách để tiếp tục quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đó là: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”.
Về kinh tế, Đảng luôn luôn quán triệt tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản là: “Trong mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội - cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra - cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy”. Vận dụng quan điểm đó, Đảng ta xác định, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trước hết và trung tâm là xây dựng, phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế đồng thời với phát triển xã hội, văn hóa, giáo dục, vì mục tiêu phát triển con người, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.
 Về chính trị, xuất phát từ các giá trị lý luận về nhà nước và pháp luật trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản và các giá trị phổ quát của nhân loại về xây dựng nhà nước pháp quyền. Đảng chủ trương tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đại hội XII của Đảng xác định: "Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị"; "Xây dựng Nhà nước pháp quyền phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mối hệ thống chính trị..."; "Hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã xã hội chủ nghĩa”.
Về xây dựng Đảng, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã đặt nền tảng tư tưởng cho những vấn đề về Đảng và công tác xây dựng Đảng Cộng sản. Đảng ta luôn nhất quán quan điểm sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu trong tất cả các giai đoạn cách mạng; đồng thời khẳng định vấn đề nâng cao bản chất giai cấp công nhân là tư tưởng xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng để bảo đảm cho Đảng hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo. Sự thống nhất lợi ích của Đảng và giai cấp - tư tưởng này là cơ sở để xây dựng đường lối chủ trương, chính sách nhằm xóa bỏ những đặc quyền, đặc lợi trong Đảng. Trong đường lối cách mạng, Đảng ta luôn quán triệt và vận dụng tư tưởng cốt lõi của Tuyên ngôn, coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Ý thức sâu sắc vấn đề đó, trong thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục kịp thời những khuyết điểm, hạn chế đã chỉ ra trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; kiên quyết thay thế cán bộ lãnh đạo vi phạm nguyên tắc kỷ luật của Đảng, không đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ.
Có thể nói rằng, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản luôn đồng hành với Đảng và cách mạng Việt Nam. Tư tưởng khoa học và phương pháp cách mạng của Tuyên ngôn đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo trong những năm đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước theo định hướng XHCN hiện nay. Vượt qua thời gian của lịch sử, những giá trị của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là bất diệt, là mặt trời, là ngọn đèn soi sáng con đường cách mạng Việt Nam đi tới tương lai.
 Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản mãi mãi là chân lý cách mạng sáng ngời. Bởi, Chủ nghĩa Mác-Lê nin dạy rằng: “Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Chúng tôi giành được những thắng lợi đó, trước hết là nhờ cái vũ khí không thay đổi được là chủ nghĩa Mác-Lê nin”.
88 năm mùa Xuân qua, từ khi có Đảng ta lãnh đạo, cách mạng Việt Nam luôn trung thành với những tư tưởng vĩ đại của Tuyên ngôn, vận dụng những tư tưởng ấy một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Hiện nay, trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tình hình trong nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, đang diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không thể xem thường. Song Đảng ta tiếp tục khẳng định với đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn rằng: thời đại ngày nay vẫn là thời đại mà Tuyên ngôn đã dự báo, vẫn là thời đại quá độ của loài người từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI