Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

NHỮNG CON SÓI NHÀ CERNOGRATZ của Saki - CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN MẬU TUẤT - THÁNG 1&2 NĂM 2018





“Có truyền thuyết cổ xưa nào gắn liền với lâu đài không?” Conrad hỏi chị gái mình. Conrad là một thương nhân thành đạt đến từ Hamburg, nhưng ông lại là một thành viên có khuynh hướng của nhà thơ của một gia đình rất thực tế.
Bà nam tước Gruebel nhún đôi vai đầy đặn của mình.
“Lúc nào cũng có những truyền thuyết lơ lửng đâu đó quanh những nơi cổ xưa như thế này. Bịa ra chúng chẳng khó gì và cũng không tốn kém gì hết. Trong trường hợp này thì có một câu chuyện, đó là khi bất kì ai chết trong lâu đài thì toàn bộ chó trong làng và những con thú hoang trong rừng đều tru lên suốt cả đêm. Nghe thứ đó thì chẳng vui thú gì đâu nhỉ?”
“Điều đó sẽ khác thường và lãng mạn,” người thương nhân Hamburg nói.
“Dù sao thì chuyện đó cũng không có thật,” bà nam tước nói vẻ thích chí, “từ hồi bọn chị mua nơi này thì đã được kiểm chứng là không có chuyện gì kiểu đó xảy ra hết. Hồi mẹ chồng chị mất mùa xuân năm ngoái tất cả bọn chị đều lắng tai nghe, nhưng không có tiếng tru. Đó chỉ là một câu chuyện giúp cho nơi này thêm phần danh giá mà không tốn gì hết.”
“Câu chuyện không phải như bà kể đâu,” bà giáo già Amalie nói. Ai cũng quay sang nhìn bà vẻ kinh ngạc. Bà ấy có thói quen ngồi im lặng, làm ra vẻ nghiêm nghị rồi biến mất, không bao giờ nói trừ khi có ai đó nói chuyện với bà, và chẳng có mấy người bắt chuyện với bà để rước việc vào mình. Hôm nay bà đột nhiên lại trở nên nói nhiều; bà tiếp tục nói nhanh vẻ bồn chồn, mắt nhìn thẳng về phía trước và dường như không đặc biệt nói với ai hết.
“Không phải khi bất kì ai chết trong lâu đài thì cũng nghe thấy tiếng chó tru hết. Chỉ khi một người nhà Cernogratz chết ở đây thì lũ sói xa gần mới đến tru ở bìa rừng ngay trước lúc người đó chết thôi. Chỉ có vài cặp sói có hang ở phần này của khu rừng thôi, nhưng mỗi lần như vậy những người coi rừng lại nói có đến hai chục con lướt đi trong bóng tối và đồng thanh tru lên, lũ chó trong lâu đài, trong làng và tất cả các trang trại xung quanh đều sẽ sủa và tru lên trong sợ hãi và tức giận trước bản đồng ca của sói, rồi khi linh hồn của người chết rời khỏi thể xác, một cái cây trong rừng sẽ đổ rầm xuống. Đó là chuyện đã xảy ra khi một người nhà Cernogratz chết trong lâu đài nhà mình. Nhưng với một người lạ chết ở đây thì tất nhiên sẽ không con sói nào tru và không có cây đổ. Ồ không đâu.”
Giọng bà mang vẻ thách thức, gần như là coi thường lúc nói những từ cuối cùng. Bà nam tước phì nộn, ăn mặc quá cầu kì giận dữ nhìn chằm chằm vào bà lão ăn mặc không đúng mốt người vừa tiến lên rời khỏi vị trí nhún nhường thích đáng thường ngày của mình mà nói năng vô lễ đến vậy.
“Bà có vẻ biết nhiều về các truyền thuyết của nhà von Cernogratz nhỉ Fraulein Schmidt,” bà ta nói gay gắt, “tôi đã không biết là lịch sử của gia đình đó lại nằm trong những đề tài mà người ta cho là bà hiểu rõ đấy.”
Câu trả lời cho lời chế nhạo của bà ta thậm chí còn bất ngờ và sửng sốt hơn cả lời nói bộc phát khơi nên cuộc nói chuyện này.
“Tôi chính là một người nhà von Cernogratz,” bà lão nói, “vì vậy nên tôi biết lịch sử gia đình mình.”
“Bà là người nhà von Cernogratz sao?” tất cả mọi người cùng đồng thanh vẻ hoài nghi.
“Khi chúng tôi đã quá nghèo,” bà giải thích, “và tôi phải ra ngoài dạy học thì tôi lấy một cái tên khác. Tôi nghĩ thế sẽ phù hợp hơn. Nhưng ông nội tôi dành phần lớn thời gian hồi còn nhỏ trong lâu đài này, còn cha tôi từng kể tôi nghe nhiều chuyện về nó và tất nhiên, tôi biết toàn bộ truyền thuyết và chuyện kể về dòng họ. Khi người ta không còn gì để lại cho người khác ngoài kí ức thì họ canh giữ và phủ bụi lên nó với sự quan tâm đặc biệt. Hồi nhận dạy cho nhà quý vị, tôi chẳng mấy nghĩ rằng sẽ có ngày tôi đi cùng các vị tới nhà cũ của dòng họ mình. Tôi đã ước giá như đó là nơi nào khác.”
Mọi người đều im lặng khi bà nói xong, và rồi bà nam tước hướng cuộc nói chuyện sang một chủ đề ít làm lúng túng hơn lịch sử dòng họ. Nhưng sau đó, khi bà giáo già đã lặng lẽ lẩn đi làm nhiệm vụ của mình thì lại có tiếng ồn ào chế nhạo và hoài nghi.
“Thật là xấc xược,” ông nam tước nói giọng cáu bẳn, đôi mắt lồi của ông ta tỏ ra bị xúc phạm. “Cứ nghĩ tới chuyện người đàn bà đó nói như thế ở bàn chúng ta mà xem! Bà ta gần như bảo chúng ta không là ai hết, và tôi không tin lời nào trong số đó hết. Bà ta chỉ mang họ Schmidt không hơn không kém. Bà ta đã nói chuyện với vài tên nông dân về dòng họ Cernogratz cổ xưa rồi nhắc lại lịch sử và chuyện nhà họ thôi.”
“Bà ta muốn làm cho mình có địa vị cao đó mà,” bà nam tước nói. “Bà ta biết mình sớm sẽ thành sản phẩm của thời đã qua và muốn kêu gọi sự thông cảm của chúng ta. Ái chà, ông nội bà ta kia đấy!”
Bà nam tước có cả mớ ông như thường lệ nhưng bà ta không bao giờ khoe khoang về họ hết.
“Tôi dám nói ông nội bà ta từng là một thằng nhỏ chạy việc trong bếp hay thứ gì đại loại như thế trong lâu đài này,” ông nam tước cười khẩy, “phần đó của câu chuyện có khi lại thật đấy.”
Thương nhân từ Hamburg không nói gì hết; ông đã nhìn thấy mắt bà lão ngấn nước khi bà nói về việc canh giữ kí ức của mình, hoặc do là một người có khuynh hướng giàu trí tưởng tượng nên ông nghĩ là mình đã thấy thế cũng nên.
“Ngay khi cuộc ăn mừng năm mới kết thúc tôi sẽ ra thông báo cho bà ta đi ngay,” bà nam tước nói, “tới lúc đó chắc tôi sẽ quá bận rộn xoay xở mà không có bà ta.”
Nhưng dù sao bà ta cũng phải xoay xở mà không có bà giáo bởi trong cái thời tiết lạnh cắt da cắt thịt sau Giáng sinh, bà giáo già ngã bệnh và ở luôn trong phòng.
“Thật là chọc tức người ta quá mà,” bà nam tước nói lúc khách khứa ngồi quanh lò sưởi vào một trong những buổi tối cuối năm. “Suốt thời gian bà ta ở với chúng tôi, tôi không nhớ nổi có lần nào bà ta bị bệnh nặng đâu, ý tôi là bệnh quá không làm việc được. Và giờ thì khi tôi có cả một nhà đầy người và bà ta có thể có ích theo rất nhiều cách thì bà ta lại ngã bệnh. Tất nhiên là người ta lấy làm buồn cho bà ta, trông bà ta thật khô héo và quắt queo, nhưng dù sao đi nữa thì cũng bực mình quá thể.”
“Bực mình thật,” vợ ông chủ ngân hàng đồng ý vẻ thông cảm. “Mong chính là do cái lạnh khắc nghiệt làm mấy người già yếu đi. Năm nay trời lạnh đến bất thường.”
“Sương giá trong tháng 12 này là thứ khắc nghiệt nhất mà người biết được suốt nhiều năm qua,” ông nam tước nói.
“Và tất nhiên là bà ta khá già rồi,” bà nam tước nói. “Ước gì tôi đã đưa ra thông báo cho bà ta mấy tuần trước, có vậy thì hẳn giờ bà ta đã đi trước khi chuyện này xảy ra với mình. Gì thế Wappi, có chuyện gì với mày vậy?”
Chú chó nhỏ lông xoăn tít đã bất thình lình nhảy xuống khỏi tấm đệm của mình và run rẩy trườn xuống dưới trường kỉ. Cùng lúc đó một tràng tiếng chó sủa nổ ra trong sân lâu đài và tiếng những con chó khác kêu ăng ẳng xa xa.
 “Thứ gì đang quấy rầy lũ động vật vậy nhỉ?” ông nam tước hỏi.
Rồi người ta chăm chú lắng nghe và nghe ra được cái âm thanh đã kích động lũ chó bộc lộ nỗi sợ và cơn thịnh nộ của mình, nghe thấy một tiếng tru rên rỉ kéo dài, lên bổng xuống trầm, có lúc như cùng nhau đi xa dần, có lúc lại quét qua lớp tuyết tới khi nghe như nó đến từ chân tường lâu đài. Toàn bộ nỗi khổ sở lạnh lẽo, đói ăn của một thế giới băng giá, toàn bộ cơn thịnh nộ chết chóc của thế giới hoang dã cùng hòa vào những giai điệu đau khổ, buồn thăm thẳm kia thứ mà người ta không thể nào gọi tên, tất cả dường như đều tập trung vào tiếng kêu than van đó.
“Sói!” ông nam tước nói.
Thứ âm nhạc của chúng tuôn ra trong một cơn bùng nổ dữ dội dường như vang đến từ mọi phía.
“Hàng trăm con sói,” thương nhân Hamburg nói, ông là người có trí tưởng tượng phong phú.
Cảm động bởi một thôi thúc nào đó mà mình không thể giải thích, bà nam tước bỏ lại khách của mình và đi tới căn phòng nhỏ hẹp, ảm đạm nơi bà giáo già nằm dõi theo từng giờ từng phút của cái năm sắp hết trôi qua. Mặc cho cái lạnh buốt giá của đêm mùa đông, cửa sổ vẫn để mở. Bà nam tước la lớn vẻ khó chịu và tức tốc lao tới đóng nó lại.
“Cứ để nó mở,” bà lão nói với giọng yếu không ra hơi nhưng vẫn mang vẻ quyền uy mà bà nam tước chưa bao giờ nghe thấy từ bà.
“Nhưng bà sẽ chết vì lạnh mất!” bà ta phê bình.
“Dù sao tôi cũng sắp chết rồi,” bà lão nói, “và tôi muốn nghe bản nhạc của chúng. Chúng đã đi một quãng đường xa tới để hát bản nhạc tử thần của dòng họ tôi. Thật tuyệt vì chúng đã tới – tôi là người cuối cùng của nhà von Cernogratz sẽ chết trong lâu đài cổ của mình và chúng đã tới để hát cho tôi nghe. Nghe đi, chúng gọi thật là to đấy!”
Tiếng của lũ sói bay lên trong không gian mùa đông tĩnh lặng và lơ lửng quanh những bức tường của tòa lâu đài trong những tiếng rền rĩ nhức nhối kéo dài. Bà lão ngả lưng xuống trường kỉ với vẻ mặt hạnh phúc đã bị trì hoãn từ lâu.
“Đi đi,” bà nói với bà nam tước, “tôi không còn cô đơn nữa. Tôi là thành viên của một dòng họ cổ xưa vĩ đại…”
“Tôi nghĩ bà ta sắp chết rồi,” bà nam tước nói khi đã trở lại với khách của mình. “Tôi nghĩ chúng ta phải cho gọi bác sĩ thôi. Mà chúng tru ghê quá! Tôi mà có được cái bản nhạc tử thần kiểu đó thì chẳng tốn bao tiền đâu.”
“Giá nào cũng không mua được bản nhạc đó đâu,” Conrad nói.
“Nghe nào! Có tiếng gì khác đấy?” ông nam tước hỏi lúc nghe thấy một âm thanh như thứ gì đó nứt ra và đổ sầm xuống.
Đó là một cái cây đổ trong rừng.
Thoáng chút yên lặng gượng gạo và rồi vợ ông chủ ngân hàng cất tiếng.
 “Chính cái lạnh buốt giá làm cây nứt đấy. Cũng do lạnh khiến cho lũ sói ra ngoài với số lượng lớn đến vậy. Nhiều năm rồi chúng ta mới lại có một mùa đông lạnh đến thế này.”
Bà nam tước hăng hái đồng tình rằng cái lạnh chịu trách nhiệm cho những chuyện này. Cũng chính do cái lạnh của khung cửa sổ để mở đã gây ra cơn suy tim khiến cho sự chăm sóc của bác sĩ đối với bà lão Fraulein là không cần thiết. Nhưng cái thông báo trên báo trông hay lắm:
“Vào ngày 29 tháng 12, ở lâu đài Cernogratz, Amalie von Cernogratz, người đã nhiều năm là người bạn yêu quý của ông và bà nam tước Gruebel, đã qua đời”.

     TRƯƠNG THỊ MAI HƯƠNG dịch
        Nguồn: americanliterature.com.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI