Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

GIÓ ỐM truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - Tạp chí Ba Bể số: 12 (138) tháng 12 năm 2018



Ông mặt trời mải miết đi về hướng tây, xô bóng cây kơ nia đổ dài về phía đông, trùm lên cả các cây phượng đứng xếp hàng nơi sân trường. Bầy chim sẻ kéo nhau đứng túm tụm dưới tán lá, há mỏ, xù lông lên để thở. Trời oi bức, ngột ngạt hình như sắp hết không khí thì phải. Sẻ em nói với Sẻ chị:
-         Chắc cô Gió bị ốm rồi phải không chị?
-         Sao em nói vậy?
-         Mọi ngày vào giờ này đã thấy cô ấy đi lang thang ve vuốt mọi người, còn hôm nay chẳng thấy đâu cả.
-         Ừ nhỉ!
-         Không phải vậy đâu.
Chú Sóc Út, hai chân trước bê hạt cây kơ nia to gần bằng đầu mình, ngừng ăn góp chuyện. Gia đình nhà Sóc có sáu thành viên: sóc ba, sóc má và bốn anh chị em quây quần bên đống hạt để dưới gốc cây kơ nia; mỗi người một hạt, nhẩn nha ăn trông thật đầm ấm. Cái lạ là không ai tranh của ai, tất cả ngồi rất nghiêm chỉnh, tư thế giống y chang như nhau: hai chân sau co lại, chiếc đuôi dài có lông xù to là thế được uốn cong chống xuống mặt đất, hai chân trước bê hạt lên ngang ngực.
-         Bạn bảo không phải thế thì tại sao cô Gió hôm nay không đến?
Sẻ em hỏi lại, Sóc Út trả lời:
-         Mọi ngày cô Gió đi chơi thường có chú Mây đi cùng, hôm nay chắc chú Mây đau nên cô Gió phải ở nhà chăm sóc không đi thăm mọi người đấy chứ.
-         Không phải vậy, cô Gió ốm nên chú Mây ở nhà thì có.
Sẻ em không chịu, đáp lại; Sóc Út vẫn giữ cái lý của mình là đúng. Thấy vậy Sẻ chị bảo:
-         Cả hai em nói đều có cái lý của mình, vậy cô Gió hay chú Mây bị ốm ta phải chờ khi nào cô ấy quay lại hỏi thì biết ngay thôi.
-         Các bạn nói sai rồi, chẳng ai ốm đau cả đâu, cô chú ấy đang bận công việc đấy.
Chị em Sẻ và Sóc Út giật mình nhìn lại nơi phát ra tiếng nói, thấy một chú Kiến đen bé téo tẹo tèo teo; bé đến mức chắc chỉ to hơn chiếc lông mũi nhà Sóc một tý, dừng lại góp chuyện. Cạnh đó, họ hàng nhà Kiến đang hối hả làm việc, người vác đồ ăn, người lại đội trên đầu những chiếc trứng trắng, nối đuôi nhau leo lên cây. Gia đình nhà Kiến thật đông đúc, đi thành một dây dài hình như không có điểm cuối.
-         Bạn nói sao cơ?
Sóc Út tò mò hỏi lại.
-         Ông mặt trời hôm nay nóng hơn mọi ngày, chắc chắn cô Gió và chú Mây đang chuẩn bị nước để mang mưa đến giúp mọi người đấy.
-                     Cậu chỉ bịa chuyện, trời đang nóng thế này làm sao có mưa được!
Sẻ em nghiêng nghiêng cái đầu tỏ vẻ không tin và hỏi lại:
-                     Nhà cậu có chuyện gì mà bồng bế nhau leo tuốt lên ngọn cây thế kia?
-                     Ông mình bảo trời sắp mưa nên mọi người đang phải vội vã chuyển nhà lên cao không bị lụt, nước cuốn trôi đi đấy.
-                     Ôi, nhà thiên văn đại tài ơi, trời như thế này mà bảo sắp mưa à? Chắc cậu bị ấm đầu rồi!
Sóc Út đáp lại rồi cùng với Sẻ chị, Sẻ em ngã nghiêng cười, chúng cười đến mức cái hạt kơ nia Sóc Út đang ôm cũng rơi xuống đất. Kiến con thấy vậy, bực mình nói:
-                     Tùy các bạn thôi, tin hay không chốc nữa sẽ biết.
Kiến nói xong vội vã đội lên đầu một hạt cỏ vàng óng, to độ ngang với mẩu lông đuôi của sóc chạy nhập vào dòng Kiến leo lên cây. Chị em nhà sẻ và Sóc Út nhìn theo vẻ thương hại cho Kiến con.
Một chốc sau, cô Gió chạy lướt qua, Sẻ em reo lên:
-                     Cô Gió đến rồi, cô ấy hết ốm rồi!
-                     Chắc chú Mây đỡ đau nên cô ấy đi lấy thuốc đấy.
-                     Sao bạn nói vậy?
-                     Tại Cô ấy đi một mình đấy thôi, nếu chú Mây khỏe chắc phải đi cùng cô ấy chứ.
-                     Hai em đừng cãi nhau nữa.
Sẻ chị ra vẻ người lớn, giảng giải:
-                     Nhìn lên phía tây kia kìa, chú Mây đang đến đấy; hình như cô Gió chạy nhanh hơn rồi thì phải.
Cả bọn ngước nhìn lên phía tây, mây đen kéo đến che khuất cả mặt trời. Cô Gió hối hả chạy làm chú Mây cũng tất bật chạy theo. Bỗng một tia lửa xé ngang bầu trời, kèm theo một tiếng nổ to đùng vọng đến. Cả nhà Sóc giật mình bỏ dở bữa ăn, kéo nhau leo tuốt lên hốc cây cao. Bầy chim sẻ không ai bảo ai cùng tung cánh vội vã bay lên núp vào dưới mái hiên.
Mấy cây bàng, cây phượng thi nhau nô đùa với cô Gió, cành lá lả lướt vờn bay như muốn giữ cô Gió lại. Mây đen sùm sụp chạy đến làm trời tối lại, mưa lất phất rơi. Lúc đầu chỉ lắc rắc vài hạt, sau rơi nhiều hơn rồi hình như chảy thành dòng. Cô Gió tạt cả mưa vào cửa số lớp học, kêu lốp bốp và tinh nghịch xốc ngược áo Sẻ em làm lông xù ra. Sân trường vừa nảy còn nóng bỏng, giờ đã thành con sông lớn, nước kéo nhau chảy ùa ra cổng. Bỗng Sẻ em kêu lên, giọng hoảng thốt:
-                     Kiến con kìa! Kiến con kìa!
-                     Đâu, đâu?
Sẻ chị đang rụt đầu vào cổ đứng trên trần nhà lao vụt ra bên cạnh Sẻ em hỏi. Theo hướng Sẻ em chỉ, Sẻ chị thấy con Kiến con lúc nãy đang vật lộn với dòng nước. Có lẽ nước chảy mạnh quá, Kiến không thể chống lại được. Sẻ chị nhìn quanh rồi quyết định dùng mỏ giật ngay một chiếc lông đuôi của mình. Sẻ em thấy thế ngạc nhiên kêu lên:
-                     Chị làm gì vậy?
-                     Phải cứu Kiến con không nước lôi nó đi mất.
-                     Nhưng gió to quá, chị ra không cẩn thận bị đau đấy.
Miệng ngậm chiếc lông, Sẻ chị lao ra làn mưa đang ầm ầm trút xuống, thả chiếc lông xuống bên Kiến con. Kiến con vẫy vùng một cách tuyệt vọng trong dòng nước chảy một lúc một dữ dội hơn, bỗng thấy có chiếc lông rơi bên cạnh liền cố giơ tay bám lấy. Chỉ chờ có thế, Sẻ chị dùng chân cắp lấy chiếc lông bay lên hiên nhà, mặc cho những hạt mưa lạnh buốt ném vào người đau điếng. Cả bầy Sẻ ùa ra hò reo vang cả góc nhà, át cả tiếng mưa rơi, khen Sẻ chị dũng cảm. Kiến con được cứu, giơ hai tay vuốt râu rồi cúi đầu cảm ơn Sẻ chị. Sẻ chị lắc mình cho nước rơi ra khỏi bộ lông, nghiêng đầu nói:
-                     Chị em mình có lỗi, khi nãy đã không tin còn chế giễu bạn, mong bạn thông cảm nhé!
-                     Dạ, không có gì đâu ạ!
Bầy Sẻ vây quanh, nghiêng đầu nhìn Kiến con tỏ vẻ kính trọng. Kiến con thấy vậy cúi đầu nói:
-                     Dạ, cháu chỉ nghe ông bà dạy: phải quan sát xung quanh và đo nhiệt độ, độ ẩm trong không khí mà đoán biết khi nào trời mưa đến thôi ạ.
-                     Họ nhà Kiến giỏi quá, biết trước lúc nào trời mưa. Các cháu nhớ nhé, khi nào thấy nhà Kiến chuyển nhà lên cây phải tìm chỗ tránh mưa nghe chưa?
Sẻ ông nói xong, cả đàn cúi đầu vâng lời. Dưới sân nước hết chảy. Ông mặt trời ló ra khỏi đám mây, cảnh vật bừng sáng lên rực rỡ.  Cô Gió trở lại hiền từ, đi lắc nhẹ từng lá cây cho rơi bớt nước. Kiến con từ biệt bầy sẻ quay về nhà trong tiếng cười vui của mọi người.

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

BÀI HỌC TRONG NHÀ DÀI truyện ngắn của NGUYỄN THỊ BÍCH THIÊM - CHƯ YANG SIN SỐ 316 THÁNG 12 NĂM 2018

Nhà văn Nguyễn Thị Bích Thiêm 

Hôm nay ngôi nhà dài của ama Phan tự nhiên nhộn nhịp khác thường. Một nhóm chừng mấy chục thiếu niên và bốn năm người lớn từ sáng sớm đã tập trung trước sân nhà. Tiếng nói cười rộn rã, trang phục đủ màu làm buôn Tara vốn yên bình bỗng vui hẳn lên.
Ai lạ thì lạ, chứ Y Kruin thì không. Bởi nó chính là cháu ngoại đầu tiên của ama Phan, và mấy năm nay, việc nhà dài của aê nó có đông người đến đã thành lệ thường. Bởi cả buôn Tara này chỉ còn có aê nó giữ được nếp nhà từ thời ông bà để lại. Thỉnh thoảng có đoàn đến, họ mang theo máy móc đủ loại. Nhưng Kruin thích nhất là những khi có các anh chị đang học phổ thông đến vào mỗi vụ hè. Đó là “các trại viên của trại sáng tác văn học của huyện đi thực tế” - như lời bác trưởng đoàn nói.
Năm nay cũng thế. Chiều qua, lúc đang  xem phim hoạt hình thì điện thoại nhà có cuộc gọi đến. Nó vội vàng đưa máy cho aê nghe. Nghe xong, aê vội khoác cái túi lên vai và dặn:
- Aê đi có công chuyện. Kruin coi nhà nhé.
Rồi aê tất tả lên xe đi. Kruin quay vào sân và trèo lên cây mận đỏ trước sân. Những trái mận chín đỏ như má mấy chị bữa nấu cơm hôm ăn cúng lúa mới vậy. Hái vài trái, nó vừa ăn vừa ném xuống trêu con chó vàng đang nằm ngủ say sưa dưới gốc.
Lúc mặt trời đã gần khuất sau dãy Chư Yang Sin, aê mới về đến nhà. Đi cùng aê, còn có bảy tám người đàn ông khác. Kruin nhìn và nhận ra ngay. Té ra aê đi mời các nghệ nhân để mai sẽ tông ching**cho các trại sinh của Trại văn học huyện nghe.
Đếm đó, bên bếp lửa, aduôn, aê  giục Kruin đi ngủ sớm. Và dù không muốn, nó vẫn phải nghe theo vì biết rằng nghe hóng chuyện người lớn là không nên.
Sáng sau, Kruin tỉnh giấc thì đã thấy nhà dài đông chật người trước sân. Nhìn là biết giờ là lúc aê và các người già sẽ giới thiệu bến nước cho các anh chị là trại viên nghe. Aê đứng trên sàn nhà, bên cạnh là các ama, mấy chú phóng viên đang ghi chép hoặc chụp ảnh. Sau khi thăm bến nước, mọi người về ngồi nghe các nghệ nhân tông ching. Dàn ching gồm 15 cái. Các nghệ nhân ngồi thành hàng dọc trên chiếc kpan dài suốt tung gah (gian trước của nhà của người Ê Đê- thường dùng để tiếp khách), và nhất loạt cùng đánh lên. Tiếng ching trầm ấm rộn rã và náo nức làm sao. Rồi buổi trưa các aduôn, amai, cùng ami nấu cơm cho tất cả cùng ăn. Bữa cơm dọn ra trên những chiếc chiếu ở ngay tung gah. Cơm  gạo trồng bên suối, thức ăn có cà đắng nấu với cá khô, thịt heo luộc, thịt heo kho, cá suối chiên…và cả những đĩa rau dớn hái bên bờ suối Ea Nah nữa. Mọi người vừa ăn vừa nói chuyện thật vui. Đến chiều aê lại giới thiệu nhà dài cho mọi người nghe. Kruin nghe đã nhiều lần, nhưng vẫn thấy thích lắm. Để làm được nhà này, các ama và trai tráng phải làm lễ trước một ngày, xin vào rừng chặt gỗ, cắt cỏ tranh về. Làm xong, mỗi khi có amai nào bắt chồng về thì lại làm nối thêm một gian nữa…Lời aê sang sảng.
Mong mãi rồi cũng đến tối. Cái bếp lửa đặt gần ngay cửa được chất thêm gộc củi lớn. Đó là một gốc cây cà phê rất to, ama định để bán cho ông Tư ngoài đường để ổng làm thành đồ mỹ nghệ bán, nhưng aê nói để đốt lửa đêm nay kể chuyện cho các trại viên Trại văn học nghe.
Và aê kể.
Ngày xưa, xưa lắm rồi, có chàng tù trưởng tên là Đăm San. Chàng là một tù trưởng hùng mạnh…
Y Kruin ngồi kề bên ama. Lời aê thủ thỉ, mơ hồ, lúc nghe thấy lúc không. Ngọn lửa trong bếp cứ bập bùng theo những làn gió đang thổi dào dạt ngoài sân. Kruin lơ mơ lúc ngủ lúc thức. Bỗng nhiên nó thấy mình đang đứng bên bờ suối, một người ngồi quay lưng lại. Ô, sao nhìn quen thế kia? Cái dáng ngồi dẻo như con rắn trong hang, con hùm bên bờ suối ấy mình đã thấy ở đâu rồi nhỉ? Người ấy quay lại. Té ra là aê. Tay aê đang cầm cái rìu. Kruin nhìn thấy khúc gỗ dưới chân aê và hiểu ngay. Aê đang tạc tượng. Cả vùng này, aê nói chỉ còn vài người còn biết tông ching, biết tạc tượng. Giọng aê thường trầm xuống khi nói câu đó. Aê sợ rồi đến lúc những người như aê dắt nhau về bến nước của ông bà thì sẽ không còn ai dạy cho lớp trẻ những điệu ayray, tông ching hay tạc tượng bằng dao, bằng rìu nữa.
Chàng đi, đi mãi mới đến được xứ sở của Nữ Thần Mặt Trời…
Kruin thấy ánh sáng chói lòa trước mắt. Cảnh vật xung quanh thật đẹp. Ngôi nhà dài vách bằng vàng, cầu thang bằng bạc lấp lánh. Người đông quá. Váy áo các chị thanh niên, áo trắng đồng phục học sinh, váy áo thổ cẩm rực rỡ muôn màu. Bỗng luồng ánh sáng chói lòa lại đến trước mặt. Lần này Kruin nhìn lên và thấy aduôn. Bộ đồ của aduôn với những hoa văn dệt bằng chỉ vàng chỉ bạc cứ lấp lánh và long lanh theo mỗi bước đi của aduôn. Aduôn khác quá. Aê chạy đến bên aduôn, aduôn lại chạy đi. Đang là mùa ăn năm uống tháng, mùa lễ hội, con trai con gái buôn Tara đang nắm tay cùng múa xoang mà sao aduôn lại chạy thế kia?
- Chàng về đi. Ta không thể về cùng chàng. Cánh rừng nào ta đi qua thì cây cối cũng bị khô héo, chim muông sẽ chết hết…
Kruin nghe mơ màng lời aduôn và tiếng ching“tùng  bli…tung bli” phụ họa. Nó thấy bữa có mấy người đàn ông ở đâu xa lắm đến ngó nghiêng rồi định chặt cả cây kơ nia to nơi góc suối Ea Nah, nơi nó và lũ bạn vẫn hay tụ tập sau lúc vùng vẫy dưới nước lên. Ơ, ai là người xấu, người ác cứ lo bắn thú, chặt hết cây đi thì chim chóc chết, cây chết, đất cũng không cho cái bắp to tròn những hạt, cây mía sẽ chẳng căng mọng nước ngọt và bầy ong sẽ chẳng kiếm đâu ra mật mỗi mùa hoa. Tại con người mình làm ra đấy chứ, đâu phải tại Nữ Thần Mặt Trời được? Kruin tự cãi lý trong đầu như vậy
…Thế rồi chàng Đăm San tung vó ngựa dồn dập chạy về phía cuối cánh rừng Sáp đen của bà Sun Y Rít. Chàng chạy đua với Nữ Thần Mặt Trời, người đàn bà đẹp với những ngón tay thuôn dài hồng hào và đôi bắp chân tròn chắc nịch sau gấu váy đung đưa, đung đưa ấy. Ngựa của chàng thở hồng hộc mà dường như vẫn là không kịp.  Nữ Thần đang từ từ hiện lên phía bên kia dãy núi Chư Yang. Thoạt tiên chỉ là những tia chớp óng ánh từ chiếc vương miện nàng đội trên đầu, rồi dần dần là mái tóc, vầng trán và đôi mắt nhấp nhánh của nàng. Khuôn mặt hồng hào của nàng cứ mỗi lúc một hiện rõ, rồi cuối cùng nhô hẳn lên bên trên những ngọn núi, bên trên những đám mây. Làn gió mát thổi mạnh dần, mạnh dần và rồi có lúc gió lồng lên như muốn chạy thi với ngựa của chàng. Con tuấn mã bờm vàng mắt đỏ phi chậm lại, vì đất bắt đầu mềm ra và nhão như nước. Chỗ ấy người ta đã chặn lại đắp lên một con đập. Bùn bắn lên tung tóe rồi ngập đến ngang chân ngựa, đến bụng ngựa và cả nửa ống chân người ngồi trên yên.
Trời ơi! Dậy đi nè, sao nói mớ dữ vậy kìa!
Tiếng người nói, tiếng cười khúc khích bên tai làm Kruin choàng tỉnh dậy. Té ra nãy giờ nó dựa vào thân chiếc ché bên góc cột nhà mà ngủ thiếp đi. Hình như trời đã gần trưa. Thế là aê kể khan cả đêm qua. Kruin nhìn lại, aê cũng đang ngủ bên cái kpan. Khuôn mặt aê hiền quá. Hình như aê đang mỉm cười. Kruin nhìn quanh. Mọi người đi đâu rồi kìa? Nó chạy ra cầu thang và dừng lại. Mọi người đang nghe ama nó kể về ngôi nhà dài và tập tục ăn cơm lúa mới của người Êđê. Các trại viên ghi chép chăm chú, chốc lại nghển cổ ngó theo tay ama đang lúc chỉ cái mũi nhà dài cong vút như mui thuyền, lúc lại chỉ bậc thang với đôi bầu vú mẹ căng tròn. Kruin thấy yêu thích không khí này, yêu căn nhà dài, yêu cái bếp lửa đêm qua bập bùng, và yêu giọng kể khan của aê quá. Nó chạy vào định thức aê dậy, nhưng anh Y Drao, cán bộ văn hóa xã xua tay:
- Suỵt! Để cho aê em ngủ thêm chút đi. Đêm qua aê kể khan, giờ ngủ mệt đó.
- Bư, mệt cái gì chứ? Aê ngồi nhỏm dậy, với tay lấy ly nước uống và nói tỉnh queo, cứ như không hề ngủ vậy.
- Ớ, Aê… Cháu tưởng Aê ngủ rồi chứ. Ít bữa nữa, Aê dạy cháu kể khan và tông ching nha. Cháu thích lắm.
 Kruin chạy lại rót thêm nước và bưng lại. Aê uống một hơi rồi đứng dậy và bước ra ngoài hiên nhà. Mái tóc trắng bồng bềnh cứ óng ánh những tia nắng buổi sáng trông thật oai phong.


Chú thích:* Tông ching: đánh, tấu chiêng.



Thứ Hai, 24 tháng 12, 2018

VÙNG ĐẤT HUYỀN DIỆU CỦA ĐẠI NGÀN tác giả HỒNG CHIẾN - NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ NGÀY 23 THÁNG 12 NĂM 2018




Thác Dray Drak thuộc xã Cư Pơng, huyện Krông Búk (Ðác Lắc) - một điểm đến nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Xuất phát từ thành phố Buôn Ma Thuột qua trung tâm xã Pơng Drang, sau đó rẽ trái chừng 30 km, đoàn chúng tôi đến với xã Cư Pơng thuộc huyện Krông Búk (Ðác Lắc). Ðây là xã Anh hùng Lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và ngày nay đang là một trong những điểm sáng trong xây dựng kinh tế, đồng thời cũng là vùng đất có nhiều tiềm năng tự nhiên với hệ thống thác nước đẹp có thể phát triển du lịch.

Nằm ngay trung tâm dãy núi cùng tên thấm đẫm những truyền thuyết của đại ngàn Tây Nguyên, Cư Pơng là nơi cư trú, sinh sống từ bao đời nay của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Ê Ðê. Vùng đất đỏ bazan màu mỡ này hiện hữu những thác nước đẹp với các tên gọi gắn liền với nhiều huyền thoại lịch sử một thời như Dray Drak, Dray Hue, Juh. Những dòng thác đều nằm trên dòng suối đầu nguồn của dòng sông Ea H’Leo bắt nguồn từ phía đông đổ về phía tây, đẹp như nhận xét của nhà văn Mai Khoa Thâu là những "nàng công chúa ngủ trong rừng" từ lâu nay. Thác Dray Drak nằm tại buôn Khal, cách trung tâm xã khoảng 6 km. Từ xa nhìn lại, màn nước từ đỉnh thác đổ xuống 20 m, tung bọt trắng xóa như tấm khăn voan bao phủ vầng cổ thanh xuân của tán cây rừng và nương rẫy, vườn điều xanh mướt của đồng bào nơi đây.

Tuy nhiên, đường vào thác khó đi, xe phải men theo con đường mới mở, hết rẽ phải, rồi rẽ trái, mãi mới tới một rừng điều khá tốt, trên cây quả chín treo đầy. Xe dừng, chúng tôi tiếp tục đi bộ gần 1 km nữa mới tới khu vực thác. Ðường đi nhiều chỗ dốc gần như dựng đứng, chỉ có một con đường mòn nhỏ đủ để đặt vừa bước chân xuống các hòn đá, tay cũng phải bám chắc vào các gốc cây mới có thể đi được. Từ đỉnh thác đi xuống dòng suối dưới chân thác, mọi người trong đoàn đều dừng bước và ồ lên ngạc nhiên trước vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên hùng vĩ nơi đây. Trời Tây Nguyên mới có vài cơn mưa đầu mùa chưa thấm đất, vậy mà dòng thác có ba ngọn đổ từ độ cao hơn 20 m, dội thẳng xuống, hơi nước bung lên ướt đẫm lá cây một vùng. Những khối đá dưới chân thác hình lục giác, đen bóng như được một bàn tay nghệ nhân tài ba tạo ra, sắp xếp lại. Ðứng dưới chân thác, ngước mắt nhìn lên thấy trời xanh trong veo. Anh cán bộ văn hóa xã Cư Pơng đi cùng đoàn cho biết: "Trước đây hai bên thác có hai cây đa to đến mấy người ôm, cành lá xanh tốt, tạo bóng mát che cho thác như hai cái ô lớn, trông rất đẹp, nhưng tiếc là cơn bão số 12 năm ngoái đã làm đổ mất. Hy vọng là từ gốc cây còn lại sẽ tái tạo được sau vài mùa mưa tới". Lãnh đạo xã Cư Pơng cho biết thêm, nhận thức được vẻ đẹp của thác Dray Drak mà thiên nhiên đã ban tặng, chính quyền và người dân đã dự tính sẽ trồng thêm cây ở khu vực quanh thác để tạo vẻ đẹp hơn nữa cho nơi đây. Hiện tại, hai bên bờ suối của thác nước vẫn còn khá nhiều cây cổ thụ, song tán cây quá nhỏ so với dòng thác có chiều rộng đến 20 m. Ngay dưới chân thác, các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong đoàn chúng tôi đã nhờ nữ nhà văn H’Phi La làm người mẫu để chụp ảnh. Bụi nước bay lên trắng xóa, ánh mặt trời rọi xuống tạo nên cầu vồng ngũ sắc lung linh như ôm lấy người mẫu. Nhìn nữ người mẫu Ê Ðê trong trang phục quần áo dân tộc ngồi bên dòng thác, có cảm giác như đang lạc vào thế giới của Yang trong cổ tích, như thực như mơ. Phía bên phải dòng thác có chùm rễ cây si. Mỗi khi có cơn gió thổi qua, từng chùm rễ như làn tóc dài của người phụ nữ Ê Ðê vờn qua dòng thác, níu kéo làn nước, làm tôn thêm vẻ huyền bí.

Ở Ðác Lắc, tên sông, suối, hay dòng thác bao giờ cũng gắn với một truyền thuyết bi thương của tình yêu đôi lứa, hay sự trái ngang của số phận con người như thác: Dray H’Linh, thác Dray Nu, thác Trinh Nữ, thác Krông Kma… hay sông Krông Na, Krông Nô, Krông Bông, Ea H’Leo... Thác Dray Drak cũng có những huyền thoại của mình, song chỉ có những người già mới nhớ được và đang dần chìm vào quên lãng. Anh cán bộ văn hóa xã cho biết đây là vấn đề trăn trở của các đồng chí lãnh đạo địa phương và không ít người tâm huyết mong muốn khai thác vẻ đẹp tự nhiên đầy tiềm năng của Dray Drak cho phát triển du lịch, chứ không chỉ là một cái tên đơn sơ, mộc mạc. Tôi chợt nhớ đến thác Thủy Tiên trên dòng sông Krông Năng thuộc huyện Krông Năng. Cách đây hơn 30 năm, thác không có tên, khi những thanh niên xung phong vào đây làm kinh tế mới, nhà thơ Trần Chi khi ấy đã đặt tên Thủy Tiên cho thác và ví như nơi đây có các nàng tiên trên trời vì mê cảnh đẹp nơi trần thế cho nên xuống tắm. Từ đó thác có tên và truyền thuyết dòng thác ra đời, lưu đến hôm nay, được nhiều khách du lịch yêu thích đến khám phá, tham quan và dần trở thành một điểm đến hấp dẫn của Ðác Lắc.

Nguồn: https://nhandan.com.vn/cam-nang/vung-dat-huyen-dieu-cua-dai-ngan-336927/

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2018

CHI HỘI VĂN HỌC VỚI NHỮNG HOẠT ĐỘNG TRONG NĂM 2018 của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 316 THÁNG 12 NĂM 2018



Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, trong những năm vừa qua văn nghệ sỹ Đắk Lắk nói chung và các anh chị hội viên trong chuyên ngành Văn học nói riêng đã có nhiều cố gắng trong hoạt động chuyên môn và đạt được những thành công nhất định thông qua các tác phẩm đoạt giải cao tại các cuộc thi, các kỳ liên hoan, triển lãm...
Tính đến ngày 30 tháng 11 năm 2018, Chi hội Văn học có 63 hội viên; trong đó từ 65 tuổi trở lên có 28 hội viên, chiếm tỷ lệ 44,44%; từ 30 tuổi trở xuống có 4 hội viên, chiếm tỷ lệ 6,34%; nữ 22 người chiếm tỷ lệ 34,92%; nữ dân tộc: 4 đạt tỷ lệ 6,34%. Lực lượng hội viên đa số cao niên, nhưng được động viên kịp thời, tạo niềm đam mê, khơi gợi cảm hứng sáng tác nên vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động chuyên môn do Hội và Chi hội tổ chức.
Một thuận lớn trong năm 2018, Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT được cấp ngay từ đầu năm nên Ban Chấp hành Hội đã có kế hoạch phân bổ và giao cho các chi hội chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, nhờ vậy Chi hội Văn học đã tổ chức được 7 chuyến đi thực tế sáng tác và trại sáng tác trong và ngoài tỉnh cho gần 100 lượt hội viên tham gia. Cụ thể: Tổ chức 4 chuyến đi thực tế sáng tác kết hợp với sinh hoạt chuyên môn cho hai tổ Thơ và Văn xuôi đến Hồ Lắk, thác Thủy Tiên, thác Dray Sáp, thác Gia Long có hơn 60 lượt hội viên tham gia. Tổ chức một chuyến đi thực tế và giao lưu với các tỉnh bạn khu vực miền Trung 7 ngày có 11 hội viên tham gia. Phối hợp với Nhà sáng tác Nha Trang tổ chức một trại sáng tác tại Nha Trang có 12 hội viên tham gia. Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức một chuyến đi thực tế sáng tác tại Công an huyện Ea Kar trong 3 ngày cho 5 hội viên. Tổ chức thành công cuộc Tọa đàm nâng cao chất lượng sáng tác bút ký văn học có gần 100 hội viên và bạn đọc tham gia.
Bên cạnh đó Chi hội còn cử hội viên đi thực tế sáng tác và trại sáng tác do Hội và các đơn vị khác phối hợp với Hội VHNT tỉnh tổ chức như: Cử gần 20 lượt hội viên tham gia 3 chuyến đi thực tế sáng tác về đề tài Công an do Hội phối hợp với Công an tỉnh tổ chức; Cử 29 lượt hội viên tham gia 3 trại sáng tác tại các huyện: Krông Buk, Ea H’Leo và thị xã Buôn Hồ; Cử 15 hội viên tham gia 2 chuyến đi thực tế sáng tác đến chiến khu Việt Bắc và Nam miền Trung; Cử 6 hội viên đi thực tế sáng tác ở vùng biên giới do Hội phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức; Cử 4 lượt hội viên tham gia 3 trại sáng tác do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức.
Chính nhờ những chuyến đi thực tế sáng tác và trại sáng tác kết hợp sinh hoạt chuyên môn đã giúp anh chi em hội viên nâng cao nhận thức, tin tưởng vào các chủ trương lớn của của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoàn thành nhiều tác phẩm phản bác lại các thế lực thù địch chống phá công cuộc xây dựng đất nước của Đảng và nhân dân ta.
Những đổi mới trong tổ chức sinh hoạt chuyên môn của Chi hội đã động viên được anh chị em hội viên say mê sáng tác, trong năm 2018 có hơn 250 tác phẩm được chọn đăng trên Tạp chí Chư Yang Sin và giới thiệu trên báo, tạp chí văn nghệ của các hội bạn. 10 tác giả có 13 tác phẩm được xuất bản, đó là: Nhà thơ Lê Thành Văn có tập tiểu luận phê bình “Miền thơ thao thức”; nhà văn Nguyễn Thị Bích Thiêm có tập truyện ngắn “Khi mẹ vắng nhà”; nhà văn Đỗ Trọng Phụng có tác phẩm “Dã thú”; nhà thơ Hồ Hồng Lĩnh có tập thơ “Đi qua ngày nắng”; nhà thơ Linh Vũ có ba đầu sách được in: tiểu thuyết “Người có lúc” và hai tập thơ “Chìa khóa mở vào thế giới” và “Tình yêu muộn”; nhà văn Nguyễn Liên có tập bút ký “Người Kiên Cường”; nhà thơ Bích Xoan có tập “Cung trầm”; nhà văn Đàm Lan có hai tập thơ xuất bản cùng lúc: “Bâng khuâng tứ tuyệt Đàm Lan” và tập “Trầm ca”; nhà thơ Lê Quý Phóng có tập thơ “Cây bằng lăng trổ hoa”; nhà văn Vũ Bình Lục có tập “Tùy bút”. Điều đáng mừng, trong số 13 tập sách được xuất bản, nhiều tập được các nhà xuất bản mua bản quyền, tác giả được nhận nhuận bút như: Tập truyện ngắn “Khi mẹ vắng nhà” của tác giả Nguyễn Thị Bích Thiêm, tập truyện ngắn “Dã thú” của tác giả Đỗ Trọng Phụng, tập bút ký “Người Kiên Cường” của tác giả Nguyễn Liên…
Nhằm động viên kiệp thời anh chị em hội viên có tác phẩm được xuất bản, trong năm Chi hội đã tổ chức 4 buổi giới thiệu tác phẩm mới phối hợp với sinh hoạt chuyên môn, giới thiệu 6 tác phẩm cho 6 tác giả: Tiểu thuyết “Người có lúc” của hội viên Linh Vũ, tác phẩm “Dã Thú” của hội viên  Đỗ Trọng Phụng, tập bút ký “Người Kiên Cường” của hội viên Nguyễn Liên, tập thơ “Cung trầm” của hội viên Bích Xoan, Tập thơ “Cây bằng lăng trổ hoa” của hội viên Lê Quý Phóng và tập truyện ngắn “Khi mẹ vắng nhà” của hội viên Nguyễn Thị Bích Thiêm.
Căn cứ theo kế hoạch Ban chấp hành Chi hội đề ra, được sự thống nhất của Ban chấp hành Hội, năm 2018 đã hỗ trợ cho 5 tác phẩm của 5 năm hội viên: Tập truyện ngắn “Khi mẹ vắng nhà” của hội viên Nguyễn Thị Bích Thiêm, tác phẩm “Dã Thú” của hội viên Đỗ Trọng Phụng, tập thơ “Đi qua ngày nắng” của hội viên Hồ Hồng Lĩnh, tập thơ “Cung trầm” của hội viên Bích Xoan, Tập thơ “Cây bằng lăng trổ hoa” của hội viên Lê Quý Phóng với tổng số tiền 23 triệu đồng.
Với những thành công trong năm 2018 cả về công tác chuyên môn cũng như tổ chức các hoạt động khác do Hội và Chi hội tổ chức, chúng ta mong và tin tưởng bước qua năm 2019 – năm cuối của nhiệm kỳ Ban chấp hành Chi hội khóa VI, (2014 – 2019), Chi hội Văn học sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc kế hoạch mà Đại hội VI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 của Hội VHNT Đắk Lắk đề ra, gặt hái được nhiều kết quả trong sáng tạo văn học.

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

TRỞ LẠI BUÔN M’UM bút ký của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC SỐ RA THÁNG 12 NĂM 2018






Từ thị trấn Ea Kar, xuôi theo Quốc lộ 26A về phía thành phố Nha Trang khoảng 10 km đến thị trấn Ea Knôp rẽ phải theo đường vào hồ chứa nước Krông Păc Thượng, đến trụ sở xã Ea Păl rẽ trái vào UBND xã Cư Prông, đi tiếp 8 km nữa là đến buôn  M’Um – anh cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện đưa đoàn đi giới thiệu như vậy. Xe chuyển bánh, bon bon trên đường nhựa rải thảm bê tông rất đẹp, nhiều người xúyt xoa: sao ở vùng này có con đường đẹp thế! Anh cán bộ địa phương đi cùng đoàn cho biết: Con đường này làm để đi vào hồ chứa nước Krông Păc Thượng nên mới được như vậy đấy! Hai bên đường nhà cửa nhân dân xây dựng rất đẹp, toàn nhà xây, mái lợp tôn lạnh hoặc ngói đỏ tươi như một lời khẳng định vùng quê trù phú làm tôi bồi hồi nhớ lại...
Năm 1985, sau khi học xong Cao đẳng sư phạm, tôi được điều về công tác tại Trường phổ thông cơ sở 333 đóng trên địa bàn thị trấn Ea Knôp bây giờ. Thời ấy nhà cửa còn thưa thớt, chủ yếu nhà tranh vách đất của các hộ công nhân – những người bộ đội thuộc Sư đoàn 333, quân khu 5 chuyển qua Bộ Nông nghiệp để làm kinh tế, đổi tên thành Xí nghiệp liên hợp 333 đóng quân trên địa bàn các huyện: Krông Păc, Krông Buk, M’drak thuộc tỉnh Đắc Lắk và huyện Vạn Giã, tỉnh Khánh Hòa. Con đường nhựa bê tông hôm nay, trước đây là con đường ủi tạm xuyên qua các cánh rừng già nguyên sinh, cây cối rập rạp có rất nhiều loài thú quý hiếm sinh sống như: voi, hổ, báo, bò tót... Dốc Đất – một địa danh được bộ đội đặt tên để phân biệt với dốc Đá là hai cái dốc rất nguy hiểm trên con đường nối từ trung tâm Xí nghiệp Liên Hợp 333 tới các Nông trường 714 và 717 ở phía đông nam dưới chân dãy núi Chư Yang Sin. Mùa khô, đất tơi ra như bột, đi ngập bàn chân; nếu đang đi mà có xe ô tô hay máy cày chạy qua thì... người đi đường bị phủ một lớp bụi như được hóa trang bằng đất vậy; còn mùa mưa con đường trở thành một đám sình lầy có đoạn xe đạp phải vác trên vai chứ không thể dắt đi được. Dốc Đá, cái tên đặt cho đoạn dốc cao chót vót, được rải đá hộc để các loại xe ô tô, máy cày, máy kéo mới leo lên được khi mùa mưa đến; qua dốc Đá khoảng hai Km lại gặp dốc Đất; tuy không cao như dốc Đá, nhưng dốc Đất dài hơn và không kém phần nguy hiểm cho các loại phương tiện khi qua đây. Khoảng năm 1990 trở về trước, ở vùng rừng hai con dốc này có một bầy voi 13 con thường ăn nơi đây; có đêm chúng mò đến tận các lán người dân dựng tạm làm rẫy, kéo sập xuống để xem trong đó có gì; hoặc đi nhổ bắp, khoai mì mới trồng để ăn; nhưng chưa làm hại người bao giờ, sau này do tốc độ phá rừng lấy đất sản xuất diễn ra nhanh quá, bầy voi đi mất.
Xe qua UBND xã Ea Păl một chút rẽ trái, con đường trước đây chắc được rãi nhựa, nay đã hư hỏng gần như hoàn toàn, mặt đường toàn ổ trâu, ổ voi, lổn nhổn đá và nhựa cục còn sót lại; xe đi như múa trên đường tránh các vũng lầy thêm gần 10 km nữa tới được UBND xã Cư Prông. Những cánh đồng mía vừa qua thu hoạch, rừng cao su tươi tốt và những mái nhà xây kiên cố kiểu mái Thái lợp tôn, lợp ngói nối đuôi nhau chạy qua cửa xe lùi lại phía sau ngầm giới thiệu với mọi người một vùng quê thanh bình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Xe qua UBND xã Cư Prông đến một ngã ba, anh cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện bảo lái xe dừng lại để hỏi đường vào buôn M’Um. Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu cười, hỏi:
-         Cậu đã vào buôn lần nào chưa?
-         Dạ, đây là lần đầu tiên em đi đấy ạ!
Mọi người trên xe bật cười. Tôi bảo:
-         Rẽ trái theo con đường chạy song song với suối ấy.
-         Sao anh biết ạ? Anh cán bộ địa phương đi cùng đoàn ngạc nhiên hỏi lại.
- Từ năm 1992 trở về trước, mình có gần 5 năm trời theo người dân vào trong này đi chặt mây và tìm trầm; ngày ấy nơi đây chỉ là con đường mòn, dân các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn di cư tự do vào đây phá rừng làm rẫy, đêm đến thường bị hổ xuống bắt trộm chó và heo nữa đấy.
Nhiều người cùng ồ lên ngạc nhiên khi trước mắt họ giờ đây là những cánh đồng lúa nước mới vào vụ gieo trồng xen cánh đồng màu nối liền đến triền đồi; bắp, đậu các loại xanh mượt mà, triểu quả trải dài đến hết cả tầm mắt. Trước đây vùng này là đồi cỏ gianh xanh tốt kéo dài đến tận chân núi cao mới có rừng già. Mùa khô, chỉ cần một tàn lửa các qủa đồi sẽ thành biển lửa thiêu rụi tất cả, để trơ mặt đất đầy tro than. Khi mưa xuống cây cỏ đội đất ngoi lên phủ một màu xanh tươi mát, rộng hàng chục km vuông; khi ấy các loài thú ăn cỏ kéo nhau về từng đàn đông đúc như: heo, nai, mang, sơn dương, bò tót, voi... trông cứ như trong phim về cảnh ở khu bảo tồn châu Phi. Thú ăn cỏ về nhiều kéo theo các loài ăn thịt như: hổ, báo, chó sói... cũng tìm đến; nhiều lần người đi rừng nhặt được cả nửa con heo hay nai chúng ăn không hết bỏ lại.
Xe leo lên đỉnh đèo, trước mắt mọi người hiện lên một thung lũng rộng lớn bốn phía núi cao bao bọc, chỉ có đỉnh đèo nơi xe đang dừng là thấp nhất. Trời đổ mưa, những hạt mưa nặng dần làm dãy núi phía đông cao sừng sững, xanh ngắt bồng bềnh trong mây. Từ đỉnh đèo nơi chúng tôi đứng xuôi xuống thung lũng giờ đã thành nương rẫy cả. Dưới thung lũng như một lòng chảo lớn, những ngôi nhà xây cấp bốn xen lẫn những ngôi nhà sàn kiểu miền Bắc được lợp ngói hoặc tôn lạnh lấp lánh trong mưa như những bông hoa, cả thôn không còn một ngôi nhà lợp cỏ gianh hay lá mây. Lưng chừng đèo một chiếc xe tải lớn đang nặng nề leo qua con đường lầy từ ngang triền đồi ra đường lớn, trên thùng chất đầy khoai mì. Có ai đó reo lên: Buôn M’Um! Tôi cười, giải thích: Kiểu nhà này là của người dân tộc phía Bắc chứ không phải nhà người Êđê đâu. Nhà người Ê đê sàn cao, có từ một đến hai cái cầu thang làm bằng một thân cây đặt ở đầu hồi nhà, vách nhà thường dựng nghiêng khoảng 15 độ; còn nhà ở đây cầu thang làm bằng những tấm ván ghép lại, vách nhà dựng vuông góc với sàn.
-Thầy hiểu người Ê đê hơi kỹ đấy – H’Xíu Hmok, cô hội viên trẻ tuổi nhất Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, người Ê Đê, mới tốt nghiệp Đại học báo chí ra chưa xin được việc, thành viên của đoàn nói như reo lên.
- Trước đây thầy có vào buôn M’Um mấy lần, buôn ở dưới chân cái yên ngựa thấp nhất dãy núi phía xa xa kia kìa, leo qua đó là đến trang trại cà phê Trung Nguyên. Ngày ấy, đứng ở buôn buổi sáng hay lúc gần tối, tiếng hót của vượn, wọc trên rừng vọng xuống nghe rõ mồn một. Mùa nào thức ấy, người dân lên rừng đưa sản vật về dùng như người ta lấy trên nương, trên rẫy vậy. Người dân dùng cuốc và xà – gạc làm công cụ lao đông sản xuất, không dùng sức kéo của trâu bò. Tất cả các thửa ruộng ven khe suối đều hẹp, diện tích không lớn lắm, nhưng lúa trồng ở đây tốt lắm.
- Thế ạ! H’Xíu ngạc nhiên hỏi lại.
Xe tiếp tục xuôi đèo xuống thung lũng, anh cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện thông báo: Cán bộ xã đã vào trước, đang đợi ta trong buôn rồi! Xe chạy mãi đến hết đường, phía trước mặt một con suối lớn chắn ngang, không có đường sang. Mọi người đang ngạc nhiên chưa biết đi đâu, chuông điện thoại của cán bộ dẫn đường reo, anh trả lời máy rồi quay lại nói với đoàn: Ta đi quá một chút rồi, quay lại thôi. Xe vừa quay đầu xong đã thấy một thanh niên còn khá trẻ chạy xe máy đến: Em thấy xe chạy qua, vẫy mãi mà các bác không dừng. Mời các bác lại nhà buôn trưởng, chỗ dựng cái xe máy Honda AB đỏ kia kìa.
Nhà buôn trưởng mái ngói, sàn ván, vách ván có 4 gian làm phòng khách, hai gian phía sau làm buồng ngủ. Trong phòng có giàn Karaoke, tivi mau 21 in; đặt trong tủ đứng kiểu mới và bộ xalong. Vợ chồng chủ nhà ra đầu cầu thang đón khách. Ông chồng cụt bàn tay phải nên đưa tay trái ra bắt, người mảnh khảnh, cao, trán hói, đầu còn lưa thưa mấy sợi tóc, tuổi chắc cũng phải gần 50; bà vợ thấp hơn một chút, nhưng mập mạp, miệng cười rất tươi. Anh cán bộ Văn hóa xã giới thiệu: Ông Y Bhăm Bya – buôn Trưởng và vợ buôn trưởng, bà H’Thuận Niê – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cư Prông. Buôn Trưởng Y Bhăm cho biết: buôn M’Um có 35 nóc nhà, 40 hộ, 197 nhân khẩu. Toàn buôn có 02 người kinh là phụ nữ lấy chồng về đây còn lại là người Êđê. Hiện nay buôn còn 23 hộ 90 khẩu thuộc diện nghèo theo tiêu chí mới. Nguyên nhân còn các hộ nghèo nhiều do sinh nhiều con, ít sức lao động và thiếu đất canh tác nhưng nhìn chung vẫn đủ ăn quanh năm. Bà H’Thuận nói thêm vẻ tự hào: “Trong buôn nhà nào cũng có tivi, có điện lưới quốc gia rồi đấy”. Tôi hỏi: “Buôn mình định cư ở đây lâu chưa? Hình như trước kia ở phía bên kia suối Ea Sal chứ không phải ở đây”. Bà H’ Thuận tròn xoe mắt nhìn tôi, hỏi lại: “Sao anh biết?” Ông Y Bhăm trả lời: “Buôn cũ ở chỗ trụ sở UBND xã đóng bây giờ, năm 1962 bọn Mỹ - Ngụy dồn dân lập ấp chiến lược, bắt nhân dân về nhốt ở xã Krông Jin, quận Khánh Dương; sau giải phóng tình hình còn phức tạp nên mãi năm 1985 dân mới vượt cái đèo kia – ông chỉ lên cái yên ngựa trước nhà, lên đây làm rẫy, rồi ở lại lập buôn ở bên suối dưới chân núi, sau này mới chuyển ra đây. Sao anh biết buôn cũ”? “Mình dạy học ở huyện M’drak từ năm 1977 đến năm 1983 mới đi học, học xong chuyển về công tác ở huyện Ea Kar, khoảng năm 1988 đến 1992 thỉnh thoảng có vào đây”.
- Nai (1)... thầy Chiến! H’ Thuận đứng bật dậy, reo lên nắm lấy tay tôi – Em nè thầy, hồi thầy dạy bọn em năm 1978, em và H’Loan hay đi theo thầy với cô Tường cùng quê với thầy đấy, thầy nhớ không?
- H’Loan có nước da trắng, mặt tròn ở buôn M’Um, gần nhà cô giáo H’Ni.
- Đúng đó thầy, ôi vừa gặp thầy em đã thấy ngờ ngợ như gặp ở đâu, quen lắm mà chưa nhận ra. Thầy vẫn trẻ thế, bọn em già hết rồi!
Thật bất ngờ khi gặp lại cô học trò nhỏ bé ngày xưa nay đã là một cán bộ xã, mọi thứ đã thay đổi, chỉ riêng đôi mắt và nụ cười thì không lẫn vào đâu đươc. Thời ấy tôi là thành viên trong đoàn 18 giáo sinh Thanh Hóa được điều về huyện M’drak công tác; trong đoàn có mười người cùng quê huyện Nông Cống: tám nam, hai nữ; chúng tôi ngày lên lớp, tối về phải thay nhau ôm súng tuần tra, canh gác sẵn sàng chiến đấu chống lại bọn FunRol tập kích. Năm học 1977 – 1978, tôi và cô Viên Thị Tường được cử đi dạy lớp 3 và lớp 2 mở tại buôn Um. Trường lúc ấy chỉ dựng tạm bằng tre nứa, lợp cỏ gianh. Học trò vừa học nói tiếng phổ thông, vừa học chữ; còn thầy cô vừa dạy chữ vừa học lại tiếng các em. Giờ ra chơi, mấy em gái chạy về nhà, mang chuối, ổi, khoai mì nướng ra mời thầy cô ăn, vui lắm. Thấm thoắt thế mà đã gần 37 năm rồi, trong số mười người chúng tôi thời ấy nay đã mất đi hai người, họ đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ như anh Đỗ Văn Loan, ở xã Thăng Bình, vừa nhận quyết định bổ nhiệm Phó hiệu trưởng trường Việt Xô - nay là đổi tên thành trường Trung học phổ thông Trần Quốc Toản, huyện Ea Kar đã đột ngột ra đi; hay anh Nguyễn Văn Tường vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Mdrak khi tuổi nghề đang độ chín. Số người còn lại do yêu cầu công tác như anh Đỗ Gia Mai người xã Minh Nghĩa sau khi tốt nghiệp đại học Đà Lạt đã ở lại luôn bên ấy công tác; cô Viên Thị Tường chuyển về thành phố Buôn Ma Thuột nay đã nghỉ hưu, cô Nguyễn Thị Hồng chuyển về quê và tôi cũng phải đi do yêu cầu của tổ chức. Bốn thầy ngày ấy, hôm nay còn trụ lại, đều là cán bộ chủ chốt của huyện M’drak như anh Vũ Hữu Nhân - Phó bí thư Huyện ủy, anh Lê Đình Điền – Chủ tịch huyện, anh Lê Cảnh Truật – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện và anh Nguyễn Văn Tuấn – Hiệu trưởng trường THCS. Có thể nói, lớp chúng tôi ngày ấy đã dâng hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất cho quê hương mới huyện M’drak, tỉnh Đắk Lắk, và góp phần đào tạo, bồi dưỡng được những thế hệ kế tiếp để gánh vác công việc thế hệ trước giao lại. Một thời gian khổ, một thời khó khăn cuối cùng cũng đã qua đi, những thầy cô và học sinh chân đất học trong lớp mái gianh vách đất khi xưa nay đã viết nên trang sử mới ở vùng đất mới.
H’Thuận xúc động cho tôi biết: kinh tế buôn em so với mặt bằng chung nơi đây thì chưa bằng vì cả buôn mới có 12 ha lúa nước hai vụ, hơn 20 ha trồng khoai mì; dân còn nghèo vì thiếu đất canh tác, nhưng dù có nghèo mấy cũng không phá rừng thầy ạ. Nhưng tình hình này không biết giữ được bao lâu nữa, gỗ lớn nhà nước đã khai thác, số còn lại bị lâm tặc ngày đêm trộm cắp; anh bí thư chi bộ thôn lên tiếng ngăn chặn bọn chúng thì bị chúng trả thù, chặn đánh giữa đường đến phải nhập viện. Lời nghèn nghẹn và chùng xuống của H’Thuận làm tôi cũng thấy bồi hồi, trách nhiệm của toàn xã hội nói chung và từng chi bộ, từng cán bộ thôn buôn nói riêng là vận động đồng bào cùng chung tay giữ rừng; nhưng bọn lâm tặc manh động hoàng hành, thì việc giữ rừng chắc chắn còn nhiều cam go thử thách và rất cần các cơ quan chức năng chung sức cùng làm. Ba hướng bắc, đông, nam của buôn được núi cao bao bọc, trên núi vẫn còn một màu xanh ngắt của đại ngàn và chùm quả chôm chôm khi bóc vỏ để lộ ra màu vàng nâu như mật ong rừng để lâu ngày, ăn có vị chua chua, ngọt ngọt đúng là đặc sản của đại ngàn; các cháu hái về để giành ăn dần, và má chúng - cô học trò nhỏ của tôi ngày nào, hôm nay mang mời thầy giáo cũ thưởng thức để nhớ lại một thời không thể nào quên.
Buôn M’Um, vẫn chỉ một con đường duy nhất chạy từ hướng tây qua đông đến buôn và hai bên đường là những ngôi nhà sàn dài lợp ngói, lợp tôn thay cho mái lá mây, cỏ gianh thuở trước. Buôn vẫn rất sạch sẽ vì vắng bóng heo thả rông và rất ít gà. Quanh các mái nhà sàn ấy bóng cây xoài, cây mít triểu quả đứng khoe sắc. Một số gia đình đã có chuồng nuôi bò làm xa nhà, đảm bảo vệ sinh. Già làng Y Gút còn có tên gọi thân mật - Ma Tiêm nói với tôi: Gần một nửa các hộ trong buôn có xe máy, cánh thanh niên thì nhiều đứa có di động, nhà nghèo cũng có một hai con bò, nhà khá hơn có 5 con. Các cháu đến tuổi được đến lớp đi học chữ, phong tục cúng bến nước hằng năm vào ngày mùng bốn tháng một vẫn duy trì thường xuyên; mọi người bảo nhau sống hòa thuận, thế là vui rồi.
Người dân trong buôn M’Um có cuộc sống rất riêng, không sôi động ganh đua làm giàu, tìm cách làm giàu như những người trong vùng; họ bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Một vùng quê thanh bình, êm ả đến khác lạ. Theo bà Lưu Thị Thủy – Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Cư Prông cho biết: “Cả xã có hơn 75% dân số là dân tộc ít người, chủ yếu ở hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn vào làm ăn, sinh sống; ai cũng lo làm giàu và mong làm giàu; riêng dân buôn M’Um lại chỉ cần đủ ăn; xã đã từng đưa cây giống, rồi con giống như: bò, lợn, gà, vịt... vào hỗ trợ nhưng kết quả không khả quan; ngay cả vận động cho vay tiền ngân hàng để đầu tư sản xuất, dân cũng không ủng hộ; hình như họ vẫn quen với tập tục cũ”!
Cách chăn nuôi, sản xuất cũ thì không thể duy trì, cần có sự thúc đẩy ngay từ lớp trẻ để họ biết làm giàu và thích làm giàu bằng con đường chính đáng của vùng quê mình là cần thiết để nâng cao mức sống cho gia đình và bản thân là hết sức cấp bách, cần có sự quan tâm của cả cộng đồng xã hội; nhưng những phong tục, tập quán cổ truyền đến nay buôn còn lưu giữ được là hết sức đáng trân trọng, cần phát huy.

 Núi Chư Pal cao lắm, rộng lắm, nó là dãy Chư Yang Sin kéo dài ra; nhưng dù cao, dù rộng đến đâu cũng có giới hạn nhất định, nếu ta không biết gìn giữ, bảo vệ thì rừng sẽ mất đi. Rừng mất đi, các dòng suối sẽ khô cạn, và nước sẽ không còn thì lấy đâu ra bến nước để thờ cúng. Cái lý lẽ đó của người Ê đê nơi đây quả thật rất đáng để suy nghĩ. Tạm biệt cô học trò nhỏ ngày nào, tạm biệt buôn M’Um, tôi thầm mong những người dân buôn M’Um sẽ biết làm giàu một cách chính đáng, nhưng vẫn giữ được rừng, giữ được nét văn hóa đặc trưng tuyền thống dân tộc của người Êđê để lưu lại cho các thế hệ mai sau, điều đó qúy giá lắm. Chúng ta hy vọng như thế!






Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

ĐỌC TẬP THƠ "ĐI QUA NGÀY NẮNG" CỦA HỒ HỒNG LĨNH lời bình của LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN SỐ: 314 - THÁNG 11 NĂM 2018


Nhà thơ HỒ HỒNG LĨNH

Hồ Hồng Lĩnh làm thơ nhọc nhằn, cẩn trọng như con ong hút mật - loài ong "bay đến trọn đời tìm hoa" - bởi anh viết bằng tâm thức của người yêu thi ca đích thực. Đi đến đâu, Hồ Hồng Lĩnh cũng mang về những bài thơ "nóng hổi", hay có mà tầm tầm cũng có. Thơ tình yêu, thơ viết về các danh thắng, thơ trữ tình thế sự... Tôi đọc lẻ tẻ thơ anh nhiều, bây giờ mới thực sự đọc nguyên tập khi còn là bản thảo để làm người giới thiệu tập thơ thứ ba này: Đi qua ngày nắng. Tập thơ vẫn nối tiếp mạch nguồn cảm hứng nội dung và phương thức biểu đạt mà Hồ Hồng Lĩnh từng trải nghiệm, dấn bước từ hai tập thơ trước là Quá giang và Sang mùa. Có điều, ở tập thơ này, người đọc dễ nhận ra đề tài phong phú và có sự chọn lọc tinh tươm hơn; thi pháp chín và nhất quán hơn trong cách thể hiện. Đó chính là những nét thành công cơ bản trên cái nhìn tổng thể, khách quan.
Với nhà thơ Hồ Hồng Lĩnh - người con xứ Nghệ sớm bước tha phương nên tình yêu quê hương xứ sở luôn đậm sâu, "nôn nao nhịp thở" ngày anh trở về chốn cũ. Từ miền quê thanh bình, yên ả nơi anh sinh ra (Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu - Nghệ An), đi qua dòng sông xanh nước chè hai (nước lợ) là ta gặp ngay biển xanh cát trắng thuần khiết, ân tình. Đây là hình ảnh con đường làng kéo dài trong tâm tưởng như nỗi nhớ vô biên dâng trào mãnh liệt: "Tôi chạy trên đường làng/ ký ức xa/ nôn nao nhịp thở/ như đụng vào chiều dài nỗi nhớ/ đôi bờ xanh mải miết xóm làng..." (Đường làng). Tình yêu quê hương gắn với tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng được anh biểu đạt bằng những câu thơ mới mẻ, trữ tình và mang đậm sắc thái cá nhân: "Tôi đã về đây, đã về đây/ hứng giọt ngọt đậu trên cành thơ bé/ tuổi thơ mơn man chồi non mưa tháng Bảy/ đuổi bắt chuồn chuồn bến Cầu ao buổi nọ/ những trưa thả diều/ nắng ngậm hồn say..." (Tuổi thơ... xa)
Tình yêu quê hương xứ sở trong thơ Hồ Hồng Lĩnh còn là mảng hồn của cha mẹ sinh thành, bà con và anh em ruột rà thân thích. Anh sớm tha phương, nên tấm lòng trước sau vẫn đau đáu hướng đến những người thân yêu nhất: "Nấm mồ xa/ mẹ nằm trong hoàng hôn cỏ úa/ con nghe nỗi đau phiền muộn..." (Tháng Mười cho ta được nhớ). Anh thấu hiểu nỗi lòng người cha gửi tình cảm cho con từ tâm sự một người anh trong dòng tộc, nghe thiết tha và sâu lắng bằng những câu thơ cô đọng nhưng lan toả nỗi niềm: "Cha/ một chiều mưa đến đợi/ hốc mắt ngã vào con/ lời gửi" (Lời gửi). Anh thương người em họ cùng nơi chôn rau cắt rốn mãi nằm lại nơi chiến trường Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm xưa. Nhờ đó, thơ anh có lúc nghẹn ngào, bật thốt nên dễ chạm được nỗi đau tận đáy cõi hồn người. Hãy nghe Hồ Hồng Lĩnh bồi hồi kể lại: "Đỏ lửa hè - Quảng Trị/ thảm khốc cho từng ngọn cỏ tiếng ve/ Thạch Hãn dựng lên/ những cột cao gào thét/ máu lửa đỏ một dòng sông chết/ ta biết em ẩn mình trong đó/ cát sương" (Giấc mơ gãy cánh). Thương quê, thương yêu những con người hiền lành và chân chất trong gia đình họ mạc, Hồ Hồng Lĩnh tắp táp "biển quê chát nắng mà se bùi ngùi". Cái tình anh đậm sâu, nên thơ viết về đề tài này cũng thăm thẳm ân tình và mênh mang nỗi niềm hoài cảm.
Từ quê hương bản quán đến vẻ đẹp núi sông, đất nước là mạch ngầm tuôn chảy không sao khác được. Hồ Hồng Lĩnh là nhà thơ bén nhạy với mảng đề tài viết về danh lam thắng cảnh. Nhiều thi phẩm trong tập thơ Đi qua ngày nắng đã nói lên điều đó: Bên hồ Xuân Hương Đà Lạt, Về đâu..Thuỷ Tiên ?, Núi Đá Voi, Trưa hồ Lắk, Về Cần Thơ, Nhà hát Cao Văn Lầu, Điện gió... Đây là mảng thơ dường như mang tính sở trường của anh nên phần lớn khá hay và đong đầy cảm xúc. Viết về Đà Lạt, Hồ Hồng Lĩnh có những câu thơ giàu hình tượng, rất thi sĩ: "Như giấc mơ hoa/ đậu xuống phố phường Đà Lạt/ một thung xanh/ mềm nắng trưa hè/ non nước tôi qua/ mảnh hồn nghiêng bóng" (Bên Hồ Xuân Hương Đà Lạt). Với Sài Gòn, nhà thơ có cách cảm nhận riêng thật ấn tượng, không lặp lại bất kỳ ai. Đó là sự phát hiện mối tương quan hai mặt của một phố thị sôi động vào bậc nhất nước ta. Sài Gòn phù hoa, dữ dội nhưng cũng đôn hậu, dịu dàng: "Đôn hậu nơi Sài Gòn rất mực/ hối hả phù sa vẫn về cho căng trẻ/ gương mặt em ửng hồng hoa trái/ ta vẫn yêu sự sôi động Sài Gòn/ như bước chân em nhịp sông ra biển/ như cuộc tình đôi lứa xuân xanh" (Với Sài Gòn). Đối với mảnh đất Đắk Lắk, vùng đất được xem là quê hương thứ hai nơi anh đang sinh sống, vậy mà nếu có dịp đi đến địa phương nào, nhìn thấy cảnh vật gì là dường như Hồ Hồng Lĩnh có thơ cảm tác ngay. Anh nhạy bén, dễ xúc động và có cái nhìn yêu ái với mỗi mặt hồ, con suối, dòng sông, ngọn thác... Đến thác Thuỷ Tiên huyện Krông Năng, nhà thơ bộc tràn cảm xúc qua lời hô gọi mở đầu tha thiết: "Em ngủ trong rừng sâu", xung quanh "em" là vẻ đẹp thần tiên, thoát tục: "gió thơm, trăng dịu, nắng ngọt ngào" (Về đâu... Thuỷ Tiên?). Hồ Lắk, một thắng cảnh nổi tiếng thuộc huyện Lắk, nhà thơ Hồ Hồng Lĩnh lại chạnh niềm cảm khái về món ngon ẩm thực vốn xưa kia là của người dân bản địa giờ đã thành đặc sản ở nhà hàng: "bữa cơm nhà hàng con cá măng đã thành đặc sản/ người bản địa đành dùng chung với đồ hấp, đồ lạnh" (Trưa Hồ Lắk). Anh nghe lòng nghẹn ngào, phản tỉnh khi đứng giữa xứ sở của loài voi mà cảm giác lạnh lùng, mất mát xâm chiếm lòng mình. Anh đau khổ khi nhìn văn hoá truyền thống của người dân nơi đây dần bị mai một, bị lấn át, thậm chí vùi khuất dần không sao cưỡng được: "Trưa hồ Lắk/ đi qua Buôn Jun, Buôn Liêng/ chái nhà sàn hỗn độn mộc và xây/ không thấy em gái M'Nông chằm sợi ngang sợi dọc/ vựa trứng vịt hình như người ta lưu tâm hơn cả". (Trưa hồ Lắk). Đến thác Dray Nur, Hồ Hồng Lĩnh không những cảm động bùi ngùi từ huyền thoại "con sông chia đôi sau cơ nhỡ cuộc tình", anh còn lắng lòng mình nghe lời khan của già làng để rồi xa xót nhận ra một hiện thực đau lòng: "Thác Dray Nur trầm hùng và quặn réo/ ta không khóc câu chuyện tình buồn của người đã lùi vào thiên cổ/ khóc cho sự hiển nhiên thất thường no đói của ngươi/ khóc cho yết hầu mùa khô dòng sông quắt quay đói khát" (Dray Nur hôm nay)... Nghĩa là với nhà thơ Hồ Hồng Lĩnh, mảng thơ viết về thắng cảnh quê hương đất nước là nguồn cảm hứng không hề vơi cạn. Đến đâu, vẻ đẹp mỗi tên đất, tên làng mến yêu của đất nước ta đều được ghi lại dấu ấn trong thơ anh đậm nét. Từ đó, người đọc dễ nhận ra sự ân tình, trìu mến của một hồn thơ nhân hậu, giàu tình cảm yêu thương.
Trong tập thơ Đi qua ngày nắng, nhà thơ Hồ Hồng Lĩnh cũng dành một số bài viết về tình yêu đôi lứa. Đâu đó, ẩn chìm trong các thi phẩm viết về cảnh sắc quê hương, bạn bè ngày hội ngộ, thi thoảng có những câu thơ phảng phất hương vị tình yêu một thuở đầu đời. Các thi phẩm Trăng lạnh, Cuối chạp, Mua lại dại khờ, Hương ổi, Đi qua ngày nắng, Lời nào cho em, Dịu dàng... xem như một mảng nhỏ thơ tình yêu mà tác giả góp vào tập thơ cho đa thanh, đa sắc. Thơ tình yêu Hồ Hồng Lĩnh không bay bổng, lãng mạn mà "xon xót", cảm thương, nhức buốt nỗi niềm. Bài thơ Trăng lạnh ngân lên như tiếng thở dài não ruột. Tiếng trăng rơi vàng vọt hay đó là tiếng lòng xa xót lúc khuya buồn? Phải nói, chính nỗi lòng thi nhân hoà điệu với vầng trăng "lỡ thì" dang dở nên thơ giàu tâm trạng cảm thông: "Xon xót từng giọt khuya/ rớt xuống đèn đường/ ám dụ trăng/ lỡ thì/ vàng vọt/ đêm thở dài hay ai đó thở dài..." (Trăng lạnh). Buồn và cô đơn không kém gì tiếng lòng trong Trăng lạnh, tác giả hoài niệm về hình bóng người con gái thời chiến tranh đi qua bom đạn với hương ổi tình yêu chôn chặt một nỗi đời: "hương ổi/ theo em vào cuộc chiến/ cầm tuổi xuân đi dọc dài sông bom đạn/ hương kín mùa/ mà chôn chặt một đơn côi" (Hương ổi). Có được chút niềm vui say đắm, hơi thơ tràn trề chút sinh sôi tình ái phải nhắc đến bài thơ Cuối chạp: "Cuối Chạp như đứng trong bóng tối/ nhìn ra ngoài vũ trụ lâng lâng/ như em ngã vào anh/ thầm lặng không lời/ đánh thức buổi giao mùa tĩnh mịch/ cho đêm ngã vào ngày/ đợi chờ khao khát/ thản nhiên lắng một chấm/ sinh sôi".
Thơ trữ tình thế sự của Hồ Hồng Lĩnh phần nhiều hướng đến niềm vui và nỗi đau chung của số phận con người. Chính tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, yêu cuộc sống và luôn khát khao cuộc đời tươi đẹp nên một cơn bão tràn vào đất liền, một miền Trung chìm trong nắng nôi, mưa lũ đều khiến anh xót xa, quặn thắt nỗi lòng. Hãy nghe Hồ Hồng Lĩnh van xin: "Lui gót rồi/ đừng tới thêm số 12 - cơn bão/ những vệt ác chưa tan trong mi mắt địa tầng" (Chiều lạnh). Vì vậy, đứng trước mảnh đất miền Trung - mảnh đất chịu nhiều giông bão, nhà thơ ngậm ngùi cảm khái: "Cơn mưa ngông như dã thú tìm mồi/ mười bốn lần thành giông bão/ như kẻ đói khát thèm/ gặm nham nhở miền Trung eo hẹp/ những ngày mây đánh úp gã mặt trời/ ngụp lặn cánh cò, ngụp lặn học trò, ngụp lặn ngư dân" (Im lặng trước miền Trung). Từ những cơn bão lũ miền Trung, nghĩ về người mẹ của mảnh đất cơ cực này, nhà thơ có những câu thơ đầy chiêm nghiệm và mang tính phổ quát: "Mẹ dẫu là đâu vẫn thế/ bình dị bao dung mạch nước trong nguồn" (Mẹ miền Trung). Nhà thơ thương cảm cho người vợ cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu vì không sinh được con mà đành chấp nhận sự chia lìa phu phụ: "Dạ cổ hoài lang níu chiều trong khoảng lặng/ khói hương thơm thương nhớ đôi bờ/ trước lăng mộ/ bản nhạc như nấc lên/ người đàn bà với nỗi oan nhàu rụi chẳng biết sinh con/ hạnh phúc lâm chia, cha mẹ ra tay thành con đò đơn chiếc" (Bên mộ Cao Văn Lầu). Tóm lại, thơ Hồ Hồng Lĩnh biết bám sát đời sống thế nhân với những biến động đời thường trăm mối ngổn ngang. Nhà thơ không thuần tuý kể, tả mà qua đó còn chiêm nghiệm và thể hiện một cảm quan, một suy tưởng về cuộc sống, về tình yêu và thân phận con người.
Thơ Hồ Hồng Lĩnh mới về hình thức, cách tân nhiều ở nhịp điệu câu thơ, giọng thơ. Đọc Đi qua ngày nắng, tôi nhận thấy thơ anh tung tẩy, câu thơ buông duỗi ngắn, dài tuỳ vào cảm xúc chứ không hoàn toàn định vị số tiếng trong mỗi dòng thơ. Nhờ đó, đọc thơ Hồ Hồng Lĩnh, ở tập thơ này cũng như các tập Quá giang và Sang mùa trước đây, chúng ta vẫn bắt gặp câu thơ anh lạ lẫm về hình hài, vóc dáng. Đó là một sự cố gắng trong sáng tạo nghệ thuật đáng trân trọng. Ngôn từ nghệ thuật trong thi tập Đi qua ngày nắng, dù Hồ Hồng Lĩnh chưa có nhiều sáng tạo mang tính bứt phá, song anh đã dám dấn thân làm mới từ ngữ để tạo dấu ấn riêng cho chính mình, không chấp nhận sự va đập với người khác. Anh tỉnh lược đến mức kiệm lời, nên đọc thơ anh phải biết nghệ thuật "nhảy cóc", có khi ghép nối các yếu tố từ vựng để xác lập một từ mới có nghĩa theo anh cảm nhận. "Chao vội những cánh chim/ không còn ngâm mình trong ứa đỏ hoàng hôn/ chiều mưa bụi gió hoang" (Mùa quả); hoặc: "Thu đang hụt hơi trên sắc lá/ vẳng nghe thánh thót đàn bầu/ âm khúc trầm/ rơi ngực đáy" (Tháng Mười cho ta được nhớ). Có điều, nếu dùng không khéo, dễ tạo thành những câu thơ tối nghĩa, khó đọc. Là người trong cuộc, ranh giới ấy có lẽ nhà thơ Hồ Hồng Lĩnh am tường hơn ai hết.
Sự sống của câu thơ, bài thơ, tập thơ... bao giờ cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự tri âm, chia sẻ của bạn bè, độc giả gần xa. Dù sao đi nữa, cuộc đời với muôn vàn khổ đau, buồn vui, hạnh phúc vẫn lớn hơn nhiều tiếng thơ ký thác của thi nhân. Thơ là gia vị, cuộc đời mới là đích thực, nên cần lắm những "nốt nhạc trầm". Trân trọng giới thiệu tập thơ Đi qua ngày nắng - một tấm lòng của nhà thơ Hồ Hồng Lĩnh gửi đến chúng ta.