Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2018

DẤU ẤN THƠ ĐƯỜNG TRONG TRÀNG GIANG CỦA HUY CẬN lời bình của PHẠM TUẤN VŨ - CHƯ YANG SIN SỐ: 314 - THÁNG 11 NĂM 2018




Tràng giang in trong tập Lửa thiêng, xuất bản lần đầu năm 1940, “không chỉ là một bài thơ hay của Huy Cận mà còn là một trong những bài thơ tiêu biểu của phong trào thơ Mới” (Trần Đình Sử, “Tràng giang của Huy Cận”). Như nhiều người nhận định, tác phẩm mang vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại, in đậm dấu ấn Đường thi, thơ ca truyền thống của dân tộc nhưng đồng thời cũng hết sức mới mẻ, độc đáo. Thật vậy, ở phương diện cổ điển, bài thơ mang âm hưởng thơ Đường rõ nét. Dấu ấn của thơ Đường để lại trong bài thơ này thể hiện trên hầu hết các phương diện của tác phẩm.
Ảnh hưởng của thơ Đường trong bài thơ Tràng giang thể hiện trước hết ở việc lựa chọn đề tài của tác giả. Theo Trần Đình Sử, “đôi khi người ta thường hiểu Tràng giang là bài thơ miêu tả phong cảnh quê hương đất nước, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, nhưng đúng hơn đây là bài thơ thể hiện nỗi cô đơn, bơ vơ của con người ngay giữa quê hương mình”. Có thể nói, dù là đề tài quê hương hay nỗi cô đơn trên chính quê nhà, bài thơ của Huy Cận đều chịu ảnh hưởng nhất định từ truyền thống thơ Đường.
Như ta biết, quê hương là một đề tài quen thuộc, phổ biến, quan trọng trong truyền thống thơ ca phương Đông nói chung và thơ Đường Trung Hoa nói riêng. Ở mảng đề tài này, thơ Đường đạt được nhiều thành tựu với những tác phẩm nổi tiếng, được độc giả ở nhiều thời đại, nhiều quốc gia yêu thích, học tập; tiêu biểu như Lý Bạch với Tĩnh dạ tư, Đỗ Phủ với Thu hứng, Thôi Hiệu với Hoàng Hạc lâu… Ngay cả chủ đề nỗi niềm cô đơn, lạc lõng, làm khách trên chính quê hương cũng sớm được nói đến trong thơ Đường, tiêu biểu với bài Hồi hương ngẫu thư (kỳ nhất) của Hạ Tri Chương:
         Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
         Hương âm vô cải, mấn mao tồi
         Nhi đồng tương kiến bất tương thức
         Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai
(Rời quê nhà lúc còn trẻ, già mới về/ Giọng quê không đổi, tóc mai đã rụng/ Trẻ con thấy nhau mà không hề biết nhau/ Cười hỏi rằng khách ở nơi nào đến).
Đề tài quê hương trong thơ Đường ảnh hưởng khá sâu sắc đến nhiều nhà thơ Việt. Ở thời trung đại, đề tài quê hương này được nhiều tác giả nước ta tìm cảm hứng, học hỏi, sáng tạo lại, tiêu biểu nhất là Nguyễn Du với hàng chục bài thơ chữ Hán cảm động viết về quê nhà như Quỳnh Hải nguyên tiêu, Thu nhật ký hứng, Xuân nhật ngẫu hứng… Trong thời hiện đại, bên cạnh Huy Cận, một số tác giả khác cũng tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống này, ví như Chế Lan Viên với bài Trở lại An Nhơn thể hiện tâm trạng chơ vơ, xa lạ trên chính quê hương thứ hai của mình trong lần trở lại:
            Trở lại An Nhơn tuổi lớn rồi
Bạn chơi ngày nhỏ chẳng còn ai
Nền nhà nay dựng cơ quan mới
Chẳng hỏi thăm quê lại hỏi người.
Là một nhà thơ yêu thiết tha quê hương đất nước, hơn nữa, ngay khi còn nhỏ, Huy Cận “đã thuộc lòng khá nhiều ca dao, thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Thôi Hiệu… Sau này, trong sáng tác của ông, người đọc ít nhiều cảm nhận được dấu ấn của Đường thi” (Hà Bình Trị, “Linh hồn và tạo vật trong bài Tràng giang của Huy Cận”). Rõ ràng, đề tài quê hương trong thơ Đường có ảnh hưởng nhất định đến thơ ông, trong đó có bài Tràng giang, đặc biệt là khổ thơ cuối của tác phẩm này.
Ảnh hưởng của thơ Đường trên bình diện thể thơ biểu hiện rõ nét ở hầu hết các tác giả Thơ Mới, trong đó có Huy Cận. Mặc dù thơ luật Đường được xem là thể thơ nghiêm ngặt bậc nhất trên thế giới nhưng “nó vẫn được nhiều nhà thơ của chúng ta sử dụng ngay cả khi phong trào Thơ Mới đang phát triển rầm rộ và trên đà thắng thế “thơ cũ”” (Lê Thị Anh, Thơ Mới với thơ Đường). Tuy không sáng tác thơ Đường luật nhiều như Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Thái Can… nhưng âm hưởng của Đường thi ở bình diện thể thơ vẫn vang vọng trong nhiều sáng tác của Huy Cận, trong đó Tràng giang là một trường hợp tiêu biểu.
Tác phẩm làm theo thể 7 chữ (một trong những thể thơ phổ biến trong thơ Việt thời kì 1932-1945, và cả sau này), gồm 4 khổ với 16 dòng. Đây là thể thơ có nguồn gốc từ thơ thất ngôn trong Đường thi. Xét trên đơn vị khổ thơ, có thể thấy, mỗi khổ trong bài Tràng giang, đặc biệt khổ 2 và khổ 3, nếu đứng độc lập, đều có thể là một bài thất ngôn tứ tuyệt Đường luật mẫu mực. Ví như khổ thơ thứ 3:
         Bèo giạt về đâu hàng nối hàng
         Mênh mông không một chuyến đò ngang
         Không cầu gợi chút niềm thân mật
         Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
Áp vào những quy định của thơ Đường luật, có thể thấy, khổ thơ trên vừa khít theo khuôn khổ của một bài thất ngôn tứ tuyệt luật trắc (chữ thứ 2 của câu 1 là giạt mang thanh trắc). Theo lệ bất luận: nhất tam ngũ bất luận/ nhị tứ lục phân minh (tiếng thứ 1, 3 và 5 không bàn/ tiếng 2, 4 và 6 phải phân biệt rõ), khổ thơ tuân thủ đúng luật đối âm như sau: T-B-T (giạt-đâu-nối)/ B-T-B (mông-một-đò)/ B-T-B (cầu-chút-thân)/ T-B-T (lẽ-xanh-bãi).
Về niêm (chữ thứ 2 của 2 câu trong một liên phải dính với nhau, tức cùng thanh trắc hoặc bằng, giữa các liên phải xen kẽ bằng trắc), khổ thơ không vi phạm luật niêm của thơ Đường luật. Có 4 phương thức hình thành một bài tứ tuyệt (có bốn câu, còn được hiểu là cắt thành bốn câu): Lấy 4 câu đầu, 4 câu sau, 4 câu giữa hoặc 2 câu đầu và 2 câu cuối của bài bát cú (8 câu). Khổ thơ trên theo phương thức thứ 4, do đó, dòng 1 niêm với dòng 4 và dòng 2 niêm với dòng 3. Cụ thể: T-T (giạt-lẽ) và B-B (mông-cầu).
Về đối (đối ý), khổ thơ trên hình thành theo phương thức thứ 4 nên không có đối. (Những bài tứ tuyệt theo phương thức 1, 2 và 3, tức cắt 4 câu đầu, cuối hoặc giữa của một bài bát cú, mới có đối ý. Kiểu 1 đối ở 2 câu đầu, kiểu 2 là 2 câu sau, kiểu 3 đối ở cả 2 cặp câu thơ). Trong bài Tràng giang, ở khổ thơ 1 (theo phương thức 2: lấy 4 câu cuối của một bài thất ngôn bát cú), cặp câu thơ đầu (tương đương 2 câu luận trong bài bát cú) đối, tuy không thật chỉnh.
Về vần, khổ thơ thứ 3 gieo vần bằng, vần chân theo lối độc vận (chỉ có một khuôn vần “ang”), gieo ở chữ cuối của các dòng 1, 2 và 4. Cụ thể: hàng-ngang-vàng. Như vậy, khổ thơ này không bị lạc vận (tức vi phạm luật gieo vần), thậm chí vần gieo được hoà thanh khá hiệu quả (có sự đan xen giữa vần thanh ngang và vần thanh huyền một cách hợp lí).
Không chỉ khổ thứ 3 mà 3 khổ còn lại của bài Tràng giang nếu đứng độc lập cũng có thể xem là những bài thất ngôn tứ tuyệt Đường luật hoàn chỉnh. Đây là điểm rõ nhất của việc tác phẩm chịu ảnh hưởng từ thể thơ trong Đường thi.
Thơ Đường là một đỉnh cao của thơ ca Trung Hoa nói riêng và nhân loại nói chung, có ảnh hưởng đến nhiều nền thơ ca trong khu vực. Ở nước ta trong thời kì 1932-1945, “hệ thống từ ngữ, hình ảnh, điển tích, điển cố Đường thi thâm nhập một cách rộng rãi và tinh tế vào tất cả mọi thể thơ của Thơ mới: thơ Đường luật, thơ 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, song thất lục bát v.v…”(Lê Thị Anh, Thơ Mới với thơ Đường). Tràng giang là một trường hợp khá tiêu biểu cho hiện tượng này.
Bài thơ mượn lại nhiều thi liệu vốn quen thuộc, nhiều khi trở thành công thức ước lệ trong thơ Đường, chẳng hạn như: dòng sông (Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp. Liễu Tông Nguyên có câu: Cô chu thôi lạp ông/ Độc điếu hàn giang tuyết [Trên con thuyền lẻ loi có ông già nón rách/ Một mình ngồi câu trong tuyết trên dòng sông lạnh]), ngọn núi (Lớp lớp mây cao đùn núi bạc. Vương Duy có câu: Dạ tĩnh xuân sơn không [Đêm tĩnh lặng, ngọn núi mùa xuân vắng vẻ]), cánh chim (Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa. Lý Bạch có câu: Chúng điểu cao phi tận [Bầy chim bay cao hết]), con thuyền (Con thuyền xuôi mái nước song song. Lý Bạch có câu: Cô phàm viễn ảnh bích không tận [Bóng xa xa của cánh buồm lẻ loi mất hút vào trời xanh ngắt]), buổi chiều (Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều. Đỗ Phủ có câu: Hàn y xứ xứ thôi đao xích/ Bạch Đế thành cao cấp mộ châm [Nơi nơi may áo rét, dao thước giục giã/ Tiếng chày buổi chiều tối dồn dập nơi thành cao Bạch Đế])…
Bên cạnh đó, một số điển cố thơ ca (điển cố thơ ca trong thơ Việt phần lớn có nguồn gốc chủ yếu từ Kinh thi, Sở từ, Đường thi của Trung Hoa) cũng được Huy Cận dẫn lại. Chẳng hạn, hai câu thơ cuối của bài (Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà) được lấy ý từ hai câu kết trong bài Hoàng Hạc lâu nổi tiếng của Thôi Hiệu: Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu (Chiều tối rồi, quê nhà ở nơi đâu/ Khói sóng trên sông khiến người sầu). Hay như hình ảnh Lớp lớp mây cao đùn núi bạc trong khổ thơ cuối mượn lại ý của câu Tái thượng phong vân tiếp địa âm (Ngoài biên tái, gió mây sà xuống mặt đất âm u) trong kiệt tác Thu hứng (kỳ nhất) của Thi thánh Đỗ Phủ…
Có thể nói, việc sử dụng nhiều thi liệu, điển cố có người gốc Đường thi đã mang đến cho Tràng giang vẻ đẹp trang nhã, thi vị và đậm chất cổ điển. Mặt khác, những sáng tạo trong nghệ thuật dụng điển, dẫn thi của Huy Cận (không theo bút pháp ước lệ nhiều khi sáo mòn, đưa những hình ảnh thơ được mượn trở về gần gũi với hiện thực cuộc sống và tâm trạng con người…) cho thấy ở nhà thơ ý thức tiếp thu có chọn lọc từ truyền thống, đồng thời góp phần làm nên vẻ đẹp hài hoà giữa cổ điển và hiện đại cho tác phẩm.
Ngôn ngữ thơ Đường nhìn chung vừa hàm súc, kiệm ngôn, tỉnh lược đến mức tối đa hư từ vừa mang vẻ đẹp giản dị, tự nhiên nhưng cũng thật trang trọng, thanh nhã. Theo Nguyễn Thị Bích Hải, ở bộ phận thể hiện con người vũ trụ là bộ phận chủ đạo trong thơ Đường, ngôn từ “thường cổ kính, trang nhã, nhiều danh từ chung, nhiều ngôn từ và hình ảnh ước lệ, mang tính chất tượng trưng, gợi liên tưởng…” (Nguyễn Thị Bích Hải, Thi pháp thơ Đường). Đó là lí do mà ngôn ngữ thơ Đường được xem là mẫu mực, có ảnh hưởng lớn đến các nhà thơ đời sau.
Chịu ảnh hưởng từ ngôn ngữ thơ Đường, Tràng giang của Huy Cận mang vẻ đẹp cổ điển, trang nhã, súc tính, hài hoà. Làm nên điều này, nhà thơ sử dụng nhiều thủ pháp khác nhau, như: Tăng cường sử dụng từ Hán Việt nhằm mang lại sắc thái trang trọng, cổ kính (15 từ/ 16 dòng, trong đó có những từ mang tính điệu thẩm mĩ cao như điệp điệp, cô liêu, hoàng hôn…); hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các hư từ (6 từ/ 112 chữ của bài thơ, trong đó, phó từ phủ định không lặp lại đến 3 lần), sử dụng nhiều danh từ để tăng tính khái quát cho lời thơ (39 từ/ 16 dòng), tăng cường sử dụng thanh bằng nhằm tạo nên âm hưởng chậm rãi, lắng sâu (74/112 tiếng là thanh bằng, chiếm 60,1%)… Nhờ đó, bài thơ như ngưng đọng lại, góp phần khắc hoạ thành công tâm trạng bơ vơ, “sầu trăm ngả” của nhân vật trữ tình.
Theo Lê Thị Anh, “trên bình diện thi pháp, có thể thấy Thơ Mới tiếp thu thơ Đường trong việc tạo dựng các mối quan hệ, bút pháp chấm phá, gợi tả theo lối “ôhoạân hiển nguyệt” và cấu trúc cú pháp tỉnh lược. Đây chính là những nét nổi bật và khái quát nhất trong cấu tứ, bút pháp thơ Đường mà Thơ Mới đã tiếp thu”. Trong bài thơ Tràng giang, biểu hiệu rõ nhất của sự tiếp thu này là bút pháp tạo dựng mối quan hệ đối lập và bút pháp tỉnh lược.
Thứ nhất, bài thơ đã tạo dựng được nhiều mối quan hệ đối lập, một điều thường xuyên bắt gặp trong thơ Đường, như: Đối lập giữa thiên nhiên với thiên nhiên theo chiều cao (nắng xuống > < trời lên), chiều rộng (sông dài > < trời rộng), giữa thiên nhiên với con người theo không gian (thuyền về > < nước lại, thuyền là hình ảnh hoán dụ chỉ con người), giữa ngoại cảnh với nội tâm (không khói hoàng hôn > < cũng nhớ nhà)… Về hình thức ngôn ngữ, bài thơ có nhiều cặp câu đối, tiểu đối. Rõ ràng, những mối quan hệ đối lập trong hình thức cặp câu đối, tiểu đối này có tác dụng gây ấn tượng (đặc biệt là ấn tượng thị giác) mạnh hơn đối với người đọc, đồng thời làm cho bài thơ “đậm đà phong vị Đường thi” (chữ dùng của Lê Thị Anh) hơn.
Thứ hai, bài thơ còn được tăng cường sử dụng bút pháp tỉnh lược với việc triệt tiêu hư từ nhằm tạo những khoảng trống ngữ pháp cho hiện tượng “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời), “ngôn tận ý bất tận” (lời cạn ý không cạn) xuất hiện, đồng thời là cho lời thơ mang tính đa nghĩa, gợi mở tối đa trường liên tưởng cho người đọc. Ví như ở câu thơ đầu Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp, vì bị tỉnh lược hư từ nên cho phép đọc giả hiểu theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn: Sóng gợn [làm cho/ nên] tràng giang buồn điệp điệp, Sóng gợn tràng giang [làm cho/ nên lòng người]buồn điệp điệp… Hay như trong câu Không cầu gợi chút niềm thân mật, vì hư từ bị tỉnh lược, câu thơ trở thành một cấu trúc mở với những khoảng trống ngữ nghĩa cho phép độc giả đồng sáng tạo, thoả sức lấp đầy bằng nhiều cách hiểu khác nhau nhưng có thể chấp nhận được, như: Không [có cây] cầu [nào để]gợi chút niềm thân mật, Không [có cây] cầu [nào nên] gợi chút niềm thân mật hoặc Không [có cây] cầu [nào mà nó] gợi chút niềm thân mật… Như vậy, với việc tỉnh lược hư từ ở một số câu thơ, Huy Cận đã đem đến những cách hiểu độc đáo mới cho độc giả tuỳ thuộc vào năng lực và thị hiếu thẩm mĩ của từng người. Với thủ pháp này, Tràng giang gần với thi pháp thơ chữ Hán, đặc biệt là thơ Đường hơn, và dấu ấn Đường thi trên bình diện thi pháp trong bài thơ cũng được thể hiện rõ hơn.
Tóm lại, Tràng giang xứng đáng với lời nhận xét của Hà Bình Trị: “Là bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Huy Cận” (Hà Bình Trị, “Linh hồn và tạo vật trong bài Tràng giang của Huy Cận”). Bài thơ thành công bởi không chỉ khắc hoạ được tâm trạng cô đơn, lạc lõng của “chàng Huy Cận ngày xưa hay sầu lắm” giữa một thời đại bế tắc mà còn mang vẻ đẹp hoà quyện giữa chất cổ điển và chất hiện đại. Nổi bật trong bài thơ là âm hưởng của thơ Đường trên hầu hết các phương diện của tác phẩm. Dù nằm trong mạch nguồn vô thức của thơ ca truyền thống hay được nhà thơ cố tình tiếp thu, vận dụng thì ảnh hưởng của thơ Đường trong Tràng giang vẫn để lại dấu ấn đậm nét, mang đến cho tác phẩm nhiều giá trị độc đáo.
    



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI