Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

TRỞ LẠI BUÔN M’UM bút ký của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC SỐ RA THÁNG 12 NĂM 2018






Từ thị trấn Ea Kar, xuôi theo Quốc lộ 26A về phía thành phố Nha Trang khoảng 10 km đến thị trấn Ea Knôp rẽ phải theo đường vào hồ chứa nước Krông Păc Thượng, đến trụ sở xã Ea Păl rẽ trái vào UBND xã Cư Prông, đi tiếp 8 km nữa là đến buôn  M’Um – anh cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện đưa đoàn đi giới thiệu như vậy. Xe chuyển bánh, bon bon trên đường nhựa rải thảm bê tông rất đẹp, nhiều người xúyt xoa: sao ở vùng này có con đường đẹp thế! Anh cán bộ địa phương đi cùng đoàn cho biết: Con đường này làm để đi vào hồ chứa nước Krông Păc Thượng nên mới được như vậy đấy! Hai bên đường nhà cửa nhân dân xây dựng rất đẹp, toàn nhà xây, mái lợp tôn lạnh hoặc ngói đỏ tươi như một lời khẳng định vùng quê trù phú làm tôi bồi hồi nhớ lại...
Năm 1985, sau khi học xong Cao đẳng sư phạm, tôi được điều về công tác tại Trường phổ thông cơ sở 333 đóng trên địa bàn thị trấn Ea Knôp bây giờ. Thời ấy nhà cửa còn thưa thớt, chủ yếu nhà tranh vách đất của các hộ công nhân – những người bộ đội thuộc Sư đoàn 333, quân khu 5 chuyển qua Bộ Nông nghiệp để làm kinh tế, đổi tên thành Xí nghiệp liên hợp 333 đóng quân trên địa bàn các huyện: Krông Păc, Krông Buk, M’drak thuộc tỉnh Đắc Lắk và huyện Vạn Giã, tỉnh Khánh Hòa. Con đường nhựa bê tông hôm nay, trước đây là con đường ủi tạm xuyên qua các cánh rừng già nguyên sinh, cây cối rập rạp có rất nhiều loài thú quý hiếm sinh sống như: voi, hổ, báo, bò tót... Dốc Đất – một địa danh được bộ đội đặt tên để phân biệt với dốc Đá là hai cái dốc rất nguy hiểm trên con đường nối từ trung tâm Xí nghiệp Liên Hợp 333 tới các Nông trường 714 và 717 ở phía đông nam dưới chân dãy núi Chư Yang Sin. Mùa khô, đất tơi ra như bột, đi ngập bàn chân; nếu đang đi mà có xe ô tô hay máy cày chạy qua thì... người đi đường bị phủ một lớp bụi như được hóa trang bằng đất vậy; còn mùa mưa con đường trở thành một đám sình lầy có đoạn xe đạp phải vác trên vai chứ không thể dắt đi được. Dốc Đá, cái tên đặt cho đoạn dốc cao chót vót, được rải đá hộc để các loại xe ô tô, máy cày, máy kéo mới leo lên được khi mùa mưa đến; qua dốc Đá khoảng hai Km lại gặp dốc Đất; tuy không cao như dốc Đá, nhưng dốc Đất dài hơn và không kém phần nguy hiểm cho các loại phương tiện khi qua đây. Khoảng năm 1990 trở về trước, ở vùng rừng hai con dốc này có một bầy voi 13 con thường ăn nơi đây; có đêm chúng mò đến tận các lán người dân dựng tạm làm rẫy, kéo sập xuống để xem trong đó có gì; hoặc đi nhổ bắp, khoai mì mới trồng để ăn; nhưng chưa làm hại người bao giờ, sau này do tốc độ phá rừng lấy đất sản xuất diễn ra nhanh quá, bầy voi đi mất.
Xe qua UBND xã Ea Păl một chút rẽ trái, con đường trước đây chắc được rãi nhựa, nay đã hư hỏng gần như hoàn toàn, mặt đường toàn ổ trâu, ổ voi, lổn nhổn đá và nhựa cục còn sót lại; xe đi như múa trên đường tránh các vũng lầy thêm gần 10 km nữa tới được UBND xã Cư Prông. Những cánh đồng mía vừa qua thu hoạch, rừng cao su tươi tốt và những mái nhà xây kiên cố kiểu mái Thái lợp tôn, lợp ngói nối đuôi nhau chạy qua cửa xe lùi lại phía sau ngầm giới thiệu với mọi người một vùng quê thanh bình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Xe qua UBND xã Cư Prông đến một ngã ba, anh cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện bảo lái xe dừng lại để hỏi đường vào buôn M’Um. Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu cười, hỏi:
-         Cậu đã vào buôn lần nào chưa?
-         Dạ, đây là lần đầu tiên em đi đấy ạ!
Mọi người trên xe bật cười. Tôi bảo:
-         Rẽ trái theo con đường chạy song song với suối ấy.
-         Sao anh biết ạ? Anh cán bộ địa phương đi cùng đoàn ngạc nhiên hỏi lại.
- Từ năm 1992 trở về trước, mình có gần 5 năm trời theo người dân vào trong này đi chặt mây và tìm trầm; ngày ấy nơi đây chỉ là con đường mòn, dân các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn di cư tự do vào đây phá rừng làm rẫy, đêm đến thường bị hổ xuống bắt trộm chó và heo nữa đấy.
Nhiều người cùng ồ lên ngạc nhiên khi trước mắt họ giờ đây là những cánh đồng lúa nước mới vào vụ gieo trồng xen cánh đồng màu nối liền đến triền đồi; bắp, đậu các loại xanh mượt mà, triểu quả trải dài đến hết cả tầm mắt. Trước đây vùng này là đồi cỏ gianh xanh tốt kéo dài đến tận chân núi cao mới có rừng già. Mùa khô, chỉ cần một tàn lửa các qủa đồi sẽ thành biển lửa thiêu rụi tất cả, để trơ mặt đất đầy tro than. Khi mưa xuống cây cỏ đội đất ngoi lên phủ một màu xanh tươi mát, rộng hàng chục km vuông; khi ấy các loài thú ăn cỏ kéo nhau về từng đàn đông đúc như: heo, nai, mang, sơn dương, bò tót, voi... trông cứ như trong phim về cảnh ở khu bảo tồn châu Phi. Thú ăn cỏ về nhiều kéo theo các loài ăn thịt như: hổ, báo, chó sói... cũng tìm đến; nhiều lần người đi rừng nhặt được cả nửa con heo hay nai chúng ăn không hết bỏ lại.
Xe leo lên đỉnh đèo, trước mắt mọi người hiện lên một thung lũng rộng lớn bốn phía núi cao bao bọc, chỉ có đỉnh đèo nơi xe đang dừng là thấp nhất. Trời đổ mưa, những hạt mưa nặng dần làm dãy núi phía đông cao sừng sững, xanh ngắt bồng bềnh trong mây. Từ đỉnh đèo nơi chúng tôi đứng xuôi xuống thung lũng giờ đã thành nương rẫy cả. Dưới thung lũng như một lòng chảo lớn, những ngôi nhà xây cấp bốn xen lẫn những ngôi nhà sàn kiểu miền Bắc được lợp ngói hoặc tôn lạnh lấp lánh trong mưa như những bông hoa, cả thôn không còn một ngôi nhà lợp cỏ gianh hay lá mây. Lưng chừng đèo một chiếc xe tải lớn đang nặng nề leo qua con đường lầy từ ngang triền đồi ra đường lớn, trên thùng chất đầy khoai mì. Có ai đó reo lên: Buôn M’Um! Tôi cười, giải thích: Kiểu nhà này là của người dân tộc phía Bắc chứ không phải nhà người Êđê đâu. Nhà người Ê đê sàn cao, có từ một đến hai cái cầu thang làm bằng một thân cây đặt ở đầu hồi nhà, vách nhà thường dựng nghiêng khoảng 15 độ; còn nhà ở đây cầu thang làm bằng những tấm ván ghép lại, vách nhà dựng vuông góc với sàn.
-Thầy hiểu người Ê đê hơi kỹ đấy – H’Xíu Hmok, cô hội viên trẻ tuổi nhất Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, người Ê Đê, mới tốt nghiệp Đại học báo chí ra chưa xin được việc, thành viên của đoàn nói như reo lên.
- Trước đây thầy có vào buôn M’Um mấy lần, buôn ở dưới chân cái yên ngựa thấp nhất dãy núi phía xa xa kia kìa, leo qua đó là đến trang trại cà phê Trung Nguyên. Ngày ấy, đứng ở buôn buổi sáng hay lúc gần tối, tiếng hót của vượn, wọc trên rừng vọng xuống nghe rõ mồn một. Mùa nào thức ấy, người dân lên rừng đưa sản vật về dùng như người ta lấy trên nương, trên rẫy vậy. Người dân dùng cuốc và xà – gạc làm công cụ lao đông sản xuất, không dùng sức kéo của trâu bò. Tất cả các thửa ruộng ven khe suối đều hẹp, diện tích không lớn lắm, nhưng lúa trồng ở đây tốt lắm.
- Thế ạ! H’Xíu ngạc nhiên hỏi lại.
Xe tiếp tục xuôi đèo xuống thung lũng, anh cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện thông báo: Cán bộ xã đã vào trước, đang đợi ta trong buôn rồi! Xe chạy mãi đến hết đường, phía trước mặt một con suối lớn chắn ngang, không có đường sang. Mọi người đang ngạc nhiên chưa biết đi đâu, chuông điện thoại của cán bộ dẫn đường reo, anh trả lời máy rồi quay lại nói với đoàn: Ta đi quá một chút rồi, quay lại thôi. Xe vừa quay đầu xong đã thấy một thanh niên còn khá trẻ chạy xe máy đến: Em thấy xe chạy qua, vẫy mãi mà các bác không dừng. Mời các bác lại nhà buôn trưởng, chỗ dựng cái xe máy Honda AB đỏ kia kìa.
Nhà buôn trưởng mái ngói, sàn ván, vách ván có 4 gian làm phòng khách, hai gian phía sau làm buồng ngủ. Trong phòng có giàn Karaoke, tivi mau 21 in; đặt trong tủ đứng kiểu mới và bộ xalong. Vợ chồng chủ nhà ra đầu cầu thang đón khách. Ông chồng cụt bàn tay phải nên đưa tay trái ra bắt, người mảnh khảnh, cao, trán hói, đầu còn lưa thưa mấy sợi tóc, tuổi chắc cũng phải gần 50; bà vợ thấp hơn một chút, nhưng mập mạp, miệng cười rất tươi. Anh cán bộ Văn hóa xã giới thiệu: Ông Y Bhăm Bya – buôn Trưởng và vợ buôn trưởng, bà H’Thuận Niê – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cư Prông. Buôn Trưởng Y Bhăm cho biết: buôn M’Um có 35 nóc nhà, 40 hộ, 197 nhân khẩu. Toàn buôn có 02 người kinh là phụ nữ lấy chồng về đây còn lại là người Êđê. Hiện nay buôn còn 23 hộ 90 khẩu thuộc diện nghèo theo tiêu chí mới. Nguyên nhân còn các hộ nghèo nhiều do sinh nhiều con, ít sức lao động và thiếu đất canh tác nhưng nhìn chung vẫn đủ ăn quanh năm. Bà H’Thuận nói thêm vẻ tự hào: “Trong buôn nhà nào cũng có tivi, có điện lưới quốc gia rồi đấy”. Tôi hỏi: “Buôn mình định cư ở đây lâu chưa? Hình như trước kia ở phía bên kia suối Ea Sal chứ không phải ở đây”. Bà H’ Thuận tròn xoe mắt nhìn tôi, hỏi lại: “Sao anh biết?” Ông Y Bhăm trả lời: “Buôn cũ ở chỗ trụ sở UBND xã đóng bây giờ, năm 1962 bọn Mỹ - Ngụy dồn dân lập ấp chiến lược, bắt nhân dân về nhốt ở xã Krông Jin, quận Khánh Dương; sau giải phóng tình hình còn phức tạp nên mãi năm 1985 dân mới vượt cái đèo kia – ông chỉ lên cái yên ngựa trước nhà, lên đây làm rẫy, rồi ở lại lập buôn ở bên suối dưới chân núi, sau này mới chuyển ra đây. Sao anh biết buôn cũ”? “Mình dạy học ở huyện M’drak từ năm 1977 đến năm 1983 mới đi học, học xong chuyển về công tác ở huyện Ea Kar, khoảng năm 1988 đến 1992 thỉnh thoảng có vào đây”.
- Nai (1)... thầy Chiến! H’ Thuận đứng bật dậy, reo lên nắm lấy tay tôi – Em nè thầy, hồi thầy dạy bọn em năm 1978, em và H’Loan hay đi theo thầy với cô Tường cùng quê với thầy đấy, thầy nhớ không?
- H’Loan có nước da trắng, mặt tròn ở buôn M’Um, gần nhà cô giáo H’Ni.
- Đúng đó thầy, ôi vừa gặp thầy em đã thấy ngờ ngợ như gặp ở đâu, quen lắm mà chưa nhận ra. Thầy vẫn trẻ thế, bọn em già hết rồi!
Thật bất ngờ khi gặp lại cô học trò nhỏ bé ngày xưa nay đã là một cán bộ xã, mọi thứ đã thay đổi, chỉ riêng đôi mắt và nụ cười thì không lẫn vào đâu đươc. Thời ấy tôi là thành viên trong đoàn 18 giáo sinh Thanh Hóa được điều về huyện M’drak công tác; trong đoàn có mười người cùng quê huyện Nông Cống: tám nam, hai nữ; chúng tôi ngày lên lớp, tối về phải thay nhau ôm súng tuần tra, canh gác sẵn sàng chiến đấu chống lại bọn FunRol tập kích. Năm học 1977 – 1978, tôi và cô Viên Thị Tường được cử đi dạy lớp 3 và lớp 2 mở tại buôn Um. Trường lúc ấy chỉ dựng tạm bằng tre nứa, lợp cỏ gianh. Học trò vừa học nói tiếng phổ thông, vừa học chữ; còn thầy cô vừa dạy chữ vừa học lại tiếng các em. Giờ ra chơi, mấy em gái chạy về nhà, mang chuối, ổi, khoai mì nướng ra mời thầy cô ăn, vui lắm. Thấm thoắt thế mà đã gần 37 năm rồi, trong số mười người chúng tôi thời ấy nay đã mất đi hai người, họ đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ như anh Đỗ Văn Loan, ở xã Thăng Bình, vừa nhận quyết định bổ nhiệm Phó hiệu trưởng trường Việt Xô - nay là đổi tên thành trường Trung học phổ thông Trần Quốc Toản, huyện Ea Kar đã đột ngột ra đi; hay anh Nguyễn Văn Tường vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Mdrak khi tuổi nghề đang độ chín. Số người còn lại do yêu cầu công tác như anh Đỗ Gia Mai người xã Minh Nghĩa sau khi tốt nghiệp đại học Đà Lạt đã ở lại luôn bên ấy công tác; cô Viên Thị Tường chuyển về thành phố Buôn Ma Thuột nay đã nghỉ hưu, cô Nguyễn Thị Hồng chuyển về quê và tôi cũng phải đi do yêu cầu của tổ chức. Bốn thầy ngày ấy, hôm nay còn trụ lại, đều là cán bộ chủ chốt của huyện M’drak như anh Vũ Hữu Nhân - Phó bí thư Huyện ủy, anh Lê Đình Điền – Chủ tịch huyện, anh Lê Cảnh Truật – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện và anh Nguyễn Văn Tuấn – Hiệu trưởng trường THCS. Có thể nói, lớp chúng tôi ngày ấy đã dâng hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất cho quê hương mới huyện M’drak, tỉnh Đắk Lắk, và góp phần đào tạo, bồi dưỡng được những thế hệ kế tiếp để gánh vác công việc thế hệ trước giao lại. Một thời gian khổ, một thời khó khăn cuối cùng cũng đã qua đi, những thầy cô và học sinh chân đất học trong lớp mái gianh vách đất khi xưa nay đã viết nên trang sử mới ở vùng đất mới.
H’Thuận xúc động cho tôi biết: kinh tế buôn em so với mặt bằng chung nơi đây thì chưa bằng vì cả buôn mới có 12 ha lúa nước hai vụ, hơn 20 ha trồng khoai mì; dân còn nghèo vì thiếu đất canh tác, nhưng dù có nghèo mấy cũng không phá rừng thầy ạ. Nhưng tình hình này không biết giữ được bao lâu nữa, gỗ lớn nhà nước đã khai thác, số còn lại bị lâm tặc ngày đêm trộm cắp; anh bí thư chi bộ thôn lên tiếng ngăn chặn bọn chúng thì bị chúng trả thù, chặn đánh giữa đường đến phải nhập viện. Lời nghèn nghẹn và chùng xuống của H’Thuận làm tôi cũng thấy bồi hồi, trách nhiệm của toàn xã hội nói chung và từng chi bộ, từng cán bộ thôn buôn nói riêng là vận động đồng bào cùng chung tay giữ rừng; nhưng bọn lâm tặc manh động hoàng hành, thì việc giữ rừng chắc chắn còn nhiều cam go thử thách và rất cần các cơ quan chức năng chung sức cùng làm. Ba hướng bắc, đông, nam của buôn được núi cao bao bọc, trên núi vẫn còn một màu xanh ngắt của đại ngàn và chùm quả chôm chôm khi bóc vỏ để lộ ra màu vàng nâu như mật ong rừng để lâu ngày, ăn có vị chua chua, ngọt ngọt đúng là đặc sản của đại ngàn; các cháu hái về để giành ăn dần, và má chúng - cô học trò nhỏ của tôi ngày nào, hôm nay mang mời thầy giáo cũ thưởng thức để nhớ lại một thời không thể nào quên.
Buôn M’Um, vẫn chỉ một con đường duy nhất chạy từ hướng tây qua đông đến buôn và hai bên đường là những ngôi nhà sàn dài lợp ngói, lợp tôn thay cho mái lá mây, cỏ gianh thuở trước. Buôn vẫn rất sạch sẽ vì vắng bóng heo thả rông và rất ít gà. Quanh các mái nhà sàn ấy bóng cây xoài, cây mít triểu quả đứng khoe sắc. Một số gia đình đã có chuồng nuôi bò làm xa nhà, đảm bảo vệ sinh. Già làng Y Gút còn có tên gọi thân mật - Ma Tiêm nói với tôi: Gần một nửa các hộ trong buôn có xe máy, cánh thanh niên thì nhiều đứa có di động, nhà nghèo cũng có một hai con bò, nhà khá hơn có 5 con. Các cháu đến tuổi được đến lớp đi học chữ, phong tục cúng bến nước hằng năm vào ngày mùng bốn tháng một vẫn duy trì thường xuyên; mọi người bảo nhau sống hòa thuận, thế là vui rồi.
Người dân trong buôn M’Um có cuộc sống rất riêng, không sôi động ganh đua làm giàu, tìm cách làm giàu như những người trong vùng; họ bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Một vùng quê thanh bình, êm ả đến khác lạ. Theo bà Lưu Thị Thủy – Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Cư Prông cho biết: “Cả xã có hơn 75% dân số là dân tộc ít người, chủ yếu ở hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn vào làm ăn, sinh sống; ai cũng lo làm giàu và mong làm giàu; riêng dân buôn M’Um lại chỉ cần đủ ăn; xã đã từng đưa cây giống, rồi con giống như: bò, lợn, gà, vịt... vào hỗ trợ nhưng kết quả không khả quan; ngay cả vận động cho vay tiền ngân hàng để đầu tư sản xuất, dân cũng không ủng hộ; hình như họ vẫn quen với tập tục cũ”!
Cách chăn nuôi, sản xuất cũ thì không thể duy trì, cần có sự thúc đẩy ngay từ lớp trẻ để họ biết làm giàu và thích làm giàu bằng con đường chính đáng của vùng quê mình là cần thiết để nâng cao mức sống cho gia đình và bản thân là hết sức cấp bách, cần có sự quan tâm của cả cộng đồng xã hội; nhưng những phong tục, tập quán cổ truyền đến nay buôn còn lưu giữ được là hết sức đáng trân trọng, cần phát huy.

 Núi Chư Pal cao lắm, rộng lắm, nó là dãy Chư Yang Sin kéo dài ra; nhưng dù cao, dù rộng đến đâu cũng có giới hạn nhất định, nếu ta không biết gìn giữ, bảo vệ thì rừng sẽ mất đi. Rừng mất đi, các dòng suối sẽ khô cạn, và nước sẽ không còn thì lấy đâu ra bến nước để thờ cúng. Cái lý lẽ đó của người Ê đê nơi đây quả thật rất đáng để suy nghĩ. Tạm biệt cô học trò nhỏ ngày nào, tạm biệt buôn M’Um, tôi thầm mong những người dân buôn M’Um sẽ biết làm giàu một cách chính đáng, nhưng vẫn giữ được rừng, giữ được nét văn hóa đặc trưng tuyền thống dân tộc của người Êđê để lưu lại cho các thế hệ mai sau, điều đó qúy giá lắm. Chúng ta hy vọng như thế!






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI