Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

ĐỌC TẬP THƠ "ĐI QUA NGÀY NẮNG" CỦA HỒ HỒNG LĨNH lời bình của LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN SỐ: 314 - THÁNG 11 NĂM 2018


Nhà thơ HỒ HỒNG LĨNH

Hồ Hồng Lĩnh làm thơ nhọc nhằn, cẩn trọng như con ong hút mật - loài ong "bay đến trọn đời tìm hoa" - bởi anh viết bằng tâm thức của người yêu thi ca đích thực. Đi đến đâu, Hồ Hồng Lĩnh cũng mang về những bài thơ "nóng hổi", hay có mà tầm tầm cũng có. Thơ tình yêu, thơ viết về các danh thắng, thơ trữ tình thế sự... Tôi đọc lẻ tẻ thơ anh nhiều, bây giờ mới thực sự đọc nguyên tập khi còn là bản thảo để làm người giới thiệu tập thơ thứ ba này: Đi qua ngày nắng. Tập thơ vẫn nối tiếp mạch nguồn cảm hứng nội dung và phương thức biểu đạt mà Hồ Hồng Lĩnh từng trải nghiệm, dấn bước từ hai tập thơ trước là Quá giang và Sang mùa. Có điều, ở tập thơ này, người đọc dễ nhận ra đề tài phong phú và có sự chọn lọc tinh tươm hơn; thi pháp chín và nhất quán hơn trong cách thể hiện. Đó chính là những nét thành công cơ bản trên cái nhìn tổng thể, khách quan.
Với nhà thơ Hồ Hồng Lĩnh - người con xứ Nghệ sớm bước tha phương nên tình yêu quê hương xứ sở luôn đậm sâu, "nôn nao nhịp thở" ngày anh trở về chốn cũ. Từ miền quê thanh bình, yên ả nơi anh sinh ra (Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu - Nghệ An), đi qua dòng sông xanh nước chè hai (nước lợ) là ta gặp ngay biển xanh cát trắng thuần khiết, ân tình. Đây là hình ảnh con đường làng kéo dài trong tâm tưởng như nỗi nhớ vô biên dâng trào mãnh liệt: "Tôi chạy trên đường làng/ ký ức xa/ nôn nao nhịp thở/ như đụng vào chiều dài nỗi nhớ/ đôi bờ xanh mải miết xóm làng..." (Đường làng). Tình yêu quê hương gắn với tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng được anh biểu đạt bằng những câu thơ mới mẻ, trữ tình và mang đậm sắc thái cá nhân: "Tôi đã về đây, đã về đây/ hứng giọt ngọt đậu trên cành thơ bé/ tuổi thơ mơn man chồi non mưa tháng Bảy/ đuổi bắt chuồn chuồn bến Cầu ao buổi nọ/ những trưa thả diều/ nắng ngậm hồn say..." (Tuổi thơ... xa)
Tình yêu quê hương xứ sở trong thơ Hồ Hồng Lĩnh còn là mảng hồn của cha mẹ sinh thành, bà con và anh em ruột rà thân thích. Anh sớm tha phương, nên tấm lòng trước sau vẫn đau đáu hướng đến những người thân yêu nhất: "Nấm mồ xa/ mẹ nằm trong hoàng hôn cỏ úa/ con nghe nỗi đau phiền muộn..." (Tháng Mười cho ta được nhớ). Anh thấu hiểu nỗi lòng người cha gửi tình cảm cho con từ tâm sự một người anh trong dòng tộc, nghe thiết tha và sâu lắng bằng những câu thơ cô đọng nhưng lan toả nỗi niềm: "Cha/ một chiều mưa đến đợi/ hốc mắt ngã vào con/ lời gửi" (Lời gửi). Anh thương người em họ cùng nơi chôn rau cắt rốn mãi nằm lại nơi chiến trường Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm xưa. Nhờ đó, thơ anh có lúc nghẹn ngào, bật thốt nên dễ chạm được nỗi đau tận đáy cõi hồn người. Hãy nghe Hồ Hồng Lĩnh bồi hồi kể lại: "Đỏ lửa hè - Quảng Trị/ thảm khốc cho từng ngọn cỏ tiếng ve/ Thạch Hãn dựng lên/ những cột cao gào thét/ máu lửa đỏ một dòng sông chết/ ta biết em ẩn mình trong đó/ cát sương" (Giấc mơ gãy cánh). Thương quê, thương yêu những con người hiền lành và chân chất trong gia đình họ mạc, Hồ Hồng Lĩnh tắp táp "biển quê chát nắng mà se bùi ngùi". Cái tình anh đậm sâu, nên thơ viết về đề tài này cũng thăm thẳm ân tình và mênh mang nỗi niềm hoài cảm.
Từ quê hương bản quán đến vẻ đẹp núi sông, đất nước là mạch ngầm tuôn chảy không sao khác được. Hồ Hồng Lĩnh là nhà thơ bén nhạy với mảng đề tài viết về danh lam thắng cảnh. Nhiều thi phẩm trong tập thơ Đi qua ngày nắng đã nói lên điều đó: Bên hồ Xuân Hương Đà Lạt, Về đâu..Thuỷ Tiên ?, Núi Đá Voi, Trưa hồ Lắk, Về Cần Thơ, Nhà hát Cao Văn Lầu, Điện gió... Đây là mảng thơ dường như mang tính sở trường của anh nên phần lớn khá hay và đong đầy cảm xúc. Viết về Đà Lạt, Hồ Hồng Lĩnh có những câu thơ giàu hình tượng, rất thi sĩ: "Như giấc mơ hoa/ đậu xuống phố phường Đà Lạt/ một thung xanh/ mềm nắng trưa hè/ non nước tôi qua/ mảnh hồn nghiêng bóng" (Bên Hồ Xuân Hương Đà Lạt). Với Sài Gòn, nhà thơ có cách cảm nhận riêng thật ấn tượng, không lặp lại bất kỳ ai. Đó là sự phát hiện mối tương quan hai mặt của một phố thị sôi động vào bậc nhất nước ta. Sài Gòn phù hoa, dữ dội nhưng cũng đôn hậu, dịu dàng: "Đôn hậu nơi Sài Gòn rất mực/ hối hả phù sa vẫn về cho căng trẻ/ gương mặt em ửng hồng hoa trái/ ta vẫn yêu sự sôi động Sài Gòn/ như bước chân em nhịp sông ra biển/ như cuộc tình đôi lứa xuân xanh" (Với Sài Gòn). Đối với mảnh đất Đắk Lắk, vùng đất được xem là quê hương thứ hai nơi anh đang sinh sống, vậy mà nếu có dịp đi đến địa phương nào, nhìn thấy cảnh vật gì là dường như Hồ Hồng Lĩnh có thơ cảm tác ngay. Anh nhạy bén, dễ xúc động và có cái nhìn yêu ái với mỗi mặt hồ, con suối, dòng sông, ngọn thác... Đến thác Thuỷ Tiên huyện Krông Năng, nhà thơ bộc tràn cảm xúc qua lời hô gọi mở đầu tha thiết: "Em ngủ trong rừng sâu", xung quanh "em" là vẻ đẹp thần tiên, thoát tục: "gió thơm, trăng dịu, nắng ngọt ngào" (Về đâu... Thuỷ Tiên?). Hồ Lắk, một thắng cảnh nổi tiếng thuộc huyện Lắk, nhà thơ Hồ Hồng Lĩnh lại chạnh niềm cảm khái về món ngon ẩm thực vốn xưa kia là của người dân bản địa giờ đã thành đặc sản ở nhà hàng: "bữa cơm nhà hàng con cá măng đã thành đặc sản/ người bản địa đành dùng chung với đồ hấp, đồ lạnh" (Trưa Hồ Lắk). Anh nghe lòng nghẹn ngào, phản tỉnh khi đứng giữa xứ sở của loài voi mà cảm giác lạnh lùng, mất mát xâm chiếm lòng mình. Anh đau khổ khi nhìn văn hoá truyền thống của người dân nơi đây dần bị mai một, bị lấn át, thậm chí vùi khuất dần không sao cưỡng được: "Trưa hồ Lắk/ đi qua Buôn Jun, Buôn Liêng/ chái nhà sàn hỗn độn mộc và xây/ không thấy em gái M'Nông chằm sợi ngang sợi dọc/ vựa trứng vịt hình như người ta lưu tâm hơn cả". (Trưa hồ Lắk). Đến thác Dray Nur, Hồ Hồng Lĩnh không những cảm động bùi ngùi từ huyền thoại "con sông chia đôi sau cơ nhỡ cuộc tình", anh còn lắng lòng mình nghe lời khan của già làng để rồi xa xót nhận ra một hiện thực đau lòng: "Thác Dray Nur trầm hùng và quặn réo/ ta không khóc câu chuyện tình buồn của người đã lùi vào thiên cổ/ khóc cho sự hiển nhiên thất thường no đói của ngươi/ khóc cho yết hầu mùa khô dòng sông quắt quay đói khát" (Dray Nur hôm nay)... Nghĩa là với nhà thơ Hồ Hồng Lĩnh, mảng thơ viết về thắng cảnh quê hương đất nước là nguồn cảm hứng không hề vơi cạn. Đến đâu, vẻ đẹp mỗi tên đất, tên làng mến yêu của đất nước ta đều được ghi lại dấu ấn trong thơ anh đậm nét. Từ đó, người đọc dễ nhận ra sự ân tình, trìu mến của một hồn thơ nhân hậu, giàu tình cảm yêu thương.
Trong tập thơ Đi qua ngày nắng, nhà thơ Hồ Hồng Lĩnh cũng dành một số bài viết về tình yêu đôi lứa. Đâu đó, ẩn chìm trong các thi phẩm viết về cảnh sắc quê hương, bạn bè ngày hội ngộ, thi thoảng có những câu thơ phảng phất hương vị tình yêu một thuở đầu đời. Các thi phẩm Trăng lạnh, Cuối chạp, Mua lại dại khờ, Hương ổi, Đi qua ngày nắng, Lời nào cho em, Dịu dàng... xem như một mảng nhỏ thơ tình yêu mà tác giả góp vào tập thơ cho đa thanh, đa sắc. Thơ tình yêu Hồ Hồng Lĩnh không bay bổng, lãng mạn mà "xon xót", cảm thương, nhức buốt nỗi niềm. Bài thơ Trăng lạnh ngân lên như tiếng thở dài não ruột. Tiếng trăng rơi vàng vọt hay đó là tiếng lòng xa xót lúc khuya buồn? Phải nói, chính nỗi lòng thi nhân hoà điệu với vầng trăng "lỡ thì" dang dở nên thơ giàu tâm trạng cảm thông: "Xon xót từng giọt khuya/ rớt xuống đèn đường/ ám dụ trăng/ lỡ thì/ vàng vọt/ đêm thở dài hay ai đó thở dài..." (Trăng lạnh). Buồn và cô đơn không kém gì tiếng lòng trong Trăng lạnh, tác giả hoài niệm về hình bóng người con gái thời chiến tranh đi qua bom đạn với hương ổi tình yêu chôn chặt một nỗi đời: "hương ổi/ theo em vào cuộc chiến/ cầm tuổi xuân đi dọc dài sông bom đạn/ hương kín mùa/ mà chôn chặt một đơn côi" (Hương ổi). Có được chút niềm vui say đắm, hơi thơ tràn trề chút sinh sôi tình ái phải nhắc đến bài thơ Cuối chạp: "Cuối Chạp như đứng trong bóng tối/ nhìn ra ngoài vũ trụ lâng lâng/ như em ngã vào anh/ thầm lặng không lời/ đánh thức buổi giao mùa tĩnh mịch/ cho đêm ngã vào ngày/ đợi chờ khao khát/ thản nhiên lắng một chấm/ sinh sôi".
Thơ trữ tình thế sự của Hồ Hồng Lĩnh phần nhiều hướng đến niềm vui và nỗi đau chung của số phận con người. Chính tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, yêu cuộc sống và luôn khát khao cuộc đời tươi đẹp nên một cơn bão tràn vào đất liền, một miền Trung chìm trong nắng nôi, mưa lũ đều khiến anh xót xa, quặn thắt nỗi lòng. Hãy nghe Hồ Hồng Lĩnh van xin: "Lui gót rồi/ đừng tới thêm số 12 - cơn bão/ những vệt ác chưa tan trong mi mắt địa tầng" (Chiều lạnh). Vì vậy, đứng trước mảnh đất miền Trung - mảnh đất chịu nhiều giông bão, nhà thơ ngậm ngùi cảm khái: "Cơn mưa ngông như dã thú tìm mồi/ mười bốn lần thành giông bão/ như kẻ đói khát thèm/ gặm nham nhở miền Trung eo hẹp/ những ngày mây đánh úp gã mặt trời/ ngụp lặn cánh cò, ngụp lặn học trò, ngụp lặn ngư dân" (Im lặng trước miền Trung). Từ những cơn bão lũ miền Trung, nghĩ về người mẹ của mảnh đất cơ cực này, nhà thơ có những câu thơ đầy chiêm nghiệm và mang tính phổ quát: "Mẹ dẫu là đâu vẫn thế/ bình dị bao dung mạch nước trong nguồn" (Mẹ miền Trung). Nhà thơ thương cảm cho người vợ cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu vì không sinh được con mà đành chấp nhận sự chia lìa phu phụ: "Dạ cổ hoài lang níu chiều trong khoảng lặng/ khói hương thơm thương nhớ đôi bờ/ trước lăng mộ/ bản nhạc như nấc lên/ người đàn bà với nỗi oan nhàu rụi chẳng biết sinh con/ hạnh phúc lâm chia, cha mẹ ra tay thành con đò đơn chiếc" (Bên mộ Cao Văn Lầu). Tóm lại, thơ Hồ Hồng Lĩnh biết bám sát đời sống thế nhân với những biến động đời thường trăm mối ngổn ngang. Nhà thơ không thuần tuý kể, tả mà qua đó còn chiêm nghiệm và thể hiện một cảm quan, một suy tưởng về cuộc sống, về tình yêu và thân phận con người.
Thơ Hồ Hồng Lĩnh mới về hình thức, cách tân nhiều ở nhịp điệu câu thơ, giọng thơ. Đọc Đi qua ngày nắng, tôi nhận thấy thơ anh tung tẩy, câu thơ buông duỗi ngắn, dài tuỳ vào cảm xúc chứ không hoàn toàn định vị số tiếng trong mỗi dòng thơ. Nhờ đó, đọc thơ Hồ Hồng Lĩnh, ở tập thơ này cũng như các tập Quá giang và Sang mùa trước đây, chúng ta vẫn bắt gặp câu thơ anh lạ lẫm về hình hài, vóc dáng. Đó là một sự cố gắng trong sáng tạo nghệ thuật đáng trân trọng. Ngôn từ nghệ thuật trong thi tập Đi qua ngày nắng, dù Hồ Hồng Lĩnh chưa có nhiều sáng tạo mang tính bứt phá, song anh đã dám dấn thân làm mới từ ngữ để tạo dấu ấn riêng cho chính mình, không chấp nhận sự va đập với người khác. Anh tỉnh lược đến mức kiệm lời, nên đọc thơ anh phải biết nghệ thuật "nhảy cóc", có khi ghép nối các yếu tố từ vựng để xác lập một từ mới có nghĩa theo anh cảm nhận. "Chao vội những cánh chim/ không còn ngâm mình trong ứa đỏ hoàng hôn/ chiều mưa bụi gió hoang" (Mùa quả); hoặc: "Thu đang hụt hơi trên sắc lá/ vẳng nghe thánh thót đàn bầu/ âm khúc trầm/ rơi ngực đáy" (Tháng Mười cho ta được nhớ). Có điều, nếu dùng không khéo, dễ tạo thành những câu thơ tối nghĩa, khó đọc. Là người trong cuộc, ranh giới ấy có lẽ nhà thơ Hồ Hồng Lĩnh am tường hơn ai hết.
Sự sống của câu thơ, bài thơ, tập thơ... bao giờ cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự tri âm, chia sẻ của bạn bè, độc giả gần xa. Dù sao đi nữa, cuộc đời với muôn vàn khổ đau, buồn vui, hạnh phúc vẫn lớn hơn nhiều tiếng thơ ký thác của thi nhân. Thơ là gia vị, cuộc đời mới là đích thực, nên cần lắm những "nốt nhạc trầm". Trân trọng giới thiệu tập thơ Đi qua ngày nắng - một tấm lòng của nhà thơ Hồ Hồng Lĩnh gửi đến chúng ta.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI