Thứ Năm, 6 tháng 12, 2018

VƯỢT MIỀN KÝ ỨC bút ký của PHAN MAI HƯƠNG - CHƯ YANG SIN SỐ: 314 - THÁNG 11 NĂM 2018


Nhà văn Phan Mai Hương

Trở lại Tây Nguyên lần này đối với tôi như được trở về ngôi nhà thân thuộc. Nhớ có lần bạn gọi rủ rê hãy vào Tây Nguyên mùa khô, sẽ thấy cao nguyên đất đỏ thắm chan cùng trời xanh mây trắng nắng vàng. Bạn sẽ được thoả thuê nhìn tận mắt  đi trong thảm vàng dã quỳ miên man.
Chẳng biết tự khi nào, dã quỳ mang trọn linh hồn Tây Nguyên như một điều đương nhiên. Cứ càng nắng gắt khô khát, màu dã quỳ càng vàng tươi rực rỡ. Dường như bao nhiêu mầu mỡ của đất đỏ ba-zan tình tự với hạt mưa rừng Tây Nguyên mà dồn hết cả vào bông dã quỳ  vàng tươi tắn. Hoa dã quỳ Tây Nguyên khiến cho liên tưởng đến những con người di cư đến miền cao nguyên và đơm hoa kết trái sâu rễ bền gốc ở nơi có hạt đất đỏ núi lửa mầu mỡ kết tinh của hai mùa mưa nắng.
 Bây giờ đang tháng Tư, là đỉnh điểm mùa khô, hoa dã quỳ cũng đã hết. Tôi không gặp dã quỳ, mà chìm luôn trong nắng chang chang như thể không gắt gay được hơn thế nữa. Nhưng cuộc gặp gỡ với đồng hương Tây Bắc trên vùng Tây Nguyên lại chan chứa nhiều ngọt ngào, háo hức, mừng vui như cơn mưa sớm trước mùa mưa.
 Trên hành trình mưu sinh, con người luôn tiến hành những cuộc di cư vĩ đại  qua các miền đất để  chọn cho mình nơi sinh sống tốt nhất. Cũng nhờ những cuộc di cư mà những miền đất hoang vu được khai phá và thấm đẫm giọt mồ hôi nước mắt của con người. Lịch sử xã hội và con người Việt Nam cũng để lại những cuộc di cư khác nhau. Tôi dầm chân trong cái nắng gắt gay của Tây Nguyên mùa khô để hình dung những âu lo héo hon trong cuộc di cư của những con người đi tìm kế sinh nhai trên miền đất mới. Vì rất nhiều lí do khác nhau mà bà con các dân tộc thiểu số Tây Bắc di cư đến Tây Nguyên.
Có cuộc di cư do lịch sử để lại vào năm 1954. Tôi đã đọc tài liệu ở đâu đó rằng đây là thời điểm diễn ra cuộc di cư khổng lồ, có quy mô lớn nhất của người Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Cái ngày diễn ra cuộc di cư đó, tôi vẫn đang còn là hạt bụi trôi nổi vô định đâu đó trong vũ trụ này. Nên bây giờ, tôi chỉ hình dung cái quy mô lớn của nó diễn ra bằng vài dòng mà lịch sử kể lại, đó là những kiến thức hạn hẹp được học trong nhà trường. Tôi  chỉ phần nào thấu hiểu thân phận của những con người bỗng chốc phải rời bỏ quê hương mà không hẹn ngày trở lại. Cuộc chuẩn bị để xa biệt nơi chôn rau cắt rốn, nơi có mồ mả tổ tiên ông bà đâu có phải dễ dàng gì? Chắc chắn họ ra đi mà mang trong lòng nỗi niềm đau đáu về nơi chôn nhau mà không biết bao giờ trở lại.
Vậy người dân di cư đã làm được gì cho mảnh đất đã cưu mang họ? Quê hương mới có mang đến cho ngươi di cư một cuộc sống như mong muốn không? Người dân di cư đã gặp những khó khăn gì? Thế hệ tiếp nối đã đón nhận hiện tại và tương lai như thế nào? họ đã và đang cư xử với quá khứ ra sao? Sau hơn nửa thế kỷ rời xa nơi chôn rau cắt rốn để xây dựng cuộc sống nơi quê mới, người  dân di cư  đã có thể có cuộc sống an cư lạc nghiệp hay không? Miền cao nguyên là nơi sinh sống chính của các dân tộc Bana, Jalai, Êđê,  nay tiếp nhận đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Bắc, và cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên vẫn ẩn chứa biết bao điều cần phải khám phá.
Tôi  xúc động và có cảm giác như được trở về nhà, khi nhà văn Nguyễn Liên, người ra đón tôi ở sân bay Buôn Ma Thuột, kể rằng sân bay Buôn Ma Thuột có tên là sân bay Hoà Bình. Khu dân cư ở liền kề sân bay cũng mang tên Hoà Bình. Lý do rất đơn giản, đây là khu cư dân của người Mường Hoà Bình di cư từ  năm 1954. Hầu hết, người Mường Hoà Bình đều tập trung sinh sống ở nơi này, làm nên một cộng đồng quan trọng trong ngôi nhà chung các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bạn sẽ ngỡ ngàng khi gặp rừng cây sao đen hàng trăm tuổi, xanh tươi lừng lững trải dọc con đường dẫn vào sân bay. Tôi nghĩ những cánh rừng cây sao đen được giữ gìn và chăm sóc rất tốt, kể như từng cọng lá xanh cũng được nâng niu, đã làm nên vẻ đẹp khó quên của thành phố cao nguyên. Phải chăng những tán cây sao đen xanh tốt kia như nhân chứng đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử và cuộc sống của cộng đồng người Mường Hoà Bình di cư đến nơi đây.
Bây giờ, sân bay Hoà Bình đã đổi tên là sân bay Buôn Ma Thuột, và khu dân cư đổi tên là xã Hoà Thắng. Chúng tôi có cuộc gặp ngắn ngủi với lãnh đạo xã, và đón chúng tôi là chị Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch uỷ ban nhân dân xã Hoà Thắng.  Chị Loan vui vẻ kể rằng chị cũng là dân di cư, từ quê Hải Dương vào đây lập nghiệp ngót 30 năm rồi. Chị đưa ra cho chúng tôi những số liệu cơ bản về cộng đồng người Mường, gồm có 3 thôn: Thịnh Lang, Cao Phong, Mường Bi, chủ yếu là dân di cư từ 1954. Ở xã Hoà Thắng, văn hoá truyền thống của người Mường được bảo tồn rất tốt. Những lễ nghi như lễ Lúa Mới vào tháng 10, lễ Khai Hạ vào tháng Giêng đều được đồng bào Mường ở Hoà Thắng tổ chức trọng thể và linh đình. Tôi nhớ, có lần vào dịp Tết Nguyên Đán 2017, chị Linh Nga Niê Kdam, là nhạc sĩ dân tộc Êđê và là người có nhiều đam mê và nghiên cứu rất sâu sắc về văn hoá dân gian của tỉnh Đắk Lắk có gọi điện thoại và kể về cảm xúc thú vị và háo hức của chị khi đang dự lễ Khai Hạ của người Mường ở Hoà Thắng. Chị  Linh Nga đã làm cho tôi cứ ước ao một lần được tham dự một trong lễ nghi truyền thống quan trọng bậc nhất, đón một mùa trồng cấy mới của dân tộc Mường ở miền đất cao nguyên xa xôi. Thì hôm nay đây, tôi đã mang niềm mong ước ấy vào với Buôn Mê Thuột như đất khát đợi cơn mưa.
  Chị Loan cho biết, xã Hoà Thắng đã giữ gìn và bảo tồn rất tốt nền văn hoá truyền thống của dân tộc Mường, đặc biệt là phong tục tập quán của người Mường Hoà Bình. Trong đó bộ môn nghệ thuật cồng chiêng Mường được chú trọng lưu giữ và có kế hoạch phát triển rất chu đáo. Công tác xây dựng đội nghệ thuật cồng chiêng được Đoàn thanh niên tổ chức rất quy củ và bài bản, nghiêm túc. Các bạn trẻ được tuyển chọn đều có tâm hồn yêu nhạc cụ truyền thống dân tộc Mường. Các buổi tập luyện đánh cồng chiêng được những cụ già nghệ nhân tận tình hướng dẫn, chỉ dạy cho người trẻ. Đội nghệ thuật cồng chiêng Hoà Thắng luôn có mặt tham dự hầu hết các sự kiện văn hoá của thành phố Buôn Ma Thuột. Trong ngày Hội Văn hoá Thể thao các dân tộc năm 2017, tiết mục biểu diễn cồng chiêng Mường của xã Hoà Thắng được trao giải nhì. Nếu so sánh với cộng đồng người Mường sống ở  huyện Buôn Đôn, những sinh hoạt văn hoá văn nghệ truyền thống gần như bị lãng quên, hoặc không thể khôi phục thành nề nếp như ở Hoà Thắng. Phải thừa nhận rằng việc giữ gìn nét văn hoá truyền thống ở Hoà Thắng đã tạo nên một cộng đồng người Mường rất đoàn kết ở Tây Nguyên, góp phần làm phong phú thêm màu sắc cho bản đồ sắc tộc của vùng Tây Nguyên.
Trong đời sống tinh thần của người Mường, tín ngưỡng thờ thần linh cũng là một mặt quan trọng của đời sống văn hoá truyền thống. Người Mường ở Hoà Thắng rất có ý thức bảo tồn đời sống tâm linh của cộng đồng. Chính quyền xã Hoà Thắng  rất ủng hộ trong công tác bảo tồn văn hoá tâm linh dân tộc Mường. Các thôn Mường đều có đình làng dùng làm nơi tế lễ và sinh hoạt văn hoá tâm linh. Các ngôi đình Cao Phong, đình Thịnh Lang, đình Mường Bi, đều được xây dưng và tu bổ khang trang. Đình là biểu tượng tinh thần cho mỗi thôn Mường và do các thôn đó tự quản lí. Các ngôi đình được dùng làm nơi tổ chức các sự kiện, các nghi lễ quan trọng của cộng đồng Mường ở xã Hoà Thắng.
Tôi đến ngôi đình của thôn Mường Bi, thấy có khuôn viên rất rộng rãi và được xây cất khang trang. Nhà thờ chính nối liền nhà hội họp nép dưới bóng rợp của cây đa xoè tán che mát một vùng rộng lớn, trước mặt là cánh đồng mênh mông. Cũng phải đợi một lát thì ông chủ tế Đinh Thế Đổng mới vội vã chạy đến mở cổng, thắp hương trên ban thờ và cẩn trọng mời vào lễ. Ông Đổng nói vì không được báo trước nên đã  không kịp chuẩn bị chu đáo hơn.
Ông Đinh Thế Đổng thuộc dòng dõi nhà quan lang ở Mường Bi (Hoà Bình). Năm 1954 cha mẹ ông di cư vào Buôn Ma Thuột và cắm chốt ở mảnh đất Hoà Thắng, khi ấy còn là rừng rậm um tùm. Ông kể, hồi nhỏ còn thấy cha bắt được cầy cáo và heo rừng nhiều vô kể. Được sinh ra ở  Buôn Ma Thuột - năm 1960 -  nghĩa là ông Đổng là thế hệ đầu tiên ở đây trưởng thành trên đất Tây Nguyên. Qua hai thế hệ lập nghiệp, đến nay cuộc sống gia đình ông Đổng đã rất ổn định và chắc chắn. Các con của ông Đổng đều đã trưởng thành. Con gái học đại học sư phạm và hiện đang là cô giáo trường tiểu học gần nhà. Thu nhập của gia đình chủ yếu từ rẫy cà phê. Khi tôi hỏi về số thu nhập cụ thể, ông Đổng hơi ngập ngừng, cũng ít thôi, thì cỡ khoảng chừng trăm triệu gì đó. Có lẽ ông Đổng không biết đấy là con số trong mơ của những người nông dân? Ông Đổng vui vẻ kể về công việc tự nguyện làm  thủ từ ở đình Mường Bi. Đây là công việc ông nhận làm tự nguyện vì việc mưu sinh cũng đã không còn vất vả nữa. Ông vui vẻ khoe, sau hơn 60 năm sống ở Tây Nguyên, đại gia đình với các con và các cháu cũng đã trưởng thành, có cuộc sống sung túc, an yên. Ông chỉ nói nhiều về cộng đồng Mường và ngôi đình mà ông hết lòng chăm sóc.
 Ở ngôi đình này, ông Đổng cùng với cư dân thôn Mường Bi tổ chức những lễ nghi hằng năm, lễ Khai Hạ mùng Bẩy tháng Giêng, lễ rằm Tháng Bẩy, lễ Cơm mới tháng Mười, lễ đón Năm Mới. Kinh phí hoạt động nhờ vào sự đóng góp tự nguyện của các hộ dân trong thôn. Có thể tuỳ theo khả năng kinh tế của từng hộ, nhưng ít nhất là 100 ngàn đồng cho một năm.
Người Mường thôn Mường Bi vẫn giữ nguyên tập quán dân tộc Mường khi xây dựng ngôi đình. Tập quán người Mường vốn sinh sống nơi vùng thấp ruộng nước, nhất định phải là cây đa bến nước. Ông Đổng dẫn tôi xuống phía bờ tre um tùm, che khuất con suối chảy ngang hướng đông nam của  đình. Nếu không xuống tận nơi, tôi cũng không biết đó là con suối. Mùa khô này, con suối cạn sạch nước nhưng mùa mưa sắp đến rồi, sẽ đủ tưới nước cho cả cánh đồng lúa mênh mông trước mặt.
Ông Đổng nói rất yêu thích công việc này. Vào ngày mùng Một và ngày Rằm, ông Đổng vẫn qua lại thắp hương trên ban thờ và quét dọn lá rơi rụng. Tuỳ theo vùng miền, nhưng về cơ bản thì người Mường không có tục lệ thắp hương thường xuyên ngày rằm và mùng một. Nhưng theo tâm lý thì phải chăng giữ gìn nơi thờ cúng cho sạch sẽ gọn gàng thì tâm linh thanh thản nhẹ nhõm hơn. Ông Đổng yêu thích công việc và găn bó thực sự với ngôi đình. Việc chăm sóc lễ nghi truyền thống khiến cho cộng đồng người Mường Hoà Thắng vơi bớt nỗi nhớ quê hương. Đồng thời, như một sợi dây kết nối khăng khít với ông bà tổ tiên ngoài quê cũ. Ông Đổng kể rằng ngoài quê cũ vẫn còn có họ hàng, và ông cũng mới về Bắc thăm người thân. Nhưng bây giờ quê mới lại là nơi có quá nhiều gắn bó khiến cho không thể xa lâu được. Tự nguyện bỏ thời gian và tâm sức ra phục vụ cộng đồng, mỗi cá nhân sẽ làm cho cuộc sống cộng đồng người Mường nơi đây ngày càng được kết nối khăng khít bởi đời sống văn hoá tâm linh lành mạnh.
 Nếu đất nước phải đi qua những trang sử thăng trầm vì những cuộc chiến tranh tiếp nối. Thì số phận con người thực sự là những người khổng lồ khi phải mang vác những gánh nặng éo le và bất ngờ mà lịch sử mang lại. Chị Bùi Thị Hạnh đã vào tuổi lục tuần nhưng vẫn giữ được dáng hình mảnh mai với khuôn mặt xinh xắn, mỏng mày hay hạt, với giọng nói nhỏ nhẹ gần như giữ nguyên âm sắc Mường Bi. Chị Hạnh thủ thỉ kể với tôi về những thăng trầm mà bản thân chị và gia đình đã trải qua trong chiến tranh, tính từ thời điểm 1954, khi cha mẹ di cư vào Buôn Ma Thuột.
Người cha Bùi Văn Diên, ở ngoài Bắc từng theo hầu nhà Lang Mương Bi, đã từng đi lính thay cho nhà Lang, đóng quân ở Hà Nội 2 năm.  Ông mang cả gia đình vào Đắk Lắk năm 1954. Cho đến  năm 1961 tham gia đội lính của Lang Đinh Công Tuân, nuôi dưỡng mục tiêu lý tưởng là thành lập quân đội riêng, giành chiếm đất dựng ấp, lập cơ nghiệp nhà Lang trên Tây Nguyên. Hồi đó, đội lính Mường của các quan nhà Lang Mường khá đông và mạnh, nổi lên ở nhiều nơi, trong đó tiêu biểu là đội lính Mường của Quách Công Liên ở Đồng Nai, đội lính Hà Công Tố ở Buôn Trấp là của người Mường Phú Thọ. Sau này,  khi đội lính của lang Mường bị dẹp yên, thì ông Bùi Văn Diên đăng lính. Ông đã từng là gián điệp, được đưa ra ra miền Bắc nhảy dù ở Thanh Hoá thì bị bắt. Từ năm 1964 tới năm 1983 ông Diên sống ở trong các trại cải tạo trên miền Bắc, nhưng gia đình không hề biết. Năm 1984, ông Diên trở về Hoà Thắng sống cùng gia đình. Ông Diên mất năm 2001, thọ 70 tuổi
Sự mất tích của ông Diên đã khiến gia đình làm đám ma hai lần, trong đó có làm ma khô theo phong tục Mường để cho người vợ có thể tự do đi lấy chồng. Chị Hạnh kể về người cha với giọng xót xa nhớ thương, vì tuổi thơ của ba chị em Hạnh vắng bặt bóng cha. Đến khi cha trở về, thì thời gian sống cùng gia đình lại quá ngắn ngủi. Phải hiểu sâu sắc những thiệt thòi, mất mát ấy là do bi kịch lịch sử mang lại. Thế nên, khi kể chuyện, chị Hạnh vẫn giữ nét an nhiên như  đời người phải nương bóng số phận mà men theo.
Người mẹ là Nguyễn Thị Sen, năm nay 92 tuổi, hiện đang sống cùng gia đình chị Hạnh. Theo lời chị Hạnh kể thì mẹ chị rất xinh đẹp. Khi cha bị mất tích thì có nhiều người ngỏ lời cầu hôn với bà. Đặc biệt là lang Đinh Công Tuân đã từng công khai theo đuổi và dùng mọi cách ép buộc cô Sen về làm vợ. Khi ấy, cô Sen buộc phải đóng giả làm đàn ông để tránh sự ép gả cho nhà Lang. Để nuôi ba đứa con khôn lớn, bà Sen đã làm rất nhiều nghề, làm ruộng rẫy, bán bánh ở chợ. Hồi chiến tranh, xã Hoà Thắng vốn là vùng giáp ranh, ban ngày là của chính quyền Cộng Hoà, nhưng ban đêm lại là của bộ đội và du kích kháng chiến. Chị Hạnh chỉ tay ra phía đường quốc lộ, trước mặt chỗ chúng tôi trò chuyện và nói đằng kia là ấp chiến lược và hàng rào dây thép gai. Nhưng chỗ mình đang đứng đây – cách đường quốc lộ khoảng 500m – là rừng rú rậm rạp, nơi bộ đội và du kích về với dân. Sống ở vùng đất giáp gianh cài răng lược, người đàn bà Mường khéo léo và đảm đang ấy vừa bán bánh nuôi con, vừa làm giao liên cho bộ đội du kích. Thư từ, súng đạn, đồ tiếp tế cho bộ đội du kích được khéo léo giấu dưới mẹt bánh. Bà Sen làm giao liên suốt những năm chiến tranh mà không bị lộ là nhờ vào nhan sắc xinh đẹp, sự thông minh và khéo léo.
Khi kể về mẹ, chị Hạnh không giấu được niềm cảm phục mẹ, xen lẫn ngậm ngùi khi nhắc lại ký ức khủng khiếp, người ngoài khó mà tưởng tượng được nỗi đau khổ  khi cuộc đời người đàn bà 92 tuổi mà có tới hai lần làm đám ma cho chồng. Tôi cũng cố gắng mà cũng không thể hình dung hết nỗi vất vả cay đắng mà bà Sen đã mang trên đôi vai mảnh khảnh, đã đi qua số phận bằng nghị lực mạnh mẽ khác thường. Mới hiểu và ngẫm ra, lịch sử thường được thiết lập từ những cuộc đời người dân bình thường vô danh, những người dân cần cù sống trên miền đất họ từng gắn bó. Mặc dù số phận éo le hay suôn sẻ, họ đều ghi dấu ấn vào trang lịch sử bi tráng và hào hùng của dân tộc.
Chúng ta thường nói về những bi kịch đời người rằng đó là số phận phải mang. Như những suy nghĩ quá quen thuộc như lối mòn trong suy nghĩ. Chúng ta lại  thường nói ra những điều to tát như số phận dân tộc, vận mệnh đất nước. Nhưng giờ thì tôi nghĩ khác, phải chăng những điều hay được nói bằng những lời đao to búa lớn kia vẫn đang tồn tại một cách giản dị trong những gia đinh có đứa con buộc phải  lìa xa quê hương.
  Trong không gian bản làng của người Mường, bên bờ ao hoặc lối đi xuống suối, người Mường không thể thiếu những cây sung mật quả bám trĩu trịt quanh gốc cổ thụ sần sùi vệt múi thời gian. Nếu như có thể ví những đứa con lưu lạc xa quê ấy đã bị những éo le của khoảnh khắc lịch sử rứt ra khỏi dòng họ như trái sung mật bị rứt ra khỏi gốc cây. Nhưng ở nơi quê mới, họ vẫn sinh sống một cách can trường để vượt lên trên số phận. Phải chăng, chính những người dân bình thường vất vả và lam lũ mới làm nên sự trường tồn của dân tộc Việt Nam trên dải đất hình chữ S yêu dấu này.
 Thì bây giờ, ở tuổi 92, cụ Sen đã có thể hưởng phúc an yên cùng con cháu. Cuộc đời cụ Sen khiến tôi thấu hiểu hơn về miền đất cao nguyên đã từng thấm máu và mồ hôi công sức của nhiều thế hệ người Việt Nam đi qua chiến tranh.
 Phải chăng ngày nay, chúng ta cần có cách nhìn nhiều góc độ hơn, toàn diện hơn về quá khứ. Bất cứ cuộc chiến tranh nào thì người dân cũng phải mang vác những bi kịch éo le. Nếu ai đó có nhắc lại thì cũng là để nhớ rằng chiến tranh gây chia lìa ly tán biết bao gia đình. Nhớ lại để cho lòng người biết sống bao dung và biết chia sẻ hơn. Nhắc nhớ quá khứ bi kịch eo le như một cách để chúng ta thanh thản hơn, để nhìn về cuộc sống tương lai chỉ đơm hái những mùa hoa trái ngọt ngào.
Kể về bản thân chị Hạnh lại rất  bình thản, là cái an nhiên của người đã từng đi qua núi cao vực sâu. Nếu từ hồi nhỏ, chị Hạnh đã cùng mẹ làm ruộng làm rẫy và phụ mẹ buôn bán nuôi các em, thì hiện giờ chị vẫn làm từng ấy công việc nuôi con và chăm sóc mẹ già. Có chăng là thêm việc trông coi cửa hàng photocpy thêm thắt vào cuộc sống hàng ngày. Thu nhập từ rẫy cà phê cũng được khoảng từ 80 đến trăm triệu một năm, đủ cho chi phí vào những việc lớn trong gia đình.
 Vào tuổi học hành, chị Hạnh cũng được mẹ cho đi học hết phổ thông trung học. Chị nói vẻ đầy nuối tiếc, tuy học rất khá nhưng lí lịch gia đình phức tạp thì làm sao vào được trường đại học? Bây giờ, những đứa con của chị Hạnh đã học bù lại cho phần của mẹ. Cô con gái học xong đại học và đang làm ngành ngân hàng. Cậu con trai đang học đại học dưới thành phố. Chị rất tích cực tham gia công tác ở xã, hiện đang đảm nhiệm phụ trách đoàn thể phụ nữ của thôn Mường Bi. Chị nói, cuộc sống hiện tại như thế là tốt lắm rồi, và không mong ước gì hơn. Hai vợ chồng chị vẫn khoẻ mạnh để chăm sóc mẹ già, để nuôi dạy các con trưởng thành trên quê mới.
Dù không sinh ra ở quê gốc Mương Bi, nhưng chị Hạnh vẫn đau đáu nỗi nhớ quê. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, chị Hạnh đã viết thư về quê tìm họ hàng, và chị  đã được gặp lại hai người chú và một người bác. Đôi mắt nâu ngời sáng, thể hiện niềm vui của chị Hạnh khi kể về Mường Bi quê gốc vẫn là nơi chốn cho chị đi về thăm hỏi. Ngẫm ra, thế hệ thứ hai như chị Hạnh đã có cách nhìn và cách nghĩ năng động với tư duy rộng rãi hơn, nhưng vẫn giữ nguyên bản chất dân Mường, hiền lành chân chất mộc mạc như  đất đồi sau nhà, con suối trước ruộng.
 Dường như mỗi thời khắc biến động của lịch sử đều in dấu lên số phận đời người. Chấp nhận và kiên cường vượt lên trên số phận là bản chất của những người nông dân miền núi Tây Bắc nói riêng và của người Việt Nam nói chung. Từ vùng núi đá, người Mường Tây Bắc mang thói quen lao động cần cù trung thực để sống với miền đất đỏ cao nguyên. Những người con xa quê Mường lại làm nên một vùng Mường đậm bản sắc văn hoá, làm cho quê mới trở nên ấm áp hơn, và nhất là không thể rời xa vì đã gắn bó như phần máu thịt của quê hương. Lại ước mong có một dịp Tết Nguyên Đán nào đó được nếm ngụm rượu cần ngọt ngào mà dễ say lòng người ở đình Mường Bi trong lễ Khai Hạ trên miền cao nguyên. Tôi tạm biệt Hoà Thắng với nhiều lưu luyến vì biết rằng không dễ để trở lại.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI