Ông mặt trời thức giấc ló mặt lên từ cánh đồng lúa vàng rộ
phía đông rộng mênh mông trải dài theo hai bên bờ Krông Bông(1). Người dân buôn
Suốt lục tục dậy chuẩn bị ăn sáng để bắt tay vào một ngày mới. Như mọi ngày, bà
H’Ri khoác chiếc gùi đựng đồ ăn, nước uống lên vai đến mở cửa chuồng, lùa đàn
bò ra suối Đăk Tuar gặm cỏ. Khi đi qua vạt rừng dưới chân núi, bỗng nghe tiếng
trẻ con khóc, bà H’Ri giật mình chạy lại thấy một chiếc gùi cũ dựng bên gốc le
đang lúc lắc và phát ra tiếng khóc của trẻ con. Lại gần chút nữa thấy một đứa
trẻ mới sinh, khuôn mặt khôi ngô được quấn quanh mình một tấm chăn sui nhỏ,
đang khua tay chân rối rít; bồng lên biết là bé trai nên mừng lắm. Được ẵm, đứa
bé vẫn khóc mãi không nín; chắc là đói đây, bà nghĩ vậy nên lấy quả bầu đựng nước
chạy lại xin con bò đang nuôi con nhỏ một ít sữa mang lại bón cho thằng bé. Sau
khi uống sữa xong, nó lăn ra ngủ, trên môi nở nụ cười rất tươi. Suốt ngày nhìn
ngắm đứa trẻ không chán mắt, chiều lùa bò về bà H’Ri ẵm đứa bé lên nhà M’tao(2)
thông báo nhặt được đứa trẻ trong rừng. M’tao cười bảo:
-
Chắc các Yang(3) thấy
bà sống một mình côi cút nên tặng cho đứa con làm bạn đó. Bà nhặt được trong
trong bụi le, ta ban cho nó cái tên Le và tặng bà một tấm vải về quấn cho nó.
Bà H’Ri mừng lắm cúi đầu lạy tạ M’tao rồi nhận quà tặng về
nhà. Buôn Suốt phía nam và tây giáp dãy núi cao, được người xưa đặt tên là Chư
Yang Sin – nghĩa theo tiếng Việt là “núi của thần cọp”. Núi cao lắm, đỉnh cao
nhất của dãy núi thường ngủ cả ngày trong mây vào mùa mưa, còn mùa khô cũng ít
khi thấy được. Từ buôn Suốt muốn leo lên đến đỉnh núi phải đi nửa con trăng mới
tới. Trong rừng toàn cây to, thuộc loại gỗ quý không biết mọc từ bao đời, chen
nhau lao vút lên trời; động vật có rất nhiều loài cùng nhau sinh sống hòa thuận
nên đông đúc lắm. Người dân trong vùng khi nào có việc như: làm nhà, hay ma
chay… mới vào rừng xin gỗ mang về, còn thì để cho rừng tự do phát triển. Nhà bà
H’Ri ở cuối buôn, gần như tách biệt với các nhà khác, nghe a mí kể lại: đây là
căn nhà hai gian được M’Tao sai người hầu làm giúp để amí(4) bà H’Ri sinh sống
và an tâm chăn bò cho M’Tao. Mi bà H’Ri không ai biết quê quán ở đâu đi lạc đến
buôn Suốt từ khi còn nhỏ, xin vào làm thuê cho M’Tao. M’Tao giao đàn bò mười
hai con cho bà chăn dắt. Có lẽ do quá nghèo không có tiền bắt chồng nên năm gần
bốn mươi tuổi tự nhiên lớn bụng rồi sinh ra bà H’Ri. Bà H’Ri hàng ngày theo a
mí chăn đàn bò của M’Tao hơn 50 con, con nào cũng lông trơn, mông tròn nên được
M’Tao thương ban cho gạo thịt đủ ăn quanh năm. Sau khi a mí qua đời, bà H’Ri nối
nghiệp tiếp tục nghề chăn bò. Vì không có tài sản nhiều nên không thể bắt chồng,
đành chấp nhận sống cho qua ngày; nào ngờ Yang thương ban cho người con, thế là
tuổi già có người để nương tựa.
*
* *
Chàng Le được bà H’Ri hàng ngày xin sữa của các bò mẹ cho
uống nên chóng lớn lắm, chẳng mấy chốc trở thành chàng thiếu niên khỏe mạnh,
khôi ngô tuấn tú. Hàng ngày thay a mí đưa bò lên chân núi thả rồi lấy dây rừng
buộc vào cành le làm cung tập bắn. Năm được 15 mùa trăng chàng Le có thể bắn
trúng con chim đang bay trên trời, hay con cá nhỏ đuổi nhau dưới nước. Ngày
tròn 16 mùa trăng, kể từ khi được bà H’Ri nhặt, chàng Le lùa đàn bò đông đúc
hơn trăm con ra cánh đồng lúa mới gặt ven dòng Krông Bông cho ăn, ngả mình nằm
lên đống rơm còn thơm mùi lúa mới ngắm mây bay. Bỗng có tiếng kêu the thé như
tiếng khóc vọng lại, chàng Le ngồi bật dậy nhìn quanh và phát hiện một con đại
bàng lớn đang bay tới, dưới chân quắp một con khỉ lông vàng. Nhanh như chớp,
chàng Le giương cung bắn ngay một phát, mũi tên lao vút lên cắm vào cánh đại
bàng. Con đại bàng sà xuống dùng mỏ nhổ mũi tên ra và cất tiếng nói với chàng
Le khi chàng vừa chạy đến: “Người sẽ phải hối hận mãi mãi khi cứu kẻ phản phúc
này đấy”! Nói dứt lời, đại bàng vỗ cánh bay vào rừng xanh. Chàng Le nhặt con khỉ
con chỉ còn thoi thóp thở, người bê bết máu mang về tắm rửa, đắp lá thuốc.
Ngày tháng trôi
qua, con khỉ hồi phục và lớn rất nhanh, trở thành người bạn thân cận của chàng
Le. Ban ngày đi chăn bò, con khỉ đi theo hái lá, hoa quả cho chàng Le cùng ăn;
tối về nó ngồi ăn cơm cùng chàng, chỉ khi đi ngủ nó mới leo lên xà nhà ngồi.
Tình bạn keo sơn thật khó có từ nào diễn tả nổi giữa khỉ và người. Quanh năm,
sáng lùa bò đi chăn, tối lùa bò về lo ăn uống rồi ngủ, chàng không có ai làm bè
bạn ngoài con khỉ cả; lâu lâu khi nhà M’Tao có việc cần vài ba con bò làm thịt
đãi bạn thì mới có người đến gặp rồi bắt bò. Thời gian cứ vậy đều đều trôi đi,
chàng Le lấy thú vui hòa mình với cỏ cây hoa lá trên rừng làm niềm vui cho qua
ngày.
Những tưởng cuộc sống cứ vậy trôi đi, nào ngờ…
Buổi trưa hôm ấy cũng giống như mọi ngày, chàng Le đến
bên thác Đak Tuar cởi khố, trầm mình xuống dòng nước trong vắt, nhìn rõ từng hạt
cát dưới lòng suối để vùng vẫy, nô đùa với đàn cá. Con khỉ đu người lên cây lao
vào rừng xa đi tìm quả chín. Đang nằm ngửa cho mấy chú cá con thúc vào lưng
“mát xa”, bổng nghe có tiếng người vọng đến:
-
Cảnh đẹp thế này sao
chỉ có một người tắm thôi?
Giật mình, chàng Le đứng lên nhìn về phía tiếng nói thấy
một người con gái chắc tuổi chỉ trăng rằm, mình khoác tấm áo màu xanh da trời mềm
mại, óng ánh dài tận gót chân khác hẳn người dân trong vùng. Chàng Le trố mắt
nhìn không chớp, lưỡi như rụng đâu mất, cô gái nói tiếp:
-
Cảnh đẹp quá, em lại
bị lạc đường đi từ sáng đến giờ mệt quá, có thể cho tắm cùng được không?
-
Suối rộng mà!
-
Cảm ơn chàng!
Cô gái đứng trên tảng đá hình vuông, phẳng như mặt sàn
nhà, rộng chừng ba sải tay người lớn, nơi hàng ngày chàng Le để đồ, khi tắm
xong lên ăn và nằm nghỉ trưa. Cô gái lạ từ từ cởi áo khoác ngoài, áo trong... để
lộ ra một thân hình đẹp như tranh vẽ, tóc dài chấm gót chân, nhẹ nhàng lần từng
bậc đá bước xuống nước. Nước ngập đến đâu, chiếc yeng được vén lên đến đấy, khi
nước đến cổ chiếc yeng màu xanh óng ánh được kéo lên đầu ôm lấy bộ tóc đen mượt
mà. Nước da trắng ngần của cô gái làm nước suối hình như cũng trong thêm. Một
mùi hương thơm ngào ngạt lan tỏa trong không gian. Cô gái có đôi mắt lá răm đen
láy, đôi môi đỏ tươi như hoa pơ lang buổi sáng làm đàn cá dưới suối quên cả bơi
lội; từ từ tiến lại gần. Chàng Le hình như đã biến thành hòn đá, đôi mắt mở to,
tay chân cứng ngắc, không thấy động đậy gì được nữa. Đặt đôi bàn tay mềm mại,
trắng trẻo lên đôi vai chàng Le, cô gái lạ nở nụ cười rất tươi, nói nhỏ:
-
Để em kỳ lưng cho
nhé.
-
Không được đâu, mình
chưa biết nhau mà.
-
Trước chưa biết, còn
giờ thì biết rồi đấy.
-
Nhưng mà…
-
Không nhưng mà gì hết,
đứng im nhé.
Bàn tay của cô gái nhè nhẹ xoa lên tấm lưng trần suốt
ngày phơi nắng của chàng Le, tạo nên một cảm giác thật dễ chịu. Hết kỳ lưng, cô
gái lại vít đầu chàng Le xuống để vốc nước lên gội đầu. Chàng Le mắt nhắm lại,
đầu cúi về phía trước để mặc cô gái tạt nước đến khi bị ngạt quá mới vung tay
lên định ngăn cô gái thì… hai bàn tay chạm vào vật gì vừa mềm mại, vừa âm ấm;
giật mình mở mắt ra thấy hai tay đều đang chạm vào nhũ hoa của cô gái, vội giật
tay lại, giọng run run:
-
Xin… xin… lỗi!
-
Sao lại xin lỗi?
Nhìn em đi, em có xấu đến mức để anh không dám nhìn không?
-
Không!
-
Nhìn em đi!
Chàng Le mở mắt thấy khuôn mặt người đẹp sát mặt mình,
hơi thở thơm tho đang phả vào mặt mình và đôi mắt long lanh như muốn nói… Khi ấy
trên trời xanh có một đám mây trắng tình cờ bay ngang qua, che mất mặt trời tạo
nên một vùng râm mát; dưới suối chàng Le quên hết mọi chuyện trên đời, chỉ còn
bản năng của thằng đàn ông tuổi mười chín lần đầu tiên trong đời được chạm vào
da thịt người khác giới. Cả khu rừng các cây bất ngờ đồng loạt đâm bông, khoe sắc
với trời đất; làn gió mát luồn lách qua các thung lũng mang hơi thơm của núi rừng
ban phát khắp nơi, không gian tràn ngập một mùi thơm ngọt ngào lan tỏa.
Tảng đá như được Yang tạo sẵn dành riêng cho đôi trai
gái, họ ngồi bên nhau, tay trong tay, nhìn ngắm nhau không chán mắt cho đến khi
có tiếng kêu: khẹc khẹc… mới buông tay nhìn lên tán cây trên đầu. Con khỉ đứng
trên cành cây vừa rung vừa kêu, nhe bộ răng vàng khè gớm giếc như đe dọa. Chàng
Le nói:
-
Xuống đây tao giới
thiệu với bạn mới nào.
-
Khẹc khẹc!
-
Xuống đi.
-
Khẹc khẹc!
Con khỉ kêu lên hai tiếng nữa rồi tung mình bay vào rừng
sâu. Cô gái cười bảo:
-
Hình như nó không
thích em?
-
Tại lần đầu gặp mà,
nhà em ở đâu?
Cô gái ngồi tựa mình vào vai chàng Le thủ thỉ. Qua câu
chuyện của nàng, chàng Le biết nàng tên H’Lan, nhà ở phía bên kia đỉnh núi, con
của một M’Tao hùng mạnh; sáng nay đi vào rừng hái hoa bị lạc tới đây và vô tình
gặp được nhau như duyên số Yang sắp đặt. Chẳng mấy chốc, trời ngả về chiều, đã
đến lúc phải lùa bò về chuồng. Chàng Le bảo H’Lan về nhà mình ở tạm qua đêm.
H’Lan nói:
-
Ta gặp nhau đây là
duyên số rồi, hôm nay lùa bò về, chàng báo cho M’Tao biết từ mai không đi chăn
bò nữa và trả luôn căn nhà cũ cho M’Tao.
-
Trả nhà rồi thì sống
ở đâu?
-
Trên đầu nguồn suối
Đăk Tuar có một cái hang đá, đủ cho đôi ta sống với nhau trọn đời. Chàng về nói
với M’Tao rồi quay lại đây, em đợi!
Chàng Le lùa bò về chuồng xong lên nhà gặp M’Tao xin trả
lại bò, không đi chăn nữa. M’Tao nghe chàng Le nói xong, giật mình như bị sét
đánh ngang tai vội hỏi lại:
-
Không chăn bò thì
mày đi đâu?
-
Có người bắt làm chồng
rồi.
Nghe trả lời, M’Tao cười ngất, nước mắt giàn giụa; một
lúc sau mới ngưng được rồi nói:
-
Yang có mắt nên mày
có người bắt, tốt quá. Tao mừng cho mày một cái khố mới, một đôi vòng tay, một
cái chăn nữa. Nếu khi nào muốn về lại đây chăn bò cho tao, tao đều mở cửa đón.
Chúc hạnh phúc!
Chàng Le nhận quà, bỏ hết lên gùi, cúi đầu tạ M’Tao rồi cất
bước như chạy về suối Đăk Tuar. Mặt trời khuất sau đỉnh núi, màn đêm ập về; bên
dòng thác phun bọt trắng phau, H’Lan vẫn đứng đợi, hai người gặp nhau, họ nắm
tay nhau lần bước lên đỉnh thác. Thật bất ngờ, phía sau một tảng đá to gần suối
có một cửa hang như được bàn tay nghệ nhân khéo léo tạc nên; phía trong hang rộng
và dài hơn cả nhà của M’Tao dưới buôn, đầy đủ các vật dùng như một gia đình
giàu có. Trong hang vẫn sáng như ban ngày vì phía gần trần hang có đôi rít to bằng
bắp chân người nằm ngủ, ánh sáng phát ra từ hai viên ngọc trong bụng chúng.
Chàng Le ra cửa hang bê mấy khúc cây khô vào đốt lên sưởi ấm. Bên bếp lửa,
chàng Le khoe với H’Lan những món đồ quý giá M’Tao tặng mừng hạnh phúc hai người.
Chàng Le tự đeo cho mình một vòng và đeo vào cổ tay H’Lan một vòng rồi tựa vai
nhau nhìn ngọn lửa hồng đang ngày một đỏ rực hơn.
Thời gian vùn vụt trôi qua, hai người sáng ra dắt nhau
vào rừng ngắm hoa, cây cảnh, trưa tắm suối, tối về ôm nhau ngủ. Đồ ăn hàng ngày
lấy trong rừng già đầy đủ, lại được bàn tay nội trợ khéo léo của H’Lan, bữa ăn
nào cũng như tiệc lớn; cuộc sống cứ như trong mơ của chàng Le. Từ tinh mơ, chim
chóc đua nhau ca hát như mừng hạnh phúc hai người. Suối Đăk Tuar không dội ầm ầm
như xưa mà trở nên hiền hòa, tiếng nước chảy như tiếng đàn, tao nên một khung cảnh
thần tiên nơi hạ thế. Họ sống với nhau hạnh phúc lắm!
*
* *
Một ngày trên cõi trời bằng một năm dưới hạ thế, vậy mà vợ
Yang H’Jan(5) vắng nhà đã ba ngày không trở về. Yang H’Jan nhớ vợ, truy hỏi thuộc
hạ và biết vợ mình mất tích ở Chư Yang Sin, liền xuống hạ giới đi tìm. Yang
H’Jan cho gọi hết tất cả lũ thú rừng đang sinh sống ở Chư Yang Sin về truy xét;
từ voi, tê giác, min… đến heo, nai, chim chóc đều một mực cúi đầu trả lời…
không thấy. Yang H’Jan tức quá gầm lên:
-
Lũ thú vật các ngươi
mù hết hả hay sao mà không nhìn thấy?
-
Thưa Yang, lũ chúng
nó nói dối đấy, vợ Yang – nàng H’Lan hiện đang sống với chàng Le trong hang đá
trên đầu nguồn suối Đăk Tuar ạ.
Tất cả lũ thú giật mình quay lại nhìn thấy con khỉ được
chàng Le cứu ngày nào, giờ đang tố với Yang chuyện bí mật của ân nhân mình.
Yang H’Jan gầm lên như con cọp bị trúng tên, phán:
-
Lũ thú chúng mày
không nói thật, dám lừa dối, ta phạt tất cả từ nay trở đi không được nói tiếng
người nữa.
Nói dứt lời, Yang H’Jan quát thuộc hạ đi bắt chàng Le và
vợ về trời xét xử.
Trời mở phiên tòa đại án xét xử nàng H’Lan - vợ Yang
H’Jan ngoại tình, phản bội chồng; một chuyện tày đình chưa bao giờ xảy ra trên
cõi tiên. Yang H’Jan ngồi trên ngai vàng có hàng ngàn vệ sỹ gươm giáo sáng quắc
đứng xung quanh; dưới sân nàng H’Lan và chàng Le bị trói như người trần gian
gói bánh tét, được khênh vào đặt bên chiếc vạc dầu đang sôi sùng sục. Yang
H’Jan nói:
-
Người đàn bà xấu xa
kia còn gì để nói không?
-
Thưa Yang, lỗi này
không phải tại chàng Le mà tại trái tim tôi mách bảo, lôi cuốn. Tôi bị Yang bắt
về làm vợ, sống với Yang gần ngàn năm tuân theo nghĩa vụ của một người vợ,
nhưng không có tình yêu thương, thù ghét, giận hờn… Nói đúng hơn là sự vô cảm,
sống mà như đã chết cho đến khi gặp người con trai nơi hạ giới tôi mới hiểu
tình yêu là gì, hạnh phúc là gì. Xin Yang mở lòng từ bi, chấp nhận cho tôi từ bỏ
cuộc sống thần tiên để được làm vợ người chăn bò nơi hạ giới.
-
Không được, đã phản
bội ta thì phải chết, chết một cách tàn khốc, đau khổ.
Yang H’Jan thét lên, đôi mắt trợn ngược như sắp bay ra ngoài.
Chàng Le lên tiếng:
-
Thưa Yang, nếu phải
chết xin Yang hãy trừng phạt một mình tôi thôi vì nàng H’Lan không có lỗi trong
chuyện này.
-
Cả hai đứa phải chết,
ném chúng vào vạc dầu.
Yang H’Jan quát. Bọn lính xúm lại cởi trói cho hai người
kéo đến bên vạc dầu, chàng Le gạt tay bọn lính ra nắm lấy tay nàng H’Lan, hai
người nhìn nhau nở một nụ cười toại nguyện rồi cùng nhảy vào vạc dầu. Yang
H’Jan hộc lên, phun ra một ngụm máu, thét:
-
Ném xác chúng xuống
hạ giới cho khuất mắt ta.
-
Thưa Yang, con người
dưới hạ giới ngu dốt lắm, nếu ném xác hai người xuống, bọn chúng lại chôn chung
một mộ đấy ạ.
Con khỉ được chàng Le cứu sống ngày nào, nay lại lên tiếng
cảnh báo, Yang H’Jan bảo:
-
Ném xác người đàn bà
xuống phía bắc, còn xác chàng Le xuống phía nam dãy Chư Yang Sin để chúng không
bao giờ còn gặp được nhau nữa.
Tuân lời Yang H’Jan, xác nàng H’Lan bị vứt xuống phía bắc,
khi vừa chạm đất, đất thụt xuống tạo thành dòng sông bắt nguồn từ phía đông chảy
ngược về phía tây, người dân đặt tên là Krông Ana(6). Xác chàng Le rơi xuống
phía nam, đất cũng sụt xuống tạo thành dòng sông chảy ngược, đổ nước về phía
tây được đặt tên là Krông Nô(7); hai dòng sông gặp nhau mừng quá, chúng quấn với
nhau thành một rồi lao tiếp về phía mặt trời lặn bên phía nước bạn xa xa, người
trong vùng gọi dòng sông hòa hợp này là Serepôk.
Con khỉ của chàng Le lại kêu với Yang H’Jan:
-
Tôi có công lớn, xin
Yang ban thưởng.
-
Mày nói phải lắm, ta
thưởng công cho ngươi vì đã giúp ta tìm được đôi nhân tình phản bội này, từ nay
cho mi về hạ giới ngồi canh mộ chúng cho ta.
Yang H’Jan nói dứt lời, phẩy tay một cái, con khỉ lộn cổ
rơi xuống trần gian. Có lẽ vì vậy người dân khu vực xung quanh dãy Chư Yang Sin
có tục lệ đẽo tượng con khỉ ngồi, hai tay ôm khuôn mặt buồn rầu đặt dưới chân mộ
người mới chôn.
Một năm ròng buôn Suốt không có một giọt mưa, cây cối xơ
xác, ruộng đồng nứt nẻ, M’Tao nghĩ chắc buôn mình có gì đó sai trái với thần
linh nên mời thầy cúng về lập đàn cúng tế xin Yang ban mưa. Cúng tế xong, đêm đến
Yang H’Jan hiện về báo mộng cho M’Tao: “Vì chàng Le người của buôn cướp vợ
Yang, nên Yang phạt buôn. Nay muốn được Yang ban mưa phải tạc hai bức tượng, một
bức tượng đàn ông tượng trưng cho chàng Le, một bức tượng hình người phụ nữ tượng
trưng cho vợ Yang. Sau khi cúng tế xong phải chẻ các bức tượng làm nhiều mảnh
nhỏ, chất lửa đốt thành tro”. M’Tao y lời,
làm lễ vật như báo mộng cúng tế; lạ thay khi hai bức tượng được đốt cháy xong,
trời nổ sấm chớp, rồi gió nổi lên, mưa ầm ầm kéo đến cuốn sạch đống tro trôi xuống
Krông Bông. Nước Krông Bông chảy ngược về hướng tây đổ vào Krông Ana rồi chảy
tiếp hòa chung với Krông Nô thành sông Serepok. Tro của hai bức tượng khi trôi
ra sông hóa thành cá lăng đặc hữu của sông Serepôk. Loài cá lăng vùng này có
hai cái râu dài hơn thân mình, chúng thường sống có đôi ở những nơi ghềnh thác
hay vụng nước chảy xiết và hình như đang cố ngược dòng tìm về suối Đăk Tuar.
Còn người dân vùng Krông Bông nếu năm nào bị hạn hán kéo dài đều làm lễ cúng tế
Yang Mưa như M’Tao đã làm trước đây đều thấy linh nghiệm. Tục ấy vẫn còn duy trì
đến tận ngày nay.
Mùa mưa năm 2015
Chú thích:
1.
Krông Bông: sông Quan Tài – tiếng Êđê
2.
M’tao: tù trưởng - tiếng Êđê
3.
Yang: thần linh – tiếng Êđê
4.
Ami: má – tiếng Êđê
5.
Yang H’Jan: thần
mưa – tiếng Êđê
6.
Krông Ana: sông Cái – tiếng Êđê
7.
Krông Nô: sông Đực – tiếng Êđê