Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu
Những dòng sông Tây Nguyên từ bao ngàn năm
trước đến nay luôn là thực thể sinh động chất chứa nguồn sống tốt
tươi cho nhiều cộng đồng các dân tộc anh em ở vùng cao tỉnh Kon Tum, miền núi tỉnh
Gia Lai, bình nguyên và cao nguyên tỉnh Đắk
Lăk, rồi vùng đồi Đắk Nông cực Nam Trường Sơn của đất nước. Từ thượng nguồn núi
thẳm quanh năm xanh màu của dãy núi Ngok Linh với đỉnh cao gần 2.600 mét thuộc
địa bàn huyện Dăk Glei và Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum, các dòng sông Pô Kô, Đắk Tờ Kan
và Đắk B'La từ hướng Đông chảy ngược về hướng Tây, tắm đẵm đất đai, ruộng đồng,
vườn cây cho các huyện Ngok Hồi, Đắk Tô, thành phố Kon Tum trước khi hòa vào
dòng sông lớn Sê San tại huyện Chư Păh của tỉnh Gia
Lai... Từ nơi này, sông Sê San mở rộng hai bên bờ đầy bóng cây xanh bạt ngàn,
thấp thoáng đó đây nương rẫy nhà sàn của người các dân tộc bản địa; dòng sông lại
tiếp tục chảy ngược phía Tây, vòng dài đến vùng rừng biên giới huyện Sa Thầy
tỉnh Kon Tum, đưa dòng nước từ thường nguồn cao hơn 2.500 mét của đỉnh Ngok Linh qua tận bên kia địa phận nước láng giềng Cămpuchia...
Tỉnh Gia Lai có sông Pa và sông Ayun, cùng
xuôi dòng êm đềm về hướng Đông, trước khi đổ nước
qua đồng bằng tỉnh Phú Yên, sông Ayun đã chung dòng hòa vào sông Pa tại huyện Krông Pa kề cạnh thị xã Ayun Pa mang tên hai dòng nước
từ thượng nguồn rừng núi phía Tây của
huyện Mang Yang và huyện Kbang. Dòng sông nào đến đâu cũng hình thành bến nước
làng-rừng thân thiết, cộng hưởng trong cuộc sống
chung đầy tình ý giữa người với thiên nhiên. Từ người Xê Đăng, Ca Dong, Giẻ
Triêng... ở Kon Tum đến người J'Rai, Bahnar... ở Gia Lai, không ai quên ơn rừng
cây xanh bến nước đầy đem lại sự sống tốt tươi lành lặn theo tháng ngày. Sông
nước rừng cây với người là một, có tiếng nói, hơi thở và tình ý chung, hòa nhịp
yêu thương trân trọng qua từng bước đi nhẹ nhàng không đụng vào cành lá xanh
non, cùng tiếng cồng chiêng thiêng liêng gửi trao niềm tin đồng cảm đồng điệu với
sông nước rừng cây...
Là người miền biển Nha Trang, sống ở Tây
Nguyên gần 30 năm, tôi biết ơn sông nước rừng
cây và con người của vùng đất này. Tôi biết ơn với lòng trân trọng và muốn sống sao
cho xứng đáng với những gì tốt đẹp mình đã nhận được... Bên sông Ayun, tại làng
Plei Bông xã Ayun huyện Mang Yang, tôi được gặp và trò chuyện cởi
mở thân tình cùng già làng họa sĩ Xu Man tại nhà ông. Một khuôn mặt nhân hậu vì
đời, đầy chất nghệ sĩ mà khiêm tốn; một họa sĩ người Bahnar kỳ tài với những bức tranh sơn dầu khắc họa hình ảnh sông nước núi rừng
nên thơ óng ả và những khuôn mặt người đồng tộc đầy đặn tin yêu. Xu Man đã từng sống ở Hà
Nội, năm 1976, tranh của ông đạt giải A toàn quốc của Hội Mỹ Thuật Việt Nam. Năm
2007, họa sĩ Xu Man qua đời tại quê nhà; cùng năm này, khi biết tin buồn, tôi
và nhà văn Trung Trung Đỉnh đã đến thắp hương nơi ngôi mộ của ông bên dòng sông
Ayun...
Cuối nguồn sông Ayun, trước khi hòa vào
sông Pa, năm 1995, đã được hình thành công trình hồ đại
thủy nông Ayun Hạ tại xã Chư A Thai, đem lại nguồn nước tưới dồi dào cho hơn 12.000 hecta ruộng lúa của huyện Ayun Pa và thành phố Pleiku... Tỉnh Gia Lai còn có dòng nước sông Pa trong xanh êm đềm vào mùa
xuân đầy nắng và 6 tháng mùa mưa chuyển màu đỏ đất phù sa
bazan bắt nguồn từ rừng núi Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, chảy xối xả qua thung
lũng chân đồi, len lách kề cạnh từng làng người dân tộc bản địa Bahar với những
ngôi nhà rông mái tranh hình lưỡi liềm cao đường bệ giữa nương rẫy vườn cây
xanh bên bến nước rừng cây. Dòng sông dài hơn 300 kilômet, uốn lượn xuôi về
phía Đông, qua các huyện Kbang, Kon Chro, Ayun Pa, Krông Pa và chảy qua địa bàn
ruộng lúa nước các huyện tỉnh Phú Yên trước khi hòa dòng nước ngọt vào cửa biển
Đà Rằng bên thành phố Tuy Hòa... Mỗi lần uống cà phê gần núi Nhạn - Tuy Hòa, ngồi
nhìn cuối dòng sông Pa hòa vào biển rộng, tôi không thể không nghĩ đến
thượng
nguồn xa tại huyện Kbang, quê hương của anh hùng Đinh Núp người dân tộc Bahnar làng Stơr, xã Tơ Tung có dòng nước sông Pa chảy qua giữa đôi bờ
rừng cây...; nơi này, tôi đã đôi lần uống rượu cùng, anh Hùng Đinh Núp một thời
áo vải chân đất nổi dậy chống xâm lăng, và trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh
của ông tại quê nhà làng Stơr, xã Tơ Tung, từ Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lăk, tôi
đã cùng những nhà văn từ Hà Nội đến thăm viếng thắp hương...
Phía Nam Tây Nguyên rộng lớn của đất nước là bình nguyên
và cao nguyên tỉnh Đắk Lắk, có dãy núi lớn Chư Yang Sin với đỉnh cao hơn 2.400
mét; từ nơi này đã tích tụ nguồn nước hai dòng sông Cái - Krông
Ana và sông Đực - Krông Knô, một bên Đông một bên Tây chảy giữa rừng núi ruộng đồng
nương rẫy vườn cây kề cạnh buôn làng người dân tộc bản địa M'Nông và Êđê, đến
xã Quỳnh Ngọc huyện Krông Ana, hai con sông này hợp lưu thành dòng sông lớn
Sêrêpôk dài hơn 400 kilômet, là phụ lưu quan trọng của
sông Mê Kông khi ngược về phía Tây, đưa dòng nước qua địa phận Cămpuchia... Trước
khi hợp lưu cùng sông Krông Knô, Krông Ana đã làm nên tuyệt tác hồ Lăk: đưa
dòng nước vào giữa bốn bề núi non xanh vây quanh, hình thành mặt hồ rộng 600
hecta kề cạnh thị trấn Liên Sơn bên chân núi lớn Chư Yang Sin. Không xa hồ
Lăk thơ mộng êm đềm, ngày ngày đón khách du lịch trong và ngoài nước
đến thăm thú cảnh quan sông hồ bên bến nước buôn làng dân tộc M'Nông R'Lăm gần
gũi khu du lịch văn hóa sinh thái, có đàn voi nhà sớm chiều đón đưa và đêm đêm
thưởng thức âm nhạc cồng chiêng vang vọng thanh thoát quanh ngọn lửa củi lấp
lánh bên bờ nước hồ đầy...
Sông Sêrêpôk theo dòng chảy gập ghềnh giữa
đôi bờ rừng cây núi đá nhấp nhô còn hình thành nên thác Gia Long, thác Dray
Nur, thác Dray Sáp và thác Bảy Nhánh... góp phần lớn tô điểm cảnh sắc du lịch Đắk
Lắk thơ mộng hữu tình bên cạnh xứ sở của đàn voi nhà nổi tiếng Buôn Đôn; nơi
đây, dòng Sêrêpôk tiếp tục chảy vào vùng lõi Vườn quốc gia Yook Đôn trước khi
qua Cămpuchia...
Thêm một dòng sông lớn mang tên Đồng Nai
Thượng trên vùng đồi mênh mông tỉnh Đắk Nông, cực Nam Tây Nguyên, có
ngọn nguồn từ dãy núi Tà Đùng với đỉnh cao 1.980 mét tọa lạc bề thế trên địa
bàn xã Đắk Đam huyện Đắk Glong. Dòng sông này nối đôi bờ địa
hình hai tỉnh Đắk Nông và Lâm đồng, trải dài từ huyện Lâm
Hà đến Nam Cát Tiên bên tả ngạn và thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk R'Lấp bên hữu ngạn,
rồi tiếp tục xuôi dòng qua tỉnh Đồng Nai, nơi cuối nguồn... Ruộng đồng lúa, vườn
cây xanh, nương rẫy hoa màu hai bên dòng sông lớn từ dãy núi cao Tà Đùng, khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh vùng đồi Đắk Nông, cùng với những
dòng sông Tây Nguyên từ bao đời qua đã đem lại sự sống tốt tươi cho hàng triệu
người trên vùng đất rộng và quan trọng của đất nước, còn tốt đẹp đến lâu dài…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI