Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

LỄ HỘI MỪNG LÚA MỚI CỦA NGƯỜI THÁI TRÊN CAO NGUYÊN ĐẮK LẮK bài của H’XÍU H’MOK - CHƯ YANG SIN SỐ 316 THÁNG 12 NĂM 2018

 Nhà văn - Nhà báo H'Xiu H'mok


Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Thái đã trở nên quen thuộc, và nét đẹp văn hóa ấy đã được bà con người Thái di cư vào Tây Nguyên tiếp tục gìn giữ. Cứ giữa tháng 9 âm lịch, 3 năm một lần, ở xã  Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, mọi người lại nghe thấy tiếng nhạc xòe Thái cất lên nhịp nhàng, lại thấy những cô gái Thái trong bộ sắc phục màu sắc rực rỡ, cổ quàng khăn, uyển chuyển múa vòng quanh cây nêu được trang trí đẹp mắt, dựng sẵn giữa sân nhà sinh hoạt cộng đồng. Tiếng nhạc là tín hiệu báo lễ hội mừng lúa mới của người Thái, tổ chức trên quê hương mới đến lúc bắt đầu, tạo nên nét đặc sắc cho bức tranh văn hóa đa sắc tộc trên vùng đất cao nguyên Đắk Lắk…
Người Thái quan niệm để có một mùa vụ bội thu thì sự phù hộ của đất trời và các vị thần linh cai quản ruộng đồng là rất quan trọng. Do vậy, mỗi độ lúa ngoài đồng chín thơm nồng, bà con lại làm lễ cúng cơm mới với ý nguyện bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, trời đất. Đây cũng là dịp để cộng đồng ôn lại những phong tục tập quán truyền thống nhằm duy trì và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Người dân buôn Thái cho biết, Lễ hội Mừng lúa mới đã có từ rất lâu đời, được bà con ở các huyện phía Tây của tỉnh Nghệ An mang theo trong quá trình di cư vào Đắk Lắk lập nghiệp gần 25 năm trước. Đây là lễ hội quan trọng nhất trong năm, được mọi người dân cùng tham gia. Từ trước đó cả tháng, các hoạt động chuẩn bị cho lễ hội được mọi người cùng thực hiện. Họ tự phân công các đội tập văn nghệ, nấu rượu cần, làm cung tên, thanh sạp, tết còn, trang trí cây nêu… Đây là những vật không thể thiếu trong lễ hội của người Thái.
Cụ bà Xên Thị Lan, di cư vào Đắk Lắk từ những năm 1994 cho biết, dù định cư trên vùng đất mới nhưng cộng đồng người Thái nơi đây vẫn mang theo những nét đẹp của quê cũ. Điều thú vị là tuy khí hậu ở Đắk Lắk và Nghệ An rất khác nhau, nhưng những giống lúa từ quê cũ vào gieo trồng nơi quê mới vẫn nhớ đúng lịch, đúng mùa. Lúa Nghệ An gieo ở Đắk Lắk thì mùa gặt vẫn  vào tháng 9 âm lịch, để Lễ hội mừng lúa mới vẫn có thể tổ chức vào đúng rằm tháng 9 như vùng quê cũ.
Ở Đắk Lắk, người Êđê tại chỗ cũng mừng cơm mới, nhưng nghi lễ khá đơn giản, ăn cơm mới được thực hiện vào buổi sáng sớm, có mặt đầy đủ các thành viên trong gia đình với những món ăn quen thuộc hàng ngày, có thêm thịt gà hay nhà nào khá giả có thêm thịt heo. Người Thái nay mang tới một nghi lễ mừng lúa mới trang trọng. Lễ cúng được tiến hành với các lễ vật gồm: xôi được nấu từ gạo nếp mới gặt, thủ bò, hai gánh lúa mới, các món ăn chế biến từ thịt bò, rượu cần được xếp khéo léo vào các mâm lễ, đặt trên căn chòi dựng sẵn cạnh cây nêu. Thầy cúng khấn cảm tạ các thần linh, trời đất đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu, dâng lên những của lễ với tất cả lòng thành, mong các thần linh cùng hưởng thành quả, tiếp tục phù hộ cho mưa thuận gió hòa, người dân được khỏe mạnh, ấm no.
Dứt phần lễ là phần hội, với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc như: Diễn tấu cồng chiêng, múa mừng lúa mới, múa xòe, múa sạp; các trò chơi dân gian: giã gạo, ném còn, chọi đá, bắn cung… Trên khoảng sân rộng nhà sinh hoạt cộng đồng buôn Thái, vòng xòe được mở rộng dần, thấp thoáng xen giữa những bộ đồ sắc phục của người Thái là những gương mặt của du khách gần xa đến dự hội.
Ngày nay, lễ hội Mừng lúa mới của người Thái ở xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar ngày càng được nhiều du khách biết đến. Giữ nguyên những nét độc đáo vốn có nên trên vùng quê mới lễ hội này được sự đón nhận và cộng cảm của các dân tộc tại chỗ. Ông Ngân Hoài Lu, phó chủ tịch UBND xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar cho biết, từ năm 2013 Lễ hội Mừng lúa mới của người Thái đã trở thành một trong 5 lễ hội chính được tổ chức thường xuyên của huyện. Được sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy chính quyền địa phương, Lễ hội ngày càng được tổ chức quy mô hơn. Đến nay, Lễ hội Mừng lúa mới đã trải qua lần tổ chức thứ 7. Qua đó tạo nên nét đặc sắc cho bức tranh văn hóa đa sắc tộc trên vùng đất cao nguyên Đắk Lắk.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI