Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

BUÔN ĐUNG CÁCH MẠNG bút ký của NGUYÊN LIÊN - CHƯ YANG SIN SỐ 316 THÁNG 12 NĂM 2018

Tác phẩm tham dự cuộc vận động sáng tác bút ký văn học về đề tài:           “Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”




 Nhà văn Nguyễn Liên


Trời đêm vần vũ trút trận mưa đầu mùa làm đất rừng Ea H’leo úng nước. Buổi sáng mặt trời mọc, ánh sáng ban mai trải rộng giăng màn sương kéo từ chân đồi lên đỉnh núi giống như cây bút thiên nhiên khoắng lên bầu trời bức tranh lụa về vùng đất đang thắm lên những gam màu no ấm.
Buôn Đung căn cứ cách mạng là điểm nhấn trong bức tranh chiến đấu chống giặc ngoại xâm, và đấu tranh chống lực lượng Fulro làm rạng danh cho vùng đất Ea Khăl anh hùng. Già làng Y Tơm Êban là một trong những người buôn Đung chứng kiến đồng bào mình, buôn làng mình làm nên kỳ tích lịch sử cho vùng đất.
Tám mươi tuổi, già Y Tơm Eban thân hình còn rắn như cây gỗ trắc ở rừng Tây Nguyên. Năm 1960 đế quốc Mỹ tiến hành “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam, chúng đưa lực lượng cộng hòa và bảo an tăng cường càn quét vào các buôn làng hòng tiêu diệt sinh lực cách mạng của ta, chàng thanh niên Y Tơm tròn 18 tuổi đã ra rừng nhập Đội vũ trang (Công an vũ trang). Đồng bào buôn Đung không chịu nổi sự đàn áp của địch cũng bỏ lại nhà cửa ra rừng lập làng mới làm cơ sở nuôi dưỡng, truyền đưa thông tin giữa bộ đội cách mạng và vùng tạm chiếm. Bây giờ nhớ lại, già làng Y Tơm với khuôn mặt rạng rỡ, tự hào về buôn Đung của mình, nếu không trở thành cơ sở làm sao bộ đội có lợi thế mà đánh giặc. Địch phát hiện buôn Đung liên quan đến che giấu cán bộ, bộ đội, chúng tổ chức lực lượng bảo an và lính cộng hòa càn quét. Dù bị địch càn phá ác liệt, đồng bào buôn Đung không chùn chân, đội vũ trang xã cùng nhân dân buôn căn cứ dưới sự chỉ huy của già làng buôn Đung đã đứng lên chống lại trận càn làm tiêu hao sinh lực địch; trong năm 1967, đồng bào Êđê buôn Đung cùng với quân dân các dân tộc xã Ea Khăl tổ chức 11 đợt đấu tranh với trên 1560 lượt người kéo vào căn cứ Cẩm Ga, quận lỵ Thuần Mẫn diệt 4 tên ác ôn, giáo dục kéo về 1 trung đội dân vệ, 1 tiểu đội nghĩa quân, 18 thanh niên chiến đấu của địch bỏ súng trở về. Cay cú trước những thất bại trên chiến trường và đấu tranh chính trị, chúng cho máy bay thả bom khu vực căn cứ của ta, hơn 30 nóc nhà buôn Đung cháy trụi, 5 người bị chết. Cháy buôn chỗ này đồng bào chuyển đi nơi khác dựng nhà, lập buôn quyết không bỏ cách mạng. Những cán bộ cách mạng được đồng bào buôn Đung nuôi dưỡng che giấu để hoạt động chỉ huy cuộc kháng chiến, nhiều người sau này trở thành cán bộ chủ chốt của tỉnh như ông Ama Pui, Lê Văn Quyết, Y Luyện Niê Kdăm…
Đất nước thống nhất, già Y Tơm tham gia Đội công tác an ninh của xã. Chủ trương của Nhà nước thành lập các nông trường cao su, đồng bào các buôn làng góp rẫy vào nông trường, nông dân trở thành công nhân; già Y Tơm làm Đội trưởng đội sản xuất. Khi đất nước đang tập trung kiến tạo xây dựng kinh tế sau chiến tranh thì thế lực thù địch lôi kéo, đồng bào một số nơi, chủ yếu là những thành phần trước đây tham gia chế độ cũ nghe theo. Đội trưởng Y Tơm từng sống trong thiếu thốn gian khổ của những ngày chiến tranh ở rừng nên hiểu và quý trọng cuộc sống hòa bình tự do, ông đã tuyên truyền để đồng bào mình không nghe lời dụ dỗ của thế lực thù địch, yên tâm làm ăn xây dựng cuộc sống; sau này trở về buôn, ông Y Tơm được Đảng, chính quyền giao phụ trách công tác Mặt trận. Là người hiểu sâu sắc cuộc sống có bình yên thì nhà nhà mới an tâm xây dựng phát triển kinh tế. Vậy là ông tự nguyện trở thành người gác cửa an ninh buôn làng. Già Y Tơm luôn quan sát những biểu hiện tư tưởng của đồng bào trong buôn để tuyên truyền cho đồng bào hiểu những việc làm đúng, việc không đúng mà tránh.
Trong những lần đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bị thế lực thù địch lôi kéo đi quấy rối, riêng đồng bào buôn Đung không có ai tham gia; chỉ duy nhất một lần có một người bước lên xe khách đầy nghi vấn, bằng cảm quan của người giữ cửa an ninh buôn làng, ông Y Tơm chạy theo lên xe hỏi người khách từ buôn ra đi: “Anh đi đâu đấy?”; người kia lung túng trả lời: “Tôi đi thăm người nhà!”. “Người nhà anh ở buôn nào mà phải đi xe ô tô?”. Người bị hỏi không trả lời được, liền bị ông mời về công an xã làm việc, lúc này người khách mới khai nhận có người cho tiền ra huyện tập trung lên Buôn Ma Thuột biểu tình. Sau khi nghe ông Y Tơm và cán bộ công an giải thích việc nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu đi làm việc sai trái là vi phạm pháp luật. Vậy là người khách ấy trở về buôn yên tâm làm ăn. Buôn Đung trở thành buôn an ninh tốt nhất không có người tham gia biểu tình trái phép. Thực ra thì trong buôn cũng có hai người vượt biên, không như những người nghe theo lời tuyên truyền vượt biên đến nước thứ ba để hưởng cuộc sống thiên đường, mà đầu Y Jok Êban nghĩ quẩn về hoàn cảnh gia đình, vợ chết, một mình thiếu thốn đủ bề, anh ta chỉ có suy nghĩ ra đi nơi khác để thay đổi không khí nặng nề trong gia đình thôi. Y Jok Êban đã hòa vào dòng người chờ đợi bên kia biên giới sang nước thứ ba. Đến nước Mỹ, Y Jok lại còn cảm thấy lẻ loi hơn, ở Mỹ mọi người mới nhận ra, cũng phải làm cật lực mới có ăn, cuộc sống vô cùng cực khổ, nhiều khi nhớ quê hương, nhớ cảnh sinh hoạt của buôn làng, muốn trở về mà không có tiền. Ông  Y Jok thỉnh thoảng lại điện về gia đình, ông dặn con cháu: “Nếu có ai ở Mỹ về rủ rê vượt biên đừng có nghe, cậu bên này đi phụ hồ cũng không đủ tiền sinh hoạt phải tằn tiện, khi nào gom đủ tiền về quê hương cậu sẽ không bao giờ bỏ gia đình bà con buôn làng đến đất nước xa lạ khi mình chưa biết về nơi đó cuộc sống thế nào, quê hương mình sướng hơn…”. Già làng Y Tơm lấy đó để tuyên truyền cho những ai còn giao động tư tưởng.
Đúc rút kinh nghiệm từ hoạt động an ninh do nhân dân làm chủ ở buôn Đung, Công an xã Ea Khăl đã xây dựng Tổ công an viên liên kết giữa các thôn buôn với nhau đồng thời giữa công an viên với an ninh nhân dân, phân công 16 công an viên của xã phụ trách 16 thôn buôn, đồng thời mỗi thôn buôn có một tổ phòng cháy chữa cháy, ngoài kinh phí của xã hỗ trợ trang bị quần áo, bình chữa cháy, mỗi thôn buôn có một bể nước, một giếng nước phục vụ cho công tác chữa cháy, và suối là nguồn nước dự phòng, trong khi nguồn kinh phi xã hạn hẹp, Công an xã đã trình dự án xã hội hóa công tác phòng cháy chữa cháy; dựa vào đặc thù của người dân vùng chuyên canh cây cà phê, mỗi nhà đều có máy bơm nước đặt dưới bờ suối phục vụ cho việc tưới tiêu, khi có hỏa hoạn trong địa bàn, các máy bơm nước được điều động phục vụ công tác chữa cháy; có lẽ nhờ hoạt động hiệu quả của lực lượng Công an xã mà một xã có địa bàn phức tạp với 14 dân tộc tụ cư, trong đó có nhiều thành phần nghiện hút, cờ bạc từ các vùng đồng bào dân tộc phía Bắc sinh sống đến nay đã hoàn toàn ổn định, Công an xã Ea Khăl được Ủy ban nhân dân huyện Ea H’leo công nhận là đơn vị thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, được Công an huyện chọn báo cáo điển hình tại Công an tỉnh trong dịp kỷ niệm 70 năm Công an nhân dân với lời kêu gọi thi đua ái quốc của chủ tịch Hồ Chí Minh. Rõ ràng từ buôn Đung, cánh cửa an ninh xã Ea Khăl đã mở ra cho cuộc sống bình yên, xã Ea Khăl được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang ngày 28 tháng 5 năm 2010. Vinh dự này có được bắt đầu từ hạt nhân buôn Đung trong đó tiêu biểu là già làng Y Tơm, ông được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an về thành tích xuất sắc phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2009.
Nối tiếp truyền thống buôn cách mạng kiên cường, trong xây dựng đời sống văn hóa, phong trào xây dựng Nông thôn mới ở xã Ea Khăl, già làng Y Tơm hiện đang là người đi tiên phong. Ông có 3 người con trai, theo phong tục mẫu hệ của người Êđê, lẽ ra ông phải nhận một người con gái trong họ hàng làm con nuôi để nối dõi, nhưng ông không làm thế, ông đã đón con dâu về và vợ chồng người con trai có nhiệm vụ phụng dưỡng ông bà. Hủ tục nối dây sẽ dần phá bỏ, không còn kéo theo những hệ lụy về chuyện cháu phải lấy thím, em trai lấy chị dâu khi chồng chết làm xáo trộn cuộc sống gia đình, họ hàng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống bình yên của buôn làng. Đồng bào Êđê buôn Đung giờ đây đi một hướng trên con đường xây dựng cuộc sống mới, mà già làng Y Tơm đang là người đi tiên phong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI