Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

LỜI KHAI LÚC HAI BỐN GIỜ ghi chép của LÊ HUY THÀNH - CHƯ YANG SIN SỐ 316 THÁNG 12 NĂM 2018

Tác phẩm tham dự cuộc vận động sáng tác bút ký văn học về đề tài:  “Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”




 Nhà văn Lê Huy Thành

Tháng 5, trời Cao Nguyên đầy nắng. Nắng xối rát cả những cồn mây trắng bềnh bồng bơi ngược chiều với chiếc xe con đưa tôi xuôi về Thị xã Buôn Hồ. Ngồi trong xe mà lòng tôi xốn xang mong cho xe mau tới nơi để gặp anh Nguyễn Đình Hưng, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra Công an Thị xã Buôn Hồ. Và rồi tôi cũng đã đến. Giờ thì ngồi tâm sự với anh. Anh mang trên người bộ quân phục tươi màu lá cây, với dáng người thể thao, tính tình vui vẻ, lanh lợi và hoạt bát.
Khi nghe tôi hỏi đến công việc thì anh hào hứng hẳn lên. Anh nói với tôi về tình hình xã hội bây giờ, các loại tội phạm hình sự hoạt động rất đa dạng trên mọi phương diện. Nào là bọn tội phạm công nghệ cao, nào là bọn tội phạm truyền thống...thời đại càng phát triển thì các hoạt động của bọn tội phạm lại càng trở nên tinh vi và chuyên nghiệp hơn. Chúng có thể gây án xong là tìm cách phi tang vật chứng, xóa dấu vết, che dấu những hành vi phạm tội của chúng. Không những thế chúng còn rất liều lĩnh và manh động, có thể dùng bất kể các loại hung khí tự chế để chống trả lại lực lượng công an truy lùng, vây bắt chúng. Còn nguy hiểm hơn là các đối tượng gây án mới được ra tù trở về đời thường, mỗi khi chúng hoạt động trở lại, hành động của chúng thường rất tinh vi, xảo quyệt, gây ra nhiều tội ác rất dã man... Trong quá trình công tác, có hai vụ phá án khá phức tạp, anh kể:
Tháng 4 năm 2014, trong lúc anh đang công tác ở Đà Nẵng, sắp kết thúc thì bỗng nhận được lệnh của trên yêu cầu trở về đơn vị gấp. Nhận được tin đó anh không khỏi băn khoăn: Hẳn có chuyện gì xảy ra nghiêm trọng nên cấp trên mới gọi mình về gấp thế chứ? Anh đặt câu hỏi rồi xách đồ đạc thẳng ra bến xe ngay chiều hôm đó. Chuyến xe khách Đà Nẵng - Buôn Ma Thuột chạy vơi chiều, xuyên đêm một mạch đến Thị xã Buôn Hồ cũng là lúc trời đã tờ mờ sáng. Anh lập tức xuống xe, vào cơ quan gặp ngay lãnh đạo đơn vị. Rồi sự việc trên anh đã rõ. Một vụ án mạng rất nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, đối tượng chặn đường bắt cóc, hiếp dâm trẻ em đang chờ anh làm rõ.
Từ lúc nhận nhiệm vụ trên giao mà lòng anh cứ bồn lên lo lắng, lo lắng bởi kinh nghiệm thực tế chưa có, trong khi các điều tra viên của cấp trên cử về thì người ít nhất cũng đã có mươi, mười lăm năm công tác, kinh nghiệm thực tế đâu phải là ít, vậy mà thụ lý vụ án vẫn chưa đạt kết quả nữa là với mình thì làm ăn được chi? Nhưng vì nhiệm vụ trên giao, thì mình phải chấp hành, cứ lăn xả vào rồi sẽ biết, biết hay. Vậy là anh gạt đi tất cả nỗi băn khoăn, lo lắng sang một bên và bắt tay ngay vào công việc.
Công việc đầu tiên của anh là nghiên cứu kỹ hồ sơ về đối tượng, kết hợp với nắm bắt tình hình, thu thập củng cố chứng cứ phục vụ cho công tác điều tra. Do làm tốt các bước nên anh đã dần dần nắm được nguồn gốc đối tượng Bảo T.
 Bảo T sinh năm 1990. Hộ khẩu ở Pơng Đrang. Năm 2006, Bảo T đã có một tiền án về hành vi “hiếp dâm trẻ em và cướp của”. Nạn nhân là một em học sinh trên địa bàn xã Ea Blang. Vụ án đó Bảo T bị kết án 8 năm 6 tháng tù. Một kẻ phạm tội vô cùng nguy hiểm, vừa “bóc lịch” ròng rã bấy nhiêu năm xong, chân trái chưa khô chân phải lại ướt. Tháng 3 năm 2015, Bảo T lại tiếp tục phạm tội. Bảo T có dáng người cao to, nước da ngăm đen, khuôn mặt hơi vuông, trên đầu Bảo T còn có bốn, năm vết sẹo, có vết sẹo vẫn còn rớm máu do Bảo T tự đập đầu vào tường để phản kháng không chịu hợp tác khai báo với cơ quan điều tra. Nhìn đôi lông mày rậm và cặp mắt ti hí, hum húp của Bảo T, rút kinh nghiệm từ các điều tra viên đấu tranh với đối tượng Bảo T không thành, anh lập tức nghĩ ngay đến việc phải tìm một phương pháp đấu tranh mới cùng một lúc bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ kể cả bằng biện pháp tâm lý, và bước đầu anh đã thành công trong việc nắm đối tượng.
Trong cuộc sống, Bảo T thường rất côn đồ, hung hãn nhưng về nhà thì Bảo T lại tỏ ra hiền từ và hiếu thảo với mẹ. Biết được tâm lý của Bảo T, anh luôn tỏ thái độ mềm mỏng, niềm nở, có lúc anh hỏi cung đối tượng mà cứ tưởng như đang hỏi chuyện với một người bạn. Anh vừa đấu tranh vừa động viên phân tích về cái đúng, cái sai cho Bảo T biết. Bên cạnh đó, anh không quên lấy hình ảnh người mẹ của Bảo T để tác động làm giảm đi tính hung hăng của Bảo T trước cơ quan điều tra. Bảo T ngồi lặng im nghe anh phân tích giảng giải rất chân tình nên phần nào đã tác động đến tâm lý khiến cho Bảo T phải rơi nước mắt, những giọt nước mắt muộn mằn đó đã làm cho Bảo T nguôi đi sự hung hãn, côn đồ. Trong lúc anh đang khẽ liếc nhìn những giọt nước mắt của Bảo T thì bất chợt Bảo T lên tiếng: Ông Hưng!
- Có gì đó? - Anh hỏi lại Bảo T.
- Ông Hưng tình cảm lắm! Thôi được rồi. Tôi sẽ khai với ông Hưng, nhưng trước khi khai, ông Hưng không được cho bất kỳ ai qua lại quanh khu vực mà Bảo T đang ở. - Vẫn giọng của Bảo T - Ông Hưng cho Bảo T mượn điện thoại để gọi về gặp mẹ, được không? 
Vừa nghe Bảo T nói rõ ràng mà anh như không tin vào tai mình, có phải Bảo T nói không? Anh tự hỏi rồi ngồi ngay ngắn lại đắn đo một lát và quyết định tạo điều kiện cho Bảo T mượn điện thoại gặp mẹ. Tất nhiên cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa Bảo T với mẹ, nội dung nói chuyện đã được anh soạn thảo và thống nhất. Rồi cuộc nói chuyện giữa Bảo T với mẹ cũng qua mau, không hiểu mẹ Bảo T đã nói những gì mà khiến cho Bảo T trầm lòng nghĩ ngợi. Hiểu được tâm trạng của Bảo T, anh để cho Bảo T bừng tỉnh lại trước khi Bảo T khai báo và nhận hết tất cả những hành vi tội lỗi của mình đã gây ra trong vụ án. Trước lúc Bảo T kết thúc lời khai anh không quên  hỏi tiếp:
- Vụ việc chỉ có thế thôi, sao Bảo T không khai báo sớm mà đến bây giờ Bảo T mới khai?
- Tôi từng nằm trong trại nhiều năm rồi mà còn không chịu nổi, chứ ở bên ngoài trại chưa gì các anh đó đã quát tháo, hù dọa tôi như thế thì sao mà bảo tôi khai với báo.
Anh nghe Bảo T nói có lý khiến anh liên tưởng ngay đến việc điều tra, đấu tranh với các loại tội phạm hình sự rất da dạng, muôn màu muôn vẻ không có khuôn mẫu nên phải biết linh hoạt và chọn cho mình một phương pháp đấu tranh hợp lý thì mới đạt kết quả.       
***                                                                                                          
Vừa thụ lý xong vụ án đầu tay chưa lâu thì anh lại được cấp trên giao nhiệm vụ phối hợp cùng Đội điều tra trọng án Công an tỉnh xử lý tiếp vụ án“Giết cướp” xảy ra trên địa bàn xã Krông Păk, vụ án đã xôn xao dư luận gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Để mau chóng tìm ra kẻ độc ác. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh lập tức mở chuyên án, khoanh vùng xác định đối tượng gây án. Qua xác minh điều tra ban đầu Cơ quan điều tra đã xác định hai nghi phạm, đó là Nông Ph và Nông Th, quê cùng ở Lạng Sơn. Cuối những năm chín mươi Ph và Th cùng theo gia đình vào Đắk Lắk sinh sống. Riêng nghi phạm Nông Ph thì cư trú tại Ea Siên, huyện Krông Buk, còn Nông Th thì cư trú tại Cư Huê, huyện Ea Kar.
Ngốn thời gian hơn cả nửa tháng trời rồi mà cơ quan điều tra vất vả lắm bước đầu chỉ mới thuyết phục được nghi phạm Nông Ph khai nhận hành vi phạm tội của mình, còn với Nông Th thì không, Th vẫn cố tình một mực không khai, mà cứ lòng vòng phản đối. Để đấu tranh sớm làm rõ vụ việc trong vụ án này hẳn không hề đơn giản. Bởi nghi phạm Nông Th là một đối tượng rất ranh ma, trước đây Th đã có tiền án, bị tòa kết án 3 năm tù giam về tội “cướp tài sản”. Nghĩ đến đây, anh liên tưởng ngay đến một vụ án xảy ra trước đây mà anh đã trực tiếp thụ lý. Không để lãng phí thời gian anh bắt tay ngay vào công việc. Bước đầu anh tập trung vào nghiên cứu lại hồ sơ, tìm hiểu kỹ về lai lịch thân nhân gia đình của đối tượng, kết hợp với việc thu thập tang chứng, vật chứng một cách khoa học. Chính nhờ vào cách làm đó anh đã mau chóng thu thập đầy đủ chứng lý sẵn sàng tiếp tục đấu tranh với nghi phạm.
Ngồi đối diện với anh là nghi phạm Nông Th. Nông Th nhận biết ngay anh là một cán bộ điều tra mới, Nông Th đảo mắt qua thầm nghĩ: Chắc cán bộ này cũng thế cả thôi, lại mấy chiêu bài và mấy biện pháp mạnh… Nhưng anh cứ thủ thỉ gần, xa để thăm dò tâm lý. Biết nghi phạm lúc này đang có chiều hướng vơi dần cơn lì lợm, anh liền tiến sâu vào. Nhưng nào ngờ khi anh vừa đưa ra chứng cứ để đối chất thì Nông Th lại đưa ra những bằng chứng ngoại phạm, chối phăng như không liên quan gì tới vụ án.
Mất cả hai tháng trời đấu tranh với nghi phạm mà anh vẫn chưa thu được chút kết quả gì. Nông Th quả là một đối tượng rất khó khai thác. Ngoài bản tính lì lợm của Nông Th, Th còn được bọn đàn anh đi trước truyền đạt lại cho nhiều bài học kinh nghiệm trong trại, để đối phó với cơ quan điều tra.
Anh khẽ đẩy quyển sổ ghi chép sang góc bàn làm việc ngồi suy nghĩ: Lẽ nào vụ án lại bế tắc tại đây? Không thể được! Càng trong những lúc căng thẳng như thế này thì mình phải hết sức bình tĩnh để tìm cách tháo gỡ phải có kế sách mới... Rồi kế sách đó cũng đến. Giờ thì anh đã mời được vợ của đối tượng Th lên cơ quan Công an. Trước khi bước vào làm việc, anh bố trí cho cho vợ Th ngồi ở ngoài hành lang gần nơi anh ngồi đối diện với Th. Mục đích là vừa để cho Th nhìn thấy vợ, vừa để cho vợ Th nghe những lời Th nói. Điều quan trọng hơn là để vợ Th tác động đến Th, khiến cho Th thay tâm lý cách nghĩ.
- Th này, tôi biết rõ tội của anh cả rồi. Anh đừng có chối quanh co mãi nữa. Thôi anh khai đi.
- Trước, tôi đã nói hết với các ông rồi. Tôi có tội gì đâu mà khai chứ! 
- Tôi nói cho anh biết nhé, vợ anh lên thăm đang ngồi ở ngoài tiền sảnh đó, anh muốn gặp vợ thì khai đi.
Vừa nghe anh nói đến vợ, bỗng nhiên khuôn mặt lưỡi cày của Th đang lạnh ngắt bỗng chuyển nhanh sang nóng bừng, tiếp sau đó là sự thắc thỏm của Th như muốn được gặp vợ ngay lúc này. Biết được tâm trạng của Th rất thương vợ, Th lấy vợ lúc vợ chưa đủ tuổi kết hôn nên gia đình không dám tổ chức cưới. Dù đã nắm rõ về lai lịch hoàn cảnh của Th, nhưng anh vẫn giả vờ chưa biết.
- Anh cưới vợ được mấy năm rồi?
- Hơn hai năm mà vợ vẫn không có bầu.
- Sao anh không đưa nó đi khám xem.
- Mình đã đưa nó đi khám thầy lang mấy lần rồi, uống thuốc của thầy nhiều mà vợ mình vẫn chưa thấy có gì, thầy lang bảo mình có mồ hôi tay ra nhiều nên không có khả năng có con.
Th vừa dứt lời thì anh nói tiếp:
- Thầy lang đó nói không đúng đâu, anh đã có con ở trong bụng vợ rồi, không tin thì hỏi vợ xem.
Anh vừa dứt lời thì sắc mặt của Th bỗng nhiên đang từ trắng tái chuyển sang trạng thái bình thường, nom đến là tội nghiệp.
- Thật có bầu không em? - Th hỏi vợ!
- Em thấy mất kinh rồi!
Th nghe vợ nói đã có con mà vui mừng quá. Nếu không có cán bộ Hưng lúc này ở đây thì Th sẽ chạy thẳng ra ngoài sân mà hô hét toáng lên cho thỏa niềm vui sướng. Biết tâm trạng của Th lúc này đang vui mừng. Anh nói tiếp:
 - Tôi hỏi thật, anh có thương vợ không?
 - Thưa… tôi thương vợ tôi lắm, tôi sợ tôi bị bắt và bị đày đi xa nên tôi không dám… - Vẫn cái giọng lơ lớ của người đồng bào phía Bắc - Giờ nếu tôi khai, ông Hưng có cho tôi ở gần để chăm vợ tôi không, ông nói được không?
- Được! Anh cứ khai thật đi, tôi sẽ tạo điều kiện cho anh được ở gần để chăm sóc vợ. - Anh vừa nói đến đây thì bỗng dưng Th bật khóc...
“Chiều hôm đó, Th và Ph đã dùng gậy đánh vào gáy cháu Trg, sau đó Th và Ph nhanh chóng kéo Trg vào một rẫy cà phê bên cạnh đường và dở trò đồi bại. Nhưng khi Th và Ph phát hiện thấy Trg đang có kinh nên dừng lại. Th và Ph sợ bại lộ bèn chở Trg đến con suối và ném xác Trg xuống suối để phi tang. Đứng trên cầu Th nhìn dòng nước suối cạn, nước chảy lờ đờ, ảm đạm không thể đẩy trôi xác của Trg đi được. Th và Ph đưa xác của Trg đặt ngay lên mặt cầu rồi chạy trốn”. Đó là lời khai của Th, kẻ sát nhân dã man với điều tra viên thượng úy Nguyễn Đình Hưng vào lúc hai mươi bốn giờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI