Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

THƠ LÀ SỰ SẺ CHIA lời bình của HỮU CHỈNH - CHƯ YANG SIN SỐ 316 THÁNG 12 NĂM 2018

(Đọc Trầm ca – thơ Đàm Lan – NXB Hội Nhà văn 2018)



  
Tôi thường khắt khe với thơ lục bát, bởi thể thơ dân tộc đã ăn vào máu thịt từ âm vần, nhịp điệu nên chỉ chút sạn cũng làm chối tai. Thế mà đọc mấy câu
       Liêu xiêu thả một câu thơ
       Bắc cầu cho một giấc mơ xa vời
       Còn vương đâu đó mắt cười
       Còn vương đâu đó những lời vu vơ
                                              (Chuyến đò đời)
Tôi không còn chỗ để chê mà chỉ thấy cái hay trong sự mông lung vi diệu. Mình cũng thấy “liêu xiêu” qua “những lời vu vơ” nào đó.
Còn đây là mấy câu lục bát trong bài Ừ thôi:
       Ừ thôi em cứ nắng mưa
       Cho non búp lộc đã vừa lên xanh
       Ừ thôi em cứ mong manh
       Cho ngân nga những ngọt lành tiếng yêu.
Tôi chợt nhớ câu dân ca: Đành lòng vậy, cầm lòng vậy! Ừ thôi cũng là sự chấp nhận hoàn cảnh nhưng biết vượt lên mà hy vọng. Nắng mưa đấy, mong manh đấy nhưng vẫn có búp lộc lên xanh, có ngọt lành tiếng yêu. Ừ thôi mà không buông xuôi, động viên người đọc (và cả mình) vươn về phía sáng.
Con số nhỏ/ Gá trên tờ lịch mỏng/ Gió thổi ngày qua sông/ Chớp bóng. Đó là mấy câu mở đầu bài thơ tự do: Nữa rồi cái tất niên. Đầu đề hay vì lạ. Người ta thường mong năm mới, mong mùa xuân tới. Ở đây là nữa rồi – lại hết năm rồi, lại qua một tuổi rồi.
“Gió thổi ngày qua sông” là câu thơ đáng nhớ, chưa thấy người nào viết. Thời gian đi qua, tuổi xuân cũng đi qua, tiếc chứ, băn khoăn chứ! Chớp bóng – nhanh hơn cả câu thành ngữ: Bóng câu qua cửa sổ - thơ chia sẻ nỗi ưu tư cùng người đọc.
       Đã bao qua nữa rồi vẫn cả
       Phố đong người, người đong phố mật hương.
                                              (Nong nả phố người)
Trong cuộc mưu sinh, người tấp nập dồn ra phố thành phố - người. Chật chội, bức bối là cảm giác có thật nhưng viết: Phố đong người, người đong phố. Người đong phố là chỉ sự bức bách, chen chúc đến tận cùng ngột ngạt.
       Thế rồi chiều đi về phía không mùa
       Thế rồi ta đi về phía không nhau
       Thế rồi năm tháng chỉ là con số
       Nhảy múa trên mái đầu mai trắng phau
                                              (Đánh rơi)
Điệp từ thế rồi cùng nhịp thơ chậm buồn, lắng đọng sự tiếc nuối cái sự đánh rơi, đánh rơi lớn nhất là thời gian qua đi với bao kỷ niệm. Tôi thích câu: Nhảy múa trên mái đầu mai trắng phau.
Chữ “mai” có cả hai nghĩa: mai – thì tương lai – tuổi già không chừa một ai, rồi tất cả sẽ bạc đầu. Mai – trong hoa mai trắng, cao khiết như câu của Cao Bá Quát: Nhất sinh đê thủ bái mai hoa! Không rõ tác giả dùng nghĩa nào hay cả hai.
       Nghiêng thật khẽ cánh ong mùa ướp mật
       Ngát lòng ngây ngơ ngẩn giữa vườn hoa
       Suối hiền duyên thong thả giữa mây tà
       Vòng tay gối êm đềm trên lá cỏ
                                              (Đóa tâm hồn)
Khung cảnh thiên nhiên quyến rũ và thơ mộng. Có cánh ong ướp mật, có vườn hoa cho lòng ngơ ngẩn, có suối, có mây, có lá cỏ êm đềm để có đóa tâm hồn đẹp muốn ôm trọn không gian tha thiết yêu thương. Yêu cuộc đời mới trải tình thơ như vậy.
Đàm Lan ít làm thơ thế sự, thơ tùy thuộc vào cái tạng của từng người. Đàm Lan thử sức qua bài Thiên hạ chạy đua, ít nhiều cũng thành công. Chạy đua nhà, xe, trước hết là chạy danh, mở đầu cho danh là học hàm học vị để được tham ô, móc ngoặc dẫn đến kết thúc:
       Thiên hạ chạy đua... lũ lượt tù
       “Nhân tài” đem ví lá mùa thu
       Để rồi gom mãi mà không hết
       Đốt mãi mười phương khói mịt mù.
Có điều đáng tiếc bởi có chút lầm lẫn qua câu:
       Thiên hạ chạy đua những học hàm
       Khi xưa Yên Đổ mới Cử tam
Nguyễn Khuyến người làng Yên Đổ - Hà Nam. Thi hương, thi hội, thi đình đều đỗ đầu nên gọi là Tam nguyên Yên Đổ. Đã vào thi đình là đã đỗ tiến sĩ thi là để xếp hạng. Ông đỗ hoàng giáp tiến sĩ năm 36 tuổi. Triều Nguyễn quy định Tam bất lập (thi không lấy trạng nguyên, quan không có tể tướng, không lập hoàng hậu – trừ Bảo Đại lập Nam Phương hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan) đúng ra Nguyễn Khuyến đỗ đệ nhất danh xứng đáng là trạng nguyên. Không phải là “Cử tam” – ba lần đỗ cử nhân.
Thơ Đàm Lan có bài đậm chất lãng du, mang cốt cách riêng, gửi hồn riêng của mình như bài thơ Mang mang:
       Mùa đi mùa xanh biếc
       Khúc tơ dường đã lâu
       Nghe mang mang sắc gợi
       Lao xao một bóng cầu
       Hình như trong mắt nắng
       Có điều gì nao nao
       Lời xa rung nốt lặng
       Dư âm bỗng ngọt ngào.
Thơ năm chữ trải đều chầm chậm, buồn thương, âm ba dư vọng.
Đàm Lan thông cảm, sẻ chia, nói hộ những người làm thơ:
       Người thơ có lắm nỗi đau
       Dọc ngang nào những nông sâu tình đời
       Người thơ đắp mộng cao vời
       Gom cho bằng hết tiếng cười nổi nênh
                                              (Người thơ)
Nỗi đau là có thật, lăn lộn với cuộc đời, hiểu đời là có thật, nhưng chắc gì đã dò được nông sâu và gom làm sao hết khóc cười nhưng đó là khát vọng, là ước muốn của người làm thơ để phần nào tiếp cận chân – thiện – mỹ.
Bài Trầm ca lấy tên cho tập thơ tuy không phải là bài nổi trội nhưng quy tụ nhiều bài mang âm hưởng của nó:
       Lơ đãng mảnh hồn lơ đãng bay
       Chén tình thơ nhạc chén tình say
       Trầm ca như vọng trầm ca túy
       Se thắt mà buông một thoáng ngày.
Trong âm nhạc có nốt cao, nốt trầm, có bè cao bè trầm. Thơ cũng vậy, nếu không hào sảng khí thế thì âm thầm, lặng lẽ, thầm thì tiếng lòng, tĩnh lặng như uống rượu một mình, say một mình, buông một thoáng ngày, thả bớt ưu tư.
Trầm ca dày hơn 450 trang in (có 40 trang tranh ảnh) là tập thơ khá dày dặn. Tác giả bỏ khá nhiều công sức viết ra và chăm chút cho việc in ấn để có ấn phẩm chất lượng.
Chỉ có chút băn khoăn của người viết phê bình tập thơ này là: giảm bớt đi từ ngữ của giáo lý nhà Phật và bớt đi triết lý chưa tới tầm như bài Châm tự ngôn thì đọng lại hơn.
Dù sao, tập thơ dày nhưng dễ đọc, không ngại mất thời gian khi tiếp cận điều mà thơ gửi gắm vì thơ là sự sẻ chia.
Tháng 10-2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI