Nhà thơ - Nhà giáo Hữu Chỉnh
I. Ra đi cùng hoài bão
Phút giây tạm biệt thiêng liêng sẽ là điểm khởi thủy nối
vòng tay lớn; đến với các mặt trờì bé con ở phía trời Nam mà tâm hồn đang cần sự
nuôi dưỡng của văn chương, để tất cả cùng hát “... Hồ Chí Minh kính yêu...”,
cùng ca vang bài hát Kết đoàn.
Mùa Thu năm 1972 Bộ Giáo dục có quyết định điều động một
đội ngũ khá đông đảo cán bộ, giáo viên đã có kinh nghiệm tổ chức xây dựng trường
lớp, quản lý và giảng dạy, tăng viện cho giáo dục vùng Giải phóng tại các tỉnh
phía Nam –“Đi B”. Tất cả đều mang trong hành trang của mình lời dạy của Bác Hồ:
“Non sông Việt Nam có
trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không,
chính là nhờ một phần lớn
ở công học tập của các em”.
Chẳng mấy ai biết cụm từ “Đi B” có tự bao giờ mà chỉ biết
rằng người “Đi B” là đi đảm trách sự vụ tại Tiền tuyến lớn miền Nam – nơi chiến
trận đang biến động từng giờ.
Cả nước lên đường nhộn nhịp, lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí
Minh là lực lượng xung kích trên mọi mặt trận của thời đại “ra ngõ gặp anh
hùng”.
Bao lớp cha anh trong đó có biết bao đồng nghiệp cùng nghề
dạy học vinh quang đã tình nguyện “Đi B”
Cũng như bao đối tượng thuộc diện “Đi B” khác, chẳng phân
biệt là “B ngắn” hay “B dài” mà chỉ biết trong
tiềm thức của cả người ra đi lẫn người ở lại cứ đinh ninh một nỗi: Dằng dặc, biền biệt, không hẹn
ngày về.
Tuy đang ở giai đoạn cam go nhất, nhưng rất có thể cuộc
chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc trước một đội quân chính quy hiện đại,
có tiềm lực quốc phòng hùng hậu sẽ sớm kết thúc, bởi đã qua ba lần thay đổi chiến
lược: Chiến lược chiến tranh đặc biệt;
Chiến lược chiến tranh cục bộ; Chiến lược Việt Nam hóa mà chính quyền Việt
Nam Cộng hòa ngày càng thất thế khi họ dồn tổng lực, có sự chi viện tối đa của
hải quân và không quân nước đồng minh, quyết chiếm lại thành cổ Quảng Trị trong vòng 2 tuần lễ,
nhưng đã phải hao binh, tổn tướng đến 3 tháng trời, nên thế ỷ dốc có lợi tại Hội
đàm Paris của họ bị trượt dốc thê thảm.
Ngược lại: Bên kia chiến tuyến, Quân Giải phóng ngày càng
lớn mạnh, vùng giải phóng ngày càng mở rộng, do vậy nhu cầu “Dân sinh hạnh
phúc” càng trở nên bức thiết hơn khi nào hết.
Trong đội ngũ “Đi B” lúc này của ngành Giáo dục, đã đành
là thực thi nhiệm vụ, nhưng cũng có người sẵn sàng đón nhận cơ hội để thể hiện
năng lực bản thân.
Một thầy giáo dạy Văn cấp II đã tự đánh giá: “Qua bài giảng,
mình mới chỉ truyền dạy cho học sinh những nét tinh hoa, ưu việt của những áng
văn thơ chứ thể hiện những cảm xúc, biểu cảm của cá nhân mình trước thắng
cảnh thiên nhiên, trước nhân tình thế thái… thành những tác phẩm thơ văn thì có
thể nói là không đáng kể gì. Mình đang ở ngưỡng thứ hai của cuộc đời –
Tam thập nhi lập – tuổi lập thân, lập nghiệp. Hơn lúc nào hết đây chính là mốc
thời gian xác định vị trí của cá nhân trong xã hội. Nay được ghi danh trong đội
ngũ có khác nào “Nghe Đảng khuyên bỗng thấy mình giàu”. Đi! Đi để thấy và cảm nhận.
Đành rằng mình cũng rất biết: trên khắp mọi miền đất nước
thân yêu, mỗi một ngọn núi dòng sông; mỗi một bờ tre gốc lúa; mỗi một vật dụng;
mỗi một nhành cây ngọn cỏ; từ sinh vật nhỏ nhoi như dế mèn, ve sầu đến con người
.v.v và v.v đều là đối tượng của văn học nghệ thuật và tất cả đã có “vị thế”
trên văn đàn, thi ca cùng nhạc họa. Và ai cũng biết rằng có những người cả
đời chưa một lần ra khỏi “lũy tre làng” nhưng đã
có những tác phẩm văn học được xếp vào hàng kiệt tác.
Bên cạnh đó, có những người mà tuổi đời chỉ bằng nửa thời gian của
sự kiện xảy ra trước đó, nhưng đã hiến dâng cho nhân loại tác phẩm văn học kiệt
xuất mọi thời đại.
Nhưng đó là họ, còn mình thì hy vọng có được nhiều cảm
xúc trên đường tiến bước và tại
xóm làng, thôn bản nào đó – nơi được phân công nhiệm vụ.
Trong thời gian rèn luyện ở Trường 105 thuộc Ban Thống nhất
Trung ương thì mình đã được làm bạn với chiếc gậy Trường Sơn và hiểu rằng sẽ
được nếm trải những ngày đi vắt với
sương, lút mình trong mưa ngàn gió núi đến rét thấu xương; sẽ được gặp những cô
gái thông đường mở lối cất giọng hát ngân xa; được ngắm những thú rừng hoang
dã; sẽ được cùng em nổi lửa và bên tai tiếng đàn Talư
réo rắt cùng nhịp chày cắc cum. Và biết đâu chẳng bật nên cảm xúc từ những đôi vai trần mang nặng hai khối sinh tồn
là chiếc gùi sau lưng và đứa con trước ngực. Bàn chân mình sẽ được in dấu những
nơi đâu và chấm nào trên bản đồ sẽ là “bến
đậu”! Nơi ấy có thác đổ ầm ào xen tiếng hổ gầm, voi hý; hay là nơi câu vọng cổ đổ dài giữa trời nước mênh mang,
khúc đờn ca tài tử rộn ràng giăng mắc tán dừa níu vạt áo bà ba, phơ phất khăn rằn...?
Nơi đâu cũng muốn được là quê hương thứ hai, bởi đâu cũng đất mẹ, cũng đất
lành, cũng là miền đất hứa.
Ừ, nhớ ngày cất bước ra đi vừa đúng hai tuần lễ thì Hiệp
định Paris đã được ký kết. Nhưng
ngẫm tới sự bội ước thực thi Hiệp định Geneve của 20 năm về trước mà chua xót.
Và rồi 10 năm sau, lại một lần bội ước trong vụ đánh đổi nhân mạng: Người sỹ
quan quân đội Mỹ đã được phóng thích, nhưng Nguyễn Văn Trỗi vẫn bị xử bắn mà đắng
lòng. Rồi những năm gần đây: Tuyên bố ngưng oanh kích miền Bắc, nhưng lại lén lút cho máy bay tới ném
bom. Cứ ra rả rêu rao là tấn công vào các mục tiêu quân sự, vậy mà trường học,
bệnh viện bị bom nổ tứ bề, oan hồn bị vùi sâu dưới tro tàn và đổ nát mà xương
thịt văng lên tận ngọn cây. Ôi! Chiến tranh với bao uẩn khúc cùng những mưu
toan chiến lược thì sao mà biết trước được điều gì?!
Phút chia tay cả cha, mẹ và người vợ hiền đều lặng lẽ
lánh mặt, bởi e không ngăn được đôi giọt sầu ly.
Đứa con nhỏ nhất khóc miết đòi đi theo bố; thằng anh nó
chỉ gật gật đầu; đứa lớn nhất thì trả lời lí nhí sau mỗi lời bố dặn, cứ như 2 đứa
nó hiểu tất cả. Thương các con quá chừng; chúng ngoan ngoãn mà bằng lòng với thực tại
vậy thôi chứ đã hiểu biết được là bao. Có chăng chỉ là hơn những bạn bè
cùng trang lứa bị thiệt thòi ở vùng mới giải phóng là thể hiện sự lễ phép với
ông bà, cha mẹ và có trường có lớp.
Ngày mai, nhất định mai này các con sẽ có nhiều bạn mới.
Thương lắm, nhớ nhiều, nhưng xin gửi lại tất cả! Mình sẽ
đến với các em đang khát chữ ở
một trong những miền quê mới giải phóng, cho dù trước mắt là cả một chặng đường gian khổ và hiểm nguy. Ơi các
chủ nhân tương lai của đất nước, dù các bạn đang ở đâu, sinh hoạt trong hoàn cảnh
nào thì chúng tôi sẽ đưa “ánh sáng văn hóa
cách mạng” tới, với mục đích tối thượng là quyết tâm thực hiện trọn vẹn di nguyện
của Bác Hồ kính yêu “Tôi chỉ có một mong muốn tột cùng là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc
lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Thôi tạm biệt các con, ngày về cha sẽ chăm sóc các con bù
lại những ngày xa cách –
nhà giáo Lê Hữu Chỉnh tự dặn lòng – sẽ tận tâm hết mực cho sự nghiệp vẻ vang “vì lợi ích trăm
năm”.
II. Cánh chim bằng vẫy gió
Cả dân tộc đã ca vang khúc khải hoàn. Nhu cầu của cuộc sống
không chỉ đơn thuần là
ăn, mặc. Mỗi một thực thể xã hội sẽ thỏa sức cống hiến tài trí của mình để đất nước ngày càng phồn thịnh,
rạng rỡ trên đài vinh quang, lấp lánh bản sắc văn hóa dân tộc ngàn năm văn hiến.
Cho tới nay, nhà giáo Lê Hữu Chỉnh không nhớ nổi là mình
là “cha đẻ của của bao nhiêu
đứa con tinh thần” nữa.
Thơ! Ngàn bài. Không hẳn. Văn xuôi! Cũng tầm đó. Nào có
kiểm đếm. Chỉ biết rằng từ những vần thơ ứng khẩu khi “tức cảnh
sinh tình” hoặc trong lúc giao lưu cùng bạn hữu cho đến bài thơ mang nặng tính triết lý
nhân sinh có “tầm vóc” trong tuyển tập “Ngàn năm thơ Việt”. Từ những vần thơ mộc mạc như thể
ca dao, hò vè “thân
ái nôm na” để dễ nhớ, dễ đi vào lòng độc giả ở vùng sâu xa, đến những áng thơ lay động tâm tình
được nhạc sỹ tài danh phổ nhạc. Lời ca mênh mang tượng hình, tượng sắc, như hơi thở nồng nàn của
tình đất, tình người làm say đắm tâm hồn mọi
khán thính giả.
Bao thế hệ nhà thơ, bạn yêu thơ của cao nguyên Đắk Lắk vẫn
lưu giữ hình ảnh cụ già phương
Đông có nước da hồng hào và mái tóc trắng muốt như tiên ông với giọng đọc truyền cảm ngâm ngợi bài thơ Nguyên Tiêu của Bác Hồ,
mở đầu đêm Thơ Việt
Nam tại Đắk Lắk.
Đã có ý kiến nhận xét: “Một nhà giáo, hoạt động văn hóa,
nhà báo, nhà thơ nhà văn đã quyện với nhau làm một trong con người Lê Hữu Chỉnh.
Thơ là bề nổi, văn xuôi chính
là tầng chìm trong tiềm thức ông.”
Nổi bật trên lĩnh vực văn xuôi là những tùy bút Xuân và
đã từng có đánh giá tùy bút Xuân
của ông là những trang hào sảng trước thềm năm mới, lời văn như lời hịch mang theo một tác lực hấp dẫn thôi thúc tất cả mọi người
gia nhập “đoàn quân hùng
dũng” quyết tiến lên, thi đua phấn đấu để có được một “Năm mới thắng lợi mới”.
Trong xu thế nền văn học nghệ thuật cởi mở của thời hiện
tại thì thơ, văn, nhạc, họa... đều có rất
nhiều cây bút đủ mọi lứa tuổi thuộc mọi giai tầng xã hội tham gia và đã có những thành quả mỹ mãn.
Nhưng riêng về lĩnh vực câu đối thì xem ra nhân tài còn khiêm tốn như lá mùa thu, hay nói đúng hơn
là ít người dám tham gia bởi thành công trong địa hạt này thì hầu như chỉ
là mơ ước, quá tầm với. Vậy mà
với câu đối, nhà giáo Lê Hữu Chỉnh lại gặt hái được nhiều thành công, được
nhận nhiều giải thưởng
danh giá. Đôi câu đối được ngành Văn hóa Đắk Lắk sử dụng in trên nền vải màu đỏ rực rỡ,
khung nhôm cỡ lớn, trưng bày tại Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tô đậm thêm “điểm nhấn về tài năng
xoay vần con chữ” của nhà giáo khả kính này.
Bên cạnh những thành công trên lĩnh vực văn học nghệ thuật,
thì bước đường công danh của nhà giáo Lê Hữu Chỉnh cũng khá mỹ
mãn. Từ một Tổ trưởng chuyên
môn trước ngày “xuất chinh”, Trưởng ban Giáo dục H9 (vùng kháng chiến
nay thuộc huyện Krông
Bông), Giám đốc Công ty Sách - Thiết bị trường học tỉnh và Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật
tỉnh Đắk Lắk 2 nhiệm kỳ đầu.
Dù vậy niềm hạnh phúc của nhà giáo Lê Hữu Chỉnh không chỉ
bó gọn ở đó. Ông kể: Trong
một lần đang chăm sóc người bạn đời đau yếu không tự chủ được việc gì, thì có chuông điện thoại
reo, mình nhấc máy, đầu dây bên kia là tiếng của một bé gái chừng hơn 10 tuổi, cô bé xưng tên và
“tự bạch”: Cháu là cháu nội của bà Xuân, bà
cháu là học sinh của cụ ở ngoài quê. Bà cháu bị khản giọng do mắc cảm. Được phép của bà, cháu gọi
điện đến để chúc mừng sức khỏe cụ nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam ạ!”... tự nhiên nước mắt mình trào
ra. Hạnh phúc quá. Mình đã xa
quê, xa trường, xa trò hơn 40 năm rồi. Suốt ngày hôm đó cứ nghe điện thoại chúc mừng là nước mắt lại rân rấn.
Vâng! Quan nhất thời, chức tước, danh vị rồi cũng sẽ rời
xa nó. Nhiều tác giả sẽ bị quên lãng
bởi không phải tác phẩm nào cũng trường tồn. Nhưng tiếng THẦY sẽ mãi còn bời nghề giáo dạy
học mãi mãi là nghề vinh quang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI