Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

KÝ ỨC THỜI GIAN bút ký của VÂN TRANG - CHƯ YANG SIN SỐ: 317+318 THÁNG 1&2 NĂM 2019

Chú thích ảnh: Ông Nguyễn Hữu Lượng bên phải ảnh


    
Đúng hẹn, sáng hôm sau dù trời mưa nặng hạt tôi và nhà văn Mai Khoa Thâu được cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ea H’Leo đưa đến nhà ông Nguyễn Hữu Lượng. Ngôi nhà cấp bốn xây đã lâu năm được vây quanh bằng những hàng cau cao quá mái nhà đứng khiêm tốn bên con đường không lớn lắm gần khu trung tâm thị trấn Ea Đrăng. Cổng không khóa, chỉ khép hờ, anh cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin cùng đi mở cửa mời chúng tôi vào. Trên chiếc sân lát gạch vuông kiểu Bát tràng khá rộng để rất nhiều cây cảnh, làm cho ta cảm giác như trở về làng quê của miền đồng bằng ven biển miền Trung chứ không phải ở vùng đất Cao nguyên. Đất tốt lại đang mùa mưa, cây cối xanh tươi mơn mởn, cây lộc vừng buông những chùm nụ dài đến nửa sải tay, hứa hẹn một mùa hoa đẹp. Mấy cây sung, cây si trồng trong chậu lâu năm có thế rất đẹp, khoe những chùm quả non xanh như ngầm giới thiệu chủ nhân là người sành chơi cây cảnh.
Một lát sau, chủ nhà – ông Nguyễn Hữu Lượng mới từ phía sau ngôi nhà ngang lên đón khách, ông xin lỗi vì bận chăm sóc mấy cây cảnh phía sau không biết anh em đến. Con cháu vắng hết, bà vợ cũng ra chợ chưa về… Nhìn ông tôi thấy có nét thanh tao nho nhã.
Bên ấm trà nóng, ông cho chúng tôi biết đôi nét về gia đình: các con lớn đi công tác xa, ở nhà chỉ có hai vợ chồng già. Cô vợ người xứ Thanh đảm đang, học ngành dược ra nên tạo cho ông một cái “sân sau” vững chắc, yên tâm công tác xã hội. Theo dòng thời gian, vui chuyện ông kể cho chúng tôi nghe một quãng đời “gian lao mà anh dũng” gắn với cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sau hòa bình lập lại là xây dựng vùng đất Ea H’Leo từ những ngày đầu thành lập huyện...
Bố tập kết ra Bắc năm 1954, nhà có hai anh em thay nhau giúp mẹ làm liên lạc cho cách mạng. Đầu năm 1965, ông mới hơn mười tuổi khi trong vai làm đứa bé chăn trâu, chăn vịt, có khi là cậu bé học trò... băng qua các đồn bốt kiểm soát gắt gao của giặc chuyển tài liệu cho cách mạng. Trong những chuyến đi như thế, nguy hiểm luôn rình rập đe dọa đến tính mạng, nhưng ông tin cách mạng sẽ đánh đuổi quân xâm lược để cha ở miền Bắc sớm trở về, gia đình đoàn tụ, con gặp cha – ước mơ nhỏ nhoi, thể hiện khát vọng bình dị của người Việt Nam lúc bấy giờ. Trong thời gian này, ban ngày ông là học sinh, nhưng đêm đến lại hoạt động cho cách mạng. Năm 1967 theo yêu cầu của tổ chức, ông thoát ly lên căn cứ làm giao liên kiêm bảo vệ cho Huyện ủy Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1974 ông được tổ chức điều về Khu ủy khu V học khóa đào tạo lớp bí thư xã. Cuối năm 1974 học xong ông được giữ lại trường. Đầu năm 1975 do yêu cầu công tác, ông được tăng cường lên Buôn Ma Thuột. Trên đường đi, chưa đến Buôn Ma Thuột lại nhận được lệnh tiếp quản Phú Bổn.
Thời ấy, vùng đất Ea H’Leo vừa giải phóng xong, dân còn thưa, chủ yếu là đồng bào tại chỗ bị Mĩ, Ngụy bắt nhốt trong các ấp chiến lược. Khi được giải phóng, người dân bung ra trở về buôn cũ. Ngay thị trấn Ea Đrăng lúc bấy giờ cũng chỉ có ít nhà ven quốc lộ 14, còn lại là rừng, rừng bạt ngàn. Rừng vây quanh cả khu nhà làm việc mới dựng tạm. Một đêm vào khoảng gần hai giờ sáng, trời tối đen như mực, ông ôm súng canh gác, đề phòng Furol tập kích bất ngờ. Cơ quan lúc bấy giờ, nằm sát rừng già. Đang căng mắt quan sát xung quanh, bỗng nhiên ông phát hiện đám lá cây rừng gần phía nhà bếp không gió mà rung lên nhè nhẹ bất thường. Vạt cây rung rung tiến lại gần cửa nhà bếp, ông báo động anh em trong cơ quan bật dậy ôm súng lăn xuống hào chuẩn bị chiến đấu. Nhưng thời gian chầm chậm trôi qua, mọi sự trở lại im lặng. Một lúc sau không thấy động tĩnh gì, mọi người kéo đến hỏi: “Cái gì thế”? “Tôi thấy vạt cây bên cửa bếp rung bất thường, tưởng có Fuorl tập kích nên báo động”. Mấy người cầm đèn pin đi lại vạt rừng, vạch lá cây ra xem, giật mình khi thấy... một con heo rừng trên tạ bị chó sói ăn mất mắt nằm đấy.
Rừng nhiều, thú cũng nhiều lắm, nhưng đường sá đi lại khó khăn. Lúc ấy ta tập trung thanh niên vận động tham gia các hoạt động xã hội, lao động làm đường giao thông, vệ sinh thôn buôn... Nhờ thu hút được nhiều thanh niên tham gia các hoạt đông xã hội, giữ gìn an ninh trật tự; giác ngộ họ không tham gia các hoạt động do Furol tổ chức, tiến tới bóc gỡ mạng lưới hoạt động của tổ chức phản động này trên địa bàn.
Sau một thời gian công tác, tổ chức đánh giá cao năng lực hoạt động của ông nên tháng 8 năm 1975 điều về Tỉnh đoàn công tác. Đầu năm 1977 tổ chức cử đi học tại Trường Đoàn thanh niên Trung ương khóa 3 ở Hà Nội. Tháng 12 năm 1979 kết thúc khóa, ông trở về Tỉnh đoàn Đắk Lắk. Vì yêu cầu của tổ chức, ông Nguyễn Hữu Lượng lại phải xách ba lô về lại huyện Ea H’Leo nhận công tác. Hình như có cái duyên với vùng đất Ea H’Leo nên khi ông Nguyễn Hữu Lượng trở lại được chỉ định tham gia vào Ban chấp hành Huyện ủy khóa I, nhiệm kỳ 1980 - 1982, làm Bí thư Huyện đoàn. Qua khóa II, nhiệm kỳ 1982 - 1986 tiếp tục trúng cử Ban chấp hành Huyện ủy đảm đương các chức vụ: Bí thư Huyện đoàn, Chánh Văn phòng Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo rồi Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy. Tại Đại hội Đảng bộ huyện khóa III, nhiệm kỳ 1985 - 1989, ông trúng cử vào Ban Thường vụ, giữ chức Phó bí thư, Bí thư Huyện ủy rồi bàn giao để đi học.
Nhấp thêm ngụm nước, đôi mắt hiền từ của ông hình như thoáng một chút buồn khi nói với tôi như nói với chính bản thân mình: “Hình như cái số của tôi không được học đến nơi đến chốn, toàn bị dang dở nửa chừng... Đang chăm chú học tập thì đánh đùng một cái  bị Ban tổ chức Tỉnh ủy gọi lên yêu cầu... thôi học về nhận nhiệm vụ mới. Buồn vì một lần nữa buộc phải thôi học giữa chừng thì ít, mà buồn nhiều hơn chính là tình hình cán bộ nơi trở về công tác. Nhận nhiệm vụ mới mà lòng thấy quặn đau khi quay lại Ea H’Leo để bắt tay “dọn dẹp” những tồn tại do chính đồng chí, đồng đội mình gây nên. Cả Quyền bí thư, Phó bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện… cùng bị kỷ luật một lần, tôi thấy đau lắm.
Trên cương vị Bí thư Huyện ủy, nhiều đêm thức trắng lo giải quyết công việc, sắp xếp lại bộ máy quản lý của huyện. Giống như khối u trong cơ thể con người, biết là đau nhưng cũng phải cắt. Nhưng cắt như thế nào để nó không di căn, không ảnh hưởng đến bộ phận khác của cơ thể. Và xa hơn những người đang tại chức phải nhìn thấy người đi trước bị kỷ luật mà tránh…
Nhưng cái số con người hình như xui điều này lại được điều kia, ông trời cũng rất công bằng, không để ai bị thiệt cả đôi đường. Trong khó khăn khi ấy bên ông luôn có  người vợ hiền thảo, chăm sóc tận tình, chu đáo; quan tâm từng bữa ăn, giấc ngủ để ông yên tâm dành hết tâm trí cho công việc.
“Vợ chồng là cái duyên, cái số do trời định”, câu nói này đúng với ông. Khi còn làm Bí thư Huyện đoàn, ông gặp cô gái xứ Thanh mới học xong cấp ba thi trượt đại học vào thăm chú và xin vào làm văn thư cho Huyện ủy Ea H’Leo để chờ ôn thi đại học năm sau. Hai người quen nhau rồi yêu nhau. Biết người yêu mê ngành y nên ông động viên, tạo điều kiện để cô hoàn thành ước nguyện. Năm sau người yêu thi đậu vào Trường cao đẳng Y Đà Nẵng, ông ở nhà ngoài giờ đi làm còn tranh thủ làm rẫy nuôi heo, nuôi gà gom tiền giúp người yêu học tập. Sau khi tốt nghiệp, cô trở lại xứ rừng kết hôn với chàng “Sơn Tinh” chung tình, có cuộc sống hạnh phúc cho tới nay. Mối tình đẹp của họ tôi cũng được nghe anh em cán bộ huyện kể lại.
Trở lại với công việc khi ấy, nhiều đêm ngoài các cuộc họp tận khuya, ông còn mời các đồng chí mắc khuyết điểm về nhà trao đổi riêng; phân tích cái sai, cái chưa đúng giúp họ nhận ra khuyết điểm, trung thực với Đảng, với tổ chức để làm lại cuộc đời. Khó lắm, cực lắm khi phải ngồi mổ xẻ khuyết điểm của đồng chí, đồng đội, những người từng là thủ trưởng của mình hết ngày này qua đêm khác. Sai phạm đó là bản chất hay hiện tượng nhất thời, còn có thể sửa sai được hay không? Cùng với Ban Thường vụ, cân nhắc từng việc có lý, có tình, mở ra con đường cho đồng chí của mình khắc phục, sửa chữa; nhưng phải đặt kỷ luật Đảng lên trên hết và người vi phạm phải thật sự trung thực. Họ có trung thực thì mới có cơ hội để đứng dậy làm lại cuộc đời và quả nhiên một số đồng chí bị kỷ luật thời gian ấy, sau này sửa chữa, tiến bộ vẫn được đề bạt.
Bước vào thời kỳ đổi mới, bung ra làm kinh tế, vật chất cám dỗ, nhiều cán bộ ta không tỉnh táo bị sa ngã; đó là điều hết sức đau lòng, bài học không bao giờ cũ đối với công tác cán bộ. Làm lãnh đạo không chỉ biết kỷ luật người vi phạm mà còn phải xem xét nhiều khía cạnh dẫn người ta đến phạm lỗi, từ đó xem có còn cảm hóa được hay không. Cái gì cũng phải có lý, có tình để người bị xử lý tâm phục, khẩu phục mới đủ sức răn đe người khác.
Làm Bí thư Huyện ủy vào thời điểm khó khăn nhất của huyện về công tác tổ chức, nhưng ông Nguyễn Hữu Lượng vẫn không quên các công việc khác để mang lại sự ổn định cho đời sống nhân dân. Đất Ea H’Leo đa số màu mỡ, thuận tiện phát triển nông nghiệp và cây công nghiệp. Nơi đây ngoài lúa, bắp, đậu còn có các cây cho giá trị kinh tế cao như: cà phê, tiêu, cao su... phát triển rất tốt. Cái thiếu ở đây là nước và điện, phải có nước mới phát triển trồng trọt được và có điện mới nâng cao mức sống cho nhân dân trong vùng. Truyền thống con nhà nông, trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, ông biết giá trị của những hạt nước đối với cuộc sống con người nói chung và vùng đất Ea H’Leo nói riêng. Nhiều tháng trời ông đưa các cán bộ lội khắp các cánh rừng trên địa bàn huyện để lập quy hoạch, tìm nơi đắp đập tạo nên hồ chứa nước. Hơn 13 năm trên cương vị Quyền bí thư rồi Bí thư Huyện ủy huyện Ea H’Leo (từ tháng 10/1987 đến tháng 1/2000), ông đã chỉ đạo đào đắp hơn ba chục con đập lớn nhỏ tạo nên một hệ thống hồ chứa nước rải khắp địa bàn huyện như: hồ Ea Heo, hồ Ea Ral, hồ Ea Ráng, hồ Cư Mốt... đến nay vẫn phát huy hiệu quả tốt.
Chúng tôi có lần xuống hồ Ea Đrăng, uống cà phê trên khu nhà làm nổi bên mặt hồ, mấy anh em văn nghệ sỹ thay nhau bấm máy, xuýt xoa khen hồ đẹp trước ánh sáng lung linh của các bóng điện nhiều màu sắc như từ hồ hắt lên. Một người đàn ông trung niên ngồi uống cà phê ở bàn đối diện góp chuyên: “Nhờ điện ông Lượng đấy - người ta gọi thế vì thời ông ấy làm Bí thư Huyện ủy vất vã lắm mới đưa được điện lưới Quốc gia về huyện; trong khi tỉnh chưa có kế hoạch. Giám vượt rào, Huyện ủy cho chủ trương để Ủy ban nhân dân huyện huy động vốn của dân, xin tỉnh đưa vào kế hoạch… thời ấy làm được như vậy, giỏi thật!”.  
Nghe người già nhận xét về ông Bí thư Huyện ủy hơn hai chục năm về trước làm tôi thấy bất bất ngờ và ngạc nhiên khi hiểu ra nhiều điều. Làm lãnh đạo giỏi không chỉ có cái “tâm” mà còn phải có “tầm”; cái “tầm” nhìn xa, trông rộng được đúc rút từ thực tiễn cuộc sống để phục vụ cuộc sống. Nhân dân thường phán xét rất công bằng “công”, “tội” mà những người cán bộ chủ chốt ở các địa phương đã làm qua các nhiệm kỳ để lại. Người dân không có quyền trao bằng khen, giải thưởng cho lãnh đạo; nhưng họ nhắc lại với bạn bè, con cháu qua từng sự kiện, công trình, thâm chí cả từng câu nói... cán bộ khóa trước để lại; điều ấy đã thành tượng đài trong lòng người dân, đó mới chính là niềm vinh hạnh cho cán bộ.
Ông Nguyễn Hữu Lượng bảo: “Có thực mới vực được đạo”, người xưa dạy vậy mình thấy đúng lắm và ông cùng các đồng chí của mình lập quy hoạch các vùng kinh tế cho huyện một cách khoa học, hợp lòng dân. Kết quả, kinh tế huyện trong những năm cuối thế kỷ XX có những bước tiến vượt bậc, thu nhập trung bình của huyện Ea H’Leo dẫn đầu toàn tỉnh, vượt qua cả thành phố Buôn Ma Thuột. Và ngày nay, mảnh đất hoang vu ngày xưa đã trở thành một vùng quê trù phú, công nông nghiệp cùng phát triển. Đời sống nhân dân được nâng cao dần theo năm tháng; thành tích ấy có công đóng góp không nhỏ của người Đảng viên gương mẫu – Nguyễn Hữu Lượng.
Thời gian qua đi, người bí thư năm xưa của Huyện ủy Ea H’Leo sau hơn 10 năm về tỉnh đảm nhận vị trí công tác cao hơn; khi được Đảng cho về nghỉ hưu, ông Nguyễn Hữu Lượng chọn vùng đất có cái duyên, cái tình ngày xưa để vui thú điền viên. Tấm gương của  người đảng viên, cán bộ mẫu mực, tham gia cách mạng từ năm mới hơn chục tuổi, trưởng thành qua khói lửa chiến tranh; giữ những chức vụ chủ chốt của huyện, của tỉnh trong thời kỳ đổi mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nét đẹp của người đảng viên Nguyễn Hữu Lượng - dù ở cương vị nào cũng luôn luôn được đồng chí, đồng đội quý mến, nhân dân tin yêu vì lối sống giản dị, chân tình. Và ngay cả khi đã về nghỉ hưu, người dân địa phương nơi ông từng công tác vẫn nhắc tới ông với những lời yêu mến, kính trọng. Điều đó là phần thưởng lớn nhất, niềm vinh dự cao nhất, không phải ai cũng có được như ông, người đảng viên trung kiên Nguyễn Hữu Lượng.
Mùa mưa năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI