Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019

TRỐNG ĐỒNG VẪN VỌNG ĐỀN HÙNG HÔM NAY lời bình của LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN SỐ: 320 THÁNG 4 NĂM 2019

Sổ tay Thơ

TRỐNG ĐỒNG
TRÊN ĐẤT ĐAI TRUYỀN THUYẾT

Trống đồng sau lớp đất vùi
Vẫn ban mai một mặt trời đang lên
Nét cổ sơ vẫn tươi nguyên
Khi bay vút, lại thanh mềm nét buông
Vua tôi cày cấy bên sông
Con cò lặn lội bạn cùng hôm mai
Chày khua thậm thịch đêm dài
Hội mùa trăng đã xế ngoài mái hiên
Một thời trai gái giao duyên
Chiếc vòng tay với tiếng khèn làm tin
Đêm dựng nước, sáng cánh chim
Bay trên chớp lửa hót trên núi Hùng
                *
Một thời giặc giã khôn cùng
Trống đồng giục mũi tên đồng vút lên
Sóng tung lấp lóa chiến thuyền
Sông sâu từng đã nhấn chìm giặc tan
Chiêm mùa lúa cháy thành than
Đá thương người, đá bồng con ngóng chồng
Lưỡi gươm khắc tấm gương trung
Con voi phản phúc tím dòng máu loang
Cho liền mạch đất cha ông
Mái tranh kề mái, cây chung đất dày
                *
Ơn người thợ khéo bàn tay
Ngày đêm tâm huyết dồn đầy nét hoa
Trải bao hưng phế chẳng nhòa
Nếp ăn ở với cửa nhà chiến công
Ngỡ trên mặt trống còn rung
Tiếng xa xưa vọng Đền Hùng hôm nay
Ngoài thung lúa chín như say
Kìa con chim Lạc trắng bay trên đồng
      Đền Hùng, 1978
                                                        HOÀNG HỮU
LỜI BÌNH:


Cảm xúc về thời đại các Vua Hùng đã trở thành mạch nguồn sáng tạo vô tận cho văn chương nghệ thuật. Bài thơ Trống đồng trên đất đai truyền thuyết được nhà thơ Hoàng Hữu sáng tác từ năm 1978 ngay tại Đền Hùng sau khi đất nước vừa thống nhất ba năm. Xét về thời điểm ra đời và cảm hứng tư tưởng vọng về cội nguồn của thi phẩm, điều ấy phần nào đã giúp cho người đọc hiểu được tâm tình của tác giả khi tự hào về non sông đất nước, nhất là mảnh đất thiêng liêng nơi khởi nghiệp các Vua Hùng qua hình tượng chiếc trống đồng nơi vùng đất Tổ.
Bài thơ có cấu trúc khá rõ nét, được chia thành ba phần, mỗi phần là một dấu ấn cảm xúc của tác giả qua mặt trống đồng cổ kính "sau lớp đất vùi" tưởng đã ngủ yên trong lòng núi sông thinh lặng. Ở khổ thơ thứ nhất, nhà thơ Hoàng Hữu ghi lại nỗi rung động của lòng mình về một cuộc sống tươi vui, thanh bình của thời đại các Vua Hùng qua hoa văn mặt trống "khi bay vút, lại thanh mềm nét buông". Đến khổ thứ hai gồm 10 câu thơ, vẫn điệu lục bát truyền thống, song tác giả đã chạm khắc nỗi đau về một thời lầm than của đất nước vào "buổi giặc giã khôn cùng". Khổ kết bài thơ là tấm lòng tri ân của nhà thơ đối với những nghệ nhân tài hoa đã "ngày đêm tâm huyết dồn đầy nét hoa" trên mặt trống đồng, đánh động trái tim hậu thế nhớ về thời kì "các Vua Hùng đã có công dựng nước" (Hồ Chí Minh).
Như một lẽ tự nhiên trong vô cùng tâm thức, thể thơ lục bát vẫy gọi đầy cảm hứng  để rồi mở đầu bài thơ, hình ảnh mặt trời sáng bừng lên trên mặt trống đồng Đông Sơn hơn hai ngàn năm trước. Những câu thơ lục bát dào dạt tuôn chảy một cách nhẹ nhàng, không gượng ép như thể tấm lòng nhà thơ đang rưng rưng cảm xúc khi nhìn vẻ đẹp của những nét hoa văn ghi lại trên mặt trống đồng:
Trống đồng sau lớp đất vùi
Vẫn ban mai một mặt trời đang lên
Hai câu thơ giản dị mà bật thốt đến nghẹn ngào như nỗi niềm của lớp cháu con hậu thế lần đầu gặp mặt tiền nhân sau bao nhiêu thế kỷ cách xa, vùi khuất. Người đọc dường cảm thấy nhà thơ đưa bàn tay mình chạm trên mặt trống mà thầm thì to nhỏ với cha ông. Mặt trời là tâm điểm thể hiện quan niệm về vũ trụ của người xưa ở thời đại các Vua Hùng trong buổi đầu dựng nước. Đặc biệt qua các lớp hoa văn về chim thú, thiên nhiên, ta cảm nhận được khung cảnh thanh bình, cuộc sống vua tôi hài hòa cùng nhau cày cấy bên sông,  càng gợi cho người đọc khát khao trở về quá khứ một thời vàng son tươi đẹp:
Vua tôi cày cấy bên sông
Con cò lặn lội bạn cùng hôm mai
Chày khua thậm thịch đêm dài
Hội mùa trăng đã xế ngoài mái hiên
Một thời trai gái giao duyên
Chiếc vòng tay với tiếng khèn làm tin
Đoạn thơ trữ tình được viết bằng phương thức miêu tả và tự sự nhưng lại chứa đựng một cảm xúc ngưỡng vọng đầy thành kính. Thiên nhiên và con người chan hòa, quấn quýt đã tạo nên vẻ đẹp thơ mộng như trong truyền thuyết. Tiếng chày giã gạo, câu hát đưa duyên của gái trai trong mùa lễ hội qua nét hoa văn đã được nhà thơ Hoàng Hữu cảm xúc hóa bằng một bút pháp ngôn ngữ đầy huyền ảo. Đọc đến đây, ta chợt nhớ những câu thơ tài hoa của Nguyễn Bùi Vợi giàu màu sắc huyền tích trong bài thơ Qua Thậm Thình nổi tiếng: "Trăm cô gái tựa tiên sa/ Múa chày đôi với chày ba rập rình/ Đêm đêm tiếng thậm...tiếng thình/ Cối thơm, thơm cả nghĩa tình nước non".
Vẫn mạch cảm xúc từ nét hoa văn trên mặt trống đồng, nhà thơ Hoàng Hữu không chỉ giúp người đọc hình dung khung cảnh thanh bình, thơ mộng của vua tôi buổi đầu dựng nước, mà qua các chiến thuyền và mũi tên được người nghệ nhân chạm khắc, tác giả đã bật thốt đau lòng khi nghĩ về một thời giặc giã ngoại xâm, nước non chìm trong đau thương mất mát:
Một thời giặc giã khôn cùng
Trống đồng giục mũi tên đồng vút lên
Sóng tung lấp lóa chiến thuyền
Sông sâu từng đã nhấn chìm giặc tan
Phải nói rằng, đến khổ thơ thứ hai khi viết về công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước thời đại các Vua Hùng đã giúp cho tác giả có được những câu thơ găm thật sâu vào tâm khảm người đọc. Chiến tranh hủy diệt, sự quả cảm gan dạ của thế hệ cha ông trong quá khứ đã làm nên mạch thơ đầy cảm xúc với nhiều hình tượng thơ giàu sức khám phá và lắng đọng tâm tình tác giả. Nhưng đau thương và cảm động nhất vẫn là hình ảnh ruộng đồng cháy đỏ thành than, nhất là hình ảnh người phụ nữ hóa đá đợi chồng, mong ngóng người thân trở về trong cuộc chiến tranh vệ quốc:
Chiêm mùa lúa cháy thành than
Đá thương người, đá bồng con ngóng chồng
Khổ thơ kết bài là lời tạ ơn của tác giả mà cũng của là nhân dân ta với người nghệ nhân trải suốt chiều dài lịch sử đã tạo nên biểu tượng văn hóa trống đồng bất tử. Qua thời gian hưng phế và thăng trầm của lịch sử, vẻ đẹp trong từng đường nét hoa văn còn in dấu về cuộc sống xa xưa của nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng. Sự đồng vọng từ hiện tại đến mạch ngầm quá khứ cha ông được tác giả chiêm cảm bằng vẻ đẹp ngôn từ rất trang trọng, thể hiện thái độ và tình cảm hết sức thiêng liêng:
Ơn người thợ khéo bàn tay
Ngày đêm tâm huyết dồn đầy nét hoa
Trải bao hưng phế chẳng nhòa
Nếp ăn ở với cửa nhà chiến công
Kết thúc bài thơ là hình tượng vang ngân của mặt trống đồng lịch sử. Vâng, lịch sử mãi vang ngân cùng hiện tại, chở che và đồng hành với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ta hiện nay. "Tiếng xa xưa vọng Đền Hùng hôm nay" là ý tưởng gởi gắm và cũng là hồn cốt của thi phẩm Trống đồng trên đất đai truyền thuyết.
Một bài thơ hay, dù ngắn hay dài, chí ít phải truyền tải được điệu hồn của thời đại mà tác giả đang sống đến người đọc. Sâu xa hơn, ở thi phẩm này, nhà thơ Hoàng Hữu đã đưa được mạch cảm xúc của hồn mình đến với cả quá khứ xa xưa qua hình tượng trống đồng bất tử. Hay đó cũng là tiếng vọng thiêng liêng của núi sông thời đại các Vua Hùng đồng vọng đến hôm nay? Có lẽ là tất cả. Hai chiều thời gian, hai tâm cảm giao hòa qua mặt trống đồng trên đất đai truyền thuyết, để từ đó hồn cha ông lắng đọng đến vô cùng: "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về" (Đất nước - Nguyễn Đình Thi).
                                                                          


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI