Nỗi lòng đam mê một miền đất đôi khi đến thật
tình cờ và mang lại một kết cục đầy thú vị. Mới đây, tôi đã được tận
hưởng điều đó.
Tôi đến với phố núi vào đúng hôm bế mạc Lễ hội cà phê
Buôn Ma Thuột lần thứ bảy năm 2019. Tối ấy, pháo hoa, ca nhạc nổ tung trời, người,
xe như thác đổ ngập tràn thành phố Cao Nguyên... Lần này, tôi định đi khảo sát
luôn mấy tỉnh Tây Nguyên để thu thập tư liệu, đặng viết bài cho Tạp chí Điện lực
với tư cách là cộng tác viên và cũng có ý muốn tìm gặp cô bạn gái tên Linh đang
nuôi cá lồng bè trên dòng sông Krông Knô thơ mộng. Buôn Ma Thuột đón tôi ngút
ngàn gió, cảm xúc nồng nàn đã hóa thành thơ: Chiều ấy
anh về/ Ban Mê nắng gắt/ Chỉ nghe gió quất/ Lồng lộng đại ngàn/ Nơi đâu buôn
làng/ Tìm em khắc khoải/ Phố dài hoang hoải/ Đắng giọt
Cà phê…
Nhờ sự nhiệt tình cháy bỏng của Giám đốc Sở
Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đắk Lắk, anh Nguyễn
Mạnh Hà mà tôi nhanh chóng gặp lại mấy người bạn thân thiết thời làm
nghệ thuật ở Khu Gang thép Thái Nguyên. Nhanh thật, mới ngày nào rực rỡ mà bây
giờ mọi người đã hưu cả. Phải kể đến chị Thanh Hường – Nguyên Phó Giám đốc Sở
Văn hóa - Thông tin Đắk Lắk (cũ) và cô em Hồng Nghĩa – nguyên Hiệu trưởng Trường
Chính trị Tp. Buôn Ma Thuột (Đây là hai giọng ca hàng sô lít của Đội nghệ thuật
Gang thép thời đạn bom thế kỉ 20). Gặp lại nhau, bao nhiêu kỉ niệm đất thép vọng
về. Sẽ vui hơn nếu như không có chuyện hai người thân đã khuất dạng là anh
Quang – chồng Thanh Hường và Tuyết Lan – vợ tôi. Rồi cũng đến màn ăn nhậu, cà
phê mút chỉ, quên sầu… ấn tượng nhất là bữa mọi người quây quần tại nhà Hồng
Nghĩa cùng tập bài hát về xứ sở chè búp có tựa đề “Chiều quê hương” của Nhạc sĩ
Đặng An Nguyên. Câu hát mượt mà qua giọng ca đỉnh cao Trọng Tấn, gợi nhớ, quặn
thắt lòng người: “…Thái Nguyên ơi dù đường dài cách trở/ Đồi chập trùng, mây
núi thủa nào xa/ Hương chè xanh, xanh đến mượt mà/ Về quê hương, anh về nơi đầu
suối/ giữa tươi xanh muốn hát lại đời mình/ Gió cứ thổi mà cây thì bối rối/ Mây
cứ bay mà suối vẫn đợi chờ/ Ôi! Suốt cả đời người mà như đi
trong mơ/ Ở một miền quê nửa đồng, nửa núi/ Thái Nguyên ơi! Sao mà nhớ mà thương/ Yêu tha thiết mỗi dáng chiều quê
hương…”
*
Do một trục trặc không lường trước về thủ tục
hành chính mà tôi phải phá bỏ kế hoạch
ban đầu. Và việc gặp lại cô bạn Linh cũng không thành – Linh ốm, và mệt mỏi vì chuyện bị gia
đình ép duyên nên không lên Ban Mê thăm tôi được. Nhưng nhờ những tháng năm trui
rèn bản lĩnh người làm báo ở VOV nên dù “bể mánh” tôi vẫn không chịu về tay không, tôi quyết định một mình đi Cư M’gar săn tư liệu
để
viết.
Taxi Grab đón tôi và đồ đạc lỉnh kỉnh ở khách sạn Cao
Nguyên để đưa ra bến xe liên tỉnh. Người đàn ông tôi tình cờ gặp ở bến xe Buôn
Ma Thuột có dáng mảnh và khô xác. Ông tên Sơn, gốc người Huế và hiện
đang sinh sống tại xã Quảng Tiến, huyện Cư M’ga. Kém tôi vài tuổi nhưng tháng
năm dài mưu sinh nơi đất khách quê người, lăn lộn với đất rừng,
nương rẫy đã làm ông sắt lại, gương mặt hằn nhiều nếp nhăn như dấu ấn nhọc nhằn
hiển hiện cõi người tha phương.
Phì phèo điếu thuốc trên môi, ông Sơn bảo
hôm nay ra bến xe chờ đón vợ. Khi thấy tôi
nổi máu nghề nghiệp, chụp hình, hỏi chuyện theo kiểu moi móc thông tin, ông Sơn không ngần
ngại, chuyện trò rôm rả. Ông kể vanh vách về miền đất nơi ông đang sinh sống cùng
gia đình bé nhỏ của mình. Theo ông Sơn thì huyện Cư M’gar của ông là một địa bàn đa sắc tộc, vì có người ở tất cả các địa phương
trong cả nước hội tụ về nơi đất lành. Đồng bào địa phương đa phần là người dân
tộc Êđê. Dân di cư tự do từ Bắc vô thì đủ cả: Tày, Nùng, Thái, Dao, Mán, Mường,
Sán Dìu, Kao Lan, H’Mông… Rồi đến người Chăm, Kơ Tu, Vân Kiều, Chu Ru, Chơ ro… miền Trung. Và cho đến thời
điểm hiện tại, một bộ phận dân miền núi phía Bắc vẫn tiếp tục tìm đến miền đất
này để tạo dựng cuộc sống mới và “bám rễ’ trụ lại nơi cao nguyên nắng gió, bạt
ngàn nương rẫy này. Nguyên nhân dẫn dụ người dân Bắc đến đây là
nhờ chút tiền được Nhà nước đền bù đất
làm công trình quan trọng quốc gia. Hoặc cũng có gia đình
nghèo khó nhưng có người thân ở trong này rủ rê.
Thế là quyết định làm một cuộc chia li quê cha đất tổ, khăn gói quả mướp, quấn
túm nhau lên đường vô Cư M’gar sau khi đã có người thân tiền trạm, kết nối. Vào
tới miền đất xa lạ này, họ mày mò tìm khu đất hoang, tự phát quang cây cỏ, cất nhà, xâm
canh làm nương rẫy. Việc làm ngôi nhà tạm cũng cực kì đơn giản. Sau khi được
người thân đi trước cho khoảnh đất nhỏ, mọi người xúm tay làm giúp, chỉ trong một
ngày là hình thành căn nhà mới, lợp bằng những lá tôn cũ xỉn, xin của những người
đồng hương dỡ bỏ để làm nhà mái bằng. Những người cùng dân tộc
co cụm lại thành một cộng đồng riêng để được nói tiếng mẹ đẻ nhiều hơn và sống
theo tập tục dân tộc mình.
Châm điếu thuốc mới mua lẻ, Sơn nói với tôi thành thật là
dân di cư chịu khó làm giầu,
còn người dân tộc bản địa chỉ làm cầm chừng đủ ăn theo phong cách từ ngàn xưa.
Nhờ cần cù mà mỗi năm thu hoạch năm bảy tấn tiêu, cà phê là gia đình người Bắc thu tiền
tỉ. Nhiều nhà mua ô tô loại xịn. Thậm chí ở Buôn Gia Vằm, nơi vùng sâu, vùng xa nhất huyện cũng bao nhà sắm xe con chạy rình rang.
Bây
giờ
đường sá khang trang, xe buýt, taxi chạy tối ngày trên địa bàn huyện. Tuy nhiên,
những người vô sau này vẫn chịu cảnh đất chật, người đông nên cũng không mở mang được nhiều diện tích đất canh tác. Giá đất bây giờ cũng lên
cao, khoảng 1 ha đã trồng tiêu và cà phê giá rơi vào tầm tám trăm triệu đến một
tỉ đồng. Về nguồn thu nhập chính của gia đình, anh Sơn nói anh chị nuôi hàng
trăm con dê, khi dê được khoảng 20kg trọng lượng thì xuất bán. Mỗi lần bán vài
chục con cho các chủ quán nhậu xẻ thịt, chế món ăn đặc sản. Theo thời
giá, bán dê đực thu
120.000đ/1kg. Trước đây bán giá cao hơn - tầm 250.000đ đến 300.000đ/kg hơi. Nhưng
bây giờ thường bị mấy lái buôn người Hoa ép giá, họ chỉ mua đắt nhất khoảng
60.000/kg. Dân lo lắng bán sạch nhưng anh Sơn cố giữ, còn nếu cần tiền chi
dùng, nghiến răng bán cho họ cũng chỉ tới 80.000đ/kg. Khi tôi lái câu chuyện sang tình
hình an ninh khu vực, Sơn bảo quá tốt, mấy nhóm đòi nợ theo kiểu xã hội
đen lúc trước giờ bị công an cải trang hốt sạch. Nạn nghiện hút cũng bị đẩy lùi, nhà của
dân cứ mở cửa đi tối ngày cũng không hề hấn gì.
*
Câu chuyện với Sơn thành dang dở vì xe đi
Cư M’gar tới, tôi đi.
Thực ra đây là lần đầu tiên tôi đặt chân tới miền đất heo
hút này. Theo sử sách thì Cư M’gar là tên theo tiếng Êđê, đó là theo cách gọi của bà
con Êđê với ngọn núi lửa đã
tắt ngóm từ lâu. Đây là ngọn núi nằm tại trung tâm huyện. Trước năm 1945 vùng đất này thuộc quận
Buôn Ma Thuột, tháng 8.1975 Cư M’gar hợp nhất thành huyện Buôn Hồ. Tháng 7.1977 thuộc về một
vùng huyện Ea Suop tỉnh Đắk Lắk, vì huyện Buôn Hồ
đã được tách. Huyện Cư M’gar được thành lập ngày 23/01/1984 theo
Quyết định số 15-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Một trong những tiềm năng của Cư M’gar là du lịch. Ngoài
việc có nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú
thì sự đa dạng, độc đáo về văn hóa các dân tộc sinh sống
tại đây đã trở thành thế mạnh riêng của địa phương và là sức hấp dẫn khó cưỡng
với du khách. Tuy nhiên, hoạt động này dường như vẫn đang bị bỏ ngỏ, và chỉ
dừng lại ở dạng tiềm năng mà thế mạnh chưa hề được khai thác. Nhắc đến tiềm
năng du lịch sinh thái ở Cư M’gar, người ta thường nghĩ ngay đến thắng cảnh
đồi Cư H’lâm (nằm trên tỉnh lộ 8, thuộc thị trấn Ea Pôk, cách TP. Buôn Ma Thuột
12 km), nơi đây có tổng diện tích 18,486 ha, trong đó rừng nguyên sinh chiếm đến
15,65 ha. Đặc biệt, tại khu đồi này vẫn vang vọng truyền thuyết hấp dẫn tồn tại
từ đời này sang đời khác về chuyện tình giữa nàng H’Lâm và chàng trai Y Nhai. Tháng
9.2009, đồi Cư H’lâm được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Một địa chỉ
nữa không kém phần mời gọi du khách là thác Drai Yông (theo tiếng Êđê có nghĩa
là thác Đòn Dông, nằm trên địa phận xã Ea Mnang) cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng
22km về hướng Tây Bắc). Khu thác này nằm trên dòng
suối Ea Tul chảy từ Đông sang Tây và đổ vào sông Srêpốk huyền thoại. Nơi
đây còn lưu giữ nhiều nét hoang sơ, hùng vĩ.
Sẽ là tiếc nuối tràn trề nếu ai đến Cư M’gar mà bỏ
qua cơ hội về tận nơi để chiêm ngưỡng
vẻ đẹp hùng vĩ của thác Drai Dlông (theo tiếng Êđê có nghĩa là thác cao, thuộc
địa phận của xã Ea M’droh và Quảng Hiệp). Thác này gắn liền với truyền thuyết của
người Êđê về lòng dũng cảm hy sinh để cứu người của hai anh em M’droh và
M’drach - là những tay thợ săn giỏi nhất trong buôn làng ngày ấy. Tháng
1.2004, thác Drai Dlông cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di
tích cấp quốc gia. Ngoài ra, huyện Cư M’gar còn có các di tích khác như dấu chân của Đam San trên tảng đá tại bến nước buôn Sah, xã Ea Tul, huyền
thoại đồi
núi lửa Cư M’gar (thị trấn Quảng Phú), bến nước ở xã Cư Dliê Mnông… đẹp và hấp dẫn say lòng. Đáng chú ý, ngoài những ưu đãi về tự nhiên, địa phương này hiện vẫn còn
duy trì và bảo tồn nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc bản địa.
Nhiều lễ hội, lễ cúng như: mừng lúa mới, lễ thổi tai, cúng sức khỏe, cúng bến
nước… vẫn còn phục dựng và duy trì đều đặn hằng năm. Bên cạnh đó, làng nghề dệt
thổ cẩm ở xã Cư M’gar, Ea Tul, nét độc đáo, quyến rũ bởi ẩm thực của đồng bào Êđê, Tày, Nùng… cũng là lợi thế để đẩy mạnh
du lịch phát triển, thu hút du khách. Theo nhiều người, với sự đa dạng và hấp dẫn
vốn có thì du khách phải mất nhiều ngày mới có thể tiếp cận hết cảnh đẹp và thưởng thức văn hóa đặc
sắc của Cư M’gar.
Đáng mừng là trong thời gian qua, công tác xúc tiến, quảng
bá, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch đã được các cấp lãnh đạo huyện Cư M’gar
và các nhà chuyên môn chú trọng hơn. Tuy nhiên - theo tâm sự của một cô giáo, tới
hiện thời, chưa thấy có bóng dáng nhà đầu tư
nào lai vãng tìm tới những tiềm năng thiên nhiên kì thú
nơi đây. Theo hiểu biết của tôi về lĩnh vực du lịch lữ hành thì Cư M’gar hội tụ nhiều yếu tố để phát triển du lịch sinh thái, làng nghề và
lễ hội. Nói theo các chuyên gia của ngành công nghiệp không khói thì cô gái đẹp
mĩ miều vẫn mơ màng ngủ nơi rừng sâu núi thẳm đại ngàn. Hi vọng một ngày đẹp trời, tiên nữ sẽ bừng tỉnh giấc và bung xỏa xiêm y, gọi mời du khách thập
phương về với buôn làng sông núi quê mình.
Còn nhiều chuyện tôi đã lượm lặt được ở miền
đất đa sắc tộc Cư M’gar thăm thẳm này từ
một quán dê núi rượu nồng nàn, mắm gừng thơm nghiêng đất. Biêng biêng rồi Cư
M’ga ơi. Thế cũng đủ đắm say lòng người chia xa. Hẹn nhé, lần sau say quắc cần
câu, quên nẻo về, đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ ơi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI