Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

VỀ BÀI THƠ “TẢO GIẢI” lời bình của PHẠM MINH TRỊ - CHƯ YANG SIN SỐ: 320 THÁNG 4 NĂM 2019




Bài thơ này được Bác làm trong thời kì mà Tố Hữu phải thốt lên: “Mười bốn trăng tê tái gông cùm/ Ôi, chân yếu, mắt mờ, tóc bạc/ Mà thơ bay... cánh hạc ung dung” .Thời gian này dân tộc Việt tưởng mất đi một thiên tài, nhân loại tưởng mất đi một vĩ nhân. Mười bốn tháng (từ 8.1942 đến 9.1943 Bác bị giam cầm, đọa đầy, giải tới giải lui gần 30 nhà lao của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây (Trung Quốc), Bác đã cần mẫn với nghị lực phi thường, vượt lên mọi đớn đau, khổ ải cả thể xác lẫn tinh thần để lại cho chúng ta viên ngọc quý: “NGỤC TRUNG NHẬT KÝ” đến nay ánh sáng vẫn lấp lánh mãi với thời gian và tất nhiên ánh sáng ấy là vĩnh cửu trong mỗi con tim của người dân đất Việt.
Bài thơ Tảo giải (Giải đi sớm) Bác viết bằng chữ Hán, được kết cấu thành hai phần I và II rõ ràng, phân minh, cân đối. Cả bài gồm tất thảy năm mươi sáu chữ, sáu vần. Vần của cả bài đều là vần bằng: lan, san, hàn, hồng, không, nồng. Chỉ thế mà đã thấy cái bao la, khoáng đạt của cảnh vật, cái ung dung, tự tại, làm chủ hoàn cảnh của con người. Những vần bằng cho người đọc cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát lan lan mãi trong lòng và trong không gian buổi sớm  thu lạnh ấy. Đó là cảm giác thôi, chứ kì thực Bác của chúng ta đang bị giải đi trong một buổi thu rất sớm, quá nửa đêm, rét buốt, sương sa, chân yếu, mắt mờ...
Không gian, thời gian của cả bài thơ là không gian, thời gian thực của vũ trụ. Bắt đầu từ khi âm thanh của tiếng gà gáy mới lần thứ nhất, nghĩa là còn rất sớm, thế mà Bác đã phải: “Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng” (Người đi cất bước trên đường thẳm). Ta chú ý tới hai từ chinh Bác dùng chồng lên nhau trong một câu thơ. Điều này cho người đọc cảm giác Bác bị giải đi xa, rất xa dường như không biết nơi đến là đâu, phía trước chất ngất gian khó, khổ cực, không biết chúng giải Bác đến nhà tù nào nữa, chịu những đớn đau, đọa đày nào nữa. Đêm chưa tan, đường xa thẳm không biết đích đến là đâu, lại thêm từng trận gió thu lạnh buốt cứ ập thẳng vào mặt (Nghênh diện thu phong trận trận hàn). Tiếc rằng bản dịch chưa thể hiện được hai chữ trận điệp vào nhau trong nguyên văn, do đó làm mất đi tính chất, mức độ dữ dội của sự khắc nghiệt mà Bác phải hứng chịu, và phần nào làm giảm đi tư thế mang tầm vũ trụ của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Nếu không phải là Bác có lẽ cảm giác cô độc sẽ vây quanh, bó buộc, thít chặt hết mọi suy tư, thế mà ngược lại Bác không cảm thấy cô độc mà còn thấy ấm áp, an nhiên vì có: “Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san” (Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn). Bác có trăng sao làm bạn, quả là một tâm hồn lạc quan, từ một người tù đầy đã trở thành một người thực sự tự do, đó chính là một nghị lực thép đã biến cải tình huống, thay đổi cả hoàn cảnh để vươn tới tươi sáng, đẹp đẽ, tự do. Trong đọa đày,   Bác tuyệt nhiên không nghĩ gì tới khổ ải, đớn đau. Dường như những thứ đó không vướng bận gì tới Bác, nó nằm ngoài Bác, trong Bác chỉ có trăng sao, tiếng gà gáy, tiếng gió thu thổi là những thứ của vũ trụ của sự sống, Bác duy nhất chỉ quan tâm  những điều đó mà thôi. Một ý chí, một nghị lực, một tâm hồn hiếm có ở trên đời. Thực sự Bác đã cải tạo hoàn cảnh và đem đến cho hoàn cảnh nét đẹp sáng tươi mới. Nhân đây xin bàn thêm một chút về câu thơ dịch thứ hai. Nguyên văn Bác viết: “Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san” ta chú ý từ “quần tinh” mang tính cố kết tập thể của vô số cá thể, mang tính tập thể có phạm vi rất rộng hầu như không giới hạn, nhưng bản dịch là: “chòm sao”, chòm mới thể hiện được một nhóm nhỏ, có tính phạm vi nhỏ ở trong một giới hạn nào đó, như thế đã phần nào làm mất đi mức độ thần thái trong câu thơ nguyên văn của Bác. Một bên là vô cùng nhiều vì tinh tú cùng nhau đưa trăng vượt lên khỏi đỉnh núi thu còn ở bản dịch lại là một ít ngôi sao đưa trăng vượt lên khỏi núi. Rõ ràng hai bức tranh khác xa nhau về kích cỡ, phạm vi, mức độ, tính chất. Bức tranh thứ nhất đẹp, đẹp không chỉ ở cảnh vật mà còn đẹp ở phong thái, tư thế của người vẽ ra nó. Bức tranh không những đầy tràn sức sống mà còn có sự vươn lên vượt thoát hẳn hiện thực phũ phàng của cuộc sống hiện tại, một khí thế mang tầm vũ trụ được bọc trong một tâm hồn vi tế có một không hai. Bản dịch đã làm giảm đi rất nhiều mức độ của tầm nhìn phóng khoáng, tinh anh, biện chứng và tư thế của vị lãnh tụ. Bác bao giờ chẳng thế: giản dị, phóng khoáng, bao dung, luôn luôn có tầm nhìn xa, cao, sâu, rộng, bất cứ trong tình cảnh nào cũng bật sáng một phong thái ung dung, tự tại, đường hoàng, đĩnh đạc. Đó là điều mà chúng ta và các thế hệ tiếp nối luôn học hỏi và làm theo mãi không cùng giống như mạch nguồn có khi nào vơi cạn.
Tư thế làm chủ sánh ngang vũ trụ thể hiện ngày một rõ trong phần II: “Phương đông màu trắng chuyển sang hồng/ Bóng tối đêm tàn quét sạch không/ Hơi ấm bao la trùm vũ trụ/ Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng”. Ta chú ý một chút, chinh nhân, ở phần I dịch là người đi; ở phần II, hành nhân cũng dịch là người đi. Như  vậy sẽ không phân biệt được sự khác nhau về tính chất, mức độ của đối tượng. Thực ra, từ phần I sang phần II ta thấy rõ bước chuyển của thiên nhiên vũ trụ, bước chuyển này đã làm thay đổi hẳn cả không gian thời gian. Bước chuyển ấy làm bừng sáng cả thiên nhiên. Đó là hiện thực, nhưng để có cái bừng sáng huy hoàng ấy, để có bước chuyển xoay rộng dài của vũ trụ ấy không thể thiếu tâm thức của người nhìn cảm thấu nó. Đó chính là chinh nhân và hành nhân – là NGƯỜI TÙ CỘNG SẢN VĨ ĐẠI đang bị giải đi kia. Lẽ ra, nếu nhìn vẻ ngoài thì cảnh và người đối lập nhau, song vì NGƯỜI BỊ GIẢI ĐI kia có một niềm tin sắt đá, một nghị lực phi thường nên đã hòa giao cùng thiên nhiên vũ trụ. Biến một người đang bị tù đầy, giam cầm, khổ ải mất tự do thành một người ôm trùm cả không gian, thời gian vô cùng thoải mái, tự do. Sự thật, Bác đã thổi hồn mình vào thiên nhiên đem đến cho thiên nhiên một nét mới hùng tráng và kỳ vỹ. Rõ ràng, tâm hồn Bác đã khai phóng hoàn cảnh bức bối, khắc nghiệt vì thế ở phần II, Bác không dùng chinh nhân mà dùng hành nhân. Từ chinh nhân đến hành nhân là một khoảng không gian, thời gian rộng dài mà NGƯỜI và VŨ TRỤ đã cùng đi, từ đêm tối khuya khoắt đến ánh sáng bừng khởi của bình minh rực rỡ.
“Tảo giải”, kì thực không phải là tiếng thơ đày ải mà là hành khúc trầm hùng vượt thoát của NGƯỜI TÙ CỘNG SẢN VĨ ĐẠI.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI