Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”
Chiều xuống chậm như kéo lưới,
ráng chiều đỏ ối một vùng trời. Những sợi nắng nhàn nhạt chới với giữa tầng không. Chị
V.Y.D thở dài, đôi mắt hoang hoải thả dòng suy tư của mình miết trôi vào ký ức với bao nỗi thăng trầm.
Bao ẩn ức như được tuôn theo dòng
nước mắt. Mười chín tuổi, chị tìm được bến đỗ bình
yên bên người chồng chịu thương chịu khó tại xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Những tưởng niềm vui
luôn được chắp cánh trong ngôi nhà nhỏ khi đứa con gái đầu lòng chào đời, hai vợ
chồng vui mừng đặt tên cho con là N.N.D.A.
Nhưng ông trời giỏi trêu ngươi, cái kiếp đàn bà sao lắm nỗi truân chuyên, chồng chị ra đi trong một cơn bạo
bệnh. Sau những ngày chồng mất, chị như người đắm đò, chới với giữa mênh mông
sông nước. Đang lúc chênh vênh giữa cuộc đời, người đàn ông Nguyễn Công Tuấn Bằng
đã đến và sưởi ấm trái tim chị bằng những lời hứa hẹn ngọt ngào về một tương
lai rực sáng. Chị tan mềm trong những lời hứa bọc đường và tin rằng từ nay mẹ con chị
có chỗ dựa vững chắc. Chị bồng con
theo Bằng về Huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum để xây dựng hạnh phúc. Cứ nghĩ rằng, hạnh
phúc sẽ được nối dài mãi mãi khi hai người có chung một đứa con gái. Nhưng niềm
vui của chị “ngắn chẳng tày gang”, hạnh
phúc của chị như một lâu đài bằng cát, mỏng manh dễ đổ khi Bằng hiện nguyên
hình là một tên cờ bạc, thường xuyên đánh đập chửi bới vợ
con. Không thể cam chịu mãi cảnh đọa đày,
chị đành ôm hai đứa con quay về nhà mẹ tại xã Cư Pơng, huyện Krông Búk. Chị về
nhưng luôn mang một sự sợ hãi trong lòng, sợ Bằng sẽ không
buông tha cho mẹ con chị. Sự sợ hãi đó đã đến, chiều ngày
14.12.2017, khi đang miệt mài hái cà phê, chị dừng tay bởi tiếng chuông điện
thoại dồn dập trong túi áo. Chị nghe đầu dây bên kia tiếng của người đàn ông đã
từng đầu gối tay ấp với mình mà cứ ngỡ là tiếng sét giáng vô tai: “Tao đã bắt
con bé D.A. Mày muốn gặp lại nó, sáng mai qua thành phố Plei Ku đưa cho tao một
trăm triệu đồng. Nếu mày báo công an thì
sẽ không còn cơ hội gặp lại nó nữa. Mày nghe rõ chưa?”. Chị như người bị trúng
cơn gió độc, mọi vật xung quanh chao đảo quay cuồng, cảm giác như đang rơi xuống vực thẳm.
Hoàng hôn buông tím thẫm trên thị
trấn vùng cao, gió bấc tràn về ồ ạt, bủa vây tất cả. Trước trụ sở Công an huyện
Krông Búk rừng thông vẫn hiên ngang đón từng cơn gió lạnh. Trong phòng họp, Thượng
tá Nguyễn Văn Vy – Phó trưởng Công an huyện và các đồng chí phụ trách công tác điều tra họp bàn để lên
phương án giải cứu cháu N.N.D.A. Cử Tổ Công tác gồm Thượng úy Hoàng Bá Hùng, Thiếu
úy Y Ngưu Ayun và Thiếu úy Nguyễn Hữu Quân sang Gia Lai giải cứu cháu D.A. Kết
thúc cuộc họp, Thượng tá Nguyễn Văn Vy nắm chặt tay 3 chiến sĩ của Tổ Công tác căn dặn:
“Các đồng chí cố gắng chạy đua với thời gian để đưa cháu D.A trở về an toàn càng sớm càng tốt”.
Tổ Công tác cùng chị V.Y.D lên đường
đến Gia Lai. Xe lao vút vào con đường hun hút gió. Hai bên đường, nhà nhà đã lên đèn, mọi người
quây quần bên bữa cơm gia đình. Trong thời gian mọi người được sống trong sự yên
bình và đầm ấm ấy thì với các anh, những người đã quen gió sương, gian khổ
luôn phải rong ruổi trên mọi nẻo đường, nhiều lắm những bữa cơm
cha mẹ đợi con, vợ đợi chồng, con đợi bố. Nhưng vượt lên tất cả, với trách nhiệm của người chiến
sĩ công an là phục vụ
nhân dân, các anh âm thầm, lặng lẽ để hoàn thành trọng trách của mình, đó là đem lại cuộc sống
bình yên cho nhân dân. Và cũng thật may mắn khi các anh đều có được sự thấu hiểu
của người bạn đời, sự cảm thông của gia đình.
Đêm càng về khuya càng lạnh nhưng
trong lòng của các chiến sĩ như đang có lửa. Đầu các anh căng như dây đàn với bao suy tính, bao tình
huống đặt ra trong việc giải cứu
cháu bé. Bên cạnh, tiếng chị D nấc nghẹn, tiếng khóc xé lòng lẫn trong gió buốt.
Nhìn người mẹ như hóa điên vì lo lắng cho con, trái tim của các chiến sĩ như mềm nhũn, cổ họng nghẹn
đắng. Là những người đã làm cha, các anh có thể cảm nhận được sự thiêng liêng của tình mẫu tử
cũng như thấu hiểu được nỗi đau khi người mẹ sợ mất đi đứa con bé nhỏ.
- Chúng tôi hiểu được tâm trạng của
chị lúc này, nỗi lo của chị cũng là nỗi lo của chúng tôi. Mong chị bình tĩnh để
còn phối hợp với chúng tôi khi ông Bằng gọi điện tới. Nếu để mất bình tĩnh, chỉ
cần một sơ hở nhỏ trong lúc nói chuyện với ông ta cũng sẽ làm nguy hại đến con gái. Chị
hãy tin tưởng vào chúng tôi, rồi cháu sẽ trở về an
toàn.
Dù đang vật vã từng phút vì lo
cho sự an nguy của con gái nhưng với sự quan tâm và chia sẻ của các chiến sĩ, chị phần
nào vơi đi nỗi sợ hãi. Chị cảm nhận được
sự lo lắng không riêng gì chị mang, trong lòng các chiến
sĩ cũng đang trĩu nặng lắm. Nhưng các anh đã biến nỗi lo thành hành động, dùng
khối óc và trái tim để giúp chị ứng phó với các cuộc gọi đầy chất “giang hồ” của
kẻ tống tiền, giúp chị khéo léo vỗ về đối tượng, tránh làm cho hắn bị kích động.
Chị hiểu rằng, đây là một cuộc chiến không khói súng nhưng rất căng thẳng, các
chiến sĩ phải cân não để giúp
chị đấu trí với đối tượng, không có các anh hướng dẫn thì một người đàn bà “chân chất” như chị không thể ứng phó
được với một người lọc lõi như tên Bằng.
Bình minh đã ló dạng, chuẩn bị bước
sang ngày mới nhưng Bằng vẫn chưa quyết định địa điểm để "giao dịch".
Suốt đêm quay cuồng làm theo "lệnh" của tên tội phạm, các chiến sĩ và
chị D mệt rã rời. Thêm một cuộc gọi đầy chất giang hồ khi Bằng đổi
ý không “giao dịch” ở Gia Lai nữa: “Mày đón taxi sang Kon Tum ngay. Nhớ đưa tiền
đủ, thiếu thì tao sẽ chặt tay, xẻo tai con bé. Nếu phát hiện ra có ai đi cùng
mày thì đừng bảo tao là kẻ độc ác, khi ấy có hối hận cũng không kịp nữa”. Chị
thấy rối bời, nức nở trong tiếng khóc, đầu dây bên kia tên Bằng gằn lên từng tiếng:
“Khóc cái gì, bí mật đưa tiền cho tao thì tao trả con cho”. Các chiến sĩ đã chuẩn
bị câu trả lời được ghi trên giấy cho chị: “Anh đừng làm liều, tiền nong tôi đã
chuẩn bị đủ. Nhưng tôi là đàn bà sang đây chỉ có một mình lại mang theo số tiền
lớn, tôi lo lắm, lỡ gặp cướp thì nguy. Anh nhanh cho biết địa điểm để tôi giao tiền”. Đầu dây bên kia, khi nghe chị D nói
“lỡ gặp cướp”, hắn cũng lo lắng, nếu số tiền kia chẳng may bị cướp thì bao công
sức của hắn cũng mất hết, giọng hắn chùng
xuống: “Cẩn thận nha, khoảng một giờ nữa thôi, mày sẽ được gặp con”.
Trên đường đến Kon Tum, hắn bắt
chị D đổi taxi liên tục, mỗi lần đổi phải để hắn nghe tiếng tổng đài của hãng.
Đến thành phố Kon Tum, hắn hẹn địa điểm “giao dịch” tại đập tràn thuộc xã Đắk
Ui, huyện Đắk Hà. Sau khi trao đổi, Công an huyện Đắk Hà cho biết, nơi vào đập
tràn ấy chỉ có một lối mòn đi vào, rất hiểm trở. Đứng
trong đập tràn có thể quan sát được mọi động tĩnh từ phía ngoài, khó khăn trong
việc bố trí lực lượng giải cứu cháu bé. Theo sự hướng dẫn của các chiến sĩ trong
Tổ Công tác, chị D. thuyết phục Bằng chọn địa điểm khác nhưng hắn nhất quyết
không chịu. Các chiến sĩ ra hiệu, Chị D liền chuyển điện thoại để hắn nói chuyện
trực tiếp với tài xế. Hắn dụ tài xế, chở chị D vào nơi hắn yêu cầu, hắn sẽ trả gấp đôi tiền. Nhưng tài xế nhất định
không chịu đi, vì đường vào xã Đắk Ui rất
nhiều ổ voi lại vắng vẻ, lỡ hư xe dọc đường thì không biết tìm nơi sửa ở đâu. Sau một lúc không thuyết phục được tài xế,
hắn đồng ý địa điểm “giao dịch” gần cây
xăng Thanh Phương thuộc xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà. Thế trận bao vây đã được triển
khai quanh khu vực, ở các mũi phục kích gần chị D, Tổ Công tác đã ém sẵn. Từng
phút trôi qua, mắt chị D rơm rớm và đỏ hoe trông đợi chiếc xe chở con gái mình đến. Một chiếc ô tô trắng lượn qua lượn
lại mấy vòng. Thấy chị D
ôm túi đen đứng một mình, xung quanh không có ai, chiếc xe màu trắng dừng lại, cánh cửa kính được
kéo ra. Không gian xung quanh như chững lại, tim chị D đập thình thịch, chân tay bủn rủn. Chị nói
ngắt quãng: “Con... tu...i đâu?”. “Nó ở trong này, tiền đâu?”. “Cho tui... thấy... con rồi tui
đưa… tiền”. Cửa kính phụ của xe mở ra. Bé D.A hét lên: “Mẹ ơi! Cứu con”. Mặc dù
đã được các chiến sĩ công an dặn kỹ là để cháu bé xuống xe rồi mới đưa túi màu
đen. Nhưng khi thấy con gái, chị Duyên như quên hết, vội vàng cầm túi đưa cho Bằng
và kéo cháu D. A xuống xe theo cửa kính
phụ. Khi bé D.A chưa ra khỏi xe, Bằng phát hiện túi màu đen chỉ toàn là giấy, Bằng
lồng lên như một con thú dữ. Hắn vớ lấy con dao tự chế truy sát chị D. Nhanh
như cắt, Thượng úy Hoàng Bá Hùng phục kích gần nhất lao đến để bảo vệ mẹ con chị
D. Cơn khát máu đã biến Bằng thành con thú dữ
thực sự, hắn đâm liên tiếp vào anh, vừa tránh vừa tìm cách khống chế tên Bằng,
nhưng tay không khó đánh lại với kẻ cầm hung khí. Anh bị hắn đâm ba nhát vào cánh tay phải, đứt động mạch cánh tay
phải, máu chảy lênh láng. Bị thương nhưng anh vẫn cố ngăn cản đối tượng khi hắn
vẫn quyết đâm chết chị D. Cùng lúc ấy,
Thiếu úy Y Ngưu Ayun và Thiếu úy Nguyễn Hữu Quân nhanh chóng lao đến bắt giữ
tên Bằng. Sau khi bắt giữ được tên Bằng, Thiếu úy Y Ngưu Ayun và Thiếu úy Nguyễn Hữu Quân mới biết mình
cũng bị thương vì thấy đau nhoi nhói ở tay. Người
chiến sỹ trẻ Hoàng Bá Hùng quỵ xuống vì mất máu quá nhiều. Trước khi ngã xuống, anh vẫn cố nhìn bé D.A, miệng
thì thào: “Cháu bé đã an toàn, xong
việc rồi các đồng chí à”, nói rồi, anh ngã xuống trong vòng tay đồng đội. Tiếng
xe gầm rú nhanh chóng đưa ba chiến sĩ trong Tổ Công tác đến bệnh viện cấp cứu.
Thiếu úy Y Ngưu Ayun và Thiếu úy Nguyễn Hữu Quân bị thương phần mềm. Thượng úy Hoàng Bá Hùng bị thương tật
vĩnh viễn 22%. Hiện anh đang làm thủ tục đề nghị Bộ Công an cấp giấy chứng nhận thương binh hạng
A.
Vụ án xảy ra hơn một năm nhưng
trong lòng chị V.Y.D vẫn còn nguyên sự cảm phục với các chiến sĩ công an dũng
cảm vì nước quên thân, vì dân phục vụ, dám dấn thân, không ngần ngại trước hiểm nguy, quyết tâm bảo
vệ tính mạng cho mẹ con chị. Hành động cao đẹp đó đã khắc sâu thêm
hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân trong lòng quần chúng, dám hy sinh bảo vệ bình yên cho
cuộc sống.
Bài hay, thấm đậm tính nhân văn.
Trả lờiXóa