Còn nhớ Đỗ Phủ (712 - 770), tự là Tử Mĩ, là nhà thơ hiện
thực vĩ đại trong lịch sử văn học Trung Quốc, được người đời sau coi là thi sử
và tôn là Thi thánh có nói rằng: “ngữ bất kinh nhân tử bất hưu” nghĩa là ngôn từ
(trong tác phẩm) không làm người đọc kinh sợ thì đến chết cũng không nghỉ. Như
thế đủ thấy việc chọn lựa từ ngữ, đặc biệt trong tác phẩm văn học nghệ thuật là
vô cùng quan trọng. Lại nhớ nhà văn lừng danh K. PauTopxki viết: “Trong ba tính
từ đặt bên cạnh danh từ, thế nào cũng có một tính từ chính xác hơn cả, hai
tính từ còn lại chắc chắn sẽ thua kém hơn. Bởi thế, rõ ràng là tính từ duy nhất
đó cần phải được giữ lại, còn hai từ kia thì phải gạch bỏ không thương tiếc.”
(Một mình với mùa thu). Như vậy càng thấy việc lựa chọn từ ngữ có vai trò
quyết định trong tác phẩm văn chương đến bực nào. Và một câu chuyện khác: Giả Đảo
(793-865) một nhà thơ đời Đường nhân cảnh trăng đêm trên núi nghĩ ra được hai
câu thơ: “Điểu túc trì biên thụ/ Tăng
thôi nguyệt hạ môn”. Dịch nghĩa: Chim đậu, ngủ trên cây ven ao/ Nhà sư đẩy cánh
cửa dưới trăng. Sau đó, từ xao (gõ) chợt đến trong đầu. Giả Đảo cứ phân vân
mãi, không quyết được nên chọn từ thôi (đẩy) – đã viết – hay từ xao (gõ) mới
nghĩ ra. Vừa đi vừa nghĩ miên man, miệng lẩm nhẩm thôi - xao mãi. Vô ý đụng vào
xe ngựa của quan Kinh triệu doãn (Quan cai trị kinh đô) Hàn Dũ. Sau khi biết rõ
nguyên nhân, Hàn Dũ cũng băn khoăn giữa hai chữ thôi và xao. Cuối cùng Hàn Dũ
khuyên Giả Đảo nên chọn xao vì từ xao vừa
gợi âm thanh, vừa gợi động tác, còn từ thôi chỉ gợi được động tác mà làm mất âm
thanh. Phải chăng đó là sự khổ công trong việc chọn lựa từ ngữ? Và một chuyện nữa,
chuyện Bác Hồ viết di chúc. Trong bản thảo di chúc Bác viết ngày 10.5.1969
chúng ta thấy Bác sửa chữa, gạch xóa nhiều chữ. Bác sửa đi sửa lại từ câu đến từ,
từ cách ngắt câu đến từng dấu phẩy, dấu chấm.
Tất cả những điều trên đều gợi cho chúng ta đặc biệt
những người làm công việc có dính dáng đến sử dụng ngôn từ phải suy nghĩ. Trong
đó hẳn không thể thiếu vị trí, trách nhiệm của những người GV giảng dạy Ngữ
văn.
Để đạt được sự hoàn thiện, đi tới cái đẹp của ngôn từ
đó là điều không dễ. Cái đó đòi hỏi người sử dụng phải dày công khổ luyện và
không ngừng trau dồi để làm giàu có thêm kho từ vựng của bản thân. Chỉ khi có một
vốn từ vựng nhất định thì mới biết cân nhắc, lựa chọn trong số hàng chục thậm
chí hàng trăm từ ngữ, kiểu câu có thể dùng để diễn đạt một ý nào đó, từ nào kiểu
câu nào, cách diễn đạt nào là tốt nhất, hiệu quả nhất có tính nghệ thuật nhất.
Thông thường một từ ngữ được coi là đích đáng phải thỏa
mãn các điều kiện sau: phù hợp với nội dung, mục đích, hoàn cảnh giao tiếp và
in đậm cá tính của người viết. Từ đó ta có thể tìm hiểu, xem xét và ứng dụng một
vài thao tác lựa chọn từ ngữ như sau:
Thứ nhất, người viết phải xác định rõ ràng mục đích của
văn bản, nắm vững nội dung của nó đồng thời xác định được đúng hoàn cảnh giao
tiếp. Với HS hình như chưa ý thức được điều này. Các em có một thói quen cầm
bút là viết ngay dù chưa hiểu rõ được điều mình viết là gì. Vì vậy GV cần phải
làm cho HS ý thức được thật đầy đủ điều định viết ra là gì. Một ý mà nội dung
chưa định hình, người viết chưa thấy ý đó hiện ra rõ ràng thì sao có thể lựa chọn
từ để diễn đạt cho hiệu quả. Đấy là chưa kể ý ấy với ý trước và ý sau quan hệ
thế nào thì dứt khoát việc sử dụng từ ngữ vô cùng mù mờ.
Thứ hai, thông thường khi nói, viết, ý đến thì thì từ ngữ cũng xuất hiện theo. Nghĩa là khi
trong đầu óc ta có một ý nảy sinh thì bao giờ nó cũng có một hình thức ngôn ngữ
ban đầu kèm theo. Cái ngôn ngữ ban đầu ấy ta không nên thỏa mãn mà hãy căn cứ
vào đó để huy động các từ ngữ cùng trường hoặc đồng nghĩa với nó để lựa chọn.
Ta hãy xem cách lựa chọn từ ngữ trong bản Di chúc của Bác Hồ. Bản thảo Di chúc
(viết ngày 10.5.1969) có những câu lúc đầu Bác viết “Tôi có ý định đến ngày đó,
tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để thăm hỏi đồng bào, cán bộ”; “Kế đó, tôi
sẽ thay mặt nhân dân đi thăm viếng và cảm ơn các nước anh em”; “Năm nay tôi vừa
79 tuổi… tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Điều đó cũng bình thường
thôi.” ; “Vì vậy tôi để sẵn mấy lời này phòng khi tôi phải đi gặp cụ CácMác, cụ
Lênin” Nhưng sau đó Bác đã thay các từ như sau: thăm hỏi = chúc mừng, thăm viếng = thăm, Điều đó cũng bình thường thôi =
Điều đó cũng không có gì lạ, phải = sẽ.
Rõ ràng ta không nên thỏa mãn ngay với các từ ngữ đã xuất hiện lần đầu.
Việc rất quan trong mà HS và cả chúng ta nữa hay quên đó là việc đọc lại những
cái đã viết, dù thời gian không có nhiều cũng dứt khoát phải đọc lại. Chỉ thỏa
mãn và chấp nhận khi thấy rằng không thể thay thế bằng từ, ngữ, cách viết nào
khác.
Thứ ba, người viết cần cân nhắc, so sánh từ đã dùng với
các từ đồng nghĩa, cùng trường nghĩa đã được huy động để tìm ra một từ ngữ phù
hợp nhất với các tiêu chuẩn đã đề ra, lưu ý về tính thẫm mĩ, tính chính xác của
sự biểu hiện. Một ví dụ về sự so sánh để chọn lựa một từ của nhà thơ Huy Cận (1919-2005). Trong bài thơ Thái Văn A có câu: “Vùng biển chóa sớm chiều
rám mặt/ Sao đêm khuya thánh thót dòng Ngân” ta thấy từ chóa có thể
thay bằng từ chói, nhưng từ chói chỉ nói được sự tập trung của ánh sáng phản
chiếu từ mặt biển chứ không nói được phạm vi độ rộng của nó. Dùng từ chóa vừa đảm
bảo được các yêu cầu: chính xác, bất ngờ, mới mẻ và gợi được nhiều cảm giác cho
người tiếp nhận. Hay một ví dụ khác, trong bài thơ Nhạc sầu có câu thơ ban đầu
Huy Cận viết: “Chiều đìu hiu đời rét mướt ngoài đường” ta thấy từ đìu hiu
cũng đã hay rồi vì nó phù hợp với tính sầu với độ rét mướt nhưng sau đó Huy
Cận viết lại: “Chiều mồ côi đời rét mướt ngoài đường”. Tại sao vậy? Vì từ mồ
côi vừa gợi nỗi buồn, vừa gợi cái chết lại vừa gợi sự cô đơn, lẻ loi, đơn độc
lại kèm theo cả cái cảm giác tội nghiệp
Thứ tư, nếu trong khi chọn lựa một từ ngữ đã chính xác
nhưng các tính chất khác vẫn cảm thấy chưa đắc địa, độc đáo thì có thể tìm các
từ ngữ khác vượt khỏi các từ ngữ đồng nghĩa hoặc phải nghĩ đến việc thay đổi kết
cấu câu văn. Ta hãy xét câu văn sau của học sinh: “Yêu nước, thương dân, tình
thương của Bác không hẹp hòi ở quốc gia mà Bác yêu thương cả nhân loại cần lao”. Từ hẹp hòi
trong câu văn trên không chính xác, đưa vào như thế không phù hợp, bởi từ hẹp
hòi nói về tính cách con người không có nét nghĩa giới hạn trong phạm vi hẹp.
Các từ ngữ cùng trường đồng nghĩa với hẹp hòi là giới hạn trong; bó hẹp ở; quẩn quanh trong… Nếu thay từ hẹp
hòi bằng các từ ngữ đã nêu trên liệu có được không? Giả dụ như:”Yêu nước,
thương dân, tình thương của Bác không bó hẹp ở quốc gia mà Bác còn yêu
thương cả nhân loại cần lao” . Ta thấy câu văn vẫn vụng về. Ta thử thay đổi
kết cấu câu. Có thể như sau: “Yêu nước, thương dân nhưng Bác không chỉ yêu
nước mình, thương dân mình mà còn yêu thương cả nhân loại cần lao”. Rõ ràng
cùng ý, cùng câu nhưng ta thay đổi kết cấu thì câu văn sẽ uyển chuyển hơn,
chính xác hơn khúc chiết hơn và thể hiện được lòng kính yêu đối với Bác hơn.
Một điều nữa, khi chọn lựa từ ngữ không thể không nghĩ
đến tính hệ thống của hệ thống trong toàn đoạn văn. Nghĩa là phải xem các từ đã
dùng trước nó và sẽ dùng sau nó có phù hợp với trường nghĩa hay không. Đó là
trường hợp ba từ lửa, dập, nồng mà Nguyễn Du đã dùng trong câu Lửa tâm càng
dập càng nồng. Hoặc từ mồ côi mà Huy Cận dùng đã dẫn ở trên.
Đương nhiên không phải cứ thực hiện các thao tác như
trên là viết văn hay, là phân tích, tìm hiểu cảm thụ văn sâu sắc. Bởi nó còn phụ
thuộc rất nhiều vào khả năng của mỗi người. Với chúng ta – những người giảng dạy
Ngữ văn - nếu nắm vững cũng ít nhiều bổ ích trong việc giúp đỡ học sinh dần dần
có những bài văn ưng ý. Hơn nữa, các thao tác này rất cần thiết cho mỗi người
giảng dạy Ngữ văn trong việc tìm hiểu, phát hiện ra những giá trị thẩm mĩ của
những từ ngữ trong các tác phẩm văn học mà ta mỗi ngày soạn giảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI