Chỗ giáp gianh giữa đất của người
Mông và người Tày là một rừng tre gai khá dày. Không biết ai đã trồng, chưa bao
giờ Vin hỏi người già câu ấy. Vin không bao giờ tò
mò những chuyện của quá khứ. Vin chỉ biết, hôm nay ông trưởng họ giao cho
Vin dẫn bọn con trai lên đây chặt tre về làm nhà cho chú Khế thì Vin lên
thôi. Cái nhà cho người đã khuất tuy không cần cầu kỳ quá nhưng cũng phải
che mưa che gió vài tháng chứ.
Cả bọn chặt đủ số tre cần thiết thì từ
phía lối mòn đi xuyên rừng, một tràng xì xồ phát ra. Tất nhiên là Vin hiểu
tiếng Mông rồi. Người Tày mà ở gần người Mông thì cũng tự biết tiếng Mông thôi
mà. Như những đứa trẻ chơi chung một sân thì đầu đứa nào
cũng có chấy. Vin còn biết cả chút lý lối của người Mông, chứ không phải ngu đến
nỗi im lặng mà dắt nhau về như những thằng ăn trộm. Nhưng rõ ràng là
bọn bên kia thiếu bụng. Người chết xin mấy cây tre làm nhà mà nó còn kể lể. Rằng
ông cụ nó, bà cụ nó trồng rừng tre này chứ không phải người Tày trồng. Vin dẫn cả
bọn tiến đến giáp đám người kia. Vin bập dựa lên gốc một cây tre có biểu hiện sắp
chết già nhưng cong, gióng không đều, lom khom vặn vẹo đứng dựa vào
bụi. Vin lý luận. Tao hỏi chúng mày nhá. Tre già thì mọc tre con, đất già đất có mọc
đất con không? Nếu bọn tao không chặt tre hằng năm thì bây giờ măng của chúng
mày mọc tới giữa bản tao rồi. Chúng mày giữ tre không cho bọn tao chặt nghĩa là
chúng mày có ý định chiếm đất đấy. Chúng mày chiếm được cứ chiếm thôi. Nói
xong, Vin gọi bọn kia kéo năm cây tre đẹp óng ả đi về.
Mấy thằng bên kia nói với
theo. Cái lý thằng Tày này không nghe được. Vin hiểu. Chúng
nó sẽ chuẩn bị chuyện để nói với Vin vào dịp khác. Chúng không dễ bỏ qua đâu.
Còn nói chuyện bằng dao, gậy hay nắm đấm hay bằng cái lỗ đổ cơm rượu thì còn phụ
thuộc vào khả năng của Vin và tình hình lúc ấy. Vin mặc kệ. Chuyện
ấy tính sau.
Theo vận động của nhà nước, người Tày
giờ cũng ít con rồi. Cũng theo hương ước văn minh, không để người chết trong nhà
quá ba ngày mới chôn. Tuy nhiên, cái chuyện ăn uống say sưa thì vẫn không thay
đổi mấy. Cỗ đám ma chú Khế to lắm. Gần trăm mâm rải kín hai ngày. Cái nhà mồ của
chú trông khá nổi bật so với những cái nhà khác đã quá cũ và đổ sập xuống đợi
ngày tan vào mưa nắng. Xong rượu nhưng chưa xong việc, Vin cũng cứ về nhà làm một
giấc thật đã.
Tỉnh giấc lúc trời đã bừng sáng. Bước
ra hiên, gặp ngay thằng gió nam, thấy lòng dạ cũng
hiu hiu dễ chịu. Thấy bà nội bảo gió nam thì biết, chứ Vin nào có biết gió nào
với gió nào. Mái lá cọ lợp dài trùm gần hết hiên nhà sàn, ai biết gió từ hướng
nào chui vào. Chỉ biết mát là gió nam thôi.
Tiếng bố Vin giục. Mày không
sang đám nữa à! Vin gãi đầu gãi tai. Hoặc sang nhà đám thu dọn phông bạt, bàn ghế đem trả cho
các nhà. Hoặc ngồi đây nghe ông bố lẩm bẩm tra cứu sách vở về tai tật con người
có liên quan chi đó đến ngày tháng năm sinh.
Mà tại sao không ra quán ngồi cho thoáng nhỉ. Bàn ghế
không trả nay thì mai. Mọt đã đục hết ngay đâu
mà sợ. Vin lấy lược chải tóc và thay quần áo cho tử tế rồi chỉ hai nhảy là hết
cái cầu thang. Tết xong, người ta chán rượu, quán vắng tanh. Chị chủ quán bùm
khăn kín đầu, hở hai con mắt dài dại như bà đẻ. Chị lắc đầu bảo trời vẫn rét,
chưa có bia hơi. Tiếc cái công đi bộ cả đoạn dài ra đây, Vin làm chai bia con hổ
uống tạm. Vừa được một ực thì đã thấy một đám người mặc áo chàm đứng trước mặt.
Thằng dao quắm, đứa gậy, đứa búa, đứa thì hòn đá lăm lăm. Thằng đứng trên cùng
gọi một cách xấc xược. Thằng kia, ra đây tao nói chuyện. Vin thong thả uống hết
chai bia, cài cúc áo lại ngay ngắn rồi đứng dậy bước ra, cách mấy thằng người
Mông chừng một mét thì đứng lại. Tao có một cái mồm thôi, nên tao cũng chỉ nói
chuyện được với một cái mồm. Bọn kia xì xào với nhau một phút thì đẩy một thằng thấp bé nhưng già mặt nhất hội
lên phía trước. Thằng kia sục tay vào
cái đầu bù xù như tổ bìm bịp cào sồn sột mấy cái rồi lên tiếng. Hôm nay, bọn tao đến nói với mày hai việc. Việc thứ nhất,
mày phải xin lỗi vì đã tự ý đi chặt tre mà không hỏi ai. Thứ hai là việc con
Lan. Mày không được đến rủ nó đi chơi nữa.
Con Lan sắp lấy thằng Dính này rồi, nhà nó nhận tiền cưới rồi. Vừa nói nó vừa
chỉ tay sang một thằng con trai trạc hai mươi khá là cao lớn. Nó cao hơn Vin cả
nửa gang tay đấy. Vin nhìn quanh, cả bảy thằng đều mắt một mí. Cả bảy thằng đều
có vũ khí và đều sẵn tinh thần dạy dỗ cho Vin một bài miễn phí. Thì ra, mấy cây
tre chỉ là cái cớ. Vấn đề là bọn nó sợ Vin đến tán Lan. Vin đành xuống nước.
Chú tao chết, hồn còn chưa về nhà dặn dò vợ con chúng mày đã nhắc chuyện mấy cây tre làm nhà mồ. Vậy, tao xin thay mặt
người đã chết để xin lỗi chúng mày. Còn
chuyện Lan. Tao chưa biết Lan định lấy thằng Dính. Nếu biết, tao cũng cũng
không đến nữa. Chúng mày nghĩ, vùng này hết gái đẹp rồi à? Liếc đôi dép rách thằng
Dính đang đi và cái áo chàm bạc phếch nó đang mặc, Vin quả quyết. Tao hứa. Hứa không gặp gỡ nó nữa…
Vin nằm suốt ba ngày trên đệm. Nước mắt
chảy đầy hố tai. Đau đớn và cay cú. Thế ra Lan đã có người dạm hỏi. Gái Mông là
thế. Yêu cứ yêu, thích cứ thích. Nhưng lấy ai thì phần lớn là do người lớn quyết
định. Khóc xong ba ngày là thôi. Đây là lần thứ ba Vin đau tình và khóc tình
như thế. Cả mấy lần, Vin đều thích phải những người không thể làm chủ đời mình.
Thì phải chịu thôi! Vì nhà Vin cũng rất nghèo, không thể chạy đua với
lòng tham của con người đang khoác lên người cái áo phong tục rất dày. Tục thách cưới của
người Mông vùng này có từ rất lâu đời. Cái lý của người Mông đơn giản
là mày có bỏ ra cả gia sản để cưới con tao về thì mày mới đối đãi tử tế với con
tao, mới không chà đạp, không ruồng rẫy. Thế là đua nhau, có đám vừa giỏi vừa
xinh, nhà trai phải bỏ ra cả trăm triệu tiền lễ đưa sang nhà gái. Bao năm tháng
qua đi, cái tục vẫn ở đó. Bao nhiêu đôi trai gái yêu nhau không lấy được nhau
vì người con trai quá nghèo, muốn vay tiền cưới vợ mà không ai cho vay. Bao
nhiêu đôi vợ chồng tan vỡ vì lấy nhau không có tình
yêu. Bao nhiêu đôi khi trước yêu nhau thế mà khi cưới về thì đánh chửi nhau
vì nợ nần chồng chất từ đám cưới. Thế rồi sinh ra tảo hôn, sinh ra hôn nhân cận
huyết, sinh ra bắt vợ, kéo vợ và không ít người con gái chết vì bị ép buộc lấy
người mình không yêu. Cũng không ít người phụ nữ tìm đến lá ngón chỉ vì cuộc
chung sống bất hạnh…
Mới đấy, đã trăm ngày tình
cũ, Vin lang thang suốt buổi sáng để thăm lại những kỷ niệm. Cũng cần
nói với những nơi hai đứa từng đến, từng yêu thương vài lời sau cùng chứ. Nói rằng
Vin sẽ không bao giờ cùng Lan trở lại nơi này nữa. Cỏ cây, lá hoa, dòng suối, tảng
đá, khe nước…đừng có đợi và xin xóa đi bóng dáng hai người. Như thế để mỗi lần
đi qua, Vin không phải ngại ngùng. Trên đường về, đến đúng
lối rẽ đi bản Láng của người Mông Hoa thì Vin gặp mẹ Lan đi chợ về. Con ngựa đi
tấp tểnh phía sau vì cái chân bị sưng vù. Ngựa bị đau móng sưng chân là bình
thường. Đàn bà đi chợ xa một mình không có chồng con đi cùng cũng là bình thường.
Vin, giờ đây cũng cố để bình thường khi gặp nhau thôi. Nhưng cái lưng người đàn
bà chưa đầy bốn mươi còng rạp xuống vì bao gạo quá nặng
khiến Vin không thể dửng dưng bước qua. Bao gạo ấy đáng ra là của con ngựa, nhưng
nó đau chân, nhìn ánh mắt rầu rĩ của nó, Vin biết nó đau lắm. Đau thì ráng chịu
thôi. Ai bảo mày làm ngựa. Vin cất tiếng chào người đàn bà đang cõng nặng. Nhận
ra tiếng người quen, người đàn bà vội quay nhìn, ngẩng đầu, dựa thồ gạo vào
vách núi, hồ hởi. Vin đấy à, có khỏe không, lâu không thấy đến chơi. Cô gả
con gái cho người khác rồi còn mồi chài tôi để làm gì. Tôi không thể giúp
cô đẩy cái giá của con gái cô lên cao đến nỗi cả họ nhà thằng Dính phải méo mặt đâu.
Nghĩ thế nhưng Vin không nói. Vin kêu bận bịu và hỏi cho có chuyện. Thế chồng
cô đâu? Người đàn bà lau tay vào gấu váy rồi mới vén mai tóc lẩn vào trong chiếc
khăn len đã quá cũ và nhầu nhĩ. Ối dà, nó bận uống rượu, bận say không đi chợ
đâu. Cho nó ra chợ thì nó cũng chỉ say thôi, không giúp gì mà. Vin đành họa
theo. Ừ. Say thì biết làm sao. Nhưng uống nhiều quá cũng không tốt đâu. Người
đàn bà nói như thể thanh minh với Vin. Nó uống hết con dê cái nhà nước cho rồi.
Nó cũng uống xong một nửa con Lan rồi. Nhà người ta cho bao nhiêu tiền cưới nó
uống hết bấy nhiêu. Nó còn đang định uống cả con ngựa què này đấy. Qua tháng
sau là con Lan đủ tuổi đi cán bộ đăng ký cấp giấy hôn nhân rồi,
mà tiền làm cỗ thì hết. Còn hai đứa con gái, rồi cũng trôi vào mồm nó hết
thôi. Vin giục. Cô về đi chả muộn, trưa rồi. Người đàn bà quàng hai
cái quai thồ bằng da ngựa lên lưng, hai cây cọc thồ bằng gỗ chắc bóng tì vào
hai vai, bao gạo được cẩu lên một cách chậm chạp và chính xác. Vin nhẩm tính, từ
giờ về đến bản Láng cũng cả giờ. Cô để cháu cõng đỡ một đoạn. Đằng nào cháu cũng
vào trong ấy có việc. Nói thế thôi chứ Vin chả có việc gì trong ấy cả. Người
đàn bà mừng quá vội vàng nhường cái thồ cho đứa người yêu cũ của con gái. Hai
người lũi cũi đi không nói gì cả. Lâu không cõng nặng Vin thấy ê ẩm cả người
nhưng đã trót hảo hán thì phải hảo hán cho xong chứ. Đường
thì xấu, dốc thì cao. Về gần đến cổng nhà Lan thì Vin trả lại bao gạo.
Mẹ Lan lôi lả mời Vin vào uống nước. Vin nhất định không vào. Đã khóc nhau rồi.
Khóc là để quên chuyện cũ, khóc một lần thôi và không ai khóc lại cả. Vừa ra đến
đường, một bóng áo chàm nhảy xổ ra túm ngực áo Vin. Tại sao mày dám
nuốt lời? Kèm theo câu hỏi là quả đấm thẳng vào giữa mặt. Máu
mũi Vin ộc ra. Vin đưa tay chùi máu rồi cởi cái áo đang mặc ra, vứt xuống vệ cỏ.
Mày tưởng, chỉ có mày muốn đánh nhau thôi à? Hai thằng lao vào nhau nát nhừ đám
cỏ xuân, mặt mũi bầm dập hết cả thì ông bố của Lan ở đâu về. Dáng đi khật khưỡng,
điệu bộ say mèm. Chúng mày ở đâu đến đánh nhau ở cổng nhà ông thế? Nhận ra thằng
con rể tương lai là Dính, ông vung chai cổ vũ. Giỏi quá! Con rể giỏi quá! Đánh
chết nó đi. Thằng Dính vội vàng buông tình địch ra, chỉnh chang lại áo quần rồi
ghé vai dìu ông bố vợ tương lai vào nhà. Việc này quan trọng
hơn đánh nhau mà. Vin hối hận. Tại sao mình lại đánh nhau với một thằng
tốt bụng như nó thế nhỉ? Nếu là Vin, Vin có dám vay tiền ngân hàng về để cưới
con gái của một ông nát rượu vô dụng đến thế không? Xem ra, cái thích không
bằng cái yêu ở chỗ này. Vin và Lan thích nhau. Còn Dính lại yêu Lan và muốn lấy
Lan làm vợ.
Tiếng mẹ Vin cằn nhằn ngoài máng nước.
Lại đi đánh nhau về đấy. Vào mà xem. Vin dỏng tai. Mẹ đang bảo ai vào xem mình
nhỉ? Vin nhìn qua liếp, là đôi mắt một
mí trông quen quen. Vin vờ nhắm mắt lại. Tiếng bước chân đi vào. Tiếng người ngồi
xuống sàn. Rồi cảm giác bàn tay con gái đang chạm vào gan bàn chân. Anh Vin còn
đau không? Vin mở mắt. Hóa ra cái Lý, em gái Lan. Chị em gái mà khác nhau quá. Chị dáng cao, trắng nõn. Em thấp lùn ngăm
đen. Chỉ có giọng nói và đôi mắt là một
thôi. Mà đôi mắt ấy… thì Vin rất thích soi bóng mình vào đấy. Lý ngượng nghịu.
Sao anh cứ nhìn em? Anh dậy bôi thuốc vào đi, anh Dính gửi đấy. Ờ! Em có thằng
anh rể tương lai tốt thật đấy. Đánh người xong lại mang thuốc cho xức. Vin hững
hờ cầm lấy lọ thuốc, nheo mắt nhìn Lý. Lý bối rối chào về. Nó cũng mười tám rồi
thì phải. Vin vừa bôi thuốc vừa nhăn nhó sờ lên những chỗ sưng trên khuôn mặt
và cánh tay. Tiếng mẹ Vin ở chân cầu thang tiễn khách. Cháu đi cẩn thận nhé. Trời
tối lắm đấy.
Đã tối rồi sao? Sao nhanh thế nhỉ? Vin bật dậy, vớ cái áo, vừa khoác vào
người vừa nhảy xuống cầu thang. Chạy ra cổng, bắt kịp cái dáng nhỏ bé của con
Lý đang soi đèn dò dẫm bước đi. Để anh đưa về. Trời tối nguy hiểm lắm, đường rừng
đầy rắn rết, chưa kể...Vin kịp dừng lại vì chợt nhớ đến lần đầu tiên quen Lan, cũng
ở đoạn đường vắng khuya khoắt khi Lan đi bệnh viện nuôi mẹ về bị hai thằng trộm
gỗ giở trò. Hôm ấy, không có Vin thì Lan chả biết sẽ thế nào. Con Lý sau chút lưỡng lự thì đưa cây đèn pin cho Vin. Dù đi không,
chả cõng thồ gì nặng như lúc trưa, đường
thì dài, nhưng hai đứa cũng không nói với nhau câu nào.
Về đến bãi cỏ
nát, chỗ Vin đánh nhau với Dính hồi trưa, Vin trả đèn pin cho Lý. Lý hỏi. Sao anh Vin cười? Giọng Vin chất chưởng pha chút cay đắng. Thế em muốn
anh khóc à? Anh chỉ khóc một lần thôi. Lý cúi đầu, ấp úng. Anh đừng giận chị Lan,
đừng giận bố mẹ em. Mọi thứ rồi sẽ thay đổi, như bãi cỏ này rồi sẽ xanh trở lại...Vin cắt ngang. Không. Anh cố chấp lắm, nhất định phải giận một ai đó
thì anh mới thấy người dễ chịu. Ly ngước nhìn Vin, lém lỉnh. Nếu
thế…anh Vin cứ giận cái đứa vừa bắt anh đưa về đi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI